Thêm nhiều địa phương kêu gọi nhà đầu tư làm nhà ở xã hội

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Định đã phát thông báo tìm nhà đầu tư thực hiện dự án Nhà ở xã hội Nhơn Phú 2 tại phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn.

Dự án được xây dựng trên khu đất rộng hơn 3,8 ha; gồm 4 tòa chung cư nhà ở xã hội (với 714 căn hộ) và 48 căn nhà thấp tầng liền kề. Ngoài ra còn có các công trình nhà trẻ, trường mẫu giáo; đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Quy mô dân số 2.234 người.

Về hiện trạng khu đất, đất được giao cho Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn thuê để sản xuất, đã hết thời hạn cho thuê. Theo quyết định của UBND tỉnh, trong tháng 6/2023, Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất). Tiến độ hoàn thành không quá 3 năm. Người mua nhà gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện gần 730 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 4/2023, tỉnh Bình Định đang triển khai đầu tư 19 dự án với tổng diện tích đất hơn 29,4 ha, cung cấp gần 11.200 căn với tổng vốn đầu tư khoảng 10.500 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2023, tỉnh sẽ khởi công xây dựng khoảng 7 dự án với hơn 4.600 căn hộ.

Tương tự, Hải Phòng tìm chủ cho dự án nhà ở xã hội hơn 6.000 tỷ đồng. Vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng cũng đã phát thông báo tìm nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng Nhà ở xã hội (giai đoạn 1) tại phường Tràng Cát, quận Hải An thuộc Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải.

Dự án được xây dựng trên khu đất rộng hơn 28,1 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng 27,7 ha. Sau khi hoàn thành sẽ có 27 block (gồm 20 block 7 tầng và 7 block 9 tầng), dự kiến cung cấp hơn 4.000 căn hộ với tổng diện tích đất xấp xỉ 110.000 m2.

Bên cạnh đó, còn có 284 căn hộ liền kề, biệt thự cao tối đa 5 tầng (2,5 ha); các công trình thương mại dịch vụ cao 4-10 tầng (2,3 ha) và công trình trường học (1,7 ha).

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền giao đất. Tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư chiếm hơn 210 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng đặt mục tiêu xây mới, hoàn thành khoảng 606.000 m2 sàn nhà ở xã hội. Trong đó, gần 225.000 m2 đến từ các dự án đang triển khai, hơn 381.000 m2 sàn đến từ việc kêu gọi đầu tư mới.

Hải Phòng kêu gọi nhà đầu tư cho dự án nhà ở xã hội hơn 6.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Hải Phòng kêu gọi nhà đầu tư cho dự án nhà ở xã hội hơn 6.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, ngày 16/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (giai đoạn 2), tỉnh Bắc Giang.

Dự án Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên được quy hoạch với tổng diện tích 12,6 ha, quy mô 16 tòa nhà chung cư, cao 20 tầng với tổng mức đầu tư dự kiến gần 5.000 tỷ đồng.

Dự án dự kiến cung cấp khoảng 7.000 căn hộ chung cư phục vụ cho hơn 20.000 người lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang thông tin, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện 12 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân. Khi các dự án hoàn thành sẽ cung cấp khoảng 95.000 chỗ ở cho công nhân. Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên (giai đoạn 2) là điển hình về phát triển nhà ở xã hội trong tỉnh.

Thời gian qua, chủ đầu tư dự án đã tập trung triển khai thực hiện, đến nay cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 (với 5 tòa nhà, tổng 2.500 căn hộ), đồng thời chuẩn bị các điều kiện để khởi công giai đoạn 2 của dự án (với 5 tòa nhà, tổng 1.500 căn hộ).

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân 120.000 tỷ đồng và giao Sở Xây dựng một số địa phương rà soát hồ sơ, lập danh mục dự án trình UBND tỉnh, thành phố công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của địa phương.

Cụ thể, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, tỉnh Bình Định có 6 dự án đề xuất, với tổng vốn đầu tư khoảng 5.344,9 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn khoảng 1.832 tỷ đồng; tỉnh Phú Thọ có 3 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 818 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 441 tỷ đồng; TP Đà Nẵng có 3 dự án, với tổng vốn đầu tư 2.046 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 545,6 tỷ đồng; tỉnh Trà Vinh có 2 dự án, với tổng vốn đầu tư 1.492 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 420 tỷ đồng; tỉnh Bắc Giang có 2 dự án, với tổng vốn đầu tư 6.164 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn 4.527,6 tỷ đồng.

