Đầu tư PPP với cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình và Gia Nghĩa – Chơn Thành

Sáng 12/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, cơ quan, địa phương về phương án dự kiến đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình và Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), theo TTXVN.

Dự kiến tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình có hiều dài khoảng 88 km; tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có tổng chiều dài 128,8 km. Cả hai tuyến đường đang trong quá trình xây dựng dự án, chuẩn bị đầu tư.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, với 2 tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình và Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), nếu đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước thì sẽ lâu do vốn ngân sách còn hạn hẹp. Trong khi đó, hình thức hợp tác công tư sẽ tạo được nguồn lực để thực hiện nhưng cần hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Chính phủ sẽ có Tổ công tác để phụ trách hai dự án kể trên. Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phụ trách tổ công tác này để giải quyết các thủ tục liên quan. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ cử thứ trưởng tham gia tổ công tác còn các tỉnh phải lập Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đứng đầu để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hai dự án này.

Một đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Ảnh minh họa: TTXVN
Một đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Ảnh minh họa: TTXVN

Với tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, ở đoạn qua tỉnh Ninh Bình, Thủ tướng giao UBND tỉnh Ninh Bình là cơ quan chủ đầu tư. Với đoạn Nam Định, Thái Bình ra Hải Phòng, Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phụ trách. Với cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành, UBND tỉnh Bình Phước là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tỉnh Bình Dương và Đắk Nông phối hợp chặt chẽ với Bình Phước để thực hiện.

Chính phủ yêu cầu quy mô tuyến đường cao tốc phải bảo đảm 4 làn hoàn chỉnh. Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cần tính toán lại tổng mức đầu tư, suất đầu tư phù hợp với tình hình, bảo đảm hạn mức tín dụng của ngân hàng…

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh chuẩn bị ngay các mỏ vật liệu xây dựng và giao trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu. Hội đồng nhân dân các tỉnh theo thẩm quyền phải thực hiện phê duyệt quy hoạch liên quan đất đai, rừng.

Cụm công nghiệp xây xong bỏ không vì thiếu sổ hồng

Mới đây tại một cuộc họp của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở Công thương nêu vấn đề vướng mắc tại cụm công nghiệp chế biến hải sản (CCN CBHS) Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) để các sở ngành, lãnh đạo tỉnh xem xét, tháo gỡ.

Theo ông Đồng, hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số CCN đầu tư bằng ngân sách tỉnh, trong đó có CCN CBHS Bình Châu và CCN Long Hương, Long Phước (Bà Rịa).

Đối với CCN CBHS Bình Châu hiện các thủ tục đầu tư đã xong (từ cuối năm 2019-PV) và giao cho công ty Đầu tư và Khai thác Hạ tầng Khu công nghiệp Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (IZICO), đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý các KCN tỉnh quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng CCN.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã thuê đơn vị tính giá đất, Cục Thuế đã làm các thủ tục giảm tiền thuê đất cho IZICO để chuẩn bị mời đơn vị thứ cấp vào thuê.

Theo ông Đồng, để IZICO có đủ điều kiện để mời các đơn vị thứ cấp thuê hạ tầng thì IZICO phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên để được cấp giấy thì IZICO phải đóng tiền thuê đất hàng năm cho nhà nước. Nhưng hiện nay IZICO không có kinh phí để đóng khoản tiền này nên có đề xuất tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính xem xét có hướng hỗ trợ cho IZICO.

Đầu tháng 2-2023, UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp các sở ngành, huyện Xuyên Mộc để có giải pháp. Tuy nhiên trước đây Sở Tài chính đã có văn bản trả lời cho IZICO rằng không có cơ sở để nhà nước cấp kinh phí cho công ty này đóng tiền thuê đất.

Vấn đề này đến nay vẫn đang “tắc” nên không thể kêu gọi các đơn vị thứ cấp vào thuê tại CCN CBHS Bình Châu.

Cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu. Ảnh: Pháp luật
Cụm công nghiệp chế biến hải sản Bình Châu. Ảnh: PLO.vn

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, ngoài ra tại CCN ở Bà Rịa, Đất Đỏ cũng giống như vậy. Tuy nhiên các CCN này mới đang ở giai đoạn Sở TN&MT thuê đơn vị tư vấn để tính tiền thuê đất. Nhưng cũng có khả năng sẽ vướng như ở CCN Bình Châu.

Các sở ngành đã làm việc một lần nhưng sau đó IZICO tiếp tục có văn bản kiến nghị, tỉnh chỉ đạo các sở ngành phối hợp giải quyết. Nhưng việc này hiện vẫn “bít đường”.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc Sở TN&MT khẳng định không thể giải quyết đề xuất nhà nước cấp kinh phí để IZICO đóng tiền thuê đất hàng năm. Theo quy định doanh nghiệp cũng không được phép ghi nợ. Do đó, không thể cấp "sổ đỏ" khi doanh nghiệp chưa đóng tiền thuê đất.

Ông Trương Kim Tân, phó giám đốc Sở Tài cũng khẳng định nếu tỉnh cấp kinh phí để IZICO đóng tiền thuê đất là sai. Bởi theo luật, ngân sách không thể chi để phục vụ cho việc đóng tiền thuê đất. Tiền thuê đất là một khoản thuế. IZICO là đơn vị tự chủ tài chính hoàn toàn nên phải tự lấy nguồn thu từ hoạt động kinh doanh để nộp khoản tiền này.

“IZICO phải lấy nguồn thu để thực hiện các khoản nghĩa vụ tài chính sau đó mới nộp phần còn lại về ngân sách nhà nước. Sở Tài chính sẽ làm việc lại với IZICO vì chưa nghe báo về vấn đề tại sao lại nộp hết tiền về ngân sách mà không bố trí giữ lại nguồn để nộp thuế. Vì ngoài tiền thuê đất hàng năm IZICO còn phải nộp các khoản thuế khác”- ông Tân, nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chia sẻ, mới đây ông đã đi kiểm tra thực tế tại CCN Bình Châu.

“CCN Bình Châu làm xong bỏ hoang mấy năm nay, cây cỏ mọc um tùm nhưng chúng ta vẫn loay hoay vấn đề này trong khi nhu cầu doanh nghiệp đăng ký thì không được giải quyết. Nhà máy xử lý nước thải lại đổ ra ngoài đường, không ai chịu trách nhiệm hết...”- ông Thọ thẳng thắn nêu.

Chủ tịch tỉnh đề nghị văn phòng sắp xếp lịch họp ngay để ông cùng các sở ngành giải quyết khẩn trương vấn đề này. Ông yêu cầu không đùn đẩy nêu khó khăn mà phải đưa ra giải pháp.

Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp quản lý sử dụng tài sản, nhà đất công

Trước thực trạng nhiều tài sản công bị lãng phí, hoặc bị chiếm dụng xảy ra thời gian qua, mới đây HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công của thành phố, giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Theo đó đã có nhiều giải pháp quản lý, khai thác tài sản công đặc biệt là nhà đất công.

Một trong những giải pháp được nêu ra trong Đề án, đó là thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố đang giao đơn vị, DN kinh doanh nhà quản lý, khai thác, tổ chức phân loại làm cơ sở đề xuất kế hoạch, lộ trình xử lý, biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước.

TP Hà Nội cũng nêu rõ, kiên quyết thu hồi đối với phần diện tích nhà, đất phải bàn giao về thành phố quản lý (trong đó bao gồm cả các diện tích tầng 1 nhà chung cư thương mại, quỹ nhà tạm cư...), diện tích nhà, đất vi phạm, sử dụng chưa đúng mục đích để lập phương án giao quản lý, khai thác và xử lý theo quy định. Trường hợp vi phạm phức tạp, kéo dài nghiên cứu áp dụng biện pháp chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý.

