Chính phủ phê duyệt nơi đặt trụ sở 36 bộ, ngành, cơ quan Trung ương

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Theo đồ án, hệ thống trụ sở mới này sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể.

Đồ án quy hoạch này gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là tây Hồ Tây và Mễ Trì.

Trong đó quy mô lập quy hoạch khu trụ sở bộ, ngành Trung ương tập trung tại khu tây Hồ Tây khoảng 35ha, gồm 20,7ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và 14,3ha tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm.

Khu tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi cho khách và cán bộ đến tiếp cận làm việc được thuận lợi bằng phương tiện giao thông cơ giới.

Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12 - 25 tầng, các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6 - 24 tầng, thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20m.

Theo đồ án quy hoạch, giai đoạn 1 (từ năm 2023 - 2025) sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1.

Tin bất động sản ngày 25/4: Chính phủ phê duyệt nơi đặt trụ sở 36 bộ, ngành, cơ quan Trung ương
"Dải Ngân hà xanh Thăng Long" - phương án giành giải A chung cuộc tại Cuộc thi tuyển Ý tưởng quy hoạch, kiến trúc tổng thể Khu trụ sở làm việc các bộ, ngành trung ương tại khu vực Tây Hồ Tây. Ảnh: CDC

Giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030), sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2.

Giai đoạn 3 (từ năm 2031 - 2035), sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các bộ, ngành còn lại và các công trình công cộng (giai đoạn 2).

Bên cạnh đó, với khu trụ sở bộ, ngành Trung ương tập trung tại khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) có quy mô khoảng 55ha, bao gồm khoảng 43,6ha thuộc phường Mễ Trì và khoảng 11,4ha thuộc phường Trung Văn.

Trụ sở làm việc ở đây được thiết kế cao 17 - 25 tầng, giáp với tuyến đường đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên.

Giai đoạn từ năm 2023 - 2025, tại khu vực Mễ Trì sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng.

Từ năm 2026 - 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ NN&PTNT và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời.

Giai đoạn năm 2030 về sau, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ quan có nhu cầu di dời.

Theo đồ án, đối với hệ thống các cơ sở nhà đất hiện có sau khi di dời yêu cầu phải có biện pháp quản lý tập trung.

Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND TP Hà Nội xác định phương án khai thác cụ thể cho từng cơ sở nhà đất để phục vụ hoạt động của các cơ quan Trung ương, phục vụ hoạt động của TP Hà Nội.

Trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính thì thực hiện đấu giá công khai để thu lại nguồn lực cho Nhà nước.

Đối với cơ sở không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính, việc chuyển đổi phải đảm bảo nguyên tắc đã được định hướng trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là ưu tiên tái cấu trúc đô thị, sử dụng cho mục đích công cộng, vườn hoa, bãi đỗ xe...

Khánh thành cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Dầu Giây - Phan Thiết vào ngày 29/4

Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Thủ tướng báo cáo cập nhật lịch khánh thành 3 tuyến cao tốc Bắc - Nam gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo.

Theo đó, sáng 29/4, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức khánh thành 2 dự án cao tốc đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Dầu Giây - Phan Thiết. Trong đó, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ được tổ chức tại xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), còn đoạn Dầu Giây - Phan Thiết sẽ được tổ chức tại xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận).

Ngày 29-4, tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ được khánh thành đưa vào khai thác
Ngày 29/4, tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ được khánh thành đưa vào khai thác. Ảnh: Người Lao động

Đối với cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Bộ Giao thông Vận tải xin lùi lịch khánh thành cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo sang ngày 19/5, dự kiến khánh thành cùng dự án Nha Trang - Cam Lâm.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến đoạn này phải lùi tiến độ là nguồn vật liệu đắp vừa được tháo gỡ và khai thác lại vào đầu tháng 4.

Bên cạnh đó, hiện nay một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù và chưa bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, quá trình triển khai thi công còn tình trạng một số hộ dân chưa đồng thuận, cản trở công tác thi công.

"Việc đưa vào khai thác đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dịp 30/4 sẽ chưa bảo đảm tốt nhất về điều kiện an toàn khai thác cũng như thuận tiện nhất cho việc đi lại của bà con nhân dân khu vực dự án, do phải tổ chức giao thông tạm tại các cầu vượt ngang", Bộ Giao thông Vận tải nhận định.

Lâm Đồng: Xử lý tình trạng núp bóng hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa trái phép

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản hướng dẫn các địa phương hướng xử lý các vi phạm về hiến đất làm đường, tách thửa, kinh doanh bất động sản trái pháp luật.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, những năm gần đây tình trạng phân lô, tách thửa diễn ra mạnh tại các địa bàn như huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc, nhất là giai đoạn từ năm 2018 - 2021. Hàng chục nghìn thửa đất mới đã được hình thành, không ít trong số đó đã lợi dụng để hình thành các dự án bất động sản, khu dân cư mới.

Liên quan đến những vi phạm trong việc hiến đất làm đường giao thông, tách thửa, kinh doanh bất động sản trái quy định, Sở Xây dựng đã hướng dẫn các địa phương cách thức xử lý theo từng trường hợp.

Theo đó, đối với trường hợp người dân tự đầu tư xây dựng đường giao thông trên phần diện tích đất của người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trước khi thực hiện các thủ tục hiến đất làm đường giao thông, chưa thực hiện tách thửa, chưa được ghi nhận đường giao thông trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...) thì hướng xử lý theo các trường hợp cụ thể:

Đối với xây dựng đường giao thông trên đất không đúng mục đích sử dụng đất: Xử lý vi phạm đối với trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Trường hợp xây dựng đường giao thông trên đất phù hợp với mục đích sử dụng đất (được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất) nhưng không có giấy phép xây dựng (trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng): Xử lý vi phạm đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng

Trường hợp xây dựng đường giao thông trên đất phù hợp với mục đích sử dụng đất (được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất) thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng mà không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: Xử lý vi phạm đối với hành vi xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Trường hợp mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính: Xử lý vi phạm đối với trường hợp mở đường nhánh đấu nối trái phép vào đường chính theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Nếu người dân tự đầu tư xây dựng đường giao thông trên phần diện tích đất để làm đường giao thông đã được nhà nước công nhận (sau khi thực hiện các thủ tục hiến đất để làm đường giao thông, trước hoặc sau khi thực hiện tách thửa, đã có quyết định thu hồi đất để làm đường giao thông, đã được ghi nhận đường giao thông trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...): Xử lý vi phạm đối với hành vi không tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đối với công trình phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc xử lý vi phạm đối với hành vi khởi công xây dựng công trình mà chưa có thiết kế bản vẽ thi công của công trình, hạng mục công trình đã được phê duyệt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Tin bất động sản ngày 25/4: Chính phủ phê duyệt nơi đặt trụ sở 36 bộ, ngành, cơ quan Trung ương
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn các địa phương xử lý tình trạng "núp bóng" hiến đất làm đường để phân lô, tách thửa trái phép. Ảnh: Tài chính Doanh nghiệp

Đối với trường hợp vi phạm quy định về nghiệm thu công trình xây dựng thì xử lý vi phạm đối với hành vi đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Việc xây dựng nhà ở, công trình dạng nhà ở trên diện tích đất đã được giải quyết tách thửa nhưng không phù hợp với mục đích sử dụng đất (chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất): Xử lý vi phạm đối với trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Việc xây dựng nhà ở, công trình dạng nhà ở trên diện tích đất đã được giải quyết tách thửa và phù hợp với mục đích sử dụng đất (đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất) thì hướng xử lý như sau:

Đối với trường hợp xây dựng phải có giấy phép xây dựng mà không có giấy phép xây dựng (trừ trường hợp được miễn giấy phép xây dựng): Xử lý vi phạm đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng mà không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt: Xử lý vi phạm đối với hành vi xây dựng công trình không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Trường hợp xây dựng công trình, nhà ở, dựng cổng, hàng rào, lều quán... trên phần diện tích thuộc phạm vi đất dành cho đường bộ: Xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Trường hợp vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản: Đối với kinh doanh bất động sản thuộc trường hợp phải thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã mà không thành lập theo quy định: Xử lý vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản theo quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Liên quan tình trạng phân lô, tách thửa, mới đây, Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã khởi tố, bắt giam Tạ Duy Phước (39 tuổi, cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm, thuộc Sở Tái nguyên và Môi trường Lâm Đồng) để điều tra về hành vi giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự.Theo điều tra của cơ quan công an, trong quá trình làm việc, Phước đã lợi dụng chức vụ, nghề nghiệp để làm sai lệch hồ sơ đăng ký biến động cấp đổi đường giao thông và tách thửa trái quy định của pháp luật.Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng khởi tố, bắt giam 3 đối tượng khác do làm sai lệch hồ sơ trong quá trình chỉnh lý, cập nhật biến động hồ sơ địa chính trên địa bàn thị trấn Lộc Thắng để nhận tiền của nhiều người dân.

Việc xử lý vi phạm hành chính đối với các vi phạm có liên quan phải đảm bảo theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; trong đó, cần chú ý chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nếu nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Quảng Ngãi tìm được nhà đầu tư cho khu đô thị hơn 1.815 tỷ đồng

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Quyết định số 289 về việc chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận Liên danh Công ty Cổ phần Khu đô thị Nam Trường Chinh – Công ty Cổ phần Tổng Công ty MB Land thực hiện dự án Khu đô thị mới Nam Trường Chinh.

Dự án này đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 847 ngày 3/8/2022.

Dự án có tiến độ từ quý 2/2023 đến quý 4/2024, hoàn thành các thủ tục đầu tư, đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao đất.

Từ quý 1/2025 đến quý 1/2029, hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án, đưa công trình đi vào hoạt động.

Được biết, dự án Khu đô thị mới Nam Trường Chinh, có quy mô diện tích 438.206 m2, trong đó nhà ở thương mại với 345 căn nhà (4 - 5 tầng), gồm 300 căn nhà ở liền kề và 45 căn nhà ở biệt thự…Với số vốn 1.815 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động trên 1.540 tỷ đồng; phần còn lại 275 tỷ đồng do nhà đầu tư góp, gồm Công ty Cổ phần Khu đô thị Nam Trường Chinh góp 233,75 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tổng Công ty MB Land góp 41,25 tỷ đồng.