Hậu Giang: Chưa hộ dân nào bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Ngày 29/5, UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị sơ kết tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hai dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh.

Đó là dự án thành phần 3 (thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và dự án đường bộ Cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2021-2025, đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau).

Theo báo cáo, dự án thành phần 3 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua địa bàn tỉnh Hậu Giang khoảng 37 km, tổng mức đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng. Tổng diện tích đất phải thu hồi cho dự án hơn 260ha và có khoảng 1.120 hộ dân bị ảnh hưởng.

Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh đã phê duyệt phương án bồi thường, đã tiến hành chi trả, hỗ trợ di dời xong 234 mồ mả bị ảnh hưởng, với tổng số tiền hơn 12,5 tỉ đồng. Đồng thời, đang hoàn chỉnh phương án bồi thường và gửi Phòng TN&MT các địa phương đề nghị thẩm định, phê duyệt cho 859 hộ, với số tiền hơn 558 tỉ đồng. Trong đó, đề nghị phê duyệt giao 243 nền tái định cư với cho 190 hộ.

Đến nay, còn 87 hộ chưa bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, trong đó, có 8 hộ cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 5-2023
Đến nay, còn 87 hộ chưa bàn giao mặt bằng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, trong đó, có 8 hộ cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 5/2023. Ảnh: PLO

Còn tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, thống kê đến thời điểm hiện tại, còn 87 hộ chưa bàn giao mặt bằng, trong đó, có 8 hộ cam kết sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 5/2023. Còn lại 33 hộ đang chờ nhận nền tái định cư; 22 hộ yêu cầu nâng giá; 5 hộ đang tranh chấp, thế chấp, cầm cố; 5 hộ đang lập thủ tục phê duyệt bổ sung kinh phí; 4 hộ đang được kiểm tra, xác minh, thụ lý giải quyết.

Sau khi nghe các cơ quan liên quan báo cáo, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng chỉ khoảng ba tuần nữa, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến ngày khởi công. Thế nhưng công tác giải phóng mặt bằng cho dự án hiện đang ở giai đoạn thủ tục, đồng nghĩa chưa có hộ dân nào bàn giao mặt bằng. Trong khi Nghị quyết 91 của Chính phủ yêu cầu phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6.

Từ thực tế đó, người đứng đầu UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu các Sở, ngành và các địa phương liên quan tập trung triển khai thực hiện dự án một cách khoa học, đảm bảo khởi công dự án vào ngày 17/6. Cạnh đó, bám sát theo các quy định, hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ hoàn thành hồ sơ, thủ tục chỉ định thầu các gói thầu xây lắp.

Riêng đối với dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu khẩn trương hoàn thành các khu tái định dự. Đồng thời, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật và tiếp tục vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng. Mặt khác, giải quyết dứt điểm khiếu nại của người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

TP. HCM nêu kế hoạch chi tiết xử lý việc cấp giấy chứng nhận cho hàng chục nghìn căn hộ

Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM đã cấp tổng cộng 2.786 sổ hồng cho các tổ chức và cá nhân. Trong đó, có 2.780 sổ hồng của cá nhân và 6 sổ hồng của tổ chức.

Bên cạnh đó, đã giải quyết hồ sơ đăng ký biến động nhà đất cho 125.265 trường hợp. Hầu hết trong số này là cá nhân với 120.925 trường hợp.

Để đẩy nhanh công tác cấp sổ hồng trong thời gian tới, Sở Tài nguyên Môi trường sẽ tham mưu về việc kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của TP. HCM trong xử lý hồ sơ đất đai từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả.

Đối với 47 dự án với 8.159 căn chưa cấp giấy chứng nhận không có vướng mắc về mặt pháp lý, chỉ chờ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính (Nhóm 1), trong tháng 5, Sở tổ chức buổi làm việc trực tiếp với Cục Thuế TP HCM, Chi Cục Thuế các quận, huyện, TP Thủ Đức và các doanh nghiệp dự án để đôn đốc trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính. Báo cáo các nguyên nhân chậm trễ và đề ra biện pháp, phương hướng giải quyết trong tháng 6/2023.

Đối với 30.061 căn chưa cấp giấy chứng nhận do doanh nghiệp dự án chậm nộp hồ sơ (Nhóm 2). Sở sẽ làm rõ được nguyên nhân, vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, công bố danh sách các đơn vị này trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường để người dân, doanh nghiệp được biết.

