Thanh tra Bộ KH&ĐT chỉ ra hàng loạt dự án sai phạm tại Bình Định

Bộ Khoa học và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật đầu tư công giai đoạn 2016-2020, việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư; việc chấp hành pháp luật về đầu tư giai đoạn 2016-2021 tại Bình Định. Trong đó hàng loạt dự án khu đô thị, resort bị thanh tra đều có sai phạm.

Thanh tra Bộ KH&ĐT đã tiến hành thanh tra 27/32 dự án trong và ngoài Khu kinh tế (KKT) tỉnh Bình Định. Trong đó, đa số các dự án là khu đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng. Theo kết quả thanh tra, đa số các dự án đều có sai phạm.

Một trong những dự án Bộ KH&ĐT “điểm mặt” là dự án điểm du lịch Hòn Khô (giai đoạn 1). Dự án này có quy mô gần 52 ha tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Theo Thanh tra Bộ KH&ĐT, năm 2018, Ban quản lý (BQL) KKT tỉnh Bình Định đã ký hợp đồng cho Công ty Khoáng sản thương mại Tấn Phát thuê 52 ha đất nêu trên trong thời hạn 50 năm bằng hình thức trả tiền một lần.

Đến nay dự án đã triển khai được năm năm và tại thời điểm thanh tra (ngày 15-6-2022), BQLKKT vẫn chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa bàn giao đất trên thực tế cho nhà đầu tư. Trong khi đó, Công ty Tấn Phát đã tiến hành xây dựng nhiều hạng mục mà không có giấy phép xây dựng theo quy định.

Cụ thể, đó là các hạng mục cầu tàu, bến thủy nội địa tại dự án điểm du lịch Hòn Khô. Ghi nhận của

Pháp Luật TP.HCM trưa 19-2 tại bãi biển Hòn Khô, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, một số hạng mục của dự án đang thi công dang dở.

Tại công trường, xe múc và nhiều vật liệu xây dựng được chất ngổn ngang. Ở chân núi, đất đá bị san gạt tại hiện trường còn nham nhở. Đặc biệt, cầu tàu xây dựng bằng bê tông cốt thép nối các vị trí quanh chân núi trên đảo Hòn Khô ra ngoài mặt nước biển với chiều dài khoảng 100 m, bề ngang 2,5 m. Cùng với đó là một đường cầu đi thẳng ra biển.

Cũng tại dự án này, Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra thêm một số sai phạm khác như chưa thực hiện lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan; chậm ký hợp đồng thuê đất, chậm giao đất trên thực địa để nhà đầu tư triển khai dự án.

Ngoài ra, “dự án chậm tiến độ 32 tháng tính từ lúc được chấp thuận chủ trương đầu tư đến thời điểm thanh tra” - kết luận thanh tra nêu.

Một dự án nghỉ dưỡng khác cũng bị Thanh tra Bộ KH&ĐT chỉ ra hàng loạt sai phạm là Phương Mai Bay Resort tại TP Quy Nhơn, có quy mô hơn 30 ha. Trước đây, BQLKKT đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một doanh nghiệp thực hiện dự án khu du lịch resort cao cấp phía bắc với tổng diện tích 111 ha. Do không bảo đảm năng lực đầu tư nên BQLKKT đã thu hồi dự án này. Sau đó, BQLKKT giao hơn 30 ha đất cho Công ty cổ phần Phương Mai Bay làm chủ đầu tư mới.

Chưa có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư dự án điểm du lịch Hòn Khô đã xây cầu tàu trái phép. Ảnh: PLO.vn
Chưa có giấy phép xây dựng, chủ đầu tư dự án điểm du lịch Hòn Khô đã xây cầu tàu trái phép. Ảnh: PLO.vn

Theo quy định, BQLKKT phải lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, tuy nhiên qua kiểm tra hồ sơ thì cơ quan này đã không thực hiện theo quy định, mà chỉ lập báo cáo thẩm định.

Điều đáng nói khi dự án chưa hoàn tất pháp lý thì chủ đầu tư đã triển khai hàng loạt hạng mục khi chưa có giấy phép xây dựng. Cụ thể là văn phòng BQL, bãi đỗ xe, nhà nhân viên, tường rào, cổng ngõ, khu cây xanh cảnh quan, nền đường nội bộ cấp phối và hai biệt thự (mẫu).

Hay tại dự án Khu du lịch Hải Giang Merry Land, Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn đã triển khai thi công ngoài một số hạng mục không có giấy phép xây dựng như nhà mẫu, dãy nhà phố shophouse, hệ thống nhạc nước, sân golf…

Qua thanh tra 27 dự án tại Bình Định thì có tới 22 dự án (chiếm 81%) quá trình triển khai, thực hiện các dự án còn nhiều tồn tại, sai sót. “BQLKKT chưa thực hiện chế độ báo cáo và công tác giám sát, đánh giá đầu tư đầy đủ. Việc nắm bắt, xử lý các dự án chậm tiến độ, dự án không triển khai, các dự án đầu tư không hiệu quả còn thiếu kiên quyết” - kết luận thanh tra nêu.

“UBND tỉnh Bình Định phải tổ chức kiểm điểm, xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót nêu trong kết luận thanh tra".

Từ đó, Thanh tra Bộ KH&ĐT yêu cầu tỉnh Bình Định kiểm điểm trách nhiệm của BQLKKT. Trong đó có việc để xảy ra nhiều sai phạm tại các dự án điểm du lịch Hòn Khô, Phương Mai Bay Resort, Khu du lịch Hải Giang Merry Land nêu trên.

Ngoài ra, đối với dự án điểm du lịch Hòn Khô, Bộ KH&ĐT yêu cầu rà soát việc ký hợp đồng thuê đất, giao đất trên thực địa; việc chậm triển khai dự án theo tiến độ được phê duyệt trong quyết định chủ trương đầu tư.

Ngoài các dự án nêu trên, kết luận thanh tra cũng nêu ra nhiều sai phạm tại hàng loạt dự án khác trên địa bàn tỉnh Bình Định chưa lập báo cáo tác động môi trường, chưa nộp tiền ký quỹ, xây dựng không phép, chậm triển khai…

Để xảy ra tình trạng trên, Thanh tra Bộ KH&ĐT đánh giá cơ quan chức năng tỉnh Bình Định chưa thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước được giao; chưa đôn đốc nhà đầu tư nộp tiền ký quỹ; tiền sử dụng đất về cho ngân sách tỉnh; chưa đôn đốc nhà đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, triển khai dự án theo tiến độ được phê duyệt.

Từ đó, Bộ KH&ĐT yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chấn chỉnh công tác thẩm định hồ sơ dự án, năng lực nhà đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án bảo đảm đầy đủ nội dung hoặc quy định mức ký quỹ phù hợp với quy định.

Thanh tra Bộ KH&ĐT cũng đề nghị tỉnh Bình Định tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá đầu tư đối với các dự án sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký, quyết định chủ trương đầu tư. Đối với các dự án không triển khai hoặc chậm tiến độ cần xác định nguyên nhân và có biện pháp xử lý dứt điểm, kịp thời...

“UBND tỉnh Bình Định phải tổ chức khắc phục những hạn chế, sai sót mà kết luận thanh tra đã nêu. Tổ chức kiểm điểm, xác định nguyên nhân, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, sai sót nêu trong kết luận thanh tra”, Thanh tra Bộ KH&ĐT nêu.

Phát triển đô thị Bắc Giang trở thành cửa ngõ quan trọng phía đông bắc vùng Thủ đô

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 425/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000…

Theo phê duyệt, phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của TP.Bắc Giang và huyện Yên Dũng hiện hữu với khoảng 25.830 ha. Trong đó, TP.Bắc Giang 6.656 ha; huyện Yên Dũng 19.174 ha. Mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa các định hướng chiến lược của Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành có liên quan, để xây dựng và phát triển đô thị Bắc Giang trở thành một đô thị trung tâm, cửa ngõ quan trọng phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo nhiệm vụ quy hoạch, đến năm 2030, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 472.000 người, trong đó, dân số nội thị khoảng 365.200 người, chiếm 77% tổng dân số. Đến năm 2045, dân số đô thị Bắc Giang khoảng 666.000 người, trong đó, dân số nội thị đô thị Bắc Giang 565.000 người, chiếm 85% tổng dân số.

Yêu cầu trọng tâm cần nghiên cứu quy hoạch đô thị Bắc Giang là tập trung khai thác các lợi thế có vị trí chiến lược: đô thị cửa ngõ, trung tâm phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và nằm trên nhiều tuyến giao thông đối ngoại rất đa dạng, thuận lợi và quan trọng.

Mặt khác, phát huy lợi thế phát triển công nghiệp với các ngành sản xuất có giá trị cao và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp cấp vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đô thị mạnh mẽ, gia tăng sức hút lực lượng chuyên gia, lao động đến sinh sống, làm việc tại đô thị Bắc Giang; Phát triển các chức năng cấp vùng có sức lan tỏa mạnh, lôi kéo phát triển vùng khác trong tỉnh, đồng thời chia sẻ chức năng trong vùng Thủ đô Hà Nội. Khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, danh lam thắng cảnh phong phú.

Định hướng phát triển đô thị Bắc Giang đến năm 2030: tập trung tái phát triển chỉnh trang, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không gian mở tại khu vực thành phố hiện hữu cùng các thị trấn (huyện Yên Dũng), các xã dự kiến lên phường, để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, mở rộng đô thị trong tương lai, đáp ứng tiêu chí đô thị loại I.

Định hướng đến năm 2045 là: tiếp tục phát triển đô thị theo hướng Nam và hướng Đông, gồm các khu đô thị mới đồng bộ, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu nhà ở công nhân có kết hợp sản xuất tạo được nét đặc thù của đô thị, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu cây xanh vui chơi giải trí và dịch vụ du lịch.

Thiết kế đô thị hiện đại, hấp dẫn, giàu bản sắc, dựa trên cấu trúc cảnh quan, sinh thái tự nhiên, đặc biệt là cảnh quan dãy núi Nham Biền, cảnh quan dọc hai bên sông Thương, sông Cầu... phải được khai thác hiệu quả; thiết kế đô thị phù hợp với điều kiện văn hóa, xã hội. Trong đó nâng cấp, cải tạo, khai thác những khu đô thị hiện hữu; tăng cường khả năng giao lưu, tạo sự hấp dẫn của đô thị du lịch thông qua hệ thống không gian công cộng, quảng trường, không gian cảnh quan tự nhiên.

Giám sát chặt việc giao đất, huy động vốn làm Dự án bến số 7, số 8 ở cảng biển Hải Phòng

Liên quan đến việc đầu tư Dự án xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng, trong Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 về chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư Dự án, Thủ tướng giao UBND TP. Hải Phòng chịu trách nhiệm về các nội dung thẩm định hồ sơ Dự án tại văn bản số 3570/ƯBND-GT ngày 27/5/2022 gửi Bộ KH&ĐT theo quy định của pháp luật; bảo đảm nhà đầu tư có đủ điều kiện được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và đất đai.

Đồng thời, chịu trách nhiệm về việc xác định quy mô Dự án bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy hoạch được phê duyệt; tính chính xác các số liệu đánh giá, bảo đảm Dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng; cập nhật các nội dung vào Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, chỉ đạo nhà đầu tư trong quá trình thực hiện Dự án tiếp tục hoàn thiện Dự án đầu tư theo ý kiến của Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan, tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Dự án của nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật và ý kiến của các bộ, ngành liên quan, bao gồm: kiểm tra, giám sát việc huy động vốn của nhà đầu tư theo tiến độ thực hiện Dự án

Ngoài ra, chỉ đạo các cơ quan liên quan hướng dẫn Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan theo quy định của pháp luật; phối họp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Dự án.

Phối cảnh Dự án Bến số 3, số 4 của Cảng Hải Phòng tại Lạch Huyện (

Giám sát chặt việc giao đất, huy động vốn làm Dự án bến số 7, số 8 ở cảng biển Hải Phòng. Ảnh minh họa

Trong khi đó, Bộ TN&MT được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hướng dẫn, kiểm tra, giám sát UBND TP. Hải Phòng trong việc thực hiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho nhà đầu tư dể thực hiện Dự án bảo đảm phù họp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường và pháp luật có liên quan;

Hướng dẫn nhà đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ và thực hiện quy trình thủ tục đánh giá tác động môi trường của Dự án theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Hướng dẫn, tổ chức thực hiện quy trình thủ tục giao khu vực biển, cấp giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định của pháp luật (nếu có).

Với Bộ GTVT, Thủ tướng yêu cầu phối hợp, hướng dẫn UBND TP. Hải Phòng và nhà đầu tư trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ Dự án, bảo đảm đầu tư Dự án phù họp với Quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng và các văn bản có liên quan.

Tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với Dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác bến cảng theo quy định của pháp luật.

Bộ Quốc phòng với vai trò là đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các hoạt động và việc huy động vốn của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn theo tiến độ thực hiện Dự án, bảo đảm phù hợp theo quy định của pháp luật.

Còn Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với UBND TP. Hải Phòng hướng dân Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn thực hiện đầu tư Dự án bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và quy định pháp luật có liên quan.

Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm về nội dung Báo cáo kết quả thẩm định về chủ trương đầu tư Dự án tại Báo cáo số 2144/BC-BKHĐT ngày 24 tháng 3 năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Theo chức năng, nhiệm vụ, hướng dẫn UBND TP. Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn thực hiện các thủ tục đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư.

Cũng theo quyết định của Thủ tướng, với vai trò nhà đầu tư, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ Dự án, hiệu quả đầu tư Dự án và các nội dung cam kết theo quy định của pháp luật;

Tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ KH&ĐT nêu tại Báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư số 2144/BC-BKHĐT ngày 24/3/2023 và ý kiến thẩm định của các bộ, cơ quan liên quan để tổ chức lập, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Dự án đầu tư theo đúng quy định.

Chịu trách nhiệm huy động đầy đủ nguồn vốn theo tiến độ, tổ chức, triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác Dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, hàng hải và pháp luật có liên quan; thực hiện đầu tư Dự án đồng bộ các hạng mục đầu tư khác có liên quan (đường giao thông sau cảng...) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, như Tạp chí Giao thông vận tải đưa tin, ngày 21/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 428/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Dự án xây dựng bến số 7, số 8 khu bến cảng Lạch Huyện thuộc cảng biển Hải Phòng.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 12.792,637 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư (Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) khoảng 1.918,896 tỷ đồng; vốn huy động khoảng 10.873,741 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 70 năm; tiến độ thực hiện dự án: 5 năm (2023 - 2027).

Quy mô dự án gồm: Đầu tư xây dựng 2 bến có chiều dài 900m (mỗi bến dài 450m) tiếp nhận cỡ tàu container đến 12.000 Teus hoặc đến 18.000 Teus phù hợp với điều kiện tiếp nhận của kết cấu hạ tầng liên quan và đáp ứng các yêu cầu về an toàn; 1 bến sà lan dài 200m, tiếp nhận tàu sức chở 160 Teus; hệ thống thiết bị khai thác, bốc xếp hàng hóa; công trình bảo vệ cảng, hệ thống kho bãi, hạ tầng phục vụ cảng, khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải công cộng Lạch Huyện; quy mô sử dụng đất, mặt nước khoảng 79,86ha (bao gồm khu nước đậu tàu và khu nước kết nối với luồng hàng hải khoảng 22,332ha).

Liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng hai bến container số 3 và số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại khu bến cảng Lạch Huyện) do Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 3/2023, Cảng Hải Phòng đã nhận mặt bằng với diện tích 67.420,4m2; đang thiết kế và thi công xây dựng cầu cảng, nạo vét, kè sau cầu, san lấp; trang bị, lắp đặt 6 cầu bốc xếp container trên bến chính (STS) và 24 cầu bánh lốp RTG… .

Được biết, quy mô dự án đầu tư xây dựng hai bến container số 3 và số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại khu bến cảng Lạch Huyện) bao gồm: xây dựng 2 bến container chiều dài 750m (350m/bến) và 1 bến sà lan có chiều dài 250m cùng các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật, thiết bị đồng bộ; có khả năng tiếp nhận cỡ tàu đến 100.000 DWT (tương đương sức chở 8000 TEU); đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 1,1 triệu TEU/ năm.

Hải Dương: 17 lô đất có giá khởi điểm 2,5 triệu đồng/m2

Ngày 21/4, UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt giá khởi điểm để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở tại một số vị trí quy hoạch khu dân cư, điểm dân cư trên địa bàn huyện Tứ Kỳ.

Tại khu dân cư số 6, thôn Bình Cách, xã Hà Thanh, UBND tỉnh phê duyệt 2 mức giá khởi điểm để đấu giá 18 lô đất, trong đó có 1 lô có giá khởi điểm 3 triệu đồng/m2, còn 17 lô có giá khởi điểm 2,5 triệu đồng/m2. Tại khu dân cư số 3 thôn Tri Lễ, xã Hà Thanh, UBND tỉnh phê duyệt một giá khởi điểm để đấu giá 3 lô đất là 6 triệu đồng/m2.

Quy hoạch chi tiết khu dân cư mới xã Hà Thanh
Quy hoạch chi tiết khu dân cư mới xã Hà Thanh.

Các mức giá khởi điểm này là mặt bằng hiện trạng, không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa bao gồm lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tại điểm dân cư ven sông Cờ, xã Tân Kỳ, UBND tỉnh phê duyệt một mức giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất lần 2 đối với 53 lô đất là 9 triệu đồng/m2. Mức giá này đã bao gồm chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo dự án được duyệt, chưa bao gồm lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.