Chính phủ đề xuất phương án sở hữu chung cư có thời hạn

Dự kiến cuối tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo luật đưa ra lấy ý kiến lần này là Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất về quyền sở hữu nhà chung cư là có thời hạn.

Cụ thể, điều 25 (Dự thảo luật) về xác lập và chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nêu rõ: “Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế nhà chung cư theo kết luận kiểm định của cơ quan có thẩm quyền (gọi chung là tuổi thọ công trình). Thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế phải được ghi rõ trong văn bản thẩm định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xây dựng.”

Theo đó, quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng hoặc chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc các trường hợp phải phá dỡ theo quy định tại khoản 3 Điều 25.

Cụ thể, các chung cư buộc phải phá dỡ gồm có 5 trường hợp, trong đó có nguyên nhân hư hỏng, cháy nổ, thiên tai, địch họa, gây nguy hiểm, không đảm bảo điều kiện an toàn sử dụng...

Nhà chung cư thuộc diện phá dỡ theo Quyết định của UBND cấp tỉnh thì chấm dứt quyền sở hữu của chủ sở hữu đối với nhà chung cư đó. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu có nhà chung cư bị phá dỡ được thực hiện theo quy định tại Điều 26 Dự thảo luật.

Theo đó, chủ sở hữu nhà chung cư bị phá dỡ được quyền tiếp tục sử dụng diện tích đất có nhà chung cư để đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư mới.

Trường hợp chủ sở hữu không có nhu cầu đóng góp kinh phí để phá dỡ, xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường giá trị quyền sử dụng đất theo tỉ lệ diện tích sử dụng chung được xác định theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm thực hiện bồi thường và phải bàn giao lại diện tích đất thuộc quyền sử dụng cho chủ đầu tư dự án.

Chính phủ đề xuất phương án sở hữu chung cư có thời hạn . Ảnh minh họa
Chính phủ đề xuất phương án sở hữu chung cư có thời hạn. Ảnh minh họa

Theo dự thảo tờ trình dự án luật của Chính phủ, một trong những tồn tại của Luật Nhà ở năm 2014 là chưa có quy định về thời hạn sở hữu của nhà chung cư.

Trong khi đó, pháp luật về xây dựng đã quy định cụ thể về thời hạn sử dụng công trình. Theo đó, công trình phải có thời hạn sử dụng, hết hạn sử dụng mà nhà ở không đủ điều kiện tiếp tục sử dụng thì phải phá dỡ.

Bên cạnh đó, thực trạng công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trong thời gian vừa qua cho thấy nhiều trường hợp nhà chung cư đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân nhưng rất khó khăn trong việc di dời, phá dỡ để xây dựng lại. Lý do là người dân cho rằng quyền sở hữu tài sản nhà ở này là vĩnh viễn nên quyền phá dỡ là do các chủ sở hữu quyết định.

Dự thảo tờ trình cũng lý giải quy định về sở hữu nhà ở có thời hạn đã đa dạng hóa các hình thức sở hữu nhà ở sở hữu, giúp người dân có thể tiếp cận sở hữu nhà ở với chất lượng và giá thành phù hợp với khả năng chi trả.

“Trên thực tế đã có một số doanh nghiệp thực hiện phương thức bán nhà ở có thời hạn cho người mua với mục đích giảm giá bán, giúp cho hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp, trung bình tại khu vực đô thị có điều kiện mua, thuê mua nhà ở phù hợp với nhu cầu về nhà ở trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, số lượng nhà ở bán theo hình thức sở hữu có thời hạn chưa nhiều”, dự thảo tờ trình nêu.

TP HCM tiếp tục đề nghị bổ sung vốn 'cứu' công ty vận hành metro số 1

Theo cổng thông tin UBND TP HCM, UBND thành phố có công văn khẩn gửi Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về việc bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP HCM, đơn vị vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Hiện nay, tuyến metro này đang lùi tiến độ, chưa thể hoàn thành do kinh phí hoạt động chưa được ngân sách cấp dẫn đến tình trạng đơn vị không còn kinh phí duy trì vận hành.

UBND TP HCM cho biết, việc giải quyết kinh phí, đảm bảo nguồn lực cho công ty vận hành metro số 1 hiện rất cấp bách. Thành phố đã nhiều lần kiến nghị bổ sung vốn điều lệ cho công ty nhằm duy trì hoạt động và khai thác tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP HCM. Nếu có vướng mắc về các quy định, UBND thành phố đề nghị Bộ Tư pháp cùng Bộ Tài chính thống nhất tham mưu Thủ tướng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho công ty vận hành tuyến metro số 1.

Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên bị chậm tiến độ do chưa được bổ sung vốn điều lệ. Ảnh: Kinh tế Sài Gòn
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên bị chậm tiến độ do chưa được bổ sung vốn điều lệ. Ảnh: Kinh tế Sài Gòn

Trước đó, Bộ Tài chính đã chấp thuận chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho công ty vận hành tuyến metro số 1 với số tiền 268 tỉ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách thành phố để hỗ trợ đơn vị vận hành đảm bảo nguồn lực hoạt động, chuẩn bị tiếp nhận tài sản bàn giao từ nhà thầu xây dựng metro số 1.

Cơ quan này cũng có báo cáo Thủ tướng xem xét về việc trình Chính phủ ban hành nghị quyết đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho công ty để UBND TP HCM thực hiện quy trình, thủ tục tiếp theo.

Cuối tháng 2/2023, Văn phòng Chính phủ có công văn đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính làm việc với bộ trưởng Bộ Tư pháp và thủ trưởng các cơ quan liên quan trao đổi, thống nhất về căn cứ, cơ sở pháp lý ban hành nghị quyết của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho công ty vận hành metro số 1. Theo đó, Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng theo quy định trước ngày 8/3.

Hiện tuyến metro số 1 đã đạt khoảng 94% tổng khối lượng công trình. Đã có 17 đoàn tàu 51 toa được nhập từ Nhật Bản về TP HCM chờ thử nghiệm.

Hà Nội 'điểm tên' đơn vị chậm quyết toán dự án dùng vốn đầu tư công

Ngày 13/3, UBND TP Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành TP; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện quyết toán dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Theo đó, tính đến hết 31/12/2022 trên địa bàn Thành phố còn 173 dự án đã hoàn thành nhưng chậm nộp hồ sơ quyết toán so với quy định, trong đó có 74 dự án cấp Thành phố, 89 dự án cấp huyện.

Một số đơn vị còn nhiều dự án chậm quyết toán là: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (14 dự án cấp Thành phố), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội (10 dự án cấp Thành phố); UBND huyện Quốc Oai (7 dự án cấp Thành phố), UBND huyện Gia Lâm (5 dự án cấp Thành phố), UBND huyện Chương Mỹ (2 dự án cấp thành phố, 27 dự án cấp huyện), UBND huyện Phú Xuyên (3 dự án cấp thành phố, 14 dự án cấp huyện).

Trong đó, một số đơn vị còn tồn đọng dự án chậm quyết toán kéo dài từ các năm trước như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội 07/14 dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Hà Nội 04/10 dự án, UBND huyện Quốc Oai 04/07 dự án.

Để đảm bảo công tác quyết toán dự án hoàn thành được thực hiện đúng quy định, UBND TP yêu cầu các Chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công ngân sách cấp Thành phố thực hiện việc lập, trình phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống biểu mẫu sử dụng trong công tác quyết toán.

Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố tại Văn bản số 920/UBND-KT ngày 31/3/2022, số 3850/UBND- KTTH ngày 17/11/2022 về việc đẩy mạnh công tác quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố.

Đồng thời lưu ý thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ quản lý, thanh, quyết toán, tạm ứng, thu hồi tạm ứng, công nợ. thu hồi ngay những khoản tồn đọng, chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, thực hiện tất toán tài khoản của dự án đã phê duyệt theo quy định;

Rà soát, tập trung giải quyết vướng mắc đối với các dự án đã hoàn thành hoặc hoàn thành đưa vào sử dụng một số hạng mục độc lập nhưng chưa hoàn thành thủ tục kiểm tra hồ sơ nghiệm thu của toàn bộ dự án để lập báo cáo quyết toán dự án theo đúng thời gian quy định;

Công khai tình hình quyết toán, tổng hợp danh sách các nhà thầu vi phạm thời gian lập báo cáo quyết toán gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để công khai trên báo, hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định.

Thực hiện báo cáo tình hình quyết toán dự án hoàn thành đảm bảo thời gian, đủ nội dung theo quy định; chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND thành phố khi báo cáo không đầy đủ tình hình quyết toán các dự án do mình làm chủ đầu tư làm ảnh hưởng đến việc bố trí nợ sau quyết toán và điều hành ngân sách.

Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ những dự án chậm quyết toán dự án hoàn thành, gửi về Sở Tài chính trước ngày 31/3/2023 để được thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định.

Hà Nội 'điểm tên' đơn vị chậm quyết toán dự án dùng vốn đầu tư công. Ảnh minh họa
Hà Nội 'điểm tên' đơn vị chậm quyết toán dự án dùng vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, UBND TP yêu cầu thực hiện việc lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành theo đúng quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống biểu mẫu sử dụng trong công tác quyết toán và các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ đạo của UBND TP tại Văn bản số 920/UBND-KT ngày 31/3/2022, số 3850/UBND-KTTH ngày 17/11/2022 về việc đẩy mạnh công tác quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố.

Thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm phê duyệt quyết toán chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoàn thành của dự án theo đúng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 32 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ và khoản 1 Điều 23 Quyết định số 15/2022/QĐ-UBND ngày 30/3/2022 của UBND Thành phố và gửi Quyết định phê duyệt quyết toán cho chủ đầu tư để tổng hợp chung khi quyết toán toàn bộ dự án;

Ưu tiên bố trí kế hoạch vốn để thanh toán dứt điểm công nợ của các dự án sau khi được phê duyệt quyết toán; chỉ đạo Chủ đầu tư kịp thời lập hồ sơ thanh toán, thu hồi các khoản công nợ theo quyết định phê duyệt quyết toán; đẩy nhanh số dự án đang thẩm tra, thực hiện tất toán tài khoản và đóng mã dự án theo quy định.

Chỉ đạo các chủ đầu tư trực thuộc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ những dự án chậm quyết toán dự án hoàn thành, gửi về Phòng Tài chính – Kế hoạch (đối với dự án cấp huyện) trước ngày 31/3/2023 để được thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định.

UBND TP giao Sở Tài chính xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác quyết toán dự án hoàn thành trên địa bàn Thành phố năm 2023, trong đó tập trung kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư còn nhiều dự án chậm quyết toán, báo cáo UBND TP những vướng mắc vượt thẩm quyền (nếu có); đẩy nhanh việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án theo quy định; công khai tình hình quyết toán dự án hoàn thành sử dụng nguồn vốn đầu tư công trên trang thông tin điện tử của Sở Tài chính.

UBND TP giao các Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Hà Nội và Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố: thực hiện các nhiệm vụ đã được UBND Thành phố giao tại Văn bản số 920/UBND-KT ngày 31/3/2022, số 3850/UBND-KHTH ngày 17/11/2022 về đẩy mạnh công tác quyết toán dự án hoàn thành, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, kiểm tra, hướng dẫn các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã Sơn Tây thực hiện quyết toán dự án hoàn thành đảm bảo đúng quy định.

The Crystal Place: Dự án căn hộ tại Biên Hòa

The Crystal Place có vị trí tọa lạc tại số 98-100 Hà Huy Giáp, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Dự án nằm cạnh tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, và gần kề cây cầu Hóa An kết nối giữa thành phố Biên Hòa và thành phố Dĩ An, thuận tiện di chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

The Crystal Place được quy hoạch xây dựng với mô hình căn hộ chung cư thương mại với các thông số bao gồm:

+ Diện tích xây dựng (tầng 1): 1.578,76 m2.

+ Tổng diện tích sàn xây dựng: 37.300,44 m2 (bao gồm cả tầng hầm, tầng tum thang).

+ Chiều cao công trình 79,95 m, mật độ xây dựng 42,74%, hệ số sử dụng đất 10,1.

Dự án được thiết kế xây dựng với tòa tháp căn hộ cao 20 tầng nổi và 2 tầng hầm.

Phối cảnh dự án The Crystal Place Biên Hòa.
Phối cảnh dự án The Crystal Place Biên Hòa.

Chủ đầu tư dự án The Crystal Place Biên Hòa là Công ty TNHH Cao Phong, nhà thầu xây dựng Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Delta, tư vấn thiết kế Công ty TNHH Liên Minh Thiết kế Finko, tư vấn quản lý và giám sát dự án Công ty TNHH Artelia Việt Nam.

Công ty TNHH Cao Phong được thành lập ngày 21/05/2001, đặt trụ sở tại lô G, chung cư Hùng Vương, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực buôn bán thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông.

Ngày 14/8/2020, tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Delta Group đã tổ chức lễ khởi công – động thổ dự án Chung cư cao tầng kết hợp thương mại The Crystal Place.

8 tháng sau khi khởi công xây dựng dự án, ngày 22/4/2021 UBND tỉnh Đồng Nai đã ký ban hành giấy phép xây dựng dự án Chung cư cao tầng kết hợp thương mại (Crystal Place) số 82/GPXD cho Công ty TNHH Cao Phong được phép xây dựng.

Hiện khu đất thực hiện dự án đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và gắn liền với đất số CO2084 ngày 31/07/2018 do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (thừa ủy quyền của UBND tỉnh Đồng Nai) cấp cho Công ty TNHH Cao Phong.

Ngày 12/11/2022, tổ chức Lễ cất nóc dự án The Crystal Place.