Hà Nội nêu định hướng hai thành phố trực thuộc thủ đô

UBND thành phố Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Theo tờ trình, thành phố sẽ có nhiều nội dung trong định hướng phát triển không gian toàn đô thị với đô thị trung tâm; thành phố phía tây và các đô thị vệ tinh; các thị trấn sinh thái…

Riêng về thành phố phía tây, tờ trình của UBND thành phố nêu, phạm vi nghiên cứu bao gồm đô thị Hòa Lạc và đô thị Xuân Mai, nghiên cứu phát triển mở rộng ra đến sông Tích, sông Bùi, là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với hướng hiện đại, sinh thái, cao - thấp tầng.

Cụ thể, thành phố có quy mô khoảng 251 km2, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Đất xây dựng đô thị khoảng 135 km2, dân số khoảng 1,08 triệu người. Khu vực ngoại thị khoảng 116 km2, dân số khoảng 0,12 triệu người. Tính chất là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo.

Thành phố định hướng đô thị Hòa Lạc là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao; là thành phố của những trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, trung tâm thí nghiệm, nhấn mạnh công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đi cùng các chính sách hỗ trợ ưu tiên thu hút nhân lực chất lượng cao và doanh nghiệp đến làm việc và sinh sống.

Đô thị Xuân Mai là trung tâm giáo dục, nghiên cứu và các dịch vụ hỗ trợ giáo dục như trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, trung tâm hỗ trợ nghiên cứu, lab cộng đồng, trung tâm dịch vụ… Một phần thành phố dự kiến phát triển trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh hóa phẩm phục vụ cho Hà Nội, khu vực vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Trung du và miền núi phía bắc.

Cùng với đó, sẽ hình thành đô thị thông minh, là thành phố khoa học, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, tiếp thu trình độ khoa học và công nghệ quốc tế, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Một góc của khu vực Hoà Lạc, nơi được định hướng xây dựng thành phố trực thuộc Thủ đô. Ảnh minh họa: Tạp chí Công thương
Một góc của khu vực Hoà Lạc, nơi được định hướng xây dựng thành phố trực thuộc Thủ đô. Ảnh minh họa

Các đô thị vệ tinh trong khu vực gồm Sơn Tây (đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng) và Phú Xuyên (đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa).

Thành phố phía bắc (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) nghiên cứu định hướng với chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài, hành lang kinh tế quốc gia gắn với trục động lực phát triển Nhật Tân - Nội Bài; tính chất, chức năng chính là đô thị thông minh. Một số khu vực được phép phát triển cao tầng, hiện đại, xanh, kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích Cổ La, sông Thiếp…

Tổng diện tích thành phố khoảng 633 km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh. Quy mô dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người, bao gồm đất xây dựng đô thị khoảng 385 km2, dân số khoảng 2,92 triệu người; khu vực ngoại thị khoảng 248 km2, dân số khoảng 0,33 triệu người. Tính chất là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế, gồm 45 phường và 24 xã.

Vị trí đề xuất trung tâm thành phố, dự kiến tại khu vực phía nam Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có vị trí thuận lợi gần các trung tâm lớn như Smart City, TT Hội chợ triển lãm quốc gia, khu di tích Cổ Loa…

Thành phố dự kiến khai thác lợi thế Sân bay quốc tế Nội Bài, tạo dựng hình ảnh đô thị mới hiện đại phía bắc sông Hồng gắn với dịch vụ cấp vùng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các khu công nghiệp thành một khu vực phát triển thương mại, logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế…

Khởi tố vụ án sạt lở taluy khiến 2 người tử vong ở Đà Lạt

Ngày 2/7, đại tá Trần Vĩnh Phú, Trưởng Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, xác nhận Cơ quan CSĐT Công an TP đã khởi tố vụ án để điều tra hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn phường 10.

Theo đại tá Phú, ngay sau khi xảy ra sự việc, được sự chỉ đạo của giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cơ quan vào cuộc, xác định có dấu hiệu vi phạm, nên đã chỉ đạo Cơ quan CSĐT tập trung xác minh, điều tra.

"Sau hơn 3 ngày quyết liệt điều tra, Công an TP Đà Lạt xác định được dấu hiệu phạm tội, nên đã khởi tố vụ án để điều tra theo quy định của pháp luật", thượng tá Phú nói.

Trong 3 ngày qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Lạt triệu tập khoảng 20 người liên quan vụ sạt lở đến làm việc, đồng thời tổ chức khám nghiệm hiện trường, thu thập các tài liệu các lô đất đã xây dựng bờ kè taluy và đang đổ đất tạo mặt bằng; các giấy tờ liên quan đến cấp phép xây dựng, khảo sát, thiết kế, thẩm định, giám sát và thi công… để làm rõ các sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, khoảng 2h ngày 29/6, tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (nối với đường Khe Sanh) phường 10, TP Đà Lạt, vụ sạt lở xảy ra khiến 7 người gặp nạn.

Thời điểm trên, bờ taluy của công trình đang xây dựng cao khoảng 30 m bất ngờ đổ sập, hàng chục khối đất đá, bê tông tràn xuống phía dưới làm 3 căn nhà hư hại. Hiện trường sạt lở rộng khoảng 3.000 m2, có độ sâu 3-5 m.

Vụ sạt lở đã vùi lấp hoàn toàn căn biệt thự rộng khoảng 100 m2 sắp hoàn thiện, một số căn nhà khác hư hại nặng. Có 7 người bị vùi lấp sau vụ sạt lở, lực lượng cứu hộ đã cứu 5 người, còn 2 vợ chồng tử vong.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, vị trí sạt lở là công trình taluy chắn đất có tổng chiều dài hơn 380 m, kết cấu bê tông cốt thép kết hợp hệ cọc vây 2 lớp D400. Bờ taluy trên được xây dựng trên 4 thửa đất với 4 giấy phép xây dựng khác nhau.

Hiện trường vụ sạt lở đất. Ảnh: Tiền Phong
Hiện trường vụ sạt lở đất. Ảnh: Tiền Phong

Về nguyên nhân, lãnh đạo Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết ban đầu xác định thời gian gần đây, tại khu vực TP Đà Lạt mưa liên tục, lưu lượng mưa lớn.

Tại vị trí xảy ra sạt lở, chủ đầu tư đang triển khai công tác đắp đất để tạo mặt bằng thi công; mưa nhiều khiến lượng nước thấm xuống đất lớn cộng với khối lượng đất đắp sau lưng tường chắn lớn làm gia tăng áp lực lên taluy, gây mất khả năng chịu lực dẫn đến sạt lở taluy bê tông chắn đất, gây sạt lở đất và sụp đổ công trình.

Ngay sau vụ sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan, UBND TP Đà Lạt khẩn trương kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy phép xây dựng công trình (nơi xảy ra vụ sạt lở); kiểm tra, đánh giá hồ sơ thiết kế, kết cấu công trình và toàn bộ quá trình thi công theo giấy phép được cấp; kiểm tra công tác giám sát thi công công trình theo giấy phép được cấp...

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Dương Trung Hữu, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt, để kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người này và các tập thể, cá nhân liên quan trong việc cấp giấp phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực nêu trên.

Liên quan vụ sạt lở, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt yêu cầu thủ trưởng các cơ quan liên quan quán triệt cán bộ, công chức, viên chức không rời thành phố, nghiêm túc chấp hành yêu cầu triệu tập của cơ quan điều tra, kể cả ngoài giờ, thứ 7 và chủ nhật cho đến khi kết thúc cuộc điều tra các nội dung liên quan đến vụ sạt lở.

Người đứng đầu TP Đà Lạt đề nghị đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu.

Phòng quản lý đô thị được giao làm việc với UBND phường 10 kiểm tra, rà soát đánh giá sự phù hợp trong quá trình thẩm định, tham mưu cấp 4 giấy phép xây dựng và quá trình quản lý sau cấp phép của các đơn vị liên quan tại khu vực xảy ra sạt lở.

Đây cũng là cơ sở xác định trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực xây dựng, đồng thời xác định trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty CP xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng và đơn vị thẩm tra bản vẽ thiết kế là Công ty TNHH Hà Phát Thịnh cùng các đơn vị thi công, giám sát.

Cà Mau kiến nghị xây kè chống sạt lở dài hơn 15km

Ngày 2/7, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau, UBND tỉnh này vừa trả lời kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ VIII, HĐND tỉnh khóa X.

Theo đó, về việc đầu tư kè chống sạt lở đối với khu vực từ cửa Bồ Đề đến cửa Hố Gùi, UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đã được tỉnh quan tâm đầu tư với chiều dài 5km (thuộc Tiểu dự án Xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển vùng ĐBSCL (Tiểu dự án 1), Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL - ICRSL).

Riêng, khu vực từ cửa Bồ Đề đến cửa Hóc Năng đã đầu tư kè chống sạt lở với chiều dài 2,5km.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết thêm, hiện nay, tỉnh đang đề xuất Bộ NN&PTNT đưa vào Dự án Xây dựng hạ tầng bảo vệ bờ biển tổng hợp, phòng chống xói lở, chống mất đất vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Dự án sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức (KFW) để hỗ trợ tỉnh tiếp tục đầu tư kè chống sạt lở khu vực bờ biển từ cửa sông Bồ Đề đến cửa sông Hố Gùi chiều dài 7km, khu vực từ cửa Bồ Đề đến cửa Hóc Năng chiều dài 8,7km.

"Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được hỗ trợ đầu tư. Vì vậy, UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu đề xuất các Bộ, ngành Trung ương sớm quan tâm, hỗ trợ đầu tư cho tỉnh", văn bản trả lời kiến nghị cử tri nêu rõ.

Trước đó, một số cử tri xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn và xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển phản ánh, khu vực ven biển từ cửa Bồ Đề đến cửa Hố Gùi dài khoảng 16km (có 3km đã làm bờ kè) và khu vực từ cửa Bồ Đề đến cửa Hóc Năng dài khoảng 11km, xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

Trước thực tế trên, cử tri đã kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau xây dựng kè chống sạt lở tại khu vực này, để người dân yên tâm sản xuất và ổn định đời sống.

Flamingo Golden Hill: Dự án khu đô thị tại Hà Nam

Flamingo Golden Hill có vị trí tọa lạc tại Quốc lộ 21A, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Dự án nằm trong quần thể du lịch tâm linh, đối diện chùa Tam Chúc, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 45 phút di chuyển.

Flamingo Golden Hill có tổng diện tích 6,5 ha, là giai đoạn 1 của dự án có diện tích 130 ha tại Hà Nam. Dự án được thiết kế với mô hình khu đô thị với 181 sản phẩm bao gồm biệt thự và shophouse, được phân làm 2 phân khu The Day và The Night. Trong đó:

The Day: Là phân khu hoạt động kinh doanh thương mại với hoạt động du lịch ban ngày, sở hữu 84 sản phẩm bao gồm 66 căn shophouse và 18 căn biệt thự. Các sản phẩm shophouse có diện tích từ 105 – 120 – 127 – 144 – 207 m2 và biệt thự từ 180 – 190 m2, chiều cao 3,5 tầng.

The Night: Phân khu hướng đến các tiện ích và dịch vụ phục vụ phát triển về đêm, sở hữu 97 sản phẩm với 68 căn shophouse và 29 căn biệt thự. Mỗi căn shophouse có diện tích từ 105 – 120 – 154 – 259 m2 và các căn biệt thự có diện tích từ 180 – 312 m2, chiều cao 3,5 tầng.

Tại dự án Flamingo Golden Hill, cư dân được thừa hưởng những tiện ích nội khu bao gồm: Hệ thống công viên, khu kinh doanh thương mại ngày và đêm, hệ thống suối cảnh quan, đường dạo bộ, hệ thống giải trí, club house…

Flamingo Golden Hill: Dự án khu đô thị tại Hà Nam
Phối cảnh Dự án Khu đô thị Flamingo Golden Hill tại Hà Nam.

Từ dự án, thuận tiện liên kết đến các địa điểm du lịch lân cận khác trong vùng như: Nằm ngay cạnh Khu du lịch chùa Tam Chúc, cách sân golf Kim Bảng Stone Valley Golf Resort 2 km, cách chùa Bà Đanh 6 km, cách Khu du lịch Hang Luồn 9 km, cách chùa Hương 11 km, cách đền Tiên Ông 15 km, cách chùa Long Đọi 24 km, cách Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long 40 km…

Chủ đầu tư dự án Flamingo Golden Hill Hà Nam là Công ty Cổ phần Kinh doanh Bất động sản Flamingo (thành viên Flamingo Group), được thành lập ngày 28/05/2020, đặt trụ sở tại số 55 phố Tôn Thất Thiệp, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ngày 11/05/2023, chủ đầu tư và các đơn vị phát triển của dự án tổ chức lễ kick – off dự án Flamingo Golden Hill và lễ ký kết hợp tác với đơn vị phân phối dự án.

Các sản phẩm tại dự án Flamingo Golden Hill có mức giá bán từ 7,1 – 9,6 tỷ đồng/căn shophouse và 10,6 – 12,6 tỷ đồng/căn biệt thự.