Hơn 81.000 căn nhà, officetel, shophouse chưa được cấp giấy chứng nhận tại TP HCM

Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM vừa báo cáo Ban Đô thị Hội đồng nhân dân TP HCM về kế hoạch giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn.

Hiện, trên địa bàn TP HCM có rất nhiều trường hợp dự án phát triển nhà ở trước đây đã được Sở Tài nguyên Môi trường thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cho người mua và đã được Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM lập hồ sơ, trình Sở Tài nguyên và Môi trường ký cấp giấy chứng nhận.

Theo thống kê, trong tổng số 398 dự án đã nộp với tổng 191.348 căn, gồm: căn hộ, nhà ở riêng lẻ, TP HCM đã cấp giấy chứng nhận cho 110.016 căn và 81.332 căn chưa cấp giấy chứng nhận.

Trong số sản phẩm chưa được cấp giấy chứng nhận, có 5.386 căn nhà của 7 dự án do chủ đầu tư chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính bổ sung; 10.019 căn nhà bị vướng do thuộc loại hình bất động sản mới (officetel, shophouse…) và 17.515 căn nhà không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.

Theo Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hướng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận, như: quy định pháp luật thay đổi (thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung theo quy định tại Nghị định 148/2020/NĐCP); bị rà soát quá trình giao đất, chuyển nhượng, góp vốn thực hiện dự án, chuyển mục đích sử dụng đất, rà soát lại phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp, xác định lại nghĩa vụ tài chính; việc xác định nghĩa vụ tài chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn chậm; chủ đầu tư chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính nên kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ.

Hay nhiều dự án sử dụng vào mục đích sử dụng hỗn hợp như làm căn hộ lưu trú (căn hộ cho thuê) hoặc văn phòng kết hợp lưu trú (officetel, condotel, shophouse) mà pháp luật đất đai không quy định về các loại hình bất động sản này.

Hơn 81.000 căn nhà, officetel, shophouse chưa được cấp giấy chứng nhận tại TP.HCM người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định- Ảnh minh họa
Hơn 81.000 căn nhà, officetel, shophouse chưa được cấp giấy chứng nhận tại TP HCM người mua nhà khi chưa hoàn thành các thủ tục theo quy định. Ảnh minh họa

Mặt khác, các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền còn nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất trong việc xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sở hữu công trình, đối tượng được cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư hay người mua. Vì vậy, Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận trên địa bàn.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, số lượng hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận tiếp nhận và giải quyết tăng đều qua các năm, đặc biệt so với năm 2021, năm 2022 có số lượng hồ sơ nhận vào tăng đột biến từ 28.835 hồ sơ lên 38.144 hồ sơ.

Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM đề xuất với HĐND TP HCM kiến nghị với các cơ quan Trung ương bổ sung quy định cụ thể về việc cấp giấy chứng nhận đối với loại hình bất động sản mới (officetel, shophouse…).

Kiến nghị Hội đồng thẩm định giá TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường sớm tham mưu và trình UBND TP HCM ban hành quyết định về phê duyệt giá đất để các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sớm xem xét, xác nhận việc hoàn tất thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội đối với các chủ đầu tư lựa chọn hình thức nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.

Đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP đường bộ không quá 65% tổng mức đầu tư dự án

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các Luật để đầu tư xây dựng đường bộ.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất một số chính sách như: Chính sách về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP; chính sách về việc giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc.

Nâng tỷ lệ tham gia của nhà nước trong dự án PPP lên không quá 65% tổng mức đầu tư

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay, có một số dự án đường bộ đang được chuẩn bị đầu tư nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại vùng, miền còn khó khăn, có yếu tố an ninh - quốc phòng, các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Ngoài ra, có một số dự án đi qua khu vực đồng bằng có nhu cầu giải phóng mặt bằng nhiều, chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức đầu tư dự án. Nếu áp dụng đúng quy định "tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP cho mục đích hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án" (khoản 2 Điều 69 Luật PPP) sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để triển khai theo phương thức PPP.

Vì vậy, cần thiết có quy định đặc thù, thí điểm quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lớn hơn 50% đối với các dự án PPP đường bộ nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính của dự án PPP và mục tiêu huy động vốn đầu tư tư nhân xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

CĐề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP đường bộ không quá 65% tổng mức đầu tư dự án. Ảnh minh họa
CĐề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP đường bộ không quá 65% tổng mức đầu tư dự án. Ảnh minh họa

Do đó, dự thảo Nghị quyết quy định: "Trừ dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án còn lại trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, có yếu tố an ninh - quốc phòng được xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 65% tổng mức đầu tư dự án cho mục đích quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 69 Luật PPP".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc lựa chọn giải pháp nâng tỷ lệ tham gia của nhà nước trong dự án PPP là nhằm: Tạo động lực hơn nữa trong việc thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân trong việc xây dựng các dự án đường bộ, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì, khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.

