Hà Nội phê duyệt thanh tra loạt dự án, 'ông lớn' bất động sản

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 392 đơn vị, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… trên địa bàn thành phố.

Trong số 392 đơn vị, tổ chức thuộc kế hoạch thanh kiểm tra, có nhiều dự án khu đô thị. Ví dụ như: Khu đô thị mới Tân Tây Đô (huyện Đan Phượng); Khu chức năng đô thị thành phố xanh (quận Nam Từ Liêm); Dự án liền kề Hibrand Văn Phú (quận Hà Đông); Khu đô thị Parkcity Hanoi và trạm xử lý nước thải Parkcity (quận Hà Đông).

Ngoài ra, trong danh sách còn có chung cư The Emerald Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm); Dự án chung cư Tecco Garden (huyện Thanh Trì); Nhà ở xã hội IEC Residences Tứ Hiệp - Thanh Trì; Tổ hợp khu thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ Imperial Plaza (quận Thanh Xuân); Dự án Mipec Rubik (quận Cầu Giấy); Chung cư Intracom Riverside (huyện Đông Anh); Tổ hợp chung cư Sky Park Residence (quận Cầu Giấy); Chung cư Ires Garden tại 30 Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm); Chung cư BID Residence (quận Hà Đông); Chung cư Seasons Avenue (quận Hà Đông)...

Tổ hợp nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại THT New City của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long thuộc khu đô thị mới Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức); Dự án Mipec Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) của Công ty CP Hóa dầu Quân đội Mipec; Dự án Roman Plaza đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) của Công ty CP đầu tư Hải Phát; Chung cư Xuân Mai Complex tại khu đô thị mới Dương Nội của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai…

Bên cạnh đó, loạt doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản cũng thuộc diện thanh tra như: Công ty CP bất động sản Fulland, Công ty CP bất động sản Vimedimex, Công ty CP Bitexco, Công ty CP đầu tư Văn Phú invest, Công ty CP Him Lam BC, Công ty CP đầu tư bất động sản Prime Land, Công ty CP đầu tư MIC, Công ty CP đầu tư DIA, Công ty CP Phát triển nhà – Phong Phú Daewon Thủ Đức, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, Công ty CP bất động sản AZ, Công ty CP bất động sản công nghiệp V-Park Thủ đô…

Hàng loạt dự án khu đô thị, doanh nghiệp bất động sẽ bị thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.Hà Nội. Ảnh minh họa: Giáo dục và Thời đại
Hàng loạt dự án khu đô thị, doanh nghiệp bất động sẽ bị thanh tra về việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh minh họa: Giáo dục và Thời đại

Theo kế hoạch, thời gian tổ chức thanh tra, kiểm tra trong năm 2023. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội sẽ thành lập 17 đoàn thanh tra, kiểm tra các đơn vị trên.

Công tác kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra và kiến nghị xử lý sau thanh tra; kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường; thực hiện theo nội dung chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường.

Qua kiểm tra, thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời các vị phạm; kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, hậu kiểm việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Kế hoạch cũng quy định số lần thanh tra bảo vệ môi trường không quá một lần trong một năm đối với một tổ chức, cá nhân (trừ trường hợp thanh tra đột xuất theo quy định). Thanh tra thường xuyên về công tác bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân trong thời gian 3 năm liên tiếp nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, giúp tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…

Đáng chú ý, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, trường hợp có dấu hiệu phạm tội về môi trường, đoàn thanh tra có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý…

Theo báo cáo giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội năm 2022, thành phố đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên. Trong đó, có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%.

Nhiều khu đô thị, khu nhà ở, hệ thống chiếu sáng thuộc nhiệm vụ của chủ đầu tư nhưng chưa được hoàn thiện, chưa đồng bộ, hoặc hỏng nhưng chậm được sửa chữa. Đặc biệt, thiếu bãi đỗ xe là thực trạng phổ biến.

Thậm chí, nhiều khu đô thị, khu nhà ở còn chậm đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, vệ sinh môi trường không bảo đảm; thiếu vườn hoa, cây xanh, trường học, công trình thể thao, dịch vụ công cộng…

Nhức nhối nạn lấn chiếm đất công, đất dự án ở Bình Thuận

Ngày 12/4, ông Ngô Minh Hòa, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận, đã ký văn bản gửi Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh truyền đạt ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy liên quan công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Thời gian qua, các ngành, các địa phương đã cố gắng triển khai thực hiện Công văn số 488/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm đất công, đất chuẩn bị giao, đất đã giao cho các dự án, đất lâm nghiệp còn xảy ra, có nơi lấn chiếm đất có quy mô diện tích lớn.

Đối tượng lấn chiếm thường có mối quan hệ trong xã hội, có tổ chức, gây mất an ninh, trật tự tại địa phương, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực tài nguyên, đất đai.

Cấp ủy các cấp chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nội dung nêu trong công văn này của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thường trực Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nội dung công văn này của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng lấn chiếm đất công, đất chuẩn bị giao, đất đã giao cho các dự án, đất lâm nghiệp.

Đồng thời, nâng cao vai trò,trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đất đai tại địa phương, chịu trách nhiệm theo phân cấp quản lý, xử lý kiên quyết, triệt để việc lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, để xảy ra điểm nóng về tranh chấp đất đai trên địa bàn…

Trước đó, công văn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nêu tình trạng lấn chiếm đất công, lấn chiếm, tái lấn chiếm đất sau khi đã đền bù, giải phóng mặt bằng diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Một trong những nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên là do các địa phương chưa quan tâm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Vụ lấn chiếm đất dự án ở Mũi Né năm 2021.
Vụ lấn chiếm đất dự án ở Mũi Né năm 2021. Ảnh: PLO.vn

Do đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND, lãnh đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực đất đai. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.

UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo UBND cấp huyện quản lý chặt chẽ đất đai trên địa bàn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, phê bình, xử lý các trường hợp thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để tình hình lấn chiếm đất đai trên địa bàn diễn biến phức tạp.

Cùng với đó, Bí thư cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy nếu buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai như nêu trên.

Lãnh đạo công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc địa bàn, đối tượng cộm cán, băng nhóm hoạt động có tổ chức, lập chuyên án đấu tranh.

Xử lý nghiêm các hành vi lấn, chiếm đất công, lấn chiếm đất dự án đã được cấp chủ trương đầu tư, các hành vi tái lấn chiếm đất đai sau khi đã đền bù, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt là các trường hợp vi phạm nhiều lần, vi phạm có tổ chức, có tính chất côn đồ, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, làm mất an ninh, trật tự tại địa phương.

Quảng Nam: Đề nghị điều tra dự án nhà ở thu nhập thấp 700 tỷ làm 13 năm chưa xong

Thanh tra tỉnh Quảng Nam vừa có tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam về việc thanh tra dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (TX. Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Dự án này do Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO (Công ty STO) làm chủ đầu tư.

Cụ thể, trong quá trình thanh tra, Thanh tra của tỉnh này đã phát hiện Công ty STO có nhiều sai phạm về việc chuyển nhượng dự án, hợp đồng góp vốn không đúng quy định.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư thực hiện hợp đồng với nhiều đơn vị khác triển khai thi công không đúng hợp đồng dẫn đến việc kiện tụng. Vì vậy, Thanh tra tỉnh đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam vào cuộc điều tra, làm rõ.

Dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được phê duyệt đầu tư xây dựng năm 2010, chia làm 3 giai đoạn.

Tổng diện tích của dự án có hơn 1.800 ha, quy mô đầu tư gồm hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, công trình dịch vụ và hơn 3.600 căn hộ đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, với tổng vốn hơn 700 tỷ đồng. Dự kiến thời gian hoàn thành, đưa vào sử dụng tháng 8/2018.

Tuy nhiên, sau hơn 13 năm triển khai thi công, chủ đầu tư không thực hiện dự án khiến khu vực trở nên nhếch nhác, hiện mới xây dựng 3 khu nhà ở nhưng trong tình trạng chưa hoàn thiện.

dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: Phước Nguyễn
dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: Phước Nguyễn

Hệ thống đường cũng chưa được thảm nhựa, các căn hộ chỉ thực hiện xong phần thô, hệ thống nước, điện chưa được đấu nối… Trong khuôn viên rộng hàng chục ha, cây cỏ mọc um tùm.

Liên quan đến vụ kiện “tranh chấp hợp đồng kinh doanh, hợp tác kinh doanh” giữa Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Nông nghiệp nông thôn và Dịch vụ thể thao du lịch STO và Công ty Cổ phần Xây dựng và Địa ốc Phú Gia Thịnh, Tòa án nhân dân thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã làm văn bản gửi cho UBND tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, Công ty STO được tỉnh Quảng Nam chứng nhận dự án đầu tư khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc thuộc đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc (giai đoạn II).

Đến ngày 16/01/2015, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 184/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng (1/500) khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc thuộc đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc.

Ngày 24/9/2015, Công ty STO và Công ty Cổ phần Xây dựng và Địa ốc Phú Gia Thịnh, nay là Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh nhà Phú Gia Thịnh (công ty Phú Gia Thịnh) có ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh số 03/HĐHTLD-STO- PGT (“Hợp đồng hợp tác số 03") nhằm hợp tác thực hiện dự án khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, Quảng Nam (sau đây viết tắt là dự án N1).

Mục đích việc hợp tác là đầu tư và khai thác sản phẩm bất động sản của dự án N1. Theo đó, Công ty STO góp vốn bằng toàn bộ dự án đầu tư đang dở dang. Công ty Phú Gia Thịnh góp vốn bằng việc đầu tư tiếp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện mặt bằng và các chi phí tổ chức hội nghị khách hàng, công tác quảng cáo, phân phối sản phẩm của dự án.

Bên cạnh đó, lợi nhuận từ dự án sẽ được chia theo tỷ lệ Công ty STO được hưởng 35% lợi nhuận, Công ty Phú Gia Thịnh được hưởng 65% lợi nhuận. Đồng thời, đối với phần đầu tư vào chung cư, Công ty Phú Gia Thịnh sẽ đầu tư toàn bộ và được hưởng lợi nhuận 100% từ đầu tư vào chung cư, không ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty STO trong hợp đồng này.

Thực hiện hợp đồng, Công ty Phú Gia Thịnh đã tiến hành đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng 1 tòa nhà chung cư A1. Đồng thời, Công ty Phú Gia Thịnh đã tiến hành huy động vốn từ khách hàng muốn mua sản phẩm là các lô đất tư dự án.

Đến năm 2017, hai công ty xảy ra mâu thuẫn vì Công ty STO cho rằng Công ty Phú Gia Thịnh xây dựng cơ sở hạ tầng không đúng thiết kể đã được duyệt và có văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư số 03 và các phụ lục kèm theo nhưng Công ty Phủ Gia Thịnh không đồng ý.

Nguyên nhân là Công ty Phú Gia Thịnh cho rằng đã nhiều lần liên lạc để giải quyết nhưng Công ty STO không hợp tác. Do đó, Công ty Phú Gia Thịnh không tiếp tục thực hiện dự án cho đến nay.

Đến ngày 1/6/2022, hai công ty có biên bản làm việc với nội dung hai bên tiếp tục thực hiện hợp đồng số 03 và các phụ lục hợp đồng. Công ty Phú Gia Thịnh cho rằng dự án chưa được gia hạn tiến độ trong giấy chứng nhận đầu tư nên Công ty Phú Gia Thịnh chưa thể tiếp tục thực hiện dự án theo hợp đồng.

Công ty STO lại cho rằng Công ty Phú Gia Thịnh phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng mới có cơ sở gia hạn giấy chứng nhận đầu tư nhưng Công ty Phú Gia Thịnh không thực hiện nên có văn bản yêu cầu chấm dứt hợp đồng hợp tác số 03.

Chính vì vậy, Công ty Phú Gia Thịnh khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết buộc Công ty STO tiếp tục thực hiện hợp đồng hợp tác số 03 và các phụ lục hợp đồng với doanh nghiệp này.

2 khối nhà chung cư An Trung 2, Đà Nẵng chưa đủ điều kiện để bán

Ngày 13/4, Sở Xây dựng Đà Nẵng có văn bản xử lý thông tin phản ánh về việc nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án chung cư cho người thu nhập thấp - Khu dân cư An Trung 2.

Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Trần Văn Hoàng, đơn vị này nhận được thông tin phản ánh của công dân về việc nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án nói trên (thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà).

Ông Hoàng cho hay, dự án chung cư này gồm ba khối nhà A, B, C. Đến nay, khối nhà C (góc đường Ngô Quyền - Vũ Văn Dũng - An Trung 2) đã bán nhà ở xã hội và bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2019.

Khối nhà A, B đang xây dựng và chưa đủ điều kiện bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai, chưa đủ điều kiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội theo quy định pháp luật.

Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị các cơ quan liên quan khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin các dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện bán và tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua theo thông báo của sở này.

Các thông tin đều được công bố công khai trên website của Sở Xây dựng Đà Nẵng và được gửi đến các sở ban ngành, UBND quận/huyện, phường/xã.

Chung cư An Trung 2 tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: PLO.vn
Chung cư An Trung 2 tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: PLO.vn

Ngoài ra, thông tin về đối tượng, điều kiện được mua nhà cũng được Sở Xây dựng Đà Nẵng thông báo công khai tối thiểu 30 ngày làm việc trước thời điểm bắt đầu nhận hồ sơ.

Hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội phải được nộp trong thời gian tiếp nhận theo thông báo của Sở Xây dựng Đà Nẵng. Hồ sơ nộp trước hoặc sau thời gian tiếp nhận sẽ không hợp lệ.

Sở Xây dựng Đà Nẵng đề nghị Liên danh Công ty cổ phần Đức Mạnh - Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng 579 (chủ đầu tư dự án) kiểm tra thông tin phản ánh của công dân về việc nộp hồ sơ đăng ký mua nhà ở xã hội tại dự án chung cư An Trung 2, báo cáo Sở Xây dựng trước ngày 25/4.

UBND quận Sơn Trà được đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý giao dịch nhà ở, kinh doanh bất động sản theo Nghị định 16/2022 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.