Đã có phương pháp ngăn chặn tình trạng bỏ cọc khi đấu giá đất

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ông Lê Minh Ngân, trong thời gian qua, trên cơ sở nắm bắt thực tế và lắng nghe phản ánh, kiến nghị của các địa phương, người dân và doanh nghiệp về các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai, Bộ TN&MT đã tập trung nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT ngày 30/6/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua.

Cùng với đó, Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo, phối hợp rà soát các quy định của pháp luật đất đai để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành.

Tuy nhiên, giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện còn hạn chế; điều kiện của người tham gia đấu giá, thời hạn phải nộp tiền của người trúng đấu giá và chế tài đối với việc không thực hiện thanh toán tiền trúng đấu giá… chưa thật chặt chẽ, tạo kẽ hở cho người tham gia đấu giá bỏ cọc, chậm thanh toán tiền trúng đấu giá.

Theo nhiều chuyên gia, do các quy định mức cọc từ 5 - 20%, thậm chí có nơi chỉ từ 3 - 5% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là quá thấp, dẫn đến tình trạng bỏ cọc đấu giá đất tăng cao ở một số địa phương.

Do đó, dẫn tới việc doanh nghiệp tham gia đấu giá đất đưa ra mức giá thầu rất cao nhưng sau đó lại xin hủy, bỏ thầu, chấp nhận mất cọc như vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm trước đây, bởi số tiền cọc đó nếu tính ra chỉ rất nhỏ so với mục đích nhằm thổi giá của thị trường lên, giúp các khu đất liên quan theo đà khu đất đã đấu giá xong tăng giá.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2023. Theo đó, doanh nghiệp muốn tham gia đấu giá đất phải có khả năng huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức, cá nhân khác để thực hiện dự án khi đấu giá thành công.

Tin bất động sản ngày 2/5: Đã có phương pháp ngăn chặn tình trạng bỏ cọc khi đấu giá đất
Cục Thuế TP HCM thu hồi thông báo thuế 4 lô đất trúng đấu giá Thủ Thiêm, TP HCM.

Hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá đất cũng phải nộp tiền đặt trước bằng 20% giá khởi điểm của thửa đất; nếu đấu giá đất để thực hiện dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện tương tự như doanh nghiệp.

Về điều kiện đối với đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, Nghị định yêu cầu phải đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 119 của Luật Đất đai; Đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất; việc đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện đối với từng thửa đất.

Đặc biệt phải có quy hoạch chi tiết 1/500 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở. Kể từ thời điểm công bố kết quả trúng đấu giá thì khoản tiền đặt trước và tiền lãi (nếu có) được chuyển thành tiền đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.

Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định này thì người trúng đấu giá không được nhận lại tiền đặt cọc.

Đối với trường hợp người trúng đấu giá đã nộp nhiều hơn khoản tiền đặt cọc thì được Nhà nước hoàn trả số tiền chênh lệch nhiều hơn so với số tiền đặt cọc theo quy định.

Lý giải về ý kiến cho rằng, việc quy định cứng phải đặt cọc trước khoản tiền bằng 20% tổng giá trị thửa đất, khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng: "Đây là quy định phù hợp vì khi nâng mức tiền cọc cao sẽ khiến các doanh nghiệp phải xem xét kỹ khi tham gia đấu giá đất, không dám hủy thầu sau khi trúng do giá trị thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn. Là giải pháp góp phần tháo gỡ vướng mắc trong đấu giá đất trong quá trình dự án Luật đất đai, Luật đấu thầu sửa đổi đang hoàn thiện. Qua đó sẽ giúp ổn định thị trường đất đai, tránh hoạt động thổi giá, đầu cơ, tạo hệ lụy, bong bóng thị trường bất động sản quá lớn, gây nguy cơ tiềm ẩn rất lớn cho nền kinh tế".

Tiền Giang chấp thuận hai dự án phát triển đô thị với tổng vốn gần 2.900 tỉ đồng

UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt danh mục đầu tư của hai dự án đô thị lớn là Khu đô thị Nguyễn Trọng Hợp và dự án Đường và khu dân cư 2 bên đường Vành đai phía Đông – đoạn 1 tại xã Long Hưng, thị xã Gò Công. Tổng vốn đầu tư sơ bộ của hai dự án này lên đến gần 2.900 tỉ đồng.

Theo TTXVN, UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như phê duyệt danh mục đầu tư của dự án Khu đô thị Nguyễn Trọng Hợp và dự án Đường và khu dân cư 2 bên đường Vành đai phía Đông – đoạn 1 tại xã Long Hưng, thị xã Gò Công.

Khu đô thị Nguyễn Trọng Hợp tại phường 4, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang được đầu tư nhà ở khu nhà phố thương mại có diện tích hơn 14.960 m2, gồm 152 lô có diện tích từ 85,7-220,5 m2, chiều cao tối đa 4 tầng, mật độ xây dựng tối đa 90%; nhà ở liền kề, nhà ở tái định cư có diện tích 35.566,6 m2 gồm 334 lô có diện tích từ 99-232,8 m2, chiều cao tối đa 4 tầng, mật độ xây dựng tối đa 90%.

Khu nhà ở biệt thư có diện tích 19.348,6 m2 gồm 80 lô có diện tích từ 200-465,8 m2, chiều cao tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng tối đa 70%; khối trung tâm thương mại dịch vụ có diện tích 14.410,7 m2, mật độ xây dựng 60%, tầng cao xây dựng 7 tầng (chiều cao <35 m), diện tích sàn xây dựng 86.464,2 m2.

Tin bất động sản ngày 2/5: Đã có phương pháp ngăn chặn tình trạng bỏ cọc khi đấu giá đất
Tiền Giang chấp thuận đầu tư 2 dự án đô thị lớn nhằm thúc đẩy phát triển cho thị xã Gò Công Ảnh: Bùi Gia Phú. Ảnh: Bùi Gia Phú

Khu tái định cư có diện tích 8.701,1 m2 với tổng số 84 lô có diện tích từ 99-179,2 m2, chiều cao xây dựng tối đa 4 tầng và khu nhà ở xã hội có diện tích 21.729,1 m2, mật độ xây dựng tối đa 60%, chiều cao xây dựng tối đa 9 tầng (chiều cao <45 m).

Tổng diện tích đất thực hiện dự án là 22,7 héc-ta, phục vụ cho quy mô dân số khoảng 4.000 người. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án chưa bao gồm tiền sử dụng đất là hơn 2.073 tỉ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2026.

Trong khi đó, dự án Đường và khu dân cư 2 bên đường Vành đai phía Đông – đoạn 1 tại xã Long Hưng, thị xã Gò Công có chiều dài 1.524 m, lộ giới 22 m (mặt đường 12 m, lề đường mỗi bên 5 m) và 2 dãy phố bên đường với chiều sâu mỗi dãy phố dài 20 m.

Dự án có tổng số 347 căn nhà ở thương mại và biệt thự. Trong đó, nhà ở liên kế thương mại là 310 căn; nhà ở biệt thự 37 căn; nhà ở liên kế tái định cư gồm 26 lô và khu đất dành bố trí nhà ở xã hội có diện tích khoảng 11.392 m². Dự án có tổng mức đầu tư 818 tỉ đồng dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2025.

Nỗ lực của TP HCM và kết quả bước đầu gỡ vướng cho các dự án BĐS

Tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội Thành phố vào ngày 16/4/2023, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 6 nhóm vấn đề.

Trong đó, có kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc thị trường bất động sản (BĐS) quan tâm giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến phương án sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa.

Về 156 dự án BĐS đang gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết dứt điểm cho 50 dự án.

Không phải chờ đến buổi làm việc với Thường trực Chính phủ, từ đầu năm 2023, lãnh đạo UBND TP HCM và các sở, ngành liên quan đã có động thái quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho 156 dự án BĐS, nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), cho rằng những nỗ lực của UBND Thành phố bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tăng cường niềm tin cho thị trường BĐS.

Theo ông Châu, hầu hết trong 156 dự án BĐS thuộc diện rà soát pháp lý có tính chất phức tạp, xử lý qua nhiều thời kỳ, quy định pháp luật thiếu đồng bộ. Nhiều dự án có nguồn gốc đất công hoặc do doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục.

Ngoài ra, không ít dự án bị vướng do phải rà soát lại việc tính tiền sử dụng đất; tiền sử dụng đất bổ sung; xử lý tài sản Nhà nước tại các chung cư cũ; điều chỉnh quy hoạch; nghĩa vụ xây dựng nhà ở xã hội của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại…

Chủ tịch HoREA cho hay lãnh đạo UBND TP HCM và các sở, ngành đã có nhiều lần trực tiếp gặp và lắng nghe một số chủ đầu tư trình bày những khó khăn, vướng mắc tại các dự án.

Bước đầu, đã có 5 dự án BĐS của Sơn Kim Land, Công ty TNHH Gotec Việt Nam, Gamuda Land, CapitaLand và Novaland được huy động vốn 50% số lượng nhà ở hình thành trong tương lai, tương ứng 5.432 căn nhà. Đây là các dự án đang chờ rà soát pháp lý nhưng chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất từ trước.