Về lý do chậm giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, theo rà soát của Bộ Xây dựng là do các dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư. Có 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã được cấp phép đầu tư xây dựng, nhưng các địa phương chưa công bố công khai danh mục dự án, nên các ngân hàng chưa thể cho vay vốn.

Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình vay vốn, Bộ Xây dựng đang tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để triển khai hiệu quả gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc với một số địa phương trọng điểm kiểm tra, đôn đốc tạo nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và các dự án cải tạo chung cư cũ.

Hải Phòng phê duyệt 137 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài

Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng vừa ký ban hành quyết định số 1675/QĐ-UBND ngày 19/6/2023 phê duyệt danh mục 137 dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030.

Theo Quyết định, Hải Phòng phê duyệt 137 dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài của TP. Hải Phòng.

Cụ thể, trong lĩnh vực phát triển KCN có 16 KCN thuộc danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài thì 3 dự án KCN tại huyện Tiên Lãng có diện tích sử dụng đất lớn nhất gồm dự án KCN Tiên Lãng 2 quy mô 500-550 ha, KCN sân bay Tiên Lãng có quy mô chừng 450-550 ha, dự án KCN Tiên Lãng 1 quy mô 407 ha. Tại huyện Vĩnh Bảo có 3 dự án KCN gồm KCN Vinh Quang (340-350 ha), KCN An Hòa (200 ha), KCN Giang Biên II (350 ha).

Các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Kiến Thụy, mỗi huyện có 2 dự án KCN được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài, trong đó, huyện Thủy Nguyên có KCN Thủy Nguyên 310-320 ha, KCN Tam Hưng – Ngũ Lão diện tích 150 – 170 ha; huyện An Dương có KCN Nomura 2 diện tích 240 – 245 ha, KCN An Hưng - Đại Bản diện tích 250 – 255 ha; huyện An Lão có KCN Tràng Duệ (giai đoạn 3) quy mô 400 ha, KCN Cầu Cựu 100 – 110 ha; huyện Kiến Thụy có KCN Ngũ Phúc 250ha, KCN Tân Trào 200 ha...

Huyện Cát Hải và quận Hải An, mỗi địa phương có 1 KCN trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài gồm KCN phía Vắc đảo Cát Hải quy mô 180 – 200 ha, KCN Nam Tràng Cát với diện tích 202 ha tại quận Hải An.

Đối với khu vực phát triển công nghiệp, Hải Phòng phê duyệt 7 khu vực kêu gọi đầu tư nước ngoài như Khu vực phát triển công nghiệp Bến Rừng (330 ha), Khu vực phát triển công nghiệp phía Tây Nam đảo Cát Hải (700 – 720 ha), Khu vực phát triển công nghiệp logistics phi thuế quan Bắc Lạch Huyện (1.200 -1.300 ha), Khu vực phát triển công nghiệp đảo Cái Tráp (100 – 110 ha), Khu vực phát triển công nghiệp Trấn Dương – Hòa Bình (800 – 900 ha), Khu vực phát triển công nghiệp Trung Lập (500 – 600 ha), Khu vực phát triển công nghiệp Tam Đa (150 – 180 ha).

Về cụm công nghiệp, có 22 dự án cụm công nghiệp (CCN) trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài, quy mô nhỏ nhất là CCN làng nghề Cổ Am từ 20 – 30 ha, diện tích lớn nhất là CCN Tiên Cường I và CCN Tiên Cường III (huyện Tiên Lãng) cùng có quy mô hơn 220 - 230 ha; CCN An Thọ và CCN An Thọ - Chiến Thắng (huyện An Lão) có quy mô 130 ha; CCN Dũng Tiến – Giang Biên từ 110-120 ha. Các CCN còn lại trung bình 50-70 ha...

Lĩnh vực phát triển trung tâm logistics có 9 dự án trong danh mục, trong đó quy mô lớn nhất là Trung tâm logistics Lạch Huyện tại khu vực bến cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nhằm phục vụ các dịch vụ cảng biển với quy mô 300 – 350 ha (tiềm năng thêm 500 – 650 ha). Ngoài ra là Trung tâm logistics VSIP tại KCN VSIP (15 ha); Trung tâm logistics Tràng Duệ (40 ha); Trung tâm logistics cảng Nam Đồ Sơn quy mô 200 – 300 ha; Trung tâm logistics Kiến Thụy (2 xã Đoàn Xá và Đại Hợp) quy mô 120 ha; tại Tiên Lãng (50 ha); tại An Lão (30 – 100 ha); Trung tâm logistics Nam Đình Vũ (150 ha) tại KCN Nam Đình Vũ; Trung tâm logistics chuyên dùng hàng không tại phường Tràng Cát, quận Hải An (6 ha).