Xây dựng Đề án khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của thành phố giao các đơn vị, DN kinh doanh nhà quản lý, khai thác giai đoạn 2023-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030. Từng bước áp dụng các hình "đấu giá cho thuê" thay cho hình thức "cho thuê chỉ định" nhằm đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch theo hướng thị trường.

Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp quản lý sử dụng tài sản, nhà đất công. Ảnh minh họa
Hà Nội đưa ra nhiều giải pháp quản lý sử dụng tài sản, nhà đất công. Ảnh minh họa

Đề án nhận được sự đồng tình của các đại biểu HĐND thành phố.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức, tổ đại biểu quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, cơ chế quản lý cần phải được nâng cao, cần phải được giám sát để làm sao tài sản công không bị xuống cấp mà được phát huy và bảo tồn.

“Ví dụ như khu biệt thự, hoặc một số nhà công chưa sử dụng cần đưa vào đấu giá để thu phí. Hoặc nhà đất mang tính chất lịch sử, hoặc những nhà cũ, nhà cổ có thể cho thuê để bên thuê phải có trách nhiệm tôn tạo và bảo tồn”, đại biểu Nguyễn Minh Đức nói.

Thời gian tới, TP Hà Nội xây dựng Đề án khai thác các quỹ đất phụ cận các dự án giao thông trọng điểm, quỹ đất dự kiến đối ứng cho các Dự án BT nay không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư, để tạo nguồn vốn tái đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Khẩn trương đôn đốc công tác di dời đối với những cơ sở nhà, đất gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp với quy hoạch. Quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch theo quy định của Luật Thủ đô…

Dự án khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng An Biên tại Quảng Ninh

Khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng An Biên có vị trí tọa lạc trên tuyến đường Lê Lợi, thuộc thị trấn Trới và xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Dự án nằm ngay cạnh đập An Biên, cùng các tuyến đường lớn như Quốc lộ 279 (đường Hữu Nghị), đường Trới – Vũ Oai liên kết đến tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.

Khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng An Biên có tổng diện tích 145,9 ha, tổng mức đầu tư 6.103 tỷ đồng. Được thiết kế xây dựng gồm các nhóm nhà ở gắn liền với tổ hợp thương mại, dịch vụ, với tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan bao gồm:

Khu du lịch nghỉ dưỡng: Quy mô 28,4 ha xây dựng với 800 phòng khách sạn và 216 căn villa nghỉ dưỡng.

Khu nghỉ dưỡng trị liệu: Quy mô 11,8 ha, sở hữu 335 căn villa nghỉ dưỡng.

Nhóm nhà ở số 1: Quy mô 11,1 ha, trong đó đất ở có diện tích 2,43 ha với 178 căn shophouse và liền kề.

Nhóm nhà ở số 2: Quy mô 19,9 ha, diện tích đất ở 14,07 ha với 277 căn biệt thự.

Nhóm nhà ở số 3: Quy mô 30,7 ha với diện tích đất ở 21,52 ha, cung cấp 542 căn biệt thự.

Khu công viên: Quy mô 14,2 ha.

Phối cảnh dự án Khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng An Biên
Phối cảnh dự án Khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng An Biên.

Chủ đầu tư dự án Khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng An Biên là Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest, được thành lập ngày 12/03/2008, đặt trụ sở tại 104 Thái Thịnh, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Doanh nghiệp Văn Phú Invest có tổng vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.958 tỷ đồng. Hoạt động trong lĩnh vực bất động sản với các dự án như: The Terra An Hưng, Vlasta Sầm Sơn, Khu đô thị mới Cồn Khương, Khu đô thị mới Văn Phú - Hà Đông…

Theo thông tin từ chủ đầu tư Khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng An Biên dự kiến được triển khai trong năm 2022 và hoàn thành năm 2025.