Triển khai quy hoạch 4 phân khu gần 29.000 ha tại Khu kinh tế Vân Phong

Ngày 5/7, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, ông Nguyễn Tấn Tuân – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký 4 quyết định phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000) Khu du lịch sinh thái Đảo Hòn Lớn (phân khu 01); Khu du lịch núi Khải Lương (phân khu 2); Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn (Phân khu 3) và Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông (Phân khu 8) tại Khu kinh tế Vân Phong.

Cụ thể, Khu du lịch sinh thái Đảo Hòn Lớn (phân khu 1) có tổng diện tích khoảng 10.000 ha thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Trong đó, khu vực đất liền khoảng 4.929 ha, vùng mặt nước biển khoảng 5.071 ha để nghiên cứu khớp nối không gian.

Tính chất khu vực lập quy hoạch phân khu 1 là Khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng cao cấp, công viên cây xanh chuyên đề, vui chơi giải trí. Dân số dự báo khoảng 8.000 người (dân số quy đổi từ khách du lịch); đất xây dựng các khu chức năng khu kinh tế có quy mô khoảng 1.461 ha; Khu đất nông nghiệp và chức năng khác có quy mô khoảng 3.468 ha.

Đối với Khu du lịch núi Khải Lương (phân khu 2) có tổng diện tích khoảng 4.015 ha thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Trong đó, khu vực đất liền khoảng 1.865 ha, vùng mặt nước biển khoảng 2.150 ha.

Đây là khu vực được quy hoạch theo định hướng khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng. Dự báo dân số khoảng 5.000 người (dân số quy đổi từ khách du lịch). Cụ thể, đất xây dựng các khu chức năng khu kinh tế có quy mô khoảng 416 ha; Khu đất nông nghiệp và chức năng khác có quy mô khoảng 1.449 ha.

Cùng với đó là Trung tâm cảng biển - đô thị Đầm Môn có tổng diện tích 8.276 ha, thuộc xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh. Trong đó, khu vực đất liền khoảng 4.445 ha và 616 ha thuộc khu vực lấn biển, vùng mặt nước biển khoảng 3.831 ha.

Phân khu này được quy hoạch là khu đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, cảng biển quốc tế. Dự báo, phân khu có quy mô dân số khoảng 29.000 người, trong đó khoảng 17.000 dân số thường trú và khoảng 12.000 dân số quy đổi.

Cuối cùng là Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông có tổng diện tích khoảng 6.631 ha thuộc các xã: Vạn Thọ, Vạn Bình, Vạn Phước, Vạn Thắng, Vạn Khánh, Vạn Long của huyện Vạn Ninh.

Khánh Hòa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 4 phân khu rộng gần 29.000 ha tại Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Trung Nhân.
Khánh Hòa phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 4 phân khu rộng gần 29.000 ha tại Khu kinh tế Vân Phong. Ảnh: Trung Nhân

Phân khu này bao gồm khu vực đất liền khoảng 5.386 ha, vùng mặt nước biển khoảng 1.245 ha. Nơi đây được quy hoạch là khu đô thị, dịch vụ, tài chính, văn phòng. Dự báo, quy mô dân số khoảng 122.000 người, trong đó khoảng 107.200 dân số thường trú và khoảng 14.800 dân số quy đổi.

Mục tiêu quy hoạch Khu đô thị du lịch Cổ Mã - Tu Bông nhằm tổ chức các trung tâm dịch vụ công cộng ven biển để làm tăng giá trị chung của toàn khu vực; là khu đô thị gần kề sân bay, đáp ứng nhu cầu phát triển đa chức năng cao cấp, thương mại dịch vụ, trung tâm nghiên cứu, cảng hàng không, bến thủy phi cơ, tổ chức hội nghị hội thảo, du lịch kết hợp đô thị biển, công viên chuyên đề, du lịch cộng đồng…

Liên quan đế các quy hoạch nói trên, hồi đầu tháng 6/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã ký ban hành kế hoạch triển khai công tác xúc tiến đầu tư sau Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023.

Theo đó, có hai dự án trọng điểm và 9 dự án “khủng” được lên kế hoạch để tiến hành lựa chọn nhà đầu tư. Đáng chú ý là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (KĐT) đa năng cao cấp Đầm Môn rộng 1.000 ha, dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 2/2024 và chấp thuận nhà đầu tư vào tháng 3/2024.

