Hà Nội kí quyết định quan trọng về nhà ở xã hội

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn vừa ký ban hành Quyết định số 1186/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, thành phố xác định mục tiêu phát triển nhà ở, giai đoạn 2021 – 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt 29,5m2/người. Diện tích nhà ở tối thiểu phấn đấu đạt 10m2/người. Tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 44 triệu m2.

Trong đó, về nhà ở xã hội, phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1- 2 khu nhà ở xã hội độc lập và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2- 3 khu. Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của Trung ương, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án.

Đồng thời, triển khai cải tạo, xây dựng lại 4 khu chung cư cũ có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp), các khu chung cư, nhà chung cư thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quy định (có phát sinh trong quá trình kiểm định) và các khu chung cư, nhà chung cư khác có tính khả thi, đủ điều kiện để triển khai theo quy định.

Về nhu cầu vốn và dự kiến nguồn vốn phát triển nhà ở, UBND thành phố dự kiến tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021- 2025 là khoảng 437.000 tỷ đồng. Trong đó vốn xây dựng nhà ở xã hội khoảng 12.500 tỷ đồng; vốn xây dựng nhà ở tái định cư khoảng 9.500 tỷ đồng.

Dự kiến nguồn vốn ngân sách là khoảng 5.800 tỷ đồng, trong đó khoảng 283 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội; khoảng 4.860 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới 5 dự án đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư; khoảng 641,3 tỷ đồng để tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu, nhà chung cư cũ; kiểm định và lập đề xuất chủ trương đầu tư phục vụ cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Hà Nội sẽ phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1- 2 khu nhà ở xã hội độc lập từ nay đến năm 2025.
Hà Nội sẽ phát triển mới khoảng 1,215 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1- 2 khu nhà ở xã hội độc lập từ nay đến năm 2025. Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2022, cả nước có 9 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới với quy mô 5.526 căn hộ; 114 dự án với 6.196 căn hộ đã hoàn thành xây dựng; 27 dự án với 8.245 căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Tại “Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và bền vững”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhìn nhận, kết quả rà soát cho thấy nhiều khó khăn, bất cập trong phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Theo quy định, các dự án nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, dẫn đến, hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập.

Quy định này dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị… dẫn đến quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.

Bên cạnh đó, quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu, đất đai dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội còn phức tạp, mất nhiều dài thời gian thực hiện thủ tục và làm chậm tiến độ triển khai dự án.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về Đề án "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Đáng chú ý, Bộ đề xuất giảm số căn nhà xã hội xây đến năm 2030 từ 1,4 triệu xuống hơn 1 triệu, vốn thực hiện cũng bớt 280.500 tỷ đồng.

Đầu tư nhà ở xã hội hiện được xem là một giải pháp giúp phá băng thị trường bất động sản. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn, với tổng diện tích hơn 7.780.000 m2.

Đồng thời đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) 401 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, với tổng diện tích khoảng 22.720.000 m2, giúp cho hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Nghệ An: Thông qua chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư cảng nước sâu Cửa Lò

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2023 diễn ra sáng 27/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã xem xét về đề nghị chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc.

Theo đó, so với giai đoạn 2010, dự án được cập nhật bổ sung diện tích sử dụng mặt biển theo quy định của Luật Biển Việt Nam và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ. Theo đó, diện tích mặt đất và mặt biển sử dụng gồm: Diện tích mặt đất sử dụng cho khu hậu phương cảng là 20ha. Diện tích mặt biển sử dụng cho khu cảng nước sâu xa bờ 200ha.

Quy mô dự án gồm Khu cảng gồm 1 bến tàu cho tàu 30.000 DWT và 1 bến tàu cho tàu 50.000 DWT. Các hạng mục công trình hạ tầng hàng hải khác gồm: tuyến đê chắn sóng dài 1.470m, luồng tàu và các thiết bị báo hiệu an toàn hàng hải.

