Sẽ thanh tra sai phạm loạt dự án điện mặt trời

Ngày 4/1, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023.

Tại buổi họp báo, ông Võ Đình Vinh - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận, cho biết sẽ đề xuất UBND tỉnh này thanh tra các sai phạm liên quan đến các dự án điện mặt trời trong năm 2023. Việc thanh kiểm tra được đưa ra sau khi Bộ Công thương, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố các vi phạm, tồn tại trong quá trình hoạt động đối với các dự án nói trên.

Cuối năm 2022, KTNN công bố các vi phạm trong việc việc giao đất, quy hoạch sử dụng đất tại một số dự án điện mặt trời ngàn tỉ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Theo ông Võ Đình Vinh, trước khi có kết luận của kiểm toán thì Bộ Công thương cũng đã có kết luận liên quan đến phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận. Đến nay, ngành điện lực tỉnh Ninh Thuận cũng đã có kế hoạch khắc phục những sai phạm nói trên.

Liên quan đến mô hình phát triển năng lượng tái tạo, ông Võ Đình Vinh cho rằng việc thực hiện giữa bên bán và bên mua thực hiện theo Thông tư 13 của Thủ tướng Chính phủ. Việc nghiệm thu dự án thuộc trách nhiệm ngành điện điện lực chứ không phải là Sở Công thương hay UBND tỉnh Ninh Thuận. “Sau khi có kết luận của KTNN, tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành chức năng trong đó có ngành công thương tham mưu tháo gỡ. Chúng tôi đã chủ động triển khai, lập kế hoạch kiểm tra, thanh tra mô hình này trong đó một số dự án mà Bộ Công thương, KTNN đã chỉ ra có vi phạm”, ông Vinh thông tin thêm.

Tháng 10/2022, KTNN có thông báo gửi Bộ Công thương liên quan đến chuyên đề đánh giá hiệu quả chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường tại các dự án năng lượng mặt trời ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Ninh Thuận. Qua kiểm tra, KTNN phát hiện vào năm 2017, việc phê duyệt quy mô công suất của Dự án nhà máy điện mặt trời (ĐMT) Thuận Nam 19 vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 là 49 MW (thay vì 49 MWp).

Quá trình phê duyệt bổ sung quy hoạch, theo đó xác định diện tích đất thực hiện dự án nhà ĐMT trời Phước Ninh có diện tích đất là 68,5ha, vượt 14,5ha theo quy định. Có một số dự án được phê duyệt quy hoạch có ranh giới trùng với một số quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ranh giới quy hoạch của dự án nhà máy ĐMT Phước Hữu - Điện lực 1 được phê duyệt trùng với ranh giới mỏ vật liệu san lấp có số hiệu 79A tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Dự án nhà máy ĐMT Adani Phước Minh có một phần ranh giới của dự án theo đề xuất của nhà đầu tư trùng với ranh giới dự án ĐMT BIM2; nhà máy ĐMT Thuận Nam Đức Long có một phần diện tích khoảng 16,5ha nằm trong khu quy hoạch vùng tưới của hồ Đá Đen. Hay như Dự án nhà máy ĐMT SP Infra I có ranh giới được phê duyệt bổ sung quy hoạch. Tuy nhiên, một phần ranh giới này được tỉnh Ninh Thuận quyết định chủ trương đầu tư có một phần quy hoạch phát triển tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đi ngang qua dự án…

Tỉnh Ninh Thuận sẽ thanh tra các vi phạm về điện mặt trời trong năm 2023. Ảnh H.H
Tỉnh Ninh Thuận sẽ thanh tra các vi phạm về điện mặt trời trong năm 2023. Ảnh: Tiền Phong

Liên quan đến các vi phạm về điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), Công ty Điện lực tỉnh Ninh Thuận cho biết đã có báo cáo giải trình nội dung kiến nghị của Đoàn KTNN khu vực VIII theo yêu cầu của UBND tỉnh liên quan đến việc ký các hợp đồng mua bán ĐMTMN khi chưa đầy đủ thủ tục pháp lý hoặc không đúng về trình tự thủ tục.

Theo Công ty Điện lực Ninh Thuận, hướng dẫn của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu và ký hợp đồng mua điện từ các hệ thống ĐMTMN. Trong đó, công ty không yêu cầu chủ đầu tư cung cấp giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất, phòng cháy chữa cháy, giấy phép xây dựng, mà chỉ kiểm tra chủ đầu tư đã ký bản cam kết tự chịu trách nhiệm đối với công trình xây dựng kết hợp lắp đặt ĐMTMN và có xác nhận của địa phương trước khi nghiệm thu đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện.