Dự án đầu tư xây dựng KĐT đa năng Cổ Mã - Tu Bông khoảng 1.200 ha dự kiến lựa chọn nhà đầu tư vào tháng 5/2024 và chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 6/2024.

Ngoài ra, còn có dự án đầu tư xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf Hòn Lớn khoảng 1.600 ha dự kiến lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 8 và tháng 9/2024.

Cuối cùng là dự án khu hỗn hợp dịch vụ, du lịch cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp núi Khải Lương khoảng 400 ha. Dự án dự kiến lựa chọn nhà đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư trong tháng 8 và tháng 9/2024.

Đối với các dự án nói trên, Khánh Hòa đã có biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf Hòn Lớn – Khải Lương, vốn đầu tư 25.000 tỷ đồng của Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà.

Cùng với đó là biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư KĐT sinh thái nghỉ dưỡng suối khoáng nóng và dịch vụ phụ trợ Cổ Mã – Tu Bông, vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng của Công ty TNHH Mặt trời Phú Quốc và biên bản nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm cảng biển – đô thị Đầm Môn của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long.

Bộ GTVT nói gì về vị trí quy hoạch sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô Hà Nội?

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội về đề xuất quy hoạch cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Văn bản nêu rõ, kết quả nghiên cứu quy hoạch hệ thống cảng hàng không đã định hướng phát triển Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là cảng hàng không đầu mối của khu vực phía Bắc, Vùng Thủ đô với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm, tương đương với Cảng hàng không quốc tế Long Thành ở phía Nam và một số cảng hàng không lớn trên thế giới.

Trong đó, giai đoạn đến năm 2050 dần hình thành cảng hàng không thứ hai nhằm giảm tải và hỗ trợ hoạt động của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

“Việc hình thành Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô phù hợp với phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023”, công văn của Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Về thời điểm nghiên cứu và vai trò của Cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô, theo báo cáo của Bộ GTVT, quy hoạch hệ thống cảng hàng không được phê duyệt cũng đã giao nhiệm vụ nghiên cứu, xác định vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch dự kiến của Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô giai đoạn trước năm 2030 (dự kiến khu vực phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội).

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng vị trí, các chỉ tiêu quy hoạch cho Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô, bảo đảm tối ưu phương án tổ chức vùng trời, phương thức bay và an toàn khai thác đối các cảng hàng không (Nội Bài, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô, các cảng hàng không lân cận), trên cơ sở đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ GTVT nói gì về vị trí quy hoạch sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô Hà Nội?
TP Hà Nội muốn quy hoạch sân bay thứ 2. Ảnh minh họa: VOV

“Quá trình triển khai sẽ căn cứ kết quả nghiên cứu về vùng trời, đường bay, phương thức bay để đề xuất vai trò của cảng hàng không thứ hai cho phù hợp. Ngoài ra, quy hoạch hệ thống cảng hàng không được phê duyệt cũng đã có định hướng cảng hàng không quốc nội được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ”, theo văn bản của Bộ GTVT.

Để đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống cảng hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch, khi các hãng hàng không có nhu cầu mở các chuyến bay quốc tế thường lệ và có cơ sở hạ tầng đảm bảo, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển thành cảng hàng không quốc tế.

“Như vậy, vai trò, tính chất của Cảng hàng không thứ hai sẽ được xác định một cách linh hoạt, không chỉ phụ thuộc vào kết quả của quy hoạch”, lãnh đạo Bộ GTVT nhìn nhận.

Trường hợp UBND Thành phố Hà Nội cần sớm cụ thể hóa vị trí quy hoạch, Bộ GTVT đề nghị thành phố nghiên cứu, xem xét việc tài trợ sản phẩm quy hoạch Cảng hàng không thứ hai Vùng Thủ đô theo quy định tại khoản 2, Điều 38, Nghị định số 05/2021/NĐ-CP ngày 25/01/2021 của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.

Do tính chất quan trọng của Cảng cũng như yêu cầu cao về kỹ thuật, phía Bộ GTVT bày tỏ quan điểm công tác lập quy hoạch nên được thực hiện bởi tư vấn nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong việc tối ưu vùng trời, phương thức bay, an toàn khai thác như đã triển khai tại một số cảng hàng không tại Việt Nam.