Đối với 29 dự án với 10.019 căn chưa cấp giấy chứng nhận do vướng mắc về loại hình bất động sản mới chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật (Nhóm 3), Sở dự kiến đến hết quý III/2023 hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận cho số lượng căn hộ còn tồn đọng tại các dự án có công trình xây dựng sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.

TP. HCM nêu kế hoạch chi tiết xử lý việc cấp giấy chứng nhận cho hàng chục nghìn căn hộ. Ảnh minh họa
TP. HCM nêu kế hoạch chi tiết xử lý việc cấp giấy chứng nhận cho hàng chục nghìn căn hộ. Ảnh minh họa

Hiện để xử lý 39 dự án với 19.958 căn chưa cấp Giấy Chứng nhận do phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung (Nhóm 4) , Sở đã chia nhóm 23/39 dự án đang được các đơn vị tư vấn thực hiện thẩm định giá, sau khi nhận được chứng thư thẩm định giá của đơn vị tư vấn, sẽ thực hiện tổng hợp trình Hội đồng Thẩm định giá đất thành phố xem xét, thẩm định.

Riêng đối với 16/39 dự án còn vướng mắc, Sở thực hiện nghiên cứu nhằm xác định những khó khăn, bất cập để đề ra biện pháp giải quyết phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Sở Tài nguyên Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính trong quá trình tổng hợp, trình Hội đồng thẩm định giá đất thành phố xem xét, thẩm định phương án giá đất các dự án.

Thời gian thực hiện từ quý II đến quý IV năm 2023, trong giai đoạn từ tháng 5/2023 đến cuối tháng 10/2023. Theo đó, Trình Hội đồng Thẩm định giá đất TP HCM 23/39 dự án; đề ra được biện pháp, phương hướng giải quyết đối với 16/39 dự án còn lại.

Đối với 6 dự án với 4.653 căn chưa cấp Giấy Chứng nhận do các vướng mắc khác (Nhóm 5), Sở sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ những nội dung vướng mắc này, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thời gian thực hiện từ quý II đến quý III năm 2023.

Đối với 18 dự án với 8.235 căn chưa cấp Giấy Chứng nhận do đang thanh tra, kiểm tra, điều tra (Nhóm 6), Sở Tài nguyên Môi trường đã có văn bản trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra về khả năng tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận đối với từng dự án cụ thể; Thời gian thực hiện từ Quý II đến hết Quý III năm 2023.

Thu hồi 5 biệt thự cổ ở di tích lầu Bảo Đại

Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng vừa ký quyết định về việc thu hồi gần 9.300 m2 đất thuộc 5 căn biệt thự di tích Cầu Đá (lầu Bảo Đại) do Công ty CP Đầu tư Khánh Hà thuê đất tại Cầu Đá, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang.

Năm biệt thự cổ, gồm: Nghinh Phong, Vọng Nguyệt, Bông Giấy, Phượng Vĩ và Cây Bàng, do người Pháp xây dựng cách nay đúng 100 năm.

Động thái trên được thực hiện sau khi Công ty CP Đầu tư Khánh Hà có văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hòa xin trả lại 5 biệt thự cổ nằm trong dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.

Sau khi thu hồi, gần 9.400 m2 đất và 5 biệt thự cổ sẽ được giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa quản lý theo quy định. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Công ty CP Đầu tư Khánh Hà chấm dứt việc sử dụng đất kể từ ngày 19/5 để sở, ban ngành liên quan thực hiện các thủ tục thu hồi.

UBND tỉnh Khánh Hòa giao TP Nha Trang chỉ đạo Phòng Tài nguyên Môi trường phối hợp với UBND phường Vĩnh Nguyên, đơn vị có liên quan xác định cụ thể mốc giới khu đất thu hồi và bàn giao đất cho Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa quản lý theo quy định.

Giao Văn phòng Đăng ký đất đai Khánh Hòa thu hồi và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Đầu tư Khánh Hà phần đất sau khi trừ đi diện tích gần 9.400 m2 trên để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Sở Xây dựng Khánh Hòa nghiên cứu phần hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ hoạt động 5 căn biệt thự di tích sau khi thu hồi.

Dự án ở di tích lầu Bảo Đại ngưng thi công hơn 5 năm nay. Ảnh: Xuân Hoát
Dự án ở di tích lầu Bảo Đại ngưng thi công hơn 5 năm nay. Ảnh: Xuân Hoát

Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Khánh Hà cho biết doanh nghiệp rất mong các thủ tục liên quan sớm hoàn tất để bàn giao đất cũng như 5 căn biệt thự cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý; đồng thời, mong muốn cơ quan chức năng sớm hoàn tất thủ tục liên quan dự án, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp tiếp tục thi công, hoàn thiện dự án.

“Hơn 5 năm dự án bị ngưng thi công khiến doanh nghiệp khó khăn. Chúng tôi mong tỉnh Khánh Hòa sớm tháo gỡ để dự án được tiếp tục thi công, hoàn thiện”, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Khánh Hà nói và cho biết dự án không được triển khai nhiều năm khiến doanh nghiệp thiệt đơn, thiệt kép vì số tiền đã bỏ ra không hề nhỏ.

Tháng 10/1995, tỉnh Khánh Hòa công nhận khu biệt thự Cầu Đá - lầu Bảo Đại là “di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh”.

Từ đó đến nay, lầu Bảo Đại chưa được lập hồ sơ di tích để bảo tồn theo Luật Di sản, trong khi 5 ngôi biệt thự cổ hiện không còn nguyên bản do trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.

Tháng 9/2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý giao di tích lầu Bảo Đại cho liên doanh Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco - đơn vị quản lý lầu Bảo Đại) và Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà để thực hiện dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại.

Đến tháng 8/2013, tỉnh Khánh Hòa thu hồi di tích lầu Bảo Đại từ Công ty Khatoco giao hẳn cho Tập đoàn Hà Đô, trong đó có cả 5 ngôi biệt thự cổ để làm dự án biệt thự nghỉ dưỡng đẳng cấp 5 sao.

Trong quá trình thực hiện chủ đầu tư đã có nhiều vi phạm, bị thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa xử phạt vi phạm hành chính, đình chỉ thi công vi phạm từ tháng 8/2017. Sau đó hai doanh nghiệp vẫn tiếp tục vi phạm và bị đình chỉ thi công (tháng 5/2018) cho đến nay.

Hiện, 5 ngôi biệt thự cổ đã xuống cấp, một số hư hỏng ở mức nghiêm trọng.

Khởi tố vụ án xây trái phép 680 căn biệt thự, nhà liên kế tại Đồng Nai

Ngày 29/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, được quy định tại Điều 356, Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), xảy ra tại Dự án khu dân cư Tân Thịnh do Công ty cổ phần LDG làm chủ đầu tư, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom.

Trước đó, Kết luận thanh tra toàn diện Dự án khu dân cư Tân Thịnh của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xác định, đến thời điểm thanh tra, Công ty cổ phần LDG chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án.

Tuy nhiên, công ty đã tổ chức thi công công trình từ năm 2018 đến 2020, gồm: 680 căn nhà, trong đó, 198 căn biệt thự, 290 căn nhà liên kế đã thi công xong; 192 căn nhà liên kế đang thi công dang dở.

Ngoài ra, công ty này đã thi công hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện, xử lý nước thải công viên cây xanh.

Dự án khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom chưa được cấp phép xây dựng. Ảnh: Hà Anh Chiến
Dự án khu dân cư Tân Thịnh, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom chưa được cấp phép xây dựng. Ảnh: Hà Anh Chiến

Kết luận thanh tra xác định, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai xác nhận trên trang tư của 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, với nội dung “Chuyển nhượng cho Công ty cổ phần đầu tư LDG” diện tích 16.094m2.

Trong đó có 12.889m2 đất trồng lúa khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp thực hiện dự án là không đúng theo quy định khoản 1, Điều 193, Luật Đất đai năm 2013.

Hành vi này có dấu hiệu tội phạm. Trách nhiệm thuộc về Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, nguyên lãnh đạo đơn vị này và các tổ chức, cá nhân liên quan.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, trách nhiệm của 13 tổ chức và hơn 20 cá nhân liên quan đến sai phạm tại Dự án và kiến nghị hình thức xử lý.

Trong đó, hành vi của ông Hoàng Văn Dung, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, liên quan ký xác nhận trên trang tư 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị đề nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu tội hình sự.

Những sai phạm tại Dự án khu dân cư Tân Thịnh, thời gian qua Báo Nhân Dân đã có nhiều bài điều tra, phản ánh.

Sai phạm tại Dự án khu dân cư Tân Thịnh là một trong ba vụ việc được bổ sung vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo vào ngày 18/11/2022, dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo.