Hà Nội trả lời về các dự án khu đô thị chậm tiến độ

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai khi được đề nghị kiểm tra, xem xét một số dự án khu đô thị, khu tái định cư, nhà ở xã hội trên địa bàn…

Trả lời kiến nghị của cử tri huyện Đan Phượng đề nghị kiểm tra dự án khu đô thị Hồng Thái đã có quy hoạch 14 năm, song đến nay, chưa triển khai, UBND TP Hà Nội cho biết: dự án khu đô thị Hồng Thái gồm 3 khu: phần giao cho Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Sông Đà có diện tích 40ha; phần giao Công ty cổ phần Bất động sản Vinalines diện tích 48ha; phần giao Công ty cổ phần ĐT&PT Sông Đà 9.06 diện tích 77ha.

Các dự án nêu trên đã có quyết định giao chủ đầu tư của UBND tỉnh Hà Tây nhưng nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục lập quy hoạch chi tiết 1/500, lập dự án đầu tư. Dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư; nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục về đất đai theo quy định.

Cuối năm 2022, Tổ công tác liên ngành thành phố cũng có văn bản báo cáo UBND TP kết quả rà soát các dự án nêu trên. Trong đó, đề xuất UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thanh tra, kiểm tra dự án; củng cố cơ sở pháp lý để đề xuất phương án xử lý đối với từng trường hợp cụ thể (có thể xem xét chấm dứt hiệu lực các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện dự án). Và tại Thông báo số 06/TB-VP của Văn phòng UBND TP ngày 9/1/2023, lãnh đạo UBND TP cơ bản thống nhất với nghiên cứu, đánh giá, phân loại của Tổ công tác liên ngành, và giao Tổ công tác tiếp tục nghiên cứu, làm rõ về khung tiêu chí pháp lý nhằm thực hiện các thủ tục liên quan (chấm dứt, thu hồi).

Hà Nội trả lời về các dự án khu đô thị chậm tiến độ. Ảnh minh họa
Hà Nội trả lời về các dự án khu đô thị chậm tiến độ. Ảnh minh họa

Tương tự, trả lời kiến nghị của cử tri huyện Đông Anh về dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại ô đất ký hiệu CT5, thuộc thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, dù có thông báo thu hồi đất từ năm 2010 nhưng đến nay không triển khai, UBND TP thông tin: dự án này được UBND TP chấp thuận đầu tư tại văn bản số 3135/UBND-XD ngày 24/7/2012, điều chỉnh tại văn bản số 2019/UBND-XDGT ngày 12/1/2015; trong đó, chấp thuận Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội và Tổng công ty Viglacera làm nhà đầu tư, tiến độ dự án từ quý 1/2015 đến quý 2/2017. Hiện, dự án chưa được giao đất.

Như vậy, việc triển khai dự án đến nay chậm gần 6 năm theo tiến độ phê duyệt. Căn cứ vào các quy định, công tác xem xét tiến độ thực hiện dự án thuộc trách nhiệm giám sát, đánh giá đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Liên quan đến việc thực hiện các quyền lợi sử dụng đất tại khu đất nêu trên thì thuộc trách nhiệm xem xét, giải quyết của UBND huyện Đông Anh, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Trong khi đó, với kiến nghị của cử tri huyện Quốc Oai liên quan tới dự án khu tái định cư Hòa Phú; dự án Làng Thời Đại, UBND TP. Hà Nội nêu: dự án Làng Thời Đại trên địa bàn huyện Chương Mỹ và huyện Quốc Oai đã có quyết định giao chủ đầu tư của UBND tỉnh Hà Tây, nhưng nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục lập quy hoạch chi tiết 1/500, lập dự án đầu tư; dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép đầu tư khu đô thị mới; nhà đầu tư chưa thực hiện thủ tục về đất đai theo quy định.

Còn dự án tái định cư Hòa Phú, hiện thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng xong khoảng 45,56ha và thi công một số công trình hạ tầng kỹ thuật trị giá 34,9 tỷ đồng, UBND huyện Quốc Oai đã đề nghị UBND TP thu hồi, hủy bỏ quyết định thu hồi đất tại dự án. Hiện UBND TP giao sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đề xuất xử lý theo quy định.

Thời gian tới, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát, đôn đốc thực hiện các công việc liên quan đến dự án. Trường hợp vướng mắc báo cáo UBND TP để xem xét theo quy định.

Quảng Ngãi khẩn trương bổ sung dự án Khu xử lý chất thải 600 tỷ đồng vào quy hoạch

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản về việc giải quyết đề nghị của Công ty cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Ngãi.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Quảng Ngãi đề nghị về việc bổ sung dự án Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch có liên quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương bổ sung dự án Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất vào Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung dự án Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất và các dự án liên quan đến môi trường khác trên địa bàn tỉnh (nếu có) vào Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian hoàn thành trước ngày 24/6/2023.

Được biết, Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất, do Công ty Cổ phần Môi trường và Đô thị Quảng Ngãi (MQN) đề xuất đầu tư xây dựng tại xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) có quy mô 71,5ha, tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng.

Xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quãng Ngãi. Ảnh: Công Xuân
Xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quãng Ngãi. Ảnh: Công Xuân

Công suất xử lý các loại chất thải của Khu liên hợp sau khi được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh là 2.000 tấn/ngày, đêm. Trong đó, giai đoạn 1 (năm 2024 - 2029) xử lý 1.000 tấn/ngày, đêm (gồm 500 tấn chất thải sinh hoạt và 500 tấn chất thải công nghiệp thông thường và nguy hại), giai đoạn 2 (2030 trở đi) sẽ tiến hành phát điện đồng thời đưa công suất đạt 2.000 tấn/ngày, đêm. Công nghệ xử lý chủ đạo là phân loại, tái chế, đốt rác triệt để đảm bảo tiêu chuẩn môi trường và tỷ lệ chôn lấp là thấp nhất.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm xử lý lượng lớn chất thải sinh hoạt thu gom được hàng ngày trên địa bàn và phần lớn lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Cùng với đó là dự phòng công suất, đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải phát sinh trong tương lai, theo lộ trình đã được tính toán, phân kỳ đầu tư.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, tinh thần giải quyết đối với Dự án Khu liên hợp xử lý chất thải tổng hợp Dung Quất là cho làm song song các thủ tục; đề nghị các sở, ngành cố gắng triển khai nội dung công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời giao Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi khẩn trương xem xét tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư và triển khai các thủ tục liên quan trong thời gian sớm nhất để cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án.

Buông lỏng quản lý đất đai, 2 nguyên Chủ tịch xã ở Hải Dương bị kỷ luật

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tứ Kỳ (Hải Dương) đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Đồng Viết Thìn và ông Đồng Văn Điều, đều là nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Cộng Lạc.

Theo đó, trong thời gian ông Thìn giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cộng Lạc nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Đồng Văn Điều giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cộng Lạc nhiệm kỳ 2015-2020 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm xây dựng công trình lán, quán để bán hàng trên đất nông nghiệp, đất công do UBND xã quản lý tại khu phía đông giáp với Công ty TNHH GFT Việt Nam.

Trước đó, báo chí đã phản ánh về việc 41 hộ dân tự ý san lấp, dựng hàng quán trên đất nông nghiệp, đất công tại thôn Hàm Hy, xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) với diện tích 2.431 m2 dọc tuyến đường giáp với Công ty TNHH GFT Việt Nam.

Vào tháng 12/2021, UBND xã Cộng Lạc đã lập biên bản xác minh 41 hộ vi phạm và tất cả các hộ đều đã ký. Ngày 30 và 31/12/2021, UBND xã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 31 hộ, đồng thời yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm.

Tháng 1/2022, UBND huyện Tứ Kỳ đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 hộ còn lại và yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm.

Bình Định: Đấu giá đất vàng xây khách sạn và trung tâm thương mại 2.500 tỷ đồng

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng khu khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, văn phòng cho thuê và trung tâm thương mại - dịch vụ, theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Địa điểm thực hiện dự án tại Khu đất K200, đường An Dương Vương, phường Nguyễn Văn Cừ, TP. Quy Nhơn.

Dự án có diện tích gần 11.00m2, trong đó đất xây dựng công trình gần 6.000m2, đất cây xanh, sân bãi, đường nội bộ là gần 5.000m2. Vốn đầu tư dự án 2.500 tỷ đồng.

Công trình có khoảng 40 - 45 tầng nổi (1 khối đế và 1 khối tháp), tầng hầm tối đa là 3 tầng.

Khu đất K200 có mặt tiền hướng biển Quy Nhơn. Ảnh: VNF
Khu đất K200 có mặt tiền hướng biển Quy Nhơn. Ảnh: VNF

Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

UBND tỉnh Bình Định quy định, trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, chủ đầu tư phải hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo đúng quy định hiện hành để khởi công xây dựng các hạng mục của dự án.

Thời gian thi công xây dựng công trình dự án không quá 30 tháng kể từ ngày có giấy phép xây dựng. Trong quá trình thực hiện, nhà đầu tư vi phạm tiến độ nêu trên sẽ bị xem xét thu hồi dự án và thu hồi đất, xử lý tài chính và sung công quỹ Nhà nước số tiền trúng đấu giá đã nộp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Khu đất K200 được xem là "đất vàng" với vị trí ngay sát biển Quy Nhơn nhưng để lãng phí nhiều năm qua.