Phú Quốc: Buông lỏng quản lý đất đai nhiều cán bộ bị kiểm điểm

Liên quan đến việc quản lý, xử lý các vi phạm về quản lý đất đai, đất rừng và trật tự xây dựng trên địa bàn TP Phú Quốc (Kiên Giang), theo kết luận số 10/KL-UBND ngày 2/3/2023 của Thanh tra tỉnh Kiên Giang, nhiều lãnh đạo nào của thành phố bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm.

Theo đó, UBND TP Phú Quốc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành từng lúc chưa quyết liệt, nhất là việc thiếu sự quan tâm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có vi phạm trong quản lý nhà nước về đất đai, từ đó dẫn đến các vụ việc vi phạm phức tạp, nghiêm trọng kéo dài chưa được phát hiện và chỉ đạo xử lý dứt điểm kịp thời.

Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ của các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường thuộc UBND thành phố, Hạt Kiểm lâm thành phố và của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao; chưa chấp hành nghiêm các chỉ thị của UBND tỉnh, các văn bản chỉ đạo của UBND TP Phú Quốc về tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng; thậm chí có lúc, có nơi còn buông lỏng quản lý nên dẫn đến các hạn chế, khuyết điểm sai phạm.

Kết luận chỉ rõ trách nhiệm chung để dẫn đến sai phạm quản lý đất đai, đất rừng thuộc về UBND TP Phú Quốc, Vườn Quốc gia Phú Quốc.

Chịu trách nhiệm đứng đầu thuộc Chủ tịch UBND TP Phú Quốc (giai đoạn từ tháng 01/2018 đến tháng 6/2022) mặc dù có ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xử lý về đất đai, trật tự xây dựng, phối hợp xử lý về đất rừng nhưng từng lúc còn thiếu đôn đốc, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý ngăn chặn kịp thời các vi phạm xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý, dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm như kết luận thanh tra đã nêu, do đó phải chịu trách nhiệm chung với vai trò của người đứng đầu.

Sai phạm trong quản lý lãnh vực đất đai, đất rừng và trật tự xây dựng nhiều lãnh đạo UBND TP Phú Quốc chịu trách nhiệm chung. Ảnh: Kinh tế & Đô thị
Sai phạm trong quản lý lãnh vực đất đai, đất rừng và trật tự xây dựng nhiều lãnh đạo UBND TP Phú Quốc chịu trách nhiệm chung. Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Ngoài ra, các Phó Chủ tịch UBND TP (giai đoạn từ tháng 01/2018 đến tháng 6/2022) cũng phải chịu trách nhiệm đối với lĩnh vực được phân công phụ trách để xảy ra các khuyết điểm, vi phạm.

Với vai trò của người đứng đầu nhưng còn thiếu đôn đốc, kiểm tra để chấn chỉnh, xử lý ngăn chặn kịp thời các vi phạm xảy ra thuộc phạm vi mình quản lý, dẫn đến những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm như kết luận thanh tra đã nêu. Theo phụ lục số 19 của kết luận số 10/KL-UBND tỉnh ngày 2/3/2023, thì những Chủ tịch, Phó Chủ tịch TP liên quan đến việc quản lý, xử lý các vi phạm về quản lý đất đai, đất rừng và trật tự xây dựng trên địa bàn như sau:

Tổ chức kiểm điểm trách nhiệm chung đối với các Chủ tịch UBND TP gồm: Ông Đinh Khoa Toàn (nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc) nay là Phó Bí thư TP Phú Quốc, Chủ tịch giai đoạn từ tháng 1/2018 đến tháng 7/2018; Ông Mai Văn Huỳnh (nguyên Chủ tịch UBND TP Phú Quốc) nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch giai đoạn từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2020; Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, giai đoạn tháng 1/2021 đến tháng 6/2022.

Đồng thời, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các Phó Chủ tịch UBND TP gồm: Ông Huỳnh Quang Hưng (Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc) giai đoạn 1/2018 đến tháng 12/2020; Ông Trần Chiến Thắng (Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc) nay Chánh thanh tra tỉnh Kiên Giang, giai đoạn tháng 6/2019 đến 6/2022; Ông Đoàn Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, giai đoạn từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2022.

Trước đó, báo Kinh tế & Đô thị thông tin, ngày 24/3, UBND TP Phú Quốc ra thông báo số 145/TB-UBND về việc kiểm điểm theo kết luận thanh tra đối với 10 tập thể và 45 cá nhân. Những tập thể bị kiểm điểm gồm: Phòng Tài nguyên và Môi trường TP Phú Quốc, Đội trật tự quản lý đô thị TP Phú Quốc, UBND phường Dương Đông, An Thới và UBND các xã Cửa Cạn, Gành Dầu, Bãi Thơm, Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương.

Ngoài ra, còn những cá nhân bị kiểm điểm trong đó có 28 lãnh đạo từ cấp trưởng, phó phòng trở lên và các chủ tịch xã của 10 tập thể bị kiểm kiểm. Bên cạnh đó, còn có 17 cán bộ công chức, viên chức cấp xã là các cán bộ địa chính của 8 xã, phường từ năm 2018 đến 2022.

Chủ tịch Hà Nội và Phó Chủ tịch TP HCM nhận lỗi vì chậm lập quy hoạch

Ngày 20/4, tại hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan đã nhận lỗi trước Thủ tướng Chính phủ vì chậm chễ trong công tác quy hoạch.

Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, tháng 3/2022, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch cho Hà Nội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hà Nội mới xong bước chấm thầu để lập quy hoạch. “Đây là việc khá chậm, Hà Nội xin nhận lỗi với Thủ tướng và Chính phủ”, ông Trần Sỹ Thanh nói.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội, nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. Trong đó, địa phương còn rất lúng túng trong câu chuyện nguồn vốn đầu tư. Quy trình thực hiện nguồn đầu tư công quá lâu, còn nếu làm nguồn vốn sự nghiệp thì không được phép.

“Ngay như Hà Nội cũng lúng túng mất 6 - 7 tháng về vấn đề nguồn vốn đầu tư. Đợt này chúng tôi quyết tâm dứt điểm cho kịp. Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo. Chúng tôi phấn đấu quyết tâm tháng 10 sẽ xong”, ông Thanh nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, quy trình hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập quy hoạch. Cụ thể, mỗi khái niệm, định nghĩa về quy hoạch trong Luật Quy hoạch 2017, Luật Đô thị 2009 và Luật Xây dựng 2014… rất khác nhau.

Về việc áp dụng Luật Đầu tư công để chi tiêu đấu thầu, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, sau khi Thủ tướng phê duyệt kế hoạch đấu thầu để lựa chọn nhà tư vấn, mà quy trình đấu thầu mất vài tháng. Trong khi cả nước cũng chỉ có một vài đơn vị đủ khả năng làm tư vấn, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác quy hoạch.

“Đây cũng là công việc hành chính. Mong Thủ tướng và Chính phủ ra nghị quyết sửa một số điều để thời gian triển khai rút ngắn lại. Những kiến nghị của Hà Nội rất cụ thể, đã gửi Bộ KH&ĐT, trình bày mấy vấn đề liên quan đến chất lượng cũng như tiến độ”, ông Thanh nêu.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

Trước ý kiến trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Hà Nội sớm triển khai việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030. Nếu có khó khăn gì thì Hà Nội có thể mời các bộ ngành đến giải quyết.

“Nghị quyết 61 của Quốc hội đã nêu rõ, Hà Nội có đủ thẩm quyền chỉ định đơn vị tham gia đấu thầu lập dự án quy hoạch. Còn đến nay, Hà Nội chưa đấu thầu lập quy hoạch thì chắc chắn sẽ bị chậm”, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Từ đầu cầu TP HCM, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho biết đang chờ kết quả đấu thầu, tư vấn để lập quy hoạch thành phố. Ông cũng xin nhận trách nhiệm về sự chậm trễ của mình so với tiến độ đặt ra.

“Thành phố cố gắng khắc phục tất cả những khó khăn hiện nay để hoàn thành sớm nhất dự thảo quy hoạch TP HCM để cố gắng cuối năm sẽ trình Thủ tướng”, ông Hoan nói.

Tạm dừng, điều chuyển vốn 3 dự án để làm đường tránh Buôn Ma Thuột

Ngày 20/4, HĐND tỉnh Đắk Lắk tổ chức kỳ họp chuyên đề, thông qua một số nội dung quan trọng, trong đó có việc tạm dừng, điều chuyển vốn của ba dự án để bổ sung nguồn vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột.

Theo đó, tỉnh Đắk Lắk tạm dừng dự án hệ thống cấp nước liên xã Cư Róa- Krông Jing- Cư M’ta và thị trấn M’Drắk của huyện M’Drắk, có tổng mức đầu tư 90 tỉ đồng. Dự án này chưa có quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch sử dụng đất; chưa có văn bản thỏa thuận về nguồn cung cấp nước, nguồn nước chưa đảm bảo; việc đầu tư dự án ảnh hưởng đến rừng phòng hộ.

Tạm dừng dự án trục đường số 14 thuộc khu đô thị mới đồi thủy văn có tổng mức đầu tư là 180 tỉ đồng. Lý do đang vướng mắc quy hoạch xây dựng, việc điều chỉnh quy hoạch cần phải có nhiều thời gian để thực hiện; sau đó mới triển khai các thủ tục liên quan và chưa thể làm trong năm 2023; hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 theo kế hoạch đầu tư trung hạn.

Điều chuyển kinh phí dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị khu trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 110 tỉ đồng (trong đó hơn 79 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương là hơn 30 tỉ đồng).

Do chưa lựa chọn được phương án kiến trúc tổng thể phù hợp với vị trí trung tâm của TP, nên chưa sử dụng được nguồn vốn này.

Tổng vốn của ba dự án nêu trên sẽ được điều chuyển sang thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột

Theo HĐND tỉnh Đắk Lắk, sau khi chờ Bộ GTVT đồng ý, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh điều chỉnh, bổ sung nguồn vốn trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách địa phương để triển khai thực hiện.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột chậm tiến độ, đội vốn.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột chậm tiến độ, đội vốn. Ảnh: PLO.vn

Như PLO đã đưa tin, cuối năm 2021 tỉnh Đắk Lắk khởi công dự án đường tránh đông TP Buôn Ma Thuột, có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư; dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Dự án có chiều dài toàn tuyến gần 40 km, điểm đầu tiếp nối với đường tránh phía tây thị xã Buôn Hồ đã xây dựng xong và đi qua rừng cao su, không đi qua khu dân cư; điểm cuối tại xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột.

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến ngày 31-3 vừa qua, khối lượng thi công dự án mới đạt 20,1%, chậm 40% so với kế hoạch.

Tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Trung ương bổ sung, điều chỉnh tăng thêm gần 332 tỉ đồng (tiền phát sinh giải phóng mặt bằng) của dự án nhưng không được Bộ GTVT đồng ý.

Trong một công văn gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh Đắk Lắk tự cân đối ngân sách đối với chi phí phát sinh đối với khoản tiền gần 332 tỉ đồng này.

Chính thức khởi động dự án Văn Lang Empire Golf Club tại Phú Thọ

Văn Lang Empire Golf Club có vị trí tọa lạc tại xã Lam Sơn và xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Dự án nằm cạnh ngay tuyến đường Quốc lộ 32 kết nối đến tuyến đường Hồ Chí Minh và cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 23 km.

Văn Lang Empire Golf Club có tổng diện tích 168 ha với tổng vốn đầu tư lên đến 1.600 tỷ đồng. Dự án được xây dựng thiết kế bao gồm các phân khu: Khu vực sân Golf 36 hố, clubhouse, khu sự kiện ngoài trời, khách sạn tích hợp trong nhà, Driving Range, Maintenance Boh, Halfway House.

- Khu vực sân Golf 36 hố - Văn Lang Empire Golf Club: Được chia làm 2 sân nhỏ gồm sân Prime – Nguyên Thủy diện tích 93 ha và sân The Legend – Huyền Thoại diện tích gần 75 ha.

- Khu sự kiện ngoài trời: Là khu vực tách biệt với nhà câu lạc bộ với sức chứa từ 150 - 300 khách cho mỗi sự kiện.

- Driving Range: Là hệ thống các khu sân tập dành cho các golfer nhằm trao đổi về kỹ thuật và chuyên môn trước trận đấu.

- Maintenance Boh: Là khu vực bảo trì.

- Halfway House: Là nhà dừng chân, chỗ nghỉ ngơi có mái che dành cho golfer tại đây.

- Khách sạn tích hợp trong nhà CLB: Mang đến hơn 80 phòng nghỉ với tiêu chuẩn 5 sao và là khu tiếp đón khách.

Phối cảnh dự án Văn Lang Empire Golf Club tại Phú Thọ
Phối cảnh dự án Văn Lang Empire Golf Club tại Phú Thọ.

Chủ đầu tư dự án Văn Lang Empire Golf Club Phú Thọ là Công ty Cổ phần Thủ công Mỹ nghệ Artexport, được vận hành phát triển bởi T&T Golf - thành viên Tập đoàn T&T Group.

Được biết dự án Văn Lang Empire Golf Club thuộc dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông được UBND tỉnh Phú Thọ chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định số 1497 ngày 15/4/2021 và quyết định số 3551/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000.

Ngày 22/02/2022, tại xã Lam Sơn, huyện Tam Nông, UBND tỉnh và Tập đoàn T&T Group đã chính thức khởi động dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, nghỉ dưỡng và sân golf Tam Nông với quy mô gần 500 ha, tổng quỹ mức đầu tư khoảng 35.000 tỉ đồng.