Quảng Ninh đánh tiