Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Ngày 30/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án "Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội".

Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội” là dự án lớn và phức tạp, được áp dụng công nghệ và tiêu chuẩn mới của nước ngoài, trong quá trình thực hiện, dù đã và đang không ngừng nỗ lực, Dự án vẫn gặp phải những khó khăn nhất định như giải phóng mặt bằng phức tạp kéo dài; sự phối hợp giữa tư vấn, Chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan chưa hiệu quả; năng lực của nhà thầu Hancorp (gói thầu CP05 - công trình kiến trúc depot) còn hạn chế.

Bên cạnh đó là các vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của Hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam; quy định, thủ tục giao kế hoạch vốn ODA của Việt Nam và quy định của các nhà tài trợ chưa kịp thời; các vướng mắc quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị.

Căn cứ tình hình thực hiện và các khó khăn, vướng mắc nêu trên, Dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư để phù hợp với thực tế.

Chạy thử đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội.
Chạy thử đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội. Ảnh: Báo Nhân Dân

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 104/TTr- UBND ngày 24/4/ 2023 và văn bản số 1522/UBND-ĐT ngày 23/5/2023 và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 30/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án “Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội”.

Theo đó, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ năm 2009-2027; điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án thành: 34.826 tỷ đồng (tăng thêm 1.916 tỷ đồng, trong đó: vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội tăng 3.895,93 tỷ đồng và vốn vay ODA giảm 1.979,93 tỷ đồng).

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh các Hiệp định vay vốn với các nhà tài trợ cho Dự án.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh Dự án bảo đảm tổng mức đầu tư, vốn vay ODA, vốn ngân sách đối ứng của thành phố Hà Nội không vượt mức vốn được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án; Sử dụng vốn vay hiệu quả, trả nợ đầy đủ và đúng hạn, cam kết thực hiện Dự án đúng tiến độ; Chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh do gia hạn thời gian thực hiện, nguồn vốn thực hiện Dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trường hợp không hoàn thành đúng thời hạn, chịu trách nhiệm bố trí các nguồn vốn khác để thực hiện các hạng mục chưa hoàn thành…

Bộ trưởng Giao thông vận tải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023 về tình hình triển khai thực hiện Dự án.

Báo động giải ngân vốn đầu tư công trì trệ tại Đồng Nai, Gia Lai và Bình Dương

Trên cơ sở kết quả làm việc với các địa phương của Tổ công tác số 5, Bộ Tài chính vừa có Công văn số 5237/BTC-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công theo Quyết định số 235/QĐ-TTg đối với 3 địa phương: Đồng Nai, Gia Lai, Bình Dương.

Theo đó, tính đến ngày 30/4, cả ba địa phương (gồm Đồng Nai, Gia Lai, Bình Dương) giải ngân được 3.212,7 tỷ đồng, đạt 11,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; ước 5 tháng năm 2023 giải ngân được 4.974,345 tỷ đồng, đạt 17,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, tỉnh Đồng Nai giải ngân 4 tháng đạt 10,85%, ước 5 tháng đạt 20,99%. Tỉnh Gia Lai đạt 7,57%, ước 5 tháng đạt 12,74%. Tỉnh Bình Dương đạt 13,21%, ước 5 tháng đạt 16,03%.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, nguyên nhân chậm giải ngân vốn của ba địa phương là do vướng mắc liên quan đến chính sách quy định Luật Đầu tư công, Luật Đất đai.

Vướng mắc tại Điều 5 Luật Đầu tư công không cho phép phê duyệt công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với các dự án nhóm B, nhóm C (trong trường hợp cần thiết) gây chậm tiến độ đầu tư công.

Bởi phải đợi thực hiện xong phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt thì mới triển khai thực hiện thi công phần xây lắp của dự án. Trong khi đó, các bước triển khai công tác đến bù, giải phóng mặt bằng phức tạp, mất nhiều thời gian.

Ngoài ra, Điều 24 Luật Đầu tư công quy định cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư nên khi thực hiện nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, vì vậy mất rất nhiều thời gian để triển khai. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị cần giao cơ quan chuyên môn thực hiện.

Cùng với đó, theo Bộ Tài chính, vướng mắc nhiều nhất là liên quan đến quản lý đất đai. Bộ Tài chính nêu rõ trình tự, thủ tục thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư phức tạp, chính sách bồi thường, hỗ trợ không phù hợp với thực tế, sau khi có quyết định phê duyệt dự án mới được triển khai thực hiện. "Trong điều kiện thuận lợi thì phải gần 1 năm mới tiến hành chi trả được cho người dân", Bộ Tài chính nêu rõ.

Hiện nay, trong đầu tư công, khi triển khai một dự án phải triển khai 3 hình thức, gồm: nhà ở tái định cư, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình thuộc dự án.

Trong đó, triển khai tái định cư phức tạp, mất nhiều thời gian. Vì vậy, Bộ này cho rằng, công tác xây dựng nhà ở tái định cư đáng lẽ cần được xem xét xã hội hóa để tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhưng thực tế thì Luật Đất đai không quy định xã hội hóa xây dựng nhà ở tái định cư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cả ba địa phương rà soát các dự án đến nay không giải ngân được và kiên quyết cắt giảm vốn các dự án này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị cả ba địa phương rà soát các dự án đến nay không giải ngân được và kiên quyết cắt giảm vốn các dự án này. Ảnh: Vneconomy

Ngoài ra, còn nảy sinh vướng mắc liên quan đến thời điểm tính thu tiền sử dụng đất tái định cư. Cụ thể, theo quy định, việc thu hồi đất, bố trí tái định cư thực hiện sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu tái định cư; đồng thời, phương án bồi thường phải xác định giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc thu chênh lệch.

Cũng theo Bộ Tài chính, còn thêm một bất cập nữa, đó là: trước đây, nhiều dự án thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trước khi hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư dẫn đến nhiều hộ dân sau khi bàn giao mặt bằng, rất nhiều tháng hoặc nhiều năm sau mới được giao đất tái định cư, dẫn đến vướng mắc liên quan đến thời điểm tính thu tiền sử dụng đất.

Để đảm bảo việc giải ngân vốn đầu tư công của ba tỉnh được tiến triển mạnh mẽ trong các tháng tiếp theo và đảm bảo chỉ tiêu kết thúc năm 2023 đạt 95% kế hoạch vốn được giao theo Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quán triệt và yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần vào cuộc, nghiêm túc triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo đó, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai dự án đầu tư công.

Đặc biệt, "công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác tái định cư phải đi trước một bước để người có đất bị thu hồi được ổn định đời sống, có cơ chế linh hoạt giao cho họ đất nền để tự làm nhà hoặc nhà nước xây nhà do người dân lựa chọn", Bộ Tài chính kiến nghị.

Cùng với đó, công tác kiểm đếm, lập phương án đền bù, bồi thường hỗ trợ tái định cư phải làm trước, không chờ phê duyệt dự án mới thực hiện các bước kiểm đếm, lập phương án bồi thường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết khó khăn vướng mắc, ban quản lý dự án, nhà thầu phải có tiến độ tổng thể, chi tiết, cam kết về tiến độ thực hiện dự án.

Các địa phương cũng cần thực hiện công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo tháng, phù hợp với diễn biến thị trường, tạo điều kiện để xác định đúng chi phí cho đầu tư công theo đúng hướng dẫn của Bộ Xây dựng; nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án.

Bộ trưởng yêu cầu cả ba địa phương chỉ đạo rà soát các dự án đến nay không giải ngân được; trong đó, Đồng Nai có 20 dự án; Gia Lai 17 dự án; Bình Dương 19 dự án, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, tìm rõ nguyên nhân, có giải pháp xử lý.

"Kiên quyết cắt giảm vốn các dự án không có khả năng giải ngân để bố trí cho các dự án quyết toán, các dự án hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, các dự án có tiến độ giải ngân tốt, đúng quy định pháp luật", Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Cùng với đó, tăng việc thanh toán theo hình thực trực tuyến trên cổng thông tin dịch vụ công quốc gia để chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Các sở, ban ngành, các chủ đầu tư rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật liên quan đến dự án đầu tư công không còn phù hợp với thực tế như pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đấu thầu, đất đai, quy hoạch...

"Khẩn trương phân bổ hết số vốn kế hoạch 2023 cho các dự án đảm bảo đúng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đối với vốn ngân sách trung ương và Hội đồng nhân dân các cấp giao đối với vốn ngân sách địa phương bao gồm cả phần tăng thêm so với số Thủ tướng Chính phủ giao", công văn Bộ Tài chính nêu rõ.

Tán thành cơ chế đặc thù, giao Khánh Hòa quyết định đầu tư đường liên vùng gần 2.000 tỷ đồng

Ngày 30/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết dự án được lên kế hoạch từ lâu và đa số ý kiến của các đại biểu đồng thuận với quyết định chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Theo Bộ trưởng, dự án mang nhiều ý nghĩa về phát triển kinh tế xã hội cũng như ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống vùng dân cư tuyến đường đi qua.

Về cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án, Bộ trưởng khẳng định cơ quan soạn thảo, thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu, rà soát lại kỹ càng, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tiết giảm quy trình thủ tục.

Trước đó, thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bày tỏ tán thành với chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Đại biểu cho biết, dự án này cần đưa ra Quốc hội thảo luận bởi liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Vấn đề liên quan đến chất lượng rừng đã được làm rõ, tuy nhiên, đại biểu đề nghị, trong Nghị quyết cần làm rõ thêm việc sẽ trồng rừng thay thế như nào.

Đề cập tới với vấn đề phải trình Quốc hội việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đại biểu Trịnh Xuân An cho hay, cơ sở dữ liệu, số liệu đánh giá cho rằng phần này không tác động trực tiếp đến sinh thái, an toàn, môi trường. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về cơ sở này, đặc biệt là bảo đảm về giá trị, tính chính xác của các thông số.

Liên quan tới cơ chế đặc thù, đặc cách Quốc hội đang dự kiến giao tỉnh Khánh Hòa, đại biểu đề nghị cần rà soát lại các dự án đã áp dụng cơ chế đặc thù. Quốc hội đã giao nhiều cơ chế đặc thù đối với nhiều dự án khác nhau, do đó, cần phải có tổng kết, đánh giá để những cơ chế đó trở thành thông dụng. Qua đó, có thể áp dụng và sửa đổi quy định pháp luật.

ác đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ phương án trồng rừng thay thế và chú trọng chính sách đền bù, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc khu vực này.
ác đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ phương án trồng rừng thay thế và chú trọng chính sách đền bù, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc khu vực này. Ảnh minh họa: Vneconomy

Bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, cho biết tuyến đường đi sát vào khu bảo tồn quốc gia nên cần đặc biệt chú ý đến công tác bảo tồn, phải có phương án thi công cụ thể, có phương án phục hồi, trồng rừng thay thế.

"Cần mở rộng diện tích khu bảo tồn ở phạm vi xung quanh để bù lại diện tích rừng, thay vì trồng lại lẻ tẻ ở nhiều xã, hay ở đất rừng sản xuất", Đại biểu tỉnh Thái Nguyên lưu ý.

Lưu ý phương án thiết kế mở rộng lòng đường để đáp ứng các mục tiêu đề ra, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề khu vực này có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ gia đình có công với cách mạng cần chú trọng chính sách đền bù để người dân có nơi ở mới phù hợp hơn, cao hơn. Dự án cần dự trù kinh phí đáp ứng đủ yêu cầu.

Do đó, đại biểu đề nghị nên áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù và Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nếu có điều chỉnh các nội dung trong chủ trương quyết định đầu tư.

Cũng tại phiên họp, đa phần đại biểu Quốc hội đều thống nhất về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Bởi đây là một trong những dự án giao thông huyết mạch quan trọng và cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu thực hiện đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2025, nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng theo Nghị quyết chính của Bộ Chính trị.

Dự án này nếu được đầu tư hoàn thành sẽ tạo ra một trục giao thông theo hướng Bắc- Nam tại khu vực phía Tây tỉnh Khánh Hòa, tiếp nối với trục giao thông theo hướng Bắc - Nam tại khu vực phía Tây của tỉnh Ninh Thuận, đồng bộ với mạng lưới đường giao thông theo hướng Đông - Tây của tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận.

Từ đó, góp phần hình thành mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt từ tỉnh Khánh Hòa qua phía Tây tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Lâm Đồng, kết nối các đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh, giúp mở rộng không gian và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ giúp hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh tỉnh Khánh Hòa thoát nghèo mà còn thúc đẩy các phát triển kinh tế - xã hội của cả một vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung.

Đào Gia Viên: Dự án khu dân cư tại Bình Phước

Khu dân cư Đào Gia Viên có vị trí nằm tại ấp Văn Hiên 1, xã Phước An, huyện Hơn Quản, tỉnh Bình Phước. Dự án các tuyến đường Quốc lộ 13 khoảng 6 km, thuận tiện cho việc di chuyển đến trung tâm thị xã Bình Long và các vùng lân cận.

Khu dân cư Đào Gia Viên có tổng diện tích 54.830 m2, được quy hoạch với các hạng mục bao gồm:

- Đất ở: Diện tích 27.985,7 m2, trong đó đất dành cho liền kề là 23.823,3 m2 và đất dành cho biệt thự 4.162,4 m2 với chiều cao xây dựng mỗi lô tối đa 5 tầng.

- Đất ký túc xá: Diện tích 1.946,5 m2 phục vụ học sinh dân tộc nội trú, cao từ 1 - 3 tầng.

- Đất giao thông: Diện tích 18.729,4 m2.

- Phần còn lại dành cho đất công viên cây xanh và hạ tầng kỹ thuật.

Dự án cung cấp ra thị trường 193 sản phẩm đất nền, bao gồm các lô đất liền kề có diện tích từ 105,2 – 180 m2 và các lô biệt thự có diện tích từ 240 – 268,2 m2.

Từ dự án, cư dân có thể tiếp cận được những tiện ích ngoại khu lân cận như: Nằm liền kề hệ thống công an xã Phước An, UBND xã Phước An, trạm y tế xã Phước An, bưu điện xã Phước An, trường THCS Phước An, trường mầm non Phước An, cách chùa Phước Bửu và giáo xứ Phước An 800 m, cách chợ Phước An 1,5 km…

Khu dân cư Đào Gia Viên
Khu dân cư Đào Gia Viên.

Chủ đầu tư dự án Khu dân cư Đào Gia Viên là Công ty TNHH Địa ốc Hoa Đào, được thành lập ngày 24/10/2005, đặt trụ sở tại 151 - 153 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tìm hiểu, dự án Khu dân cư Đào Gia Viên có tên pháp lý là Khu dân cư Phước An. Được Công ty TNHH Địa ốc Hoa Đào trúng đấu giá khu đất thực hiện dự án và được UBND huyện Hớn Quản công nhận kết quả tại Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 25/3/2020.

Dự án được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 770/QĐ-UBND ngày 19/4/2019.

Các sản phẩm tại dự án có mức giá bán tham khảo trên thị trường từ 4,75 triệu đồng/m2.