Tỉnh Gia Lai ủy quyền phê duyệt giá đất cho UBND cấp huyện

Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long vừa ký ban hành Quyết định số 375/QĐ-UBND về việc ủy quyền quyết định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo đó, kể từ ngày 4/7/2023 đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Gia Lai ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện giúp UBND huyện trong việc tổ chức xác định giá đất.

Bên cạnh đó, UBND cấp huyện cũng được ủy quyền quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng bao gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện làm chủ tịch Hội đồng và lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm thường trực Hội đồng; lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo UBND cấp xã nơi có đất; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do UBND cấp huyện quyết định.

Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất cụ thể; giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, giám sát, việc thực hiện nội dung ủy quyền. Sở Tài chính giúp UBND tỉnh hướng dẫn UBND cấp huyện lập dự toán, sử dụng và thanh, quyết toán kinh phí tổ chức việc xác định giá đất cụ thể; đảm bảo điều kiện về tài chính thực hiện việc xác định, quyết định giá đất cụ thể; giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, giám sát, việc thực hiện nội dung ủy quyền và hướng dẫn Hội đồng cấp huyện được thành lập ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng.

Charm Boutique hotel Dalat: Dự án văn phòng và khách sạn tại Đà Lạt

Charm Boutique hotel Dalat có vị trí tại số 21 – 23 đường Lê Hồng Phong, phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dự án nằm ngay ngã ba của các tuyến đường Pasteur, Lê Hồng Phong và Triệu Việt Vương, kết nối đến các tuyến đường huyết mạch của thành phó như Trần Phú và Quốc lộ 20, thuận lợi di chuyển đến các khu vực trong thành phố Đà Lạt.

Charm Boutique hotel Dalat có tổng diện tích 2.902,21 m2, trong đó đất dùng để thực hiện xây dựng công trình là 1.160,57 m2 với tổng mức đầu tư cho dự án là 45,8 tỷ đồng. Dự án được thiết kế xây dựng bao gồm 2 phần chính là khối khách sạn và khối nhà biệt thự.

Khách sạn: Có tổng diện tích 704,17 m2, được xây dựng bao gồm 2 tầng hầm, 3 tầng nổi và 1 tầng áp mái. Tòa khách sạn sở hữu 32 phòng, có diện tích mỗi căn từ 14 – 26 m2.

Biệt thự: Bao gồm 2 khối biệt thự có diện tích lần lượt là 260 m2 và 196 m2, xây dựng với chiều cao 2 tầng. Sở hữu không gian cafe kết hợp trưng bày và khu văn phòng.

Từ dự án Charm Boutique hotel Dalat, có thể tiếp cận được đến trung tâm Đà Lạt cùng các tiện ích chỉ từ 10 – 20 phút như: Hồ Xuân Hương, dinh Bảo Đại, Thiền Viện Trúc Lâm, khu chợ Đà Lạt, trường CĐ và ĐH Đà Lạt, vườn hoa thành phố Đà Lạt, quảng trường Hồ Xuân Hương…

Phối cảnh dự án Charm Boutique hotel Dalat.
Phối cảnh dự án Charm Boutique hotel Dalat.

Chủ dự án Charm Boutique hotel Dalat là cá nhân ông Trần Kha Minh, đơn vị đầu tư và phát triển Charm Group, nhà thầu xây dựng Công ty Cổ Phần Xây dựng Phước Thành.

Dự án Charm Boutique hotel Dalat có tên pháp lý là Nhà văn phòng & khách sạn Đà Lạt, được cấp giấy phép xây dựng số 92/GPXD do Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 06/10/2020.

Theo báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường của dự án, tiến độ thực hiện dự án bao gồm 4 giai đoạn: Từ tháng 01– 08/2022 hoàn tất thủ tục cấp giấy phép môi trường; tháng 09/2022 – 02/2023 giai đoạn thi công xây dựng; tháng 04 – 07/2023 trang trí nội thất, hoàn thiện phần ngoài và hoàn tất thi công xây dựng; từ tháng 08/2023 hoàn tất và đưa vào sử dụng.

Ngày 05/07/2022, dự án Charm Boutique hotel Dalat được khởi công xây dựng bởi Charm Group và nhà thầu Phước Thành.

Ngày 16/06/2023, các đơn vị trên tổ chức lễ cất nóc cho dự án Charm Boutique hotel Dalat.