Tổ hợp KCN DEEP C Hải Phòng trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Ảnh - Quốc Huy
Tổ hợp KCN DEEP C Hải Phòng trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Ảnh: Quốc Huy

Đối với lĩnh vực phát triển mạng lưới viện nghiên cứu (R&D), có 5 dự án. Đó là Viện, trung tâm R&D tại quận Dương Kinh (15 – 25 ha), nghiên cứu công nghệ thông tin, phần mềm smart city (đô thị thông minh); Viện, trung tâm R&D về công nghệ cao tại Bắc sông Cấm (10 – 20 ha), tại Nam Đình Vũ (5 – 10 ha); Viện, trung tâm R&D về đại dương học, y học biển tại huyện Tiên Lãng, Thủy Nguyên (50 – 70 ha).

Lĩnh vực phát triển đô thị, Hải Phòng phê duyệt tới 52 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài. Dẫn đầu là huyện Thủy Nguyên với 10 dự án, trong đó dự án có quy mô lớn nhất là dự án Khu đô thị mới tại xã Thủy Đường và Hòa Bình diện tích 400 ha, tiếp đến là dự án Khu đô thị Hòn Ngọc (khu vực phía bắc sông Cấm (xã Hoa Động) quy mô 120ha. Cũng nằm ven sông Hòn Ngọc (huyện Thủy Nguyên), dự án Khu đô thị ven sông Hòn Ngọc và Khu đô thị Nam sông Hòn Ngọc quy mô 50 ha.

Tại địa bàn huyện An Dương có 8 dự án đô thị trong danh mục, trong đó lớn nhất là dự án mở rộng khu đô thị Tràng Duệ (xã Lê Lợi) với quy mô 150 ha, tiếp đó là dự án khu đô thị tại xã Đồng Thái quy mô hơn 73 ha. Tại huyện An Dương còn có dự án Khu nhà ở xã hội tại xã An Đồng với quy mô 56 ha.

Trong số các dự án đô thị tại quận Đồ Sơn có khu đô thị Bàng La có quy mô rất lớn lên tới 520 ha. Quận Hồng Bàng có dự án Khu đô thị sinh thái thông minh đa chức năng Nam sông Cấm (phường Sở Dầu), quận Ngô Quyền có dự án Khu đô thị hỗn hợp đa chức năng kết hợp trung tâm tài chính văn hóa ven sông Cấm (phường Máy Tơ) cùng có diện tích 118 ha. Quận Hải An có khu đô thị Nam Tràng Cát (phường Tràng Cát) quy mô 200 ha. Huyện đảo Cát Hải có khu đô thị, dịch vụ du lịch Phù Long (xã Phù Long) diện tích lên tới hơn 170 ha.

Trong số các dự án phát triển đô thị, những dự án có diện tích đất nằm trên địa bàn 2 quận huyện là những dự án có quy mô lớn trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài. Ngoài dự án Khu đô thị Kiến An – Dương Kinh quy mô 160 ha, dự án Khu đô thị Dương Kinh - Kiến Thụy quy mô 200ha thì dự án Khu đô thị Đông Nam Hải Phòng trên địa bàn các phường Hòa Nghĩa, Tân Thành (quận Dương Kinh) và Hợp Đức (quận Đồ Sơn) có quy mô lớn nhất với diện tích dự kiến lên tới 2.000 ha.

Đối với lĩnh vực phát triển du lịch, Hải Phòng có 4 dự án trong danh mục kêu gọi đầu tư nước ngoài, trong đó, dự án phát triển du lịch với thể thao và vui chơi giải trí tại quận Đồ Sơn có quy mô rất lớn từ 900 - 910 ha. Dự án dự án khu du lịch sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, trải nghiệm gắn với các điểm nước khoáng nóng tại các xã Khởi Nghĩa, Quyết Tiến (huyện Tiên Lãng) có quy mô 340 ha. 2 dự án du lịch còn lại là dự án xây dựng cảng tàu khách quốc tế thuộc Tổ hợp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng vốn dự kiến đầu tư khoảng 20 triệu USD, dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Sông Giá (huyện Thủy Nguyên) với vốn đầu tư khoảng 30 triệu USD.

