TP HCM: Thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai trên địa bàn

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng vừa ký Quyết định 1179/QĐ-STNMT-TTr về việc Thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức sử dụng đất trên địa bàn TP HCM.

Đoàn thanh tra do ông Nguyễn Toàn Thắng làm trưởng đoàn cùng các thanh viên là lãnh đạo một số phòng ban chuyên môn của Sở.

Thời hạn thanh tra trong vòng 30 ngày (không kể ngày nghỉ, ngày lễ); thời kỳ thanh tra kể từ thời điểm các tổ chức được giao đất, được cho thuê đất đến nay.

Theo giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng, nhiệm vụ của Đoàn thanh tra là xem xét công tác chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng đất của các tổ chức; nếu có sai phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, trường hợp việc xử lý sai phạm vượt thẩm quyền của sở thì sở sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cấp cao hơn.

TP. HCM: Thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai trên địa bàn. Ảnh minh họa
TP HCM thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật đất đai trên địa bàn. Ảnh minh họa

Việc thanh tra này cũng nhằm làm cho công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn hiệu quả hơn, tránh lãng phí.

Nếu sau thời gian 30 ngày mà việc thanh tra chưa kết thúc hoặc cần thiết phải kéo dài thêm thời gian thì sẽ gia hạn theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 10/11, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam công bố quyết định thanh tra về việc quản lý, sử dụng một số quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, TP HCM và Hà Nội.

Các quỹ thuộc diện thanh tra như, hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội, phát triển nhà ở TP HCM, phát triển quỹ đất thành phố Hà Nội và TP HCM, thời kỳ từ 1/1/2017 đến 31/12/2021; khi cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời gian trên.

Điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế Nam Phú Yên

HĐND tỉnh Phú Yên vừa thông qua đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế (KKT) Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên đến năm 2040.

Theo đó, KKT Nam Phú Yên có diện tích 20.730 ha, giảm 250 ha so với trước đây do cập nhật lại ranh giới tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam theo báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Bộ GTVT thỏa thuận với địa phương.

Theo quy hoạch, KKT Nam Phú Yên có quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 200.000 - 230.000 người và sẽ tăng lên khoảng 280.000 - 300.000 người vào năm 2040.

Cấu trúc quy hoạch đến năm 2040 với hình thái, không gian kiến trúc, tính chất, vị trí các khu chức năng của KKT Nam Phú Yên theo quy hoạch chung năm 2009 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi năm 2009 nhưng có sự điều chỉnh.

Cụ thể, vành đai công nghiệp phía tây có hai trung tâm công nghiệp gắn với sân bay Tuy Hòa ở phía bắc và cảng Bãi Gốc ở phía nam để phát huy năng lực hạ tầng kỹ thuật khung quốc gia sân bay, cảng biển, đường bộ, đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Vành đai ven biển ở phía đông phát triển dịch vụ du lịch, đô thị. Hành lang xanh ven sông Ba và sông Bàn Thạch phát triển không gian sinh thái, dịch vụ du lịch.

Ngoài ra còn có ba trung tâm phát triển chính sẽ được hình thành gồm trung tâm đô thị và hậu cần sân bay, trung tâm đô thị Hòa Vinh, trung tâm đô thị thương mại ven biển.

Bên cạnh đó còn có tam giác phát triển du lịch phía nam với ba mũi nhọn là khu vực Biển Hồ - núi Đá Bia, khu du lịch Mũi Điện - Bãi Môn, khu du lịch Hòn Nưa.

Cảng Vũng Rô trong khu kinh tế Nam Phú Yên. Ảnh: PLO.vn
Cảng Vũng Rô trong khu kinh tế Nam Phú Yên. Ảnh: PLO.vn

KKT Nam Phú Yên được phân định sáu phân khu chức năng. Trong đó điều chỉnh phân khu 5 là khu vực công nghiệp tập trung, định hướng phát triển công nghệ cao, công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển.

Hệ thống giao thông đường sắt đi ngang KKT Nam Phú Yên tuân thủ quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Trong đó, hoàn thiện tuyến đường sắt cao tốc song song với đường bộ cao tốc Bắc - Nam, xây dựng mới một nhà ga và một trạm bảo dưỡng đường sắt cao tốc, địa điểm dự kiến đặt ở xã Hòa Thành, thị xã Đông Hòa để tăng tính kết nối tuyến đường sắt cao tốc với KKT Nam Phú Yên và trung tâm TP Tuy Hòa.

Theo tình hình thực tế về yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, có thể đầu tư xây dựng ga Đông Hòa Vinh là ga hàng hóa và hành khách, trong đó có đường sắt nhánh rẽ về cảng Bãi Gốc.

Đường hàng không tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050. Sân bay Tuy Hòa là sân bay cấp 4C giai đoạn 2021-2030 và nâng cấp mở rộng đạt công suất mỗi năm 3 - 5 triệu hành khách.

Giao thông đô thị trong KKT Nam Phú Yên mở rộng lộ giới đường Hùng Vương kéo dài với quy hoạch mặt đường rộng 57 – 63 m để đảm bảo kết nối với quốc lộ 29 đảm bảo đủ năng lực khai thác vận tải hàng hóa từ cảng Bãi Gốc lên Tây Nguyên và tuyến giao thông đô thị ven biển.

HĐND tỉnh Phú Yên giao cho UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu kỹ để hoàn thiện trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đảm bảo chất lượng quy hoạch. Nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch KKT Nam Phú Yên phải phù hợp, thống nhất với xây dựng quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quá trình thực hiện cần thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả; tuyệt đối tuân thủ đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.

Đề xuất lùi thời hạn hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành đến 30/9/2025

Bộ GTVT vừa có tờ trình số 12266/BGTVT - KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ xin phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành trên cơ sở đề xuất của đơn vị chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC.

Có 2 nội dung tại Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành mà Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép điều chỉnh. Một là, điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 30/9/2025. Hai là điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và cơ chế tài chính của Dự án.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA để gia hạn Hiệp định vay JICA lần 2 số VN14-P3 đến ngày 31/12/2025; làm việc với Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB để hủy vốn dư Hiệp định vay ADB lần 2 số 3391-VIE với giá trị là 70 triệu USD.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57,8km, qua các tỉnh: Long An (2,7km), TP.HCM (26,4km) và Đồng Nai (28,7km). Tổng mức đầu tư Dự án là 31.320 tỷ đồng, sử dụng 3 nguồn vốn: vốn vay ADB (13.654,6 tỷ đồng), vốn vay JICA (11.975,7 tỷ đồng) và vốn đối ứng (5.689,7 tỷ đồng). Dự án khởi công tháng 10/2014, kế hoạch hoàn thành ban đầu theo quyết định đầu tư là tháng 12/2017, gia hạn lần 1 đến ngày 30/6/2019, gia hạn lần 2 đến ngày 31/12/2023.

Tại thời điểm tháng 7/2020, Bộ GTVT trình thời gian hoàn thành Dự án là ngày 31/12/2023 với dự kiến các vướng mắc về vốn cho Dự án được các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm được gia hạn, đến nay thủ tục bố trí vốn nước ngoài cho các gói thầu đoạn sử dụng vốn vay JICA và thủ tục bố trí vốn đối ứng cho Dự án vẫn chưa hoàn thành. Việc sử dụng vốn dư Hiệp định vay ADB lần 2 số 3391-VIE để hoàn thành các gói thầu đoạn phía Tây chưa được chấp thuận.

Đề xuất lùi thời hạn hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành đến 30/9/2025
Đề xuất lùi thời hạn hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành đến 30/9/2025.

Bên cạnh đó, do thời gian dừng chờ thi công quá lâu do không có vốn, dẫn đến một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng, khiếu kiện VEC ra tòa; đồng thời VEC phải thực hiện đấu thầu lại để lựa chọn nhà thầu thi công mới. Do đó, Dự án không thể hoàn thành trước ngày 31/12/2023.

Trong thời gian vừa qua, Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC rà soát, xây dựng tiến độ triển khai tổng thể đối với từng gói thầu xây lắp.

Theo báo cáo của VEC, đối với các gói thầu đoạn phía Tây, sử dụng vốn vay ADB, do Hiệp định vay vốn ADB đã đóng nên VEC đề xuất sử dụng vốn của VEC để hoàn thành khối lượng còn lại. Khối lượng còn lại tập trung chủ yếu tại các gói thầu A1, A2-2 và A4.

Tiến độ thi công đoạn phía Tây dự kiến như sau: Gói thầu A1 hoàn thành ngày 31/12/2023, gói thầu A2-1 hoàn thành ngày 30/12/2022, gói thầu A2-2 hoàn thành ngày 21/9/2023, gói thầu A3 hoàn thành ngày 12/12/2022 và gói thầu A4 hoàn thành ngày 30/6/2023. Như vậy, đoạn tuyến phía Tây sẽ hoàn thành toàn bộ vào ngày 31/12/2023.

Đối với các gói thầu đoạn giữa, sử dụng vốn vay JICA, thời gian thi công Gói thầu J1 là 22 tháng và Gói thầu J3 là 21 tháng (chưa bao gồm thời gian các nhà thầu thực hiện công tác huy động lại công trường từ 3 - 6 tháng).

Hiện nay nhà thầu J3 đã chấm dứt hợp đồng và VEC đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công mới. Dự kiến, các Gói thầu J1 và J3 hoàn thành vào Quý II năm 2025.

Đối với các gói thầu đoạn phía Đông, sử dụng vốn vay ADB, hiện Gói thầu A5 đã cơ bản hoàn thành. Gói thầu A7 sẽ hoàn thành ngày 30/9/2023. Do Nhà thầu A6 đã chấm dứt hợp đồng và VEC đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công mới nên Gói thầu A6 dự kiến sẽ hoàn thành Quý I năm 2024.

Ngoài ra, VEC đang nghiên cứu đầu tư bổ sung hoàn chỉnh nút giao Quốc lộ 51 theo quy mô hoàn chỉnh để đảm bảo kết nối liên thông với Quốc lộ 51 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phục vụ Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào khai thác. Dự kiến, hạng mục công trình này hoàn thành vào Quý III năm 2025.

“Với các lý do trên, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án đến ngày 30/9/2025”, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.

Dự án căn hộ nghỉ dưỡng Alaric Tower tại Vũng Tàu

Căn hộ nghỉ dưỡng nằm trong khu nghỉ dưỡng The Maris có vị trí nằm tại mặt tiền đường 3/2 thuộc phường 11, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Dự án Alaric Tower được xây dựng trong tổng thể dự án The Maris 23ha với mật độ xây dựng tầm 30%.

Dự kiến dự án Alaric Tower cung cấp ra thị trường khoảng 598 căn hộ với diện tích đa dạng từ 44,5 – 90m2.

Nằm trong khu đô thị The Maris nên Alaric Tower sở hữu những tiện ích nội khu gồm: hồ bơi tràn bờ với diện tích mặt nước 2.200m2, công viên giải trí, quảng trường, khuôn viên tản bộ, khu mua sắm - ẩm thực, 6 clubhouse với hệ thống gym – spa, sân golf, hệ thống an ninh,…

Từ dự án Alaric Tower cư dân dễ dàng di chuyển đến các khu vực lân cận, chẳng hạn: đến Trường Đại học Giao thông - Vận tải 1,2km; cách Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn 2,7km; đến Bệnh viện Vũng Tàu 4,4km; cách Siêu thị Mega Vũng Tàu 4,9km; đến UBND phường 10 2,2km; cách khu chợ trời Hải sản 3,0km;…

dự án Alaric Tower
Phối cảnh một phần dự án Alaric Tower.

Dự án căn hộ nghỉ dưỡng Alaric Tower được đầu tư bởi Công ty TNHH Allgreen Vượng Thành – Trùng Dương (TDG Group), được thành lập vào ngày 03.07.2008, đăng ký thay đổi lần 02 vào ngày 06.01.2012 chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH thành viên trở lên.

Doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở đặt tại: số 184 đường Phan Chu Trinh, phường 2, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do Bùi Ngọc Tuấn là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp.

Ngày 07.09.2022, lễ ký kết hợp tác phát triển dự án Alaric Tower với sự tham gia của đại diện Công ty TNHH Allgreen Vượng Thành – Trùng Dương (TDG Group) – chủ đầu tư dự án cùng các đối tác phát triển dự án Alaric Tower.

Đơn vị quản lý dự án là AHS, đơn vị thi công là An Gia Phát, ngân hàng bảo lãnh là Agribank và tổng đại lý phân phối DKRV Holdings.

Giá căn hộ tại dự án Alaric Tower được tham khảo trên thị trường dao động khoảng 65 triệu/m2. Dự án đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng và dự kiến sẽ bàn giao vào năm 2023.

Tiến độ thanh toán dự án Alaric Tower:

+ Đợt 1: Giữ chỗ 30 triệu

+ Đợt 2: Sau 5 ngày, ký hợp đồng thỏa thuận mua, thanh toán 10%

+ Đợt 3: Sau 30 ngày, thanh toán 5%

+ Đợt 4: Sau 60 ngày, thanh toán 5%

+ Đợt 5: Xong móng, ký hợp đồng mua bán, thanh toán 10%

+ Đợt 6: Đổ bê tông tầng 5, thanh toán 10%

+ Đợt 7: Đổ bê tông tầng 10, thanh toán 10%

+ Đợt 8: Đổ bê tông tầng 15, thanh toán 10%

+ Đợt 9: Cất nóc, thanh toán 10%

+ Đợt 10: Bàn giao nhà, thanh toán 25% + 2% bảo trì

+ Đợt 11: Nhận sổ, thanh toán 5%