21 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng

Theo Bộ Xây dựng, tổng cộng có 21 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện. Tổng số căn hộ của các dự án này là gần 20.000 căn, với tổng mức đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Nhu cầu vay vốn từ gói 120.000 tỷ đồng là hơn 7.000 tỷ đồng.

Trong 6 tháng năm 2023, đã có 9 dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân được khởi công, với tổng số khoảng gần 18.800 căn. Trong đó, có 6 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 7.700 căn và 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô hơn 11.000 căn.

Đến thời điểm hiện tại, cả nước đã giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Về triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, Bộ Xây dựng cho biết đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc các địa phương triển khai nhiệm vụ và báo cáo số liệu đầu tư nhà ở xã hội trên địa bàn. Bộ cũng đã tổ chức hội nghị toàn quốc để triển khai đề án.

21 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa
21 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Theo báo cáo từ các địa phương, tính đến ngày 18/6, cả nước đã hoàn thành 41 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, với quy mô khoảng hơn 19.500 căn. Ngoài ra, còn có 294 dự án đang tiếp tục triển khai, với quy mô khoảng gần 290.000 căn.

Về công tác phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, theo Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, với quy mô xây dựng khoảng hơn 157.000 căn và tổng diện tích gần 8 triệu m2.

Cũng có 418 dự án đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.000 căn và tổng diện tích khoảng hơn 22,5 triệu m2.

Về việc triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội trị giá 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã nhận được 3 công văn công bố 15 dự án từ các tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh, trong đó có 5 dự án đã được cấp phép xây dựng.

Các tỉnh Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã công bố 9 dự án nhà ở xã hội. Các địa phương đã cấp phép xây dựng cho các dự án này và các tổ chức tín dụng đã sẵn sàng cho vay. Hiện tại, một số ngân hàng như BIDV và Agribank đã bắt đầu cho vay trong gói tín dụng này.

Vụ sạt lở 2 người chết ở Đà Lạt: Cần 2 tháng để kết luận nguyên nhân, trách nhiệm

Chiều 10/7, UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội nghị giao ban báo chí đầu năm. Buổi họp nhận được nhiều sự quan tâm về việc điều tra vụ sạt lở tại khu đất 15/2 Yên Thế xuống hẻm 36 Hoàng Hoa Thám (phường 10, TP Đà Lạt) khiến 2 người tử vong, nhiều ngôi nhà hư hỏng.

Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, khẳng định quan điểm xử lý vụ việc của thành phố và lãnh đạo tỉnh là không bao che, sai phạm đến đâu xử lý đến đó.

Hiện thành phố đã cơ bản xử lý, khắc phục sự cố, giải quyết tình trạng sạt lở tại khu vực. Một số hộ dân đường Yên Thế, Hoàng Hoa Thám trước đó phải di dời đảm bảo an toàn nay đã quay trở về nhà.

"Công an tỉnh đang làm việc với các cá nhân, tổ chức có liên quan, nếu phát hiện có vi phạm sẽ tiếp tục xử lý, khởi tố và công khai thông tin", ông Tú nói.

Còn ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, lưu ý vừa qua Sở Xây dựng chỉ mới có nhận định sơ bộ nguyên nhân sự cố chứ chưa kết luận chính thức sự cố này.

Theo ông Trung, đây là sự cố cấp 2. Đoạn kè này được xây dựng để vừa làm taluy, vừa đổ đất để nâng cốt nền. Trong lúc thi công thiếu che chắn, gặp mưa thời điểm đó lớn nên bờ taluy không chịu được áp lực, gây sạt lở. Sau khi xảy ra, cơ quan chức năng lập tức triển khai giảm tải lên bờ taluy bằng cách lấy đất ra, đoạn taluy nào yếu thì được tháo dỡ ngay.

UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chịu trách nhiệm điều tra, xác định nguyên nhân sự cố. Theo chỉ đạo của tỉnh thì tới 20-7, nhưng theo quy trình điều tra sự cố thì cần phải 2 tháng.

Giám đốc Sở Xây dựng nói: "Sau 2 tháng sẽ có kết luận nguyên nhân chính thức, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và sẽ được công khai, không có gì phải giấu diếm gì cả".

Hiện trường vụ sạt lở đất. Ảnh: Tiền Phong
Hiện trường vụ sạt lở đất. Ảnh: Tiền Phong

Về vấn đề ngập úng vừa qua, ông Trung thông tin Sở Xây dựng đang rà soát các quy hoạch, đề xuất các giải pháp trong tháng 7 này về vấn đề chống ngập đô thị. Theo quy hoạch của Đà Lạt, có 2 hướng thoát nước là hướng đổ về hồ Mê Linh và hướng về hồ Vạn Kiếp, sau đó đổ về vùng thấp hơn.

Qua kiểm tra rà soát lại, với đặc điểm của Đà Lạt như hiện nay, nếu có mưa lớn thì có thể sẽ tiếp tục xảy ra ngập cục bộ. "Chúng tôi đang tích cực tham mưu đề xuất UBND tỉnh những giải pháp căn cơ nhất, tốt nhất để hạn chế tình trạng ngập cục bộ này".

Phát biểu tại buổi họp, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định vấn đề sạt lở không có tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng". Chỉ trong 2 tháng, UBND tỉnh đã ban hành 11 văn bản liên quan đến vấn đề này, chưa kể những văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, chứng tỏ tỉnh đã lường trước, dự báo được những việc như vậy và cũng đã được đăng tải công khai hết.

Trong 4 lô đất tại hẻm 15/2 Yên Thế thì có 3 giấy phép xây dựng được cấp cùng 1 ngày, giấy phép còn lại được cấp sau đó không lâu (các giấy phép số 03/GPXD, 04/GPXD, 05/GPXD ngày 29/3/2021 và số 09/GPXD ngày 8/6/2021 tại khu đất hẻm 15/2 Yên Thế - PV).

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, việc này cần làm rõ các mối liên hệ thế nào. Nhận định ban đầu, công trình taluy sạt lở số 15/2 Yên Thế đã không tuân thủ theo quy định của tỉnh về việc xây dựng taluy.

Còn ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND Lâm Đồng, cho biết bước đầu ở vụ sạt lở này có nhiều dấu hiệu vi phạm. Dự án được cấp phép dưới hành lang điện, thi công sai ranh giới, cấp phép chưa tính toán hết khối lượng đất khoảng 6.000 m3 đất dồn lên bờ taluy quá lớn.

"Giật cấp khoảng cách quá ngắn nên khi gặp thời tiết mưa lớn, khiến bờ taly không chịu được lực dẫn tới sạt lở", ông S nói.

TP HCM đề xuất thu hồi hơn 287ha đất để làm dự án

Tại kỳ họp HĐND TP HCM lần thứ 10 khóa X vào ngày 10/7, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã trình bày tờ trình về danh mục dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên địa bàn

Theo đó, UBND TP HCM đề xuất danh mục 13 dự án cần thu hồi đất với hơn 287ha. Trong đó, 6 dự án cần thu hồi đất đăng ký mới năm 2023 với diện tích 226,31ha, 7 dự án cần thu hồi đất đã có nghị quyết của HĐND thành phố quá 3 năm, nay trình mới lại với tổng diện tích đất thu hồi 61,38ha.

Chính quyền thành phố cho biết, các dự án này là công trình công cộng, phục vụ nhu cầu cấp thiết của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ chỉnh trang phát triển đô thị. Qua rà soát, thành phố nhận thấy các dự án trong danh mục đã đủ điều kiện pháp lý để triển khai thực hiện năm 2023.

Theo danh mục được gửi tới kỳ họp, quận 5 cần thu hồi 0,25ha; quận 12 cần thu hồi 10,04ha; quận Bình Tân cần thu hồi 0,04ha; huyện Củ Chi cần thu hồi 216,24ha; huyện Bình Chánh cần thu hồi 8,96ha; huyện Nhà Bè cần thu hồi 4,75ha; TP Thủ Đức cần thu hồi 50,79ha.

Sau khi được HĐND TP HCM thông qua, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức thu hồi đất theo đúng quy định pháp luật.

UBND TP HCM đồng thời gửi tờ trình về danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Tổng diện tích đất trồng lúa được UBND TP HCM đề xuất điều chỉnh là 193,05ha.

Theo đó, các dự án có diện tích đất trồng lúa cần điều chỉnh nằm tại quận 12 với 3,54ha; quận Bình Tân với 0,01ha; huyện Củ Chi với 148,47ha; huyện Bình Chánh với 2,161ha; huyện Nhà Bè với 10,31ha; TP Thủ Đức với 28,56ha.

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc Bình tại Thừa Thiên Huế

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc Bình có vị trí nằm tại 2 xã Vinh Hiền và xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án có phía Đông nằm ngay bãi biển Lộc Bình, Bắc giáp xã Vinh Hiền, phía Tây giáp Quốc lộ 49B, phía Nam giáp khu du lịch Banyan Tree Lăng Cô.

Khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc Bình có tổng diện tích 248 ha, tổng vốn đầu tư cho dự án là 3.066 tỷ đồng. Dự án được quy hoạch với mục tiêu phát triển khu khách sạn nghỉ dưỡng, khu vực thể thao và chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi giải trí tổng hợp…

Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng tại Thừa Thiên Huế.
Phối cảnh dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Lộc Bình tại Thừa Thiên Huế.

Quy mô sản phẩm bao gồm: Cung cấp khoảng 853 phòng khách sạn và resort, khoảng 653 căn biệt thự các loại, 1.200 các phòng nghỉ mini và boutique hotel. Đáp ứng nhu cầu khoảng 10.000 du khách/đêm.

Chủ đầu tư dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng Lộc Bình là Công ty TNHH Văn Phú Resort - Lộc Bình (thuộc Văn Phú – Invest), được thành lập ngày 27/11/2018, đặt trụ sở tại đường số 7, Khu đô thị mới An Cựu, phường An Đông, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Được biết, ngày 14/02/2019 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển thể chất kết hợp vui chơi, thể thao Lộc Bình tại xã Vinh Hiền và xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc do Công ty TNHH Văn Phú Resort - Lộc Bình làm chủ đầu tư.

Theo kế hoạch, dự án sẽ đi vào vận hành và khai thác thương mại vào quý IV/2023.