Ngoài ra, Thành phố còn kêu gọi 10 dự án trong lĩnh vực giáo dục tại các huyện Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão và quận Đồ Sơn; 7 dự án trong lĩnh vực y tế tại các Khu vực Bắc sông Cấm, huyện An Dương, huyện Tiên Lãng, huyện Kiến Thụy, huyện An Lão, huyện Vĩnh Bảo và quận Kiến An; 4 dự án xây dựng Khu xử lý chất thải rắn tại quận Hải An, huyện Vĩnh Bảo, huyện An Dương và huyện An Lão với quy mô mỗi dự án từ 10 - 20 ha.

1.930 tỷ đồng xây tuyến đường kết nối Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký nghị quyết số 92/2023/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, dự án nhằm cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa. Tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi này nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

Ngoài ra, còn tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động, thông suốt trong mọi tình huống để bảo đảm an ninh, quốc phòng; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng.

Dự án được thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa với quy mô đầu tư đầu tư khoảng 56,9 km đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế là 60 km/h. Đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc, tốc độ thiết kế là 40 km/h; 2 làn xe, tổng chiều rộng nền 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 2 bên 3m (gia cố lề mỗi bên 1m). Dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công.

Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 128,96 ha. Quốc hội đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và chuyển mục đích sử dụng đất rừng khoảng 75,58 ha (trong đó: đất rừng, rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 27,07 ha; đất rừng, rừng đặc dụng khoảng 32,88 ha và đất rừng, rừng sản xuất khoảng 15,63 ha) để thực hiện dự án.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 1.930 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 1.000 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương là 930 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến hết năm 2027. Dự án được phân chia thành 2 dự án thành phần, bao gồm: Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Dự án thành phần xây lắp.

1.930 tỷ đồng xây tuyến đường kết nối Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Người Đưa tin
1.930 tỷ đồng xây tuyến đường kết nối Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Người Đưa Tin

Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện, quản lý, khai thác và vận hành dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách.

Bảo đảm cam kết phân bổ đủ 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, chịu trách nhiệm về việc tỉnh Khánh Hòa thực hiện cam kết phân bổ đủ 930 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu về diện tích rừng, đất rừng. Thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng; khảo sát, đánh giá, kiểm kê tài sản của người dân để đền bù thỏa đáng theo quy định của pháp luật; bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, sinh kế, việc làm, chuyển đổi nghề cho người dân vùng dự án…

Việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù: Giao Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư dự án; trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan đối dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định…

Bình Thuận đồng ý gia hạn tiến độ cho 3 dự án khu du lịch

UBND tỉnh Bình Thuận gia hạn tiến độ sử dụng đất với thời gian 18 tháng đối với dự án Khu du lịch Làng Tre La Gi tại thôn Hiệp An, xã Tân Tiến, thị xã La Gi của Công ty TNHH Làng Tre - La Gi để triển khai đầu tư dự án, đưa đất vào sử dụng theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 và điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Trường hợp, quá thời hạn 18 tháng mà Chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, không triển khai đầu tư thì UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Đối với dự án Khu du lịch Thái Thịnh tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết của Công ty TNHH Du lịch Thái Thịnh cũng được UBND tỉnh Bình Thuận gia hạn tiến độ sử dụng đất với thời gian 18 tháng để triển khai đầu tư dự án, đưa đất vào sử dụng theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 và điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Trường hợp, quá thời hạn 18 tháng mà Chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, không triển khai đầu tư thì UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Tương tự, UBND tỉnh Bình Thuận đã gia hạn tiến độ sử dụng đất với thời gian 11 tháng đối với dự án Khu du lịch sinh thái hồ Sông Lòng Sông tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong của Công ty TNHH Du lịch Hồng Vy để triển khai đầu tư dự án, đưa đất vào sử dụng theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 và điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐCP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Trường hợp, quá thời hạn 11 tháng mà Chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, không triển khai đầu tư thì UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cung cấp thông tin địa chính dự án được gia hạn cho Cục Thuế tỉnh để quản lý thu theo quy định.

Chủ đầu tư của dự án du lịch được gia hạn tiến độ sử dụng đất khẩn trương nộp tiền bổ sung vào ngân sách Nhà nước trong thời gian được gia hạn sử dụng đất theo đúng quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục liên quan bảo đảm đúng tiến độ.