Khu hậu phương cảng 20ha sẽ được xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật và nhà xưởng theo đúng quy hoạch chi tiết xây dựng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.896 tỷ đồng, tăng thêm 596 tỷ đồng so với trước đây.

Nghệ An: Thông qua chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư cảng nước sâu Cửa Lò
Nghệ An thông qua chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư cảng nước sâu Cửa Lò. Ảnh minh họa

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, việc trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy là giai đoạn thống nhất để triển khai điều chỉnh chủ trương đầu tư; sau đó mới tiến hành các thủ tục đầu tư để đảm bảo khởi công dự án.

Do đó, sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, UBND tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam phối hợp với nhà đầu tư thực hiện các thủ tục để đạt được tiến độ khởi công như mong muốn vào cuối quý 2/2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết, hiện nay, UBND tỉnh đã làm việc với nhà đầu tư để đảm bảo vốn chủ sở hữu theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phối hợp với các ngành, địa phương liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Kết luận phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý thống nhất với chủ trương điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh Cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc.

Đồng thời, giao UBND tỉnh lãnh đạo thực hiện các bước tiếp theo của dự án đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định pháp luật. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lưu ý giao UBND tỉnh xác định, xem xét lại tiến độ thực hiện dự án sát và đảm bảo khả thi trong quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, đặc biệt là nhà đầu tư đảm bảo vốn thực hiện.

Bên cạnh đó, yêu cầu UBND tỉnh đốc thúc dự án triển khai sớm, cố gắng cuối quý 2, đầu quý 3/2023 có thể khởi công.

Trước đó, ngày 8/4/2010, CTCP Đầu tư phát triển vận tải Quốc tế được UBND tỉnh Nghệ An đồng ý chủ trương cho đầu tư xây dựng dự án mở rộng cảng Cửa Lò (thuộc Khu kinh tế Đông Nam) tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc.

Dự án được Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ vốn và tư vấn đầu tư, CTCP Đầu tư phát triển vận tải quốc tế đã thuê tổ chức tư vấn thiết kế Japan Port Consultant Ltd chủ trì khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ quy hoạch, thiết kế, cùng sự tham gia hợp tác của các tổ chức tư vấn khác (Royal Haskoning Việt Nam của Hà Lan thẩm tra, Dohwa Engineering Hàn Quốc, ESG Việt Nam).

Nhà đầu tư đã tổ chức lễ khởi công xây dựng ngày 7/12/2010 với quy mô xây dựng gồm: 1 bến tàu cho tàu 30.000DWT, dài 252m; 1 bến tàu cho tàu 50.000DWT, dài 285m… Công suất 4-5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Diện tích sử dụng đất là 20ha. Tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn khách quan dự án đã bị đình trệ nhiều năm.

Từ đầu năm 2021, nhà đầu tư khởi động lại dự án, trong đó đã triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu hành chính và kho bãi (hậu phương cảng giai đoạn 1).

Lâm Đồng không chấp thuận lập dự án thủy điện tích năng ở hồ Tuyền Lâm

Ngày 27/2, UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cơ điện Xây dựng – CTCP (Agrimeco) với nội dung không chấp thuận vị trí khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch dự án thủy điện tích năng Tuyền Lâm.

Nguyên nhân, hồ Tuyền Lâm được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích thắng cảnh vào năm 1998 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu du lịch quốc gia vào năm 2017.

Tuyền Lâm là hồ lớn nhất ở Đà Lạt với diện tích khoảng 320ha, cách trung tâm thành phố khoảng 7km và cách thác Đatanla 2km. Hồ nằm gần núi Phụng Hoàng với nhiều cảnh quan đẹp, dịch vụ du lịch phong phú.

Hồ Tuyền Lâm và thác Đatanla là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí cao cấp, phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, coi trọng bảo tồn và tôn tạo các yếu tố tự nhiên, bảo vệ tài nguyên nước và môi trường rừng bảo vệ đa dạng sinh học.

Nơi đây cần được đảm bảo hài hòa giữa đầu tư phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường tự nhiên; hạn chế tối đa việc phá vỡ địa hình, cảnh quan tại từng khu vực. Ngoài ra, không có nội dung quy hoạch dự án thủy điện, thủy điện tích năng tại các danh thắng này.

Tuyền Lâm có hồ nước lớn nhất và sinh cảnh rừng thông đẹp bậc nhất Đà Lạt. Ảnh: Tiền Phong
Tuyền Lâm có hồ nước lớn nhất và sinh cảnh rừng thông đẹp bậc nhất Đà Lạt. Ảnh: Tiền Phong

UBND tỉnh cho rằng, việc lập quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng dự án thủy điện sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu, chức năng chính của khu di tích thắng cảnh, khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm.

Mặt khác, khu vực này chủ yếu là đất quy hoạch lâm nghiệp, gồm rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Bởi thế, việc lập quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng dự án thủy điện tích năng Tuyền Lâm sẽ gây tác động lớn tới đất rừng tự nhiên, cảnh quan, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và các công trình, dự án khác trong khu vực.

“Nếu Công ty còn nhu cầu nghiên cứu đầu tư, phát triển dự án năng lượng tại tỉnh Lâm Đồng thì liên hệ với Sở Công thương để được hướng dẫn, nghiên cứu vị trí khác phù hợp”, lãnh đạo UBND Lâm Đồng cho hay.

Trước đó, Agrimeco đề xuất khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ quy hoạch dự án thủy điện tích năng tại hồ Tuyền Lâm với diện tích đất hơn 66ha, công suất 300MW trên địa bàn TP Đà Lạt và các huyện Đức Trọng, Đơn Dương. Các loại đất sử dụng vào dự án gồm đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất và một phần nhỏ là đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp.

Gò Đen: Dự án phố chợ tại Long An

Phối chợ Gò Đen có vị trí tọa lạc tại đường Bờ Cua, xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Dự án nằm cạnh tuyến đường Quốc lộ 1A, nối liền đến thành phố Hồ Chí minh qua tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Xa lộ Đại Hàn và cách trung tâm huyện Bến Lức chỉ khoảng 15 phút di chuyển.

Phố chợ Gò Đen có tổng diện tích quy hoạch 9.513 m2, mật độ xây dựng 44,77%, đất dịch vụ công cộng 9,04%, mật độ phủ xanh 3,86%, phần còn lại dành cho diện tích giao thông và hạ tầng nội khu.

Dự án được thiết kế với mô hình đất nền nhà phố, cung cấp ra thị trường 42 lô. Diện tích trung bình từ 75 – 240 m2, hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và sở hữu đường nội khu rộng từ 14 – 17 m.

Mặt bàng phân lô dự án Phố chợ Gò Đen
Mặt bàng phân lô dự án Phố chợ Gò Đen

Dự án Phố chợ Gò Đen sở hữu những tiện ích nội khu bao gồm: Công viên, trường mầm non, khu thương mại dịch vụ, chốt bảo vệ. Bên cạnh đó, từ dự án cư dân di chuyển đến các tiện ích ngoại khu lân cận như: Nằm cạnh THPT Gò Đen và chợ Gò Đen; 5 phút di chuyển đến thị trấn Bến Lức, chợ Bình Chánh, KCN Vĩnh Lợi 2; 15 phút di chuyển đến TTHC Tân An, quận Bình Tân…

Chủ đầu tư dự án Phố chợ Gò Đen Long An là Công ty TNHH Bất động sản Thanh Thái TVK, đơn vị phát triển dự án BenThanh Invest.

Công ty TNHH Bất động sản Thanh Thái TVK được thành lập ngày 19/01/2019, đặt trụ sở tại đường số 1, ấp Long Thạnh, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Các lô đất tại dự án Phố chợ Gò Đen hiện đã được xây dựng hệ thống hạ tầng hoàn thiện. Các sản phẩm có mức giá từ 2,2 tỷ đồng/nền.