Hà Nội khai tử hai dự án trên giấy, giải phóng quỹ đất gần 200 ha

BND Hà Nội vừa ra quyết định chấm dứt dừng thực hiện một quyết định và các văn bản chỉ đạo trước đây của tỉnh Vĩnh Phúc cũng như của Hà Nội về 2 dự án khu đô thị mới ở huyện Mê Linh vốn được giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) - doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng để triển khai.

Đây là các quyết định, chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2005 và của Hà Nội sau đó, ở thời điểm trước và sau khi điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội năm 2008, chuyển huyện Mê Linh từ Vĩnh Phúc về Hà Nội.

Các văn bản này là về việc nghiên cứu triển khai dự án khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh và dự án khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1, trên địa bàn huyện Mê Linh.

Hà Nội khai tử hai dự án trên giấy, giải phóng quỹ đất gần 200 ha. Ảnh minh họa
Hà Nội khai tử hai dự án trên giấy, giải phóng quỹ đất gần 200 ha. Ảnh minh họa

Theo UBND Hà Nội, hai dự án này mới dừng lại ở thủ tục phê duyệt địa điểm lập quy hoạch, xây dựng khu đô thị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có ghi danh chủ đầu tư là HUD. Nhưng rồi chưa thực hiện thủ tục thẩm định, cho phép đầu tư theo Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 04/2006/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực điều chỉnh tại thời điểm đó. Ngoài ra, 2 dự án này hiện nay không thuộc diện chuyển tiếp theo Luật Đầu tư 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Bằng quyết định chấm dứt, dừng thực hiện các quyết định, chỉ đạo trước đây của tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Nội, nay UBND Hà Nội giao các các sở, ngành của thành phố và UBND huyện Mê Linh thực hiện quản lý nhà nước đối với khu đất tại 2 dự án nêu trên theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật hiện hành.

UBND huyện Mê Linh được giao nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, khai thác khu đất, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng đất, bảo đảm phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành.

Hai dự án đô thị vừa bị khai tử có tổng diện tích gần 200 ha, trong đó khu đô thị mới Mê Linh - Đại Thịnh có diện tích 136,6 ha còn khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 có diện tích 53,1 ha.

Bộ Giao thông vận tải ủng hộ đề xuất xây khu cảng Trần Đề, Sóc Trăng

Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ủng hộ đề xuất của tỉnh này về việc đầu tư xây dựng khu cảng ngoài khơi Trần Đề thuộc loại cảng đặc biệt và cho biết điều này phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư đồng bộ, có trọng tâm trọng điểm hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải; ưu tiên nguồn lực nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng. Bộ Giao thông vận tải cho rằng, khu bến cảng Trần Đề được định hướng phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải ủng hộ sự cần thiết thực hiện nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng khu cảng Trần Đề làm cơ sở kêu gọi đầu tư theo định hướng quy hoạch cảng biển được duyệt. Bộ này đồng thời đề nghị tỉnh Sóc Trăng tập trung nghiên cứu tìm kiếm nguồn vốn (ngân sách hoặc ngoài ngân sách) để tổ chức thực hiện theo quy định.

Tháng 5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị xem xét, chấp thuận việc đồng ý cho nhà đầu tư đề xuất dự án theo quy định pháp luật về đầu tư hoặc theo phương thức đối tác công tư (PPP), phù hợp với nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước đề xuất dự án. Tỉnh Sóc Trăng cũng mong muốn triển khai sớm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để đẩy nhanh tiến độ xúc tiến, kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề.

Nhấn mạnh lĩnh vực cảng biển thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của cơ quan trung ương theo quy định của Luật Hàng hải, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đồng thời kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ủng hộ, thống nhất tỉnh Sóc Trăng sử dụng ngân sách địa phương để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề.

Vị trí khu cảng Trần Đề (Sóc Trăng) trên bản đồ.
Vị trí khu cảng Trần Đề (Sóc Trăng) trên bản đồ.

Cảng biển Trần Đề được quy hoạch tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg phê duyệt tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 gồm 36 cảng biển với 5 nhóm, cảng biển Sóc Trăng thuộc nhóm cảng biển số 5 gồm các cảng biển khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khu cảng Trần Đề được định hướng đầu tư trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo phân loại thì cảng biển Sóc Trăng thuộc cảng biển loại III (có 4 loại: đặc biệt, loại I, II và III) đồng thời được quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, cùng với các cảng biển Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa (hai cảng biển đặc biệt hiện tại là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu).

Cuối tháng 11/2022, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lấy ý kiến cho dự thảo quyết định phê duyệt chi tiết nhóm cảng biến, khu bến, cầu phao, vùng nước đối với nhóm cảng biển số 5 giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cũng theo Bộ này, khu bến Trần Đề là một trong các dự án được ưu tiên kêu gọi đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025 – 2030.

Được biết, từ tháng 4/2022, tỉnh Sóc Trăng đã khẩn trương triển khai thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm mời gọi đầu tư vào dự án cảng biển nước sâu quốc tế Trần Đề bằng hình thức xã hội hóa.

Cụ thể, khi đầu tư vào dự án, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm; miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước cho cả thời gian thuê; miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định. Nhà đầu tư cũng được miễn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất, đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất.

Theo đơn vị tư vấn và lập báo cáo, cảng Trần Đề có thể tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu chuyên container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT… đóng vai trò đảm nhận một phần hàng hóa xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng đổng bằng sông Cửu Long.

Sở Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến thu hồi nhiều dự án một chủ đầu tư

Ngày 14/6, Phó Giám Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hưng đã ký báo cáo gửi UBND tỉnh về việc khó khăn, vướng mắc khi tham mưu gia hạn tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở do Công ty Cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư.

Theo báo cáo này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Công ty cổ phần Bách Đạt An làm chủ đầu tư 14 dự án. Đến nay, UBND tỉnh đã chấm dứt hoạt động 4 dự án, 1 dự án hoàn thành, 9 dự án đang triển khai thì 5 dự án được giao đất một phần, triển khai thi công, chưa được nghiệm thu hoàn thành.

Doanh nghiệp này có 4 dự án gồm Khu đô thị Bách Thành Vinh, Bách Thành Vinh mở rộng, 7B mở rộng và Hera Complex Riverside đã được UBND thị xã Điện Bàn phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng một phần dự án, chưa được UBND tỉnh giao đất, tuy nhiên chủ đầu tư đã triển khai hạ tầng.

Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trên, chủ đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân chính là người dân chưa đồng thuận đối với kinh phí bồi thường; tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong năm 2020 và 2021; việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch phân khu tại Đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án của Chủ đầu tư.

Tính đến 31/5, Chủ đầu tư còn nợ thuế 66,05 tỷ đồng, bao gồm tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 3,5 tỷ đồng; tiền sử dụng đất 56,18 tỷ đồng; tiền thuê mặt đất thu một lần cho cả thời gian thuê 0,37 tỷ đồng; tiền chậm nộp 6 tỷ đồng.

Đối với việc chuyển kinh phí thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, UBND thị xã Điện Bàn đã phê duyệt các phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với 4 dự án: Khu đô thị Bách Thành Vinh, Khu đô thị Bách Thành Vinh mở rộng, Khu đô thị Hera Complex Riverside, Khu đô thị 7B mở rộng, với tổng giá trị 84,739 tỷ đồng. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ thực hiện chuyển kinh phí 15,15 tỷ đồng cho Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến thu hồi nhiều dự án của
Sở Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến thu hồi nhiều dự án của Công ty Cổ phần Bách Đạt An.

Đối với các dự án chưa được thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, chủ đầu tư phải thực hiện ký quỹ theo đúng quy định. Đối với các dự án đã thực hiện việc ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án, tuy nhiên hết tiến độ, chủ đầu tư đề nghị cấp thẩm quyền gia hạn tiến độ phải thực hiện quỹ theo quy định của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, chủ đầu tư không phối hợp để thực hiện nghĩa vụ ký quỹ và ký quỹ bổ sung theo quy định của pháp luật về đầu tư hiện hành để đảm bảo thực hiện dự án.

Phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam nhận định: “Như vậy, Công ty Cổ phần Bách Đạt An không đảm bảo năng lực tài chính để tiếp tục triển khai các dự án. Hiện nay, cơ quan Thuế đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty Cổ phần Bách Đạt An do đơn vị này có tiền nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc chấm dứt hoạt động đối với các dự án do Công ty cổ phần Bách Đạt An thực hiện”.

Sở này kiến nghị, đối với các dự án đã được cấp thẩm quyền giao đất phần lớn và đã thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng dở dang trên phần diện tích được giao, kiến nghị xác định khối lượng thực hiện, diện tích đã được thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và chuyển giao cho địa phương liên quan tiếp tục thực hiện đầu tư theo hình thức đầu tư công nhằm đảm bảo kết nối hạ tầng khung trong khu vực. Phần khối lượng công việc đã thực hiện của dự án giao các cơ quan có thẩm quyền xác định khối lượng, giá trị để xác định lại nghĩa vụ tài chính của nhà đầu tư theo đúng quy định.

Đối với các dự án chưa được cấp thẩm quyền giao đất, tổ chức kiểm tra xác định khối lượng đã thực hiện, diện tích đã thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, lập thủ tục chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tiếp tục thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Nhà đầu tư trúng thầu dự án sẽ thực hiện chuyển trả kinh phí đã thực hiện theo đúng khối lượng đã thực hiện.

Bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi ở Cần Giờ, TP HCM hơn 300.000 tỉ đồng

Sở Công thương TP HCM vừa kiến nghị UBND TP HCM bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ 6.000MW của Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á vào danh mục dự án điện gió ngoài khơi.

Dự án này thuộc danh mục các dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Theo Sở Công thương, đối với dự án này sở đã gửi văn bản tới các đơn vị, sở ngành để cùng góp ý. Đến nay, Sở Công thương đã nhận được đầy đủ văn bản góp ý của các đơn vị.

Dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ, do Liên doanh các nhà đầu tư là Công ty CP Năng lượng Dầu khí Châu Á - Tập đoàn Tokyo Gas - Tập đoàn Shizen Energy. Địa điểm đầu tư là khu vực ngoài khơi thuộc Nam biển Đông. Tổng diện tích khảo sát khoảng 325.123 ha. Khu đất liền nằm tại Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, thuộc xã Hiệp Phước, Nhà Bè, với diện tích khoảng 8 ha.

Quy mô đầu tư khoảng 6.000 MW, chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 2031-2035 (giai đoạn 1) sẽ đầu tư khoảng 2.000 MW cho mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia vào năm 2031 và 1.000 MW (giai đoạn 2) cho mục đích cấp điện sản xuất Hydrogen vào năm 2035.

Giai đoạn 2036 - 2040 (giai đoạn 3) sẽ đầu tư khoảng 2.000 MW cho các mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia và 1.000 MW (giai đoạn 4) cho mục đích cấp điện sản xuất Hydrogen.

Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 313.372 tỉ đồng.

Tổng diện tích chiếm đất có thời hạn của dự án dự kiến khoảng 607,97 ha (giai đoạn 2031 - 2035 và 550,97 ha cho giai đoạn 2036-2040.

Dự án này sẽ cấp điện đấu nối vào lưới điện Quốc gia 500kV.

Sở Công thương TP.HCM kiến nghị bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi ở Cần Giờ, TP.HCM, trị giá hơn 300.000 tỉ đồng. Ảnh: PLO
Sở Công thương TP.HCM kiến nghị bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi ở Cần Giờ, TP.HCM, trị giá hơn 300.000 tỉ đồng. Ảnh: PLO

Đối với dự án này, Tổng công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cũng đã có ý kiến. Cụ thể, EVNHCMC cho rằng dự án hiện chưa được đưa vào tính toán trong các kịch bản nguồn cơ sở của Quy hoạch phát triển lưới điện Quốc gia. Do đó, đề nghị chủ đầu tư cần thực hiện ngay việc đăng ký với các cơ quan chức năng để đưa ra nguồn năng lượng gió công suất 6.000 MW này vào trong các kịch bản huy động của sơ đồ điện VIII.

Đồng thời, chủ đầu tư phải tính toán trào lưu công suất khi thực hiện nhà máy đến các chế độ vận hành của lưới điện khu vực TP.HCM nói riêng và miền Nam nói chung - hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, nội dung báo cáo vẫn chưa chuẩn xác lựa chọn công nghệ cho các tuabin phát điện nên đề nghị chủ đầu tư chuẩn xác lại.

Sau khi lấy ý kiến một số đơn vị, Sở Công thương kiến nghị UBND TP xem xét, ủng hộ việc liên doanh nhà thầu Công ty Cổ phần Năng lượng Dầu khí Châu Á Tập đoàn Tokyo Gas - Tập đoàn Shizen Energy lập hồ sơ đề xuất bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ.

Dự án này sẽ được đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để tạo thêm nguồn năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng TP.