Tin bất động sản ngày 29/5: Quốc hội sẽ giám sát thị trường bất động sản và nhà ở xã hội
Quốc hội sẽ giám sát thị trường bất động sản và nhà ở xã hội
Trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp theo 10 nhóm lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đồng thời, căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, đã tiến hành lựa chọn các chuyên đề giám sát theo quy trình chặt chẽ.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Cụ thể, chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (như dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Tại chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, ngày 27/5, Quốc hội thảo luận hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) quan tâm đến việc việc giám sát về nhà ở xã hội vì đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, song quá trình thực hiện còn khó khăn; chỗ ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thụ hưởng thực tế còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu và nhu cầu.
Về cơ bản, đại biểu Lê Thanh Hoàn tán thành đưa chuyên đề này vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, nhưng cần tập trung hơn về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, bởi các lý do.
Theo đại biểu Hoàn, chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Trước năm 1992, Nhà nước ta thực hiện chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị nhà nước. Đến năm 1991, với sự ra đời của Pháp lệnh về nhà ở thì chính sách bao cấp về nhà ở đã được xóa bỏ.
Tuy nhiên, khái niệm nhà ở xã hội mới xuất hiện chính thức lần đầu tiên trong Luật Nhà ở năm 2005 với ý nghĩa phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.
Quốc hội sẽ giám sát thị trường bất động sản và nhà ở xã hội. Ảnh minh họa |
Luật Nhà ở năm 2014 tiếp tục kế thừa chính sách về nhà ở xã hội, theo đó Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách miễn, giảm thuế, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi, các cơ chế ưu đãi tài chính khác và hỗ trợ từ nguồn vốn của Nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng còn nhiều khó khăn, chỗ ở cho người dân - đặc biệt là đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, trên thực tế vẫn còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu và mục tiêu đề ra.
Đại biểu nêu thực tế còn xảy ra tình trạng nhà ở xã hội có địa điểm thì không có người tham gia; trong khi đó có nơi thì số lượng người tham gia lại quá đông; cách xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội cũng còn dư luận nhiều chiều.
Theo đại biểu, để đạt mục tiêu thì phải định hình rõ hệ thống chính sách, hỗ trợ đến đúng đối tượng, hạn chế tối đa trục lợi từ chính sách.
“Nội dung giám sát tập trung trả lời các vấn đề: Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội? Tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội? Nhà ở xã hội được trợ cấp, hỗ trợ như thế nào? Thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao? Mục tiêu, ý nghĩa của chính sách nhà ở xã hội thông qua kết quả đạt được như thế nào?", đại biểu Lê Thanh Hoàn nói.
Cùng với đó cần làm rõ 3 nội dung về nhà ở xã hội, đó là: Môi trường cơ sở vật chất của các khu nhà ở xã hội, gồm các đặc điểm và điều kiện sử dụng bên trong và bên ngoài của khu nhà, cây xanh, mức độ ô nhiễm và tiêu chuẩn bảo trì.
Tiếp đến, là môi trường xã hội - bao gồm an toàn, trật tự xã hội, trình độ, ý thức và lối sống của những người tại khu vực có nhà ở xã hội. Cùng với đó, là địa điểm và cơ sở vật chất công cộng – chợ, nhà hàng, khu vực thể thao, sân chơi, địa điểm văn hóa.
Cuối cùng là địa điểm và kết nối giao thông – với ý nghĩa là khả năng liên kết, tiếp cận khu nhà ở xã hội hoặc từ nhà xã hội đến nơi làm việc của người dân, cũng như đến các địa điểm khác trong địa phương.
Người Hà Nội bất an sống trong khu tập thể chờ sập: Sở Xây dựng phản hồi
Ngày 13/4, Báo điện tử VTC News đăng bài phản ánh "Người Hà Nội bất an sống trong khu tập thể chờ sập, không mưa cũng dột" phản ánh tình trạng xuống cấp của khu tập thể Nghĩa đô (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Khu tập thể Nghĩa Đô xây dựng từ năm 1976 với hai dãy A và B, mỗi dãy có 5 tầng. Sau gần 50 năm sử dụng đến nay khu tập thể rơi vào cảnh xuống cấp trầm trọng, nhiều mảng tường nứt toác, bong tróc, thấm dột...
Người dân khu tập thể Nghĩa Đô nhất trí với việc di chuyển đi nơi khác để chủ đầu tư phá dỡ, xây lại, tuy nhiên nhiều năm qua nơi đây vẫn nằm trong diện dự án "treo".
Người Hà Nội bất an sống trong khu tập thể chờ sập, không mưa cũng dột. ảnh: VTC News |
Trong văn bản trả lời VTC News, Sở Xây dựng cho biết, ngày 28/3/2013, UBND TP Hà Nội có văn bản về việc chấp thuận đầu tư dự án cải tạo, xây dựng nhà ở cao tầng A và B khu tập thể Nghĩa Đô.
Trong đó chấp thuận Liên danh Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội, Công ty TNHH Thủ đô II và Công ty cổ phần Nhật Quân Anh làm chủ đầu tư dự án. Thời gian dự kiến hoàn thành xây dựng các hạng mục công trình vào quý I/2016.