Nguồn vốn tham gia của Nhà nước trong dự án PPP về bản chất là mang tính hỗ trợ dự án, là "vốn mồi" nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án, đồng thời tại Luật PPP đã có quy định về việc chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư. Khi thông qua Luật PPP, Quốc hội đã cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này và đã quyết định mức trần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP. Do đó mặc dù tăng giới hạn tỷ lệ vốn nhà nước nhưng cũng cần khống chế mức trần 65% tổng mức đầu tư của dự án (giá trị 65% được tính trung bình theo các dự án PPP trước đây) áp dụng cho các dự án tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc có yếu tố an ninh - quốc phòng. Trường hợp vốn nhà nước lớn hơn 65%, có thể nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công do làm mất đi bản chất PPP, dẫn đến suy giảm mục tiêu, hiệu quả của phương thức đầu tư PPP.

Giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc

Đối với các dự án đầu tư công: Quy định hiện hành không cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, cụ thể đối với các dự án đường bộ thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ Giao thông vận tải.

Thực tế cho thấy, việc giao một số địa phương có khả năng cân đối nguồn lực, có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản cùng với Bộ Giao thông vận tải sẽ tạo đột phá trong đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, qua đó phát huy được tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương có tuyến đi qua, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước của trung ương và địa phương. Tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022, Quốc hội đã cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Ủy ban nhân dân các tỉnh được phân cấp đang triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc thuộc Chương trình theo thẩm quyền được giao.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, khơi thông nguồn lực từ trung ương đến địa phương, việc quy định thí điểm cho phép Thủ tướng Chính phủ giao cho địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ Giao thông vận tải là cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Do vậy, dự thảo Nghị quyết quy định: "Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cân đối được nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương, có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa phương mình.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Hưng Yên sẽ có 3 cụm công nghiệp mới

Theo Quyết định 707/QĐ-UBND, Cụm công nghiệp (CCN) Dị Chế, huyện Tiên Lữ có diện tích khoảng 20,4 ha do Công ty Cổ phần Quốc tế VIP - Hưng Yên là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Với tỷ lệ đất nhà máy, xí nghiệp, kho bãi chiếm khoảng 74,4%; đất cây xanh với tỷ lệ hơn 11 %; đất giao thông bãi, bãi đỗ xe chiếm tỷ lệ khoảng 11,3% còn lại là đất hạ tầng kỹ thuật và đất khu nhà điều hành.

Ngành nghề hoạt động chủ yếu của cụm công nghiệp là ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, các dự án sử dụng tiết kiệm đất, hiện quả và sử dụng nhiều lao động địa phương.

Về quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông, tuyến trục đường chính hướng Bắc - Nam qua các khu chức năng của CCN có mặt cắt ngang rộng 28,50m; tuyến đường nội bộ hướng Đông Tây qua các khu chức năng của CCN có mặt cắt ngang rộng 15m. Xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ, vỉa hè; nhà điều hành, hệ thống thoát nước mặt, nước thải; xây dựng Trạm biến áp, hệ thống cấp điện, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp nước, PCCC... Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN Dị Chế đáp ứng yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và môi trường theo quy định.

Theo Quyết định 707/QĐ-UBND, CCN Vân Du – Quang Vinh do Công ty TNHH Phát triển Công Nghiệp Quang Vinh Hưng Yên là chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn quản lý của hai xã Vân Du và Quang Vinh, huyện Ân Thi. Dự án có quy mô khoảng 45 ha (không bao gồm các dự án đầu tư đã được UBND tỉnh tiếp nhận tại khu vực). CCN có diện tích đất xây dựng nhà máy, kho tàng chiếm hơn 74,5% diện tích dự án; đất giao thông chiếm 12,9%; còn lại là đất xây dựng khu điều hành dịch vụ, đất bãi đỗ xe, đất cây xanh, mặt nước và đất xây dựng khu hạ tầng kỹ thuật.

Ngành nghề hoạt động chủ yếu của cụm công nghiệp là sản xuất, kinh doanh ngành điện, điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, cơ khí, may mặc, thủy tinh, nhựa...; các dự án không gây ô nhiễm môi trường.

Hiện, huyện Ân Thi có nhiều cụm công nghiệp diện tích lớn như Văn Nhuệ, Quang Vinh - Vân Du, Phù Ủng. Ảnh: Báo Hưng Yên
Hiện, huyện Ân Thi có nhiều cụm công nghiệp diện tích lớn như Văn Nhuệ, Quang Vinh - Vân Du, Phù Ủng. Ảnh: Báo Hưng Yên

Quy mô đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Vân Du – Quang Vinh đồng bộ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó: cao độ san nền từ +3,25m đến 3,5m, độ dốc san nền =0,4% đảm bảo thoát nước tự nhiên; xây dựng tuyến đường trục chính theo hướng Đông – Tây kết nối từ ĐT 376 vào CCN với mặt cắt ngang rộng 30,0m; tuyến đường nội bộ CCN, kết hợp với bãi đỗ xe có mặt cắt ngang qua khu vực bãi đỗ xe rộng 30,5m; tuyến đường nội bộ CCN hướng Bắc – Nam có mặt cắt ngang rộng 20,5m…

Theo Quyết định 708/QĐ-UBND, CCN Làng nghề Hòa Phong có quy mô khoảng 55,472 ha trên địa bàn xã Hoàng Phong, thị xã Mỹ Hào. Ngành nghề hoạt động chủ yếu của cụm công nghiệp là mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng và các ngành phục vụ sản xuất đồ mộc.

Với đặc thù là Làng nghề nên tỷ lệ phần đất điều hành, dịch vụ và trưng bày sản phẩm sẽ chiếm hơn 7,08%; đất xây dựng nhà máy chiếm tỷ lệ hơn 47% diện tích; còn lại sẽ là đất cây xanh, khu hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, bãi đỗ xe.

Xây dựng tuyến trục đường chính hướng Bắc - Nam kết nối từ tuyến đường quy hoạch phía Bắc vào CCN có mặt cắt ngang rộng 16,5m; tuyến đường nội bộ có mặt cắt ngang rộng 12,5m; xây dựng hệ thống thoát nước mặt, nước thải; xây dựng Trạm biến áp, hệ thống cấp điện, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, cấp nước, phòng cháy chữa cháy...

UNND tỉnh giao UBND huyện Ân Thi, huyện Tiên Lữ và UBND xã Mỹ Hào hối hợp với Sở Xây dựng đảm bảo chủ đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt, kiểm soát chặt chẽ khi cấp giấy phép xây dựng, kiểm tra việc thực hiện đồ án quy hoạch đã được duyệt tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, chỉ được xây nhà xưởng và không xây nhà kiên cố để tránh trường hợp dự án biến tướng thành nhà ở.

Trước đó, Hưng Yên đã khởi công Dự án Khu công nghiệp số 5 và CNN Phạm Ngũ Lão – Nghĩa Dân. Trong đó, Dự án Khu công nghiệp số 5 thuộc KCN và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt, có diện tích hơn 192 ha, nằm trên địa bàn xã Xuân Trúc, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi và xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động. Chủ đầu tư là công ty Cổ phần Đầu tư Khu công nghiệp Yên Mỹ với tổng mức đầu tư 2.385 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh có quy mô lớn, đã được triển khai rất nhanh khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong vòng 15 tháng từ ngày được Thủ tướng cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Lãi suất gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội vẫn cao

Ngày 11/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Tại nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1,5% - 2% so với mặt bằng lãi suất chung. Theo đó, thị trường sẽ được cấp khoảng 12% nhu cầu vốn để thúc đẩy mục tiêu hoàn thành ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đang chờ các ngân hàng thương mại thống nhất sẽ triển khai ngay gói 120.000 tỷ đồng. Vị này khẳng định, đây là lãi suất thương mại do 4 ngân hàng tự chủ động cân đối và không được tái cấp vốn như gói 30.000 tỷ đồng nhiều năm trước. Tuy nhiên, gói này có đối tượng, thời gian vay rõ ràng.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, đã có ý kiến gửi về Ngân hàng Nhà nước liên quan các dự án được vay theo gói tín dụng này. Theo đó, để đồng bộ quy định hiện nay, Bộ Xây dựng đề xuất đối tượng theo Nghị định 31 hỗ trợ lãi suất từ ngân sách cho doanh nghiệp vay nhà ở xã hội, công nhân và cải tạo chung cư cũ. Cụ thể, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Chủ đầu tư dự án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật, được giao đất, cho thuê đất và đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, đã được cấp phép xây dựng hoặc được miễn cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng...

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nói rằng, nếu lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng thương mại bình quân 13,5%, người mua nhà xã hội sẽ chịu lãi 11-12%. “Đây không phải là lãi suất của nhà ở xã hội và người mua không dám vay”, ông Châu nói. Ông cho rằng, gói giảm lãi Ngân hàng Nhà nước mới ban hành chỉ phù hợp với nhà ở thương mại.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, số tiền người vay phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi không nên quá 50% thu nhập mỗi tháng, nhưng với lãi suất trên 10%, tiền người mua nhà phải trả cho ngân hàng rất nhiều.

“Lãi suất cho vay quá cao làm giảm khả năng mua nhà của người dân, khiến thị trường bất động sản thêm khó khăn. Tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu tìm nguồn vốn trung, dài hạn để đưa ra gói tín dụng có lãi suất phù hợp (khoảng 6%/năm) và ổn định trong thời gian dài, thì người dân mới có thể tiếp cận được nhà ở. Còn gói 120.000 tỷ đồng vẫn trên trời”, ông Hiếu nói.