Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng không phải để 'giải cứu' bất động sản

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo báo cáo, hiện nay có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (tại 36 địa phương) đã được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng với tổng số 85.662 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỉ đồng. Các địa phương có 7 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (tại 4 địa phương) với nhu cầu vốn vay khoảng 4.130 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm ngoài các dự án trên, tỉnh Bắc Giang đã công bố 12 dự án đủ điều kiện vay vốn. Một số địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đang tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Riêng tại Hà Nội, hiện đã có hơn 4.000 căn hộ nhà ở xã hội được đưa ra thị trường và khoảng 40 dự án đang triển khai.

Trong tháng 4/2023, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ để doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vốn vay.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, gói tín dụng 120.000 tỉ đồng được huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại; thời hạn giải ngân đến hết năm 2030.

Tin bất động sản ngày 26/5:
Gói tín dụng 2000 tỷ đồng không phải để giải cứu thị trường bất động sản. Ảnh minh hoạ

Lý giải nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỉ đồng vẫn chưa giải ngân được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho rằng nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn vướng mắc về quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạo, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội… Do vậy, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.

Đồng thời, các văn bản hướng dẫn mới được ban hành (trong tháng 4/2023) nên các địa phương vẫn đang thực hiện lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và những đối tượng đủ điều kiện vay vốn.

Các ý kiến tại cuộc họp cũng kiến nghị bổ sung đối tượng được vay ưu đãi là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dưới dạng cho thuê, thuê mua; kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho người mua nhà, chủ đầu tư; đơn giản hóa thủ tục miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội…

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Hiện nay, hầu hết các vướng mắc về quy trình, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, điều kiện để được mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được sửa đổi, bổ sung trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và cơ bản được tháo gỡ toàn bộ sau khi các luật này có hiệu lực.

Cũng theo Phó Thủ tướng, trước mắt, các địa phương cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương báo cáo định kỳ hằng tháng về tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, NHNN và Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Các dự án Condotel sẽ sớm được gỡ khó

Ngày 24/5, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 10 năm 2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Theo đó, NĐ 10 có hiệu lực từ 20/5. Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong số các tỉnh đầu tiên triển khai tập huấn nghị định này. Tham dự để triển khai có ông Nguyễn Đắc Nhẫn, phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MT.

Ngoài ra, có các cán bộ sở ngành liên quan; cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh phụ trách mảng đất đai, địa chính và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Đắc Nhẫn, việc ban hành NĐ căn cứ vào vào một số cơ sở pháp lý, trong đó trước hết là nghị quyết số 18 năm 2022 của Bộ Chính trị “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Trong đó yêu cầu các chính sách về đất đai phải kịp thời được tháo gỡ. Nếu vấn đề nào luật chưa kịp thời điều chỉnh mà đã quy định nhưng văn bản dưới luật chưa xử lý được thì phải xử lý...

Tin bất động sản ngày 26/5:
Bà Rịa-Vũng Tàu: Các dự án Condotel sẽ sớm được gỡ khó. Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn thi hành đều ra đời năm 2014 (ngoài trừ NĐ 148 năm 2020). Tuy nhiên, các luật có liên quan đến đất đai là Luật Đấu giá ban hành năm 2016, đặc biệt Luật Đầu tư năm 2020 cũng có những văn bản hướng dẫn. Giữa các hướng dẫn của ba luật có một số mâu thuẫn, chồng chéo, vì vậy cần thiết phải sửa đổi liên quan Luật Đất đai...

Bên cạnh đó, thực tiễn triển khai cũng có những tồn tại vướng mắc, khó khăn. Vì vậy, khi xây dựng NĐ 10 chủ trương là quy định thật chi tiết để đảm bảo khi có hiệu lực là thực hiện được luôn. Cố gắng xử lý hết những khó khăn, vướng mắc tồn tại. Dưới nghị định sẽ không có thông tư hướng dẫn. Vừa qua, Bộ TN&MT đã có công văn để triển khai NĐ này.

Trong ngày 23/5, Bộ cũng ban hành Thông tư 02 nhưng đây không phải thông tư hướng dẫn toàn bộ NĐ 10 mà chỉ hướng dẫn về công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận và sửa đổi một số nội dung tại thông tư 23 và 24 năm 2014 của Bộ TN&MT.

Tại phần triển khai, ông Nguyễn Đắc Nhẫn nhấn mạnh, NĐ 10 gồm 6 Điều. Trong đó, Điều 1 sửa đổi, bổ sung 12 điều của Nghị định số 43 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Gồm 12 nội dung quan trọng là, bổ sung khoản 4 Điều 15 quy định về xác định thời gian bị ảnh hưởng đối với trường hợp bất khả kháng. Theo đó, trước thời điểm dịch Covid-19 thì trường hợp bất khả kháng hầu như không có nên các tỉnh, thành phố chưa có vướng mắc này.

Nhưng sau dịch phát sinh và hiện quy định mới giao trách nhiệm cho UBND tỉnh sẽ có văn bản trừ thời gian bất khả kháng căn cứ thực tế địa phương, tình hình triển khai dự án.

Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung Điều 15b quy định về việc thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Bổ sung Điều 17a quy định về đấu giá quyền sử dụng đất. Điều này cũng giúp hạn chế được việc doanh nghiệp đưa “quân xanh, quân đỏ” đi đấu giá.

Bổ sung khoản 5 Điều 32 quy định cấp sổ hồng cho tài sản gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về pháp luật xây dựng, kinh doanh bất động sản. Như các loại hình căn hộ du lịch Codotel. Trong quy định này cần chú ý đến thời hạn sử dụng của đất...

Ngoài triển khai, hướng dẫn các quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại NĐ 10, lãnh đạo Vụ Đất đai cũng giải đáp một số câu hỏi, ý kiến và vấn đề UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có văn bản xin ý kiến hướng dẫn; các đại biểu, trong đó có nhiều doanh nghiệp đặt ra khi triển khai nghị định.

Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc Sở TN&MT nhấn mạnh, NĐ 10 có hiệu lực sẽ giúp tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc về đất đai, đặc biệt cho các dự án trên địa bàn tỉnh có loại hình căn hộ du lịch, nghỉ dưỡng trong thời gian chờ Luật Đất đai 2013 sửa đổi...

Ông Hải đề nghị các địa phương khi triển khai thực hiện nghị định, nếu có vướng mắc gửi văn bản về Sở TN&MT. Nếu vấn đề thuộc cấp trên, Sở sẽ tổng hợp gửi UBND tỉnh để có văn bản xin ý kiến Bộ.

Hòa Bình: Điểm tên 5 dự án chậm tiến độ, đề nghị xem xét thu hồi

Thanh tra tỉnh Hòa Bình vừa có thông báo kết luận thanh tra số 28 ngày 11/5/2023 về việc chấp hành các quy định pháp luật về đất đai, tài chính, xây dựng để thực hiện các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đà Bắc, giai đoạn 2011 - 2021. Thanh tra việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2021.

Trong kết luận thanh tra, Thanh tra tỉnh Hòa Bình đã chỉ ra 5 dự án thực hiện chậm tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư bao gồm: Dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson tại đảo Sung, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort, dự án thủy điện Trung Thành, dự án Sản xuất gỗ ván ép cao cấp và dự án Khu thương mại dịch vụ kết hợp chợ truyền thống huyện Đà Bắc.

Cụ thể, tại dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Mai Đà Resort do Công ty TNHH TTH Mai Đà làm chủ đầu tư chưa thực hiện đầu tư xây dựng, dự án chậm tiến độ theo chủ trương đầu tư. Nguyên nhân là do dự án chưa thực hiện được thủ tục thuê đất dẫn đến chậm tiến độ. Đồng thời, đơn vị đã thỏa thuận về giá đền bù đất và hoa mầu trên đất cho các hộ dân trong khu vực dự án, đã chi trả cho các hộ dân tổng số tiền gần 2,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do hiện trạng đất của các hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên doanh nghiệp và các hộ dân đang lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Đà Bắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau đó xin phép UBND tỉnh thực hiện chuyển nhượng cho doanh nghiệp. Do đó, đơn vị này đề xuất được gia hạn tiến độ thực hiện dự án và đề nghị các cơ quan nhà nước hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục để sớm triển khai đầu tư đưa dự án vào hoạt động.

Tại dự án thủy điện Trung Thành do Công ty Cổ phần đầu tư thủy điện Hoàng Sơn làm chủ đầu tư chậm tiến độ 52 tháng theo quyết định chủ trương đầu tư số 33/QĐ-UBND ngày 2/6/2016 của UBND tỉnh (tiến độ thực hiện dự án 24 tháng kể từ ngày UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư), Nguyên nhân do có vướng mắc về thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng tự nhiên, chưa triển khai thực hiện được.

Tại dự án Khu thương mại dịch vụ kết hợp chợ truyền thống huyện Đà Bắc do HTX đầu tư và phát triển chợ Đà Bắc làm chủ đầu tư chậm tiến độ 18 tháng theo Quyết định số 802/QĐ-UBND ngày 18/4/2019 của UBND tỉnh hòa Bình. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội nên chậm triển khai thực hiện. Đơn vị đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và các Sở, ngành có liên quan xin gia hạn chủ chương đầu tư và đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện gia hạn cho đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Tại dự án Sản xuất gỗ ván ép cao cấp tại xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, do Công ty Cổ phần Xây dựng và Dịch vụ Hoàng Hà thực hiện chậm tiến độ so với chủ trương đầu tư (tháng 1/2021 đưa dự án chính thức đi vào hoạt động). Nguyên nhân do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.

Tại dự án khu du lịch thiên nhiên Robinson tại đảo Sung, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc do Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Hòa Bình thực hiện chậm tiến độ thực hiện dự án theo giai đoạn I (từ tháng 3/2016 đến tháng 2/2023). Nguyên nhân do việc vận chuyển, tập kết vật tư, vật liệu gặp trở ngại vì để ra Đảo Sung phải di chuyển bằng đường thủy.

Thêm nữa, do đơn vị này có chủ trương thay đổi phân khúc đầu tư với khái toán mức đầu tư công trình ban đầu là các công trình 2 sao, 3 sao, nay thay đổi lên mức công trình tiêu chuẩn 5 sao dẫn đến một loạt các thiết kế cũ gồm nhà đón, nhà hàng, nhà hội nghị, biệt thự... trở nên lạc hậu không phù hợp phải hủy bỏ toàn bộ thiết kế cũ, đồng thời phải thiết kế lại và bổ sung thêm các khu mới như: khu bể bơi; Spa; khu thể thao; khu dinh thự; biệt thự VIP,... đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Theo kết luận Thanh tra, Thanh tra tỉnh Hòa Bình đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát đối với 5 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư thực hiện chậm tiến độ; có văn bản yêu cầu các nhà đầu tư khẩn trương triển khai, thực hiện dự án theo tiến độ hoặc quyết định chủ trương đầu tư. Nếu chủ đầu tư các dự án không thực hiện, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu đề xuất thu hồi dự án theo quy định.

Cần sớm chấn chỉnh bất động sản ở Lý Sơn

Hiện nay không ít cá nhân từ các tỉnh, thành khác vẫn đổ xô về mua đất nông nghiệp ở Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Liên quan đến vấn đề này, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người ngoài địa phương. Thế nhưng không ít cá nhân từ các tỉnh, thành khác vẫn được giải quyết thủ tục mua đất nông nghiệp ở địa phương này.

Từ nhiều năm trở lại đây, nhiều người đến huyện đảo mua gom đất nông nghiệp, đẩy giá đất lên cao ngất ngưởng. Giá đất nông nghiệp ở Lý Sơn được "thổi" lên gấp 20-30 lần so với giá quy định của nhà nước. Tùy vị trí mà đất được mua với giá 1-1,5 triệu đồng/m2. Những thửa đất có mặt tiền hướng biển, gần trung tâm huyện có thể được mua với giá cao hơn so với mặt bằng chung.

Trong vai một khách hàng, chúng tôi được một môi giới tại đây chia sẻ: Hiện nay, thị trường bất động sản đang chạm đáy mà đất tại Lý Sơn vẫn ở mức cao chứng tỏ cơ hội đầu tư rất sáng. Không phải ai cũng biết được điều này, vì hiện nay nhà đầu tư họ “đánh hơi” được rất nhanh. Nếu như anh đã tới đây là anh đã hiểu và nắm chắc được thị trường ở đây rồi.

Để thuyết phục hơn, anh “cò đất” này chìa ra một chồng hợp đồng khoảng hơn 10 cho phóng viên xem và không quên buông một câu “cơ hội chỉ đến một lần, anh không đầu tư lúc này thì lúc nào nữa ạ?”…

Tin bất động sản ngày 26/5:
Cần sớm chấn chỉnh bất động sản ở Lý Sơn. Ảnh minh hoạ

Theo tìm hiểu, nguyên nhân giá đất được thổi lên cao là từ khi Thủ tướng Chính phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất. Theo quy hoạch này, huyện đảo Lý Sơn được định hướng phát triển thành thành phố, có sân bay và nhiều dự án lớn khác.

Trước thông tin trên, tình hình chuyển nhượng đất nông nghiệp tại Lý Sơn lại diễn biến phức tạp, giá đất nông nghiệp lại tăng cao, chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã chỉ đạo tăng cường quản lý đất đai. Đặc biệt là kiểm soát việc chuyển nhượng đất nông nghiệp cho những cá nhân ngoài huy

Theo bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn - cho biết, huyện đã chỉ đạo tạm dừng chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người dân ngoài địa phương. Điều này nhằm ngăn chặn việc đầu cơ đất nông nghiệp, gây tác động xấu đến huyện đảo.