Đến ngày 19/12/2017, UBND TP có văn bản điều chỉnh Công ty TNHH Thủ đô II là đại diện Liên danh. Thời gian dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý IV/2019.
Tuy nhiên, theo báo cáo của nhà đầu tư, dự án bị chậm triển khai so với tiến độ được giao là do chưa hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đồng thời do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Hiện nay, Chủ đầu tư đang thực hiện thủ tục xin điều chỉnh tiến độ dự án theo quy định.
"UBND Thành phố, các sở, ngành liên quan và UBND quận Cầu Giấy đã có nhiều văn bản, cuộc họp rà soát, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, đồng thời hướng dẫn Liên danh nhà đầu tư thực hiện các nội dung liên quan để đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đồng thời, vừa qua, UBND TP Hà Nội họp và ngày 23/3/2023 đã có Thông báo số 113/TB-VP giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, UBND quận Cầu Giấy và các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp với Liên danh nhà đầu tư triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến điều chỉnh tiến dộ thực hiện dự án, công tác kiểm định, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo thẩm quyền và quy định", văn bản của Sở Xây dựng nêu rõ.
Công ty Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai bị thu hồi gần 13.000 m2 đất
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ra Quyết định số 1172 về việc thu hồi 12.958,0 m2 đất tại xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai thực hiện dự án Nhà máy gạch Tân An.
Cụ thể, vị trí, ranh giới khu đất được xác định theo tờ trích lục và đo chỉnh lý thửa đất bản đồ địa chính số 760/2014, tỷ lệ 1/500 và tờ trích lục và đo chỉnh lý thửa đất bản đồ địa chính số 785/2014, tỷ lệ 1/2.000 do Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai thực hiện, ký xác lập ngày 28/8/2014.
Lý do thu hồi đất là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai đã được gia hạn tiến độ sử dụng đất 24 tháng, nhưng sau thời gian gia hạn vẫn chưa triển khai xây dựng dự án.
UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố quyết định thu hồi đất đến Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai và các tổ chức, cá nhân có liên quan biết chấp hành. Đồng thời Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai cập nhật, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính; thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đât đã cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai; cắm mốc ranh giới khu đất để quản lý.
Người Hà Nội bất an sống trong khu tập thể chờ sập, không mưa cũng dột. Ảnh: Tài chính doanh nghiệp |
Cục Thuế tỉnh Đồng Nai chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính rà soát, xử lý việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai theo quy định.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai khẩn trương di dời tài sản, thiết bị... trên đất để bàn giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Cửu quản lý và bàn giao bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đông Nai để thực hiện hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Thời hạn thực hiện hoàn thành việc di dời tài sản, thiết bị, bàn giao đất và bàn giao bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định này.
UBND huyện Vĩnh Cửu có trách nhiệm đôn đốc việc di dời tài sản, thiết bị trên đất của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai để bàn giao đất theo quy định; trường hợp Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng vả Vật liệu Đồng Nai không chấp hành việc di dời, giao UBND huyện Vĩnh Cửu tổ chức thực hiện việc cưỡng chế di dời theo quy định.
Thái Nguyên tìm nhà đầu tư cho dự án khu đô thị nghìn tỷ
Gần đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên liên tục thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Mới nhất, Sở này đang tìm nhà đầu tư cho dự án Khu đô thị Nam sông Cầu tại phường Quang Vinh, TP Thái Nguyên.
Theo đó, dự án có diện tích sử dụng đất khoảng trên 45,4 ha. Hiện trạng là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp do các tổ chức và hộ gia đình cá nhân đang quản lý, sử dụng; chưa bồi thường giải phóng mặt bằng.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án trên 3.682 tỷ đồng. Trong đó, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hơn 2.600 tỷ đồng. Sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là hơn 1.082 tỷ đồng.
Sơ bộ chi phí của dự án nêu trên chỉ là dự kiến, không sử dụng để tính toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án, việc xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện dự án quý II/2023 - quý III/2028.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cũng tìm nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án Khu dân cư Kha Sơn tại xã Kha Sơn, huyện Phú Bình. Dự án có tổng diện tích sử dụng đất 154.258 m2.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 207,7 tỷ đồng. Chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 66,6 tỷ đồng.
Về phương án đầu tư, nhà đầu tư sẽ xây thô, hoàn thiện mặt ngoài 29 căn nhà, cao 4 tầng; các lô đất ở còn lại (406 lô liền kề; 45 lô biệt thự), nhà đầu tư chuyển quyền sử dụng cho người mua tự xây dựng...
Tiến độ hoàn thành đầu tư dự án từ quý II/2023 - quý IV/2025. Nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án về Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên trước 8 giờ ngày 26/6.
Trước đó, Sở này cũng tìm nhà đầu tư cho dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 tại xã Bình Thuận, huyện Đại Từ. Dự án có diện tích khoảng 7,7 ha, tổng mức đầu tư gần 170 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2023 đến quý IV/2025.