Bên cạnh đó, 1 dự án chung cư tại Q.4 và 1 dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh cũng được UBND TP HCM cho ý kiến, chỉ đạo các sở, ngành rà soát, giải quyết.

Trao đổi với PV VietNamNet, đại diện Novaland cho biết dự án chung cư tại Q.1 của doanh nghiệp này vừa được cho phép xây dựng lại. Song song với với việc thẩm định tiền sử dụng đất, dự án cũng được ngân hàng tái cấp vốn.

Trong khi đó, cuối tháng 4/2023, đại diện Hưng Thịnh Corp cho biết 6 dự án của doanh nghiệp cũng vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM thống nhất phương án gỡ vướng về thủ tục đầu tư và cấp giấy chứng nhận.

Liên quan đến công tác gỡ khó cho các dự án BĐS, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng vừa thông tin về hướng giải quyết thủ tục pháp lý cho 7 dự án BĐS ở Đồng Nai.

Đó là dự án Khu dân cư Long Hưng và Khu đô thị dịch vụ thương mại Cù lao Phước Hưng của chủ đầu tư DonaCoop; Khu đô thị Đồng Nai WaterFront của Nam Long; Khu đô thị Aqua City của Novaland;

Trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc văn phòng kết hợp khu dân cư phường Hố Nai, TP Biên Hòa và Khu đô thị du lịch Nhơn Phước của Hưng Thịnh Corp; Khu đô thị sinh thái Long Tân của DIC Group.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương, nhất là sự phối hợp hiệu quả giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và UBND các tỉnh thành, ông Lê Hoàng Châu kỳ vọng phần lớn các dự án BĐS bị vướng thủ tục pháp lý sẽ được giải quyết trong năm nay.

Dự án khu công nghiệp Gilimex tại Huế

Khu công nghiệp Gilimex có vị trí tọa lạc tại tuyến đường Quốc lộ 1A, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án nằm trong cụm Khu công nghiệp Phú Bài, liền kề Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, cách trung tâm thành phố Huế 16 km, khoảng gần 30 phút di chuyển.

Khu công nghiệp Gilimex có tổng diện tích 460,85 ha với tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 phân khu A và B với diện tích mỗi khu bao gồm:

Phân khu A: Có diện tích 49,17 ha, trong đó diện tích đất dành cho nhà máy và kho bãi là 29,06 ha.

Phân khu B: Có diện tích 411,68 ha với diện tích đất dành cho nhà máy là 258 ha và kho bãi là 12,4 ha.

Khu công nghiệp Gilimex Huế được đầu tư xây dựng hướng đến mục tiêu công nghiệp xanh, công nghiệp sạch và công nghệ tiên tiến. Được đầu tư với các ngành nghề như: Sản xuất, chế biến thực phẩm, sản xuất đồ uống; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy; sản xuất sợi nhân tạo; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất da và các sản phẩm liên quan; sản xuất máy móc…

Dự án được đầu tư và thiết kế về cơ sở hạ tầng với các hạng mục bao gồm: Hệ thống điện, hệ thống viễn thông, hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải và hệ thống giao thông nội bộ của khu công nghiệp.

Tin bất động sản ngày 2/5: Đã có phương pháp ngăn chặn tình trạng bỏ cọc khi đấu giá đất
Phối cảnh Dự án Khu công nghiệp Gilimex Huế.

Từ Khu công nghiệp Gilimex Huế liền kề các khu trọng điểm kinh tế và các cảng biển tại miền Trung như: Dự án nằm dọc tuyến đường Quốc lộ 1A, kết nối với cao tốc Cam lộ - La Sơn – Túy Loan, là điểm đầu Hành lang Kinh tế Đông Tây, cách cảng Chân Mây 50 km, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 80 km, cách cảng Đà Nẵng 80 km, cách cửa khẩu Lao Bảo 170 km…

Chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp Gilimex Huế là Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Gilimex được thành lập ngày 26/11/2019, đặt trụ sở tại 45 Nguyễn Huệ, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Được biết doanh nghiệp với cổ đông sáng lập là Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex). Hoạt động trong các lĩnh vực như: Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản; kinh doanh bất động sản; xây dựng các công trình kỹ thuật dân dụng…

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Gilimex là nhà đầu tư tại quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 10/3/2021.

Khu công nghiệp Gilimex có hiện trạng quy hoạch dự kiến: Khởi công tháng 11/2022, thời gian bàn giao Phân khu A quý 3/2023 và thời gian bàn giao Phân khu B quý 1/2024.

Ngày 11/11/2022, tại thị xã Hương Thủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Gilimex tổ chức lễ khởi công Khu công nghiệp Gilimex tại Thừa Thiên Huế.