Bộ Xây dựng đề xuất tiếp tục đầu tư tòa tháp nghìn tỷ Vicem

Bộ Xây dựng vừa gửi văn bản đề xuất Thủ tướng về việc cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Tháp Vicem) để đưa vào kinh doanh, khai thác sau nhiều năm bỏ không, lãng phí.

Sau khi được chấp thuận, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo Vicem thực hiện, đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư, sử dụng đất và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng cho biết, đây là đề nghị của Vicem về chủ trương hồi sinh tòa tháp tại vị trí lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, TP Hà Nội sau nhiều năm dừng xây dựng.

Với đề nghị trên của Bộ Xây dựng, nhằm tạo cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Nguyên và Môi trường và UBND TP Hà Nội yêu cầu có ý kiến.

Theo phương án điều chỉnh và đầu tư hoàn thiện dự án gửi Bộ Xây dựng, Vicem dự kiến sẽ chi hơn 1.150 tỷ đồng để hoàn thành. Vicem đã rà soát quy mô để tiết giảm chi phí đầu tư đối với dự án với tổng mức đầu tư sơ bộ điều chỉnh của dự án khoảng 2.354 tỷ đồng.

Trong đó, phần giá trị thanh toán khối lượng công việc đã thực hiện là 1.203 tỷ đồng. Phần khối lượng công việc cần tiếp tục đầu tư để hoàn thành dự án dự kiến khoảng 1.150 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vicem cũng sẽ thay đổi thiết kế mặt dựng phần khối tháp từ tầng 6 đến tầng 31 (bỏ hệ lam đá bao che và hệ thống sàn thao tác phục vụ công tác bảo trì, bảo dưỡng phía ngoài phần vách kính).

Để có cơ sở trình Thủ tướng xem xét, quyết định, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi 4 bộ Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường cùng UBND TP Hà Nội đề nghị cho ý kiến về đề nghị của Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho phép Vicem tiếp tục hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Báo Đầu tư
Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cho phép Vicem tiếp tục hoàn thiện dự án Trung tâm điều hành và giao dịch bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Báo Đầu tư

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Tháp Vicem) được Hội đồng thành viên Vicem quyết định đầu tư vào tháng 9/2010. Tuy nhiên, tính đến nay, sau hơn 10 năm khởi công tòa tháp mới chỉ hoàn thiện phần thô.

Thậm chí, nhiều hạng mục của dự án xây dựng đã xuống cấp, gây lãng phí và mất mỹ quan đô thị.

Dự án được khởi công vào năm 2011 và dự kiến sẽ hoàn thành sau khoảng 3 năm. Tuy nhiên, dự án đã bị chậm tiến độ, sau đó được lùi thời hạn đi vào hoạt động sang cuối năm 2017.

Sau khi dự án tháp Vicem bị chậm tiến độ và đội vốn, Tổng công ty Xi măng Việt Nam đã đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng cho phép lập phương án, tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng, mong muốn hoàn vốn đầu tư.

Vào tháng 8/2016, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng và được chấp thuận chủ trương cho phép Vicem chuyển nhượng dự án tháp Vicem vào tháng 3/2017.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện các bước chuyển nhượng dự án tháp Vicem gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan pháp luật về đầu tư; đất đai; việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và các pháp luật liên quan; thị trường bất động sản trầm lắng…

Nằm tại khu "đất vàng" cạnh mặt đường vành đai 3 (đường Phạm Hùng), cạnh tòa nhà Keangnam, dự án nhằm mục tiêu xây dựng trụ sở làm việc của Tổng công ty Xi măng Việt Nam và các đơn vị thành viên, hội trường và dịch vụ thương mại.

Với diện tích gần 8.500 m2 xây dựng, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu gần 2.000 tỷ đồng, sau đó số vốn đầu tư đã tăng lên hơn 2.700 tỷ đồng.

Gian lận hồ sơ thầu, Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 2 bị đề nghị 'cấm cửa' 3 năm

Ban QLDA 4 vừa có văn bản gửi Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị cho phép hủy thầu và xử lý nhà thầu vi phạm trong đấu thầu gói thầu số 5 Tư vấn giám sát thi công xây dựng, công trình sửa chữa cầu Roòn Km606+418 QL1 địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Đơn vị này cho hay, gói thầu số 5 được bên mời thầu phát hành hồ sơ mới thầu ngày 1/4/2023. Đến ngày 12/4/2023, Ban QLDA 4 đã tiến hành mở thầu gói thầu số 5 trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo kết quả mở thầu, có 1 nhà thầu tham gia dự thầu là Trung tâm kỹ thuật đường bộ 2.

Trong quá trình đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, Ban QLDA 4 đã đề nghị nhà thầu làm rõ về các hợp đồng tương tự do nhà thầu thực hiện. Ngày 26/4/2023, nhà thầu có văn bản trả lời làm rõ theo yêu cầu của bên mời thầu. Trên cơ sở văn bản trả lời của nhà thầu, tổ chuyên gia đánh giá nhà thầu không có hợp đồng tương tự đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Về nhân sự bố trí cho gói thầu: Tại hồ sơ đề xuất kỹ thuật, nhà thầu kê khai bố trí ông Trần Quang Thái giữ chức danh tư vấn giám sát vật liệu, chất lượng.

Tài liệu chứng minh kèm theo, ông Thái đã làm tư vấn giám sát vật liệu, chất lượng Gói thầu số 03: Tư vấn giám sát thi công xây dựng, công trình sửa chữa cầu Dài 2 Km778+936, QL1, tỉnh Quảng Trị. Công trình này do Ban QLDA 4 làm đại diện chủ đầu tư.

Qua kiểm tra, đối chiếu tài liệu liên quan, Ban QLDA 4 xác định ông Trần Quang Thái không tham gia thực hiện Gói thầu số 03 như tài liệu mà nhà thầu đã kê khai.

Cầu Roòn ở Quảng Bình được sửa chữa, cải tạo. Ảnh: An ninh Thủ đô
Cầu Roòn ở Quảng Bình được sửa chữa, cải tạo. Ảnh: An ninh Thủ đô

Bên mời thầu nhận thấy nội dung kê khai tại hồ sơ đề xuất kỹ thuật của Trung tâm kỹ thuật đường bộ 2 là không trung thực, có sai khác cơ bản so với thực tế và bị coi là hành vi gian lận trong đấu thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu.

"Ban QLDA 4 đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà thầu là không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu", Ban QLDA 4 cho hay.

Từ phân tích trên, Ban QLDA 4 kiến nghị Cục Đường bộ xử lý nhà thầu Trung tâm kỹ thuật đường bộ 2 bằng hình thức: Cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các gói thầu Tư vấn giám sát thi công xây dựng trong phạm vi tất cả các dự án do Ban QLDA 4 được giao quản lý. Thời gian cấm là 3 năm.

Ban QLDA 4 cũng kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam quyết định hủy thầu Gói thầu số 5 nêu trên, đồng thời cho phép phát hành lại hồ sơ mời thầu đã được Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt để lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định.

Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 2 là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam).

Gói thầu sửa chữa cầu Roòn Km606+418 QL1, tỉnh Quảng Bình được Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 17 tỷ đồng. Nhà thầu trúng thầu thi công gói thầu là Liên danh Công ty CP xây dựng 465 và Công ty CP tư vấn đầu tư và xây dựng 126. Thời gian thực hiện gói thầu trong vòng 180 ngày.

Bình Định chấm dứt Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh

UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định đồng ý chủ trương chấm dứt hoạt động Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh tại tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, khu vực 1, phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn.

Dự án này do Công ty TNHH Dịch vụ và Tổng hợp Thiên Khánh (gọi tắt là Công ty Thiên Khánh) làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3731, ngày 15/10/2019.

Theo UBND tỉnh Bình Định, Công ty Thiên Khánh tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định; đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP. Quy Nhơn triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định và đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh có diện tích khoảng 2,014 ha; tổng vốn đầu tư hơn 21 tỷ đồng. Về tiến độ thực hiện dự án quý II/2020 khởi công xây dựng công trình; quý IV/2021 hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án có quy mô xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng gồm các bungalow, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn..., đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng cho du khách trong và ngoài nước.

Mặt bằng quy hoạch chung Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh.
Mặt bằng quy hoạch chung Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh.

Theo Đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu du lịch nghỉ dưỡng Thiên Khánh (phê duyệt ngày 6/3/2020), khu vực quy hoạch thuộc phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn có phạm vi gồm phía đông giáp Quốc lộ 1D; phía Tây, phía Nam, phía Bắc giáp Núi Vũng Chua.

Tổng diện tích đất quy hoạch là 19.344,8 m2, trong đó đất xây dựng công trình là 3.184m2; đất trồng cây xanh là 10.437,5 m2; đất mặt nước là 287 m2; đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật là 5.436,3 m2.

Liên quan đến dự án này, ngày 5/8/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng có ý kiến về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án.

Sau đó, ngày 16/8/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ đầu tư rà soát hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh.

Đến ngày 15/3/2022, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ của Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Thiên Khánh (cùng với Dự án Mở rộng Khu du lịch Casa Marina Resort).

Mục đích việc rà soát này là để báo cáo UBND tỉnh để tổ chức họp Hội đồng thẩm định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Nghị định số 83, ngày 15/7/2020 của Chính phủ.

Bộ Tài chính nêu quan điểm về bố trí vốn hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến phương án bố trí nguồn vốn để hoàn thành các hạng mục còn lại của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, tại văn bản số 714/BC-VEC ngày 24/3/2023 của VEC về việc làm rõ nội dung nguồn vốn đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Bên Lức – Long Thành đã nêu tính đến ngày 31/12/2022 VEC đang có khoảng 10.700 tỷ đồng, bao gồm: một phần vốn điều lệ được cấp, quỹ đầu tư phát triển chưa sử dụng, nguồn khấu hao tài sản cố định, sửa chữa lớn chưa chi, phải trả nhà thầu, tiền thuế GTGT, thuế và lợi nhuận phải nộp và các nguồn khác.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định khoản thu sử dụng các đường cao tốc do VEC quản lý là thu giá dịch vụ và VEC đã hạch toán doanh thu sản xuất kinh doanh, đảm bảo đầy đủ nghĩa vụ trả nợ đã cam kết, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, nộp lợi nhuận về ngân sách nhà nước, trích lập các quỹ theo đúng quy định pháp luật.., thì khoản dư tiền tại ngày 31/12/2022 hình thành từ kết quả sản xuất kinh doanh và là các nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp (nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu, quỹ đầu tư phát triển, nguồn khấu hao tài sản cố định…). Do đó, Bộ Tài chính đề nghị VEC căn cứ quy định tại điểm c khoản 4 Điều 20 Nghị định 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công để thực hiện.

Về thẩm quyền quyết định mức vốn đầu tư, theo báo cáo của VEC, dự kiến bố trí cho Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành khoảng 5.116 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của VEC tại ngày 30/6/2022 là 1.174,8 tỷ đồng (gồm vốn góp của Chủ sở hữu, vốn khác của Chủ sở hữu và Quỹ đầu tư phát triển).

Bộ Tài chính cho rằng, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014, trường hợp mức vốn của Dự án lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính nhưng không quá mức vốn của dự án theo quy định của Luật Đầu tư công thì HĐTV VEC báo cáo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, phê duyệt theo thẩm quyền.

Về thực hiện nghĩa vụ trả nợ của VEC, Bộ Tài chính đề nghị VEC chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ (bao gồm các khoản vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ đến hạn và trả nợ gốc, nợ lãi trái phiếu Chính phủ bảo lãnh) theo cam kết của VEC; đồng thời VEC thực hiện quản lý dòng tiền theo đúng quy định pháp luật, tránh thất thoát.

Bộ Tài chính lưu ý việc bố trí vốn đối ứng của VEC phải dựa trên nguyên tắc đảm bảo khả năng trả nợ của VEC và các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp và tuân thủ Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 30/3/2023 của Chính phủ về việc bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành của Chính phủ.

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT cập nhật các thông số đầu vào để tính toán lại và phê duyệt lại phương án tài chính hòa chung dòng tiền của 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC quản lý đảm bảo khả năng trả nợ, đồng thời chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tính chính xác của số liệu báo cáo và tính khả thi của phương án tài chính.

Thi công Dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành (Ảnh: Phạm Tùng, báo Đồng Nai).
Thi công Dự án xây dựng cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: Báo Đồng Nai

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 30/3/2023 về việc bố trí vốn đối ứng của Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cụ thể, Chính phủ thống nhất chủ trương VEC có trách nhiệm tự cân đối, bố trí số vốn đối ứng còn lại để tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (Dự án) như đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chính phủ yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, GTVT, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và VEC căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo, đề xuất (trong đó có số liệu về số vốn đối ứng đã bố trí, giải ngân và số vốn đối ứng cần tiếp tục bố trí để hoàn thành Dự án).

VEC cân đối, bố trí vốn đối ứng và triển khai Dự án bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn đầu tư, bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả, không để phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp; chịu trách nhiệm đảm bảo nghĩa vụ trả nợ với Chính phủ và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định.