Khắc phục các vi phạm đã nêu, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã có văn bản báo cáo các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung hồ sơ liên quan đến các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, giấy phép kinh doanh, nhằm hoàn thiện hồ sơ pháp lý theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Đến thời điểm Đoàn KTNN khu vực VIII thực hiện kiểm tra, cơ bản các thủ tục về an toàn công trình xây dựng, phòng cháy chữa cháy đã được chủ đầu tư ĐMTMN bổ sung hoàn tất 100% hồ sơ. Riêng lĩnh vực đất đai, các chủ đầu tư cũng đã hoàn thành 100% thủ tục chuyển mục đích/đăng ký biến động đất đai sang đất nông nghiệp khác theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Thuận.

Theo Công ty Điện lực Ninh Thuận, sau khi Đoàn KTNN khu vực VIII chỉ ra các thiếu sót trong công tác phát triển ĐMTMN, công ty tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan đến công tác ký kết hợp đồng mua bán ĐMTMN khi chưa đầy đủ các hồ sơ, thủ tục pháp lý. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát lại toàn bộ các hệ thống ĐMTMN, đảm bảo hồ sơ đầy đủ theo quy định.

Bí thư Hà Nội: Đưa khu vực Đầm Bông về đúng quy hoạch công viên

Ngày 4/1, trao đổi với VietNamNet về việc vi phạm trật tự xây dựng tại khu vực Đầm Bông rộng 3,5ha bị san lấp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu quan điểm: Khu vực này được quy hoạch như thế nào thì phải đưa về đúng như vậy, chỗ nào bị lấn chiếm thì xử lý theo quy định.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, ông đã chỉ đạo quận Hoàng Mai theo tinh thần khu vực này được quy hoạch là công viên thì cứ làm đúng công viên.

Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu UBND TP và quận Hoàng Mai lập quy hoạch chi tiết và lập dự án để trình lên thành phố làm công viên ở phường Định Công.

Từ năm 2005, UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai, trong đó khu công viên hồ điều hòa có ký hiệu là A1/CXKV ở phường Định Công rộng hơn 26ha.

Tuy nhiên, do bị ‘đắp chiếu’ gần 20 năm, hàng chục ha đất quy hoạch công viên hồ điều hòa nằm đối diện khu đô thị Định Công bị lấn chiếm xây dựng thành nhà xưởng, nhà tạm.

Sai phạm nghiêm trọng nhất ở khu vực này những năm gần đây là ở khu Đầm Bông rộng khoảng 3,5ha. Trước tháng 1/2019, Đầm Bông vẫn còn mênh mông nước. Để đi được vào ‘hòn đảo’ nằm giữa đầm, người dân phải men qua cây cầu dài hàng chục mét.

Khoảng 3,5ha Đầm Bông bị san lấp. Ảnh: Vietnamnet
Khoảng 3,5ha Đầm Bông bị san lấp. Ảnh: Vietnamnet

Thời điểm đó, tình trạng đổ đất san lấp Đầm Bông làm nhà xưởng đã bắt đầu manh nha. Ven Đầm Bông ở phía đường Trần Điền đã xuất hiện lác đác nhà lợp mái tôn màu xanh. Tình trạng đổ đất lấn Đầm Bông rầm rộ hơn cả là khu vực đối diện dãy nhà xưởng cũ ở ngõ 192 Lê Trọng Tấn.

Sau khi báo VietNamNet phản ánh tình trạng san lấp Đầm Bông, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh có văn bản giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai kiểm tra làm rõ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường cùng quận Hoàng Mai kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm ở Đầm Bông (nếu có); báo cáo Thành ủy, UBND TP trước ngày 31/12/2022.

Chiều 3/1/2023, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, cơ quan này đã báo cáo về tình hình trật tự xây dựng ở phường Định Công lên Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì, xây dựng báo cáo gửi UBND TP Hà Nội. Đồng thời yêu cầu văn phòng quận này thông tin sự việc cho báo chí.

Loạt giải pháp xây 1 triệu căn nhà ở xã hội, dân rộng cửa mua nhà

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/1, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết có hai nguồn lực phát triển nhà ở xã hội. Nguồn đầu tiên từ ngân sách nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến nay, ngân sách đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội gần 3.163 tỷ đồng.

Nguồn thứ hai được xác định theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022 và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội huy động bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, có bảo lãnh của Chính phủ với 15 nghìn tỷ đồng.

Số liệu thống kê cho thấy, từ hai nguồn này, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay 9.994 tỷ đồng, cho 27.894 khách hàng vay để mua nhà ở xã hội. Trong số dư nợ trên có 3.717 tỷ đồng thuộc chương trình phục hồi, với số lượng 9.527 khách hàng.

Cùng với đó là sử dụng nguồn của các ngân hàng thương mại cho vay, nhưng có cơ chế ưu đãi của Nhà nước. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, phần này các bộ, ngành chức năng đang xem xét việc cấp bù phần ưu đãi cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiện chưa có tiền và chưa hoàn thiện cơ chế, nhưng các ngân hàng thương mại đang rất sẵn sàng.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, có nguồn ngân hàng thương mại cho vay những lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ người dân mang tính chất thương mại nhưng giá rẻ, trực tiếp phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

"Đây cũng là một trong những chủ trương nhiều năm qua, đặc biệt trong năm 2022 và năm 2023. Ngân hàng Nhà nước vẫn xác định đây là đối tượng khuyến khích và đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung cho vay", ông Tú nói.

Cũng liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang chật vật với những thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; không ít doanh nghiệp có "đốc" nhưng cũng không được cấp phép xây dựng và phải chờ đợi rất lâu.

Theo Thứ trưởng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy đầu tư các dự án nhà ở nói chung, trong đó có các dự án nhà ở xã hội, qua đó nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Thứ nhất, sửa đổi các quy định pháp luật, trong đó Chính phủ đã sửa đổi một số điều tại Nghị định 100 về đầu tư phát triển nhà ở xã hội; Nghị định 49 cũng đã sửa đổi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, làm rõ các quy định theo hướng dễ thực hiện.

Tại Nghị định 49 năm 2021, Chính phủ cũng đã quy định các trình tự thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Theo đó, một dự án đầu tư nhà ở xã hội gồm 3 bước. Một là chuẩn bị đầu tư gồm các thủ tục liên quan đến việc dành quỹ đất, giao đất, tính tiền sử dụng đất; các vấn đề thủ tục trình tự đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cũng như các bước liên quan đến phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án. Bước hai là thực hiện các dự án đầu tư và bước ba liên quan đến kết thúc nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Cũng theo ông Sinh, thời gian qua Chính phủ cũng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tại thông báo Kết luận số 242 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ của các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương phải tích cực triển khai thực hiện các dự án nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

“Hiện nay theo các quy định pháp luật, việc thực hiện dự án đầu tư này đã được phân cấp và giao cho các địa phương toàn quyền quyết định thực hiện các thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội” – ông Sinh nói.

Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, liên quan đến nhà ở xã hội, có Nghị định 100, Nghị định 49 tháo gỡ cho các địa phương cũng như các chủ đầu tư nhà ở xã hội, cho cả người mua, cho cả các tổ chức tín dụng.

Vừa qua, Chính phủ có chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, đưa ra một số giải pháp then chốt, quyết định để xây dựng đúng tiến độ 1 triệu căn nhà ở xã hội.

"Xây dựng nhà ở xã hội thì quỹ đất rất quan trọng và quỹ đất là phải gắn với hạ tầng xã hội. Quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp phải quy hoạch phải đồng bộ, có hạ tầng và kèm theo đó là các giải pháp như vấn đề đền bù, vấn đề lãi suất cho cả nhà đầu tư, cho cả người mua", theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn.

Hortensia Villas: Dự án khu biệt thự tại Đà Lạt mở bán với mức giá giao động từ 30 – 35 tỷ đồng/căn

Hortensia Villas có vị trí tọa lạc tại đường Gio An, phường 5, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Dự án nằm cạnh tuyến đường Hoàng Văn Thụ, nối liền đến trung tâm thành phố Đà Lạt và nằm cách tuyến Quốc lộ 20 chỉ 3 km, thuận lợi cho việc di chuyển đến các khu vực trong vùng và lân cận.

Hortensia Villas có tổng diện tích 4.830,97 m2, được thiết kế xây dựng với mô hình biệt thự. Cung cấp ra thị trường 15 sản phẩm, bao gồm 4 mẫu biệt thự: Emerald Villa, Ruby Villa, Sapphire Villa, Topaz Villa với diện tích lớn từ 201-361 m2.

Phối cảnh biệt thự tại dự án Hortensia Villas
Phối cảnh biệt thự tại dự án Hortensia Villas.

Các sản phẩm biệt thự tại dự án Hortensia Villas được xây dựng với chiều có từ 3-4 tầng và 1 tầng hầm. Mỗi căn sở hữu 4 phòng ngủ hướng hồ và rừng thông, cùng khu vực nhà bếp, phòng giặt được bố trí tách biệt với phòng ăn, phòng khách.

Dự án Hortensia Villas sở hữu hệ thống tiện ích được bao quanh bởi khu vườn hoa ôn đới rộng tới 200 m2, đường giao thông nội bộ, vỉa hè, điện đường chiếu sáng… Bên cạnh đó dự án còn sở hữu hệ thống tiện ích của thành phố Đà Lạt, là các tiện ích về hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, y tế, giáo dục.

Chủ đầu tư dự án Hortensia Villas Đà Lạt là Công ty Cổ phần Đầu tư Kiến Vàng, được thành lập ngày 06/04/2012, đặt trụ sở tại 114 Nguyễn Văn Hưởng, Phường Thảo Điền, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Các sản phẩm tại dự án Hortensia Villas được mở bán với mức giá giao động từ 30 – 35 tỷ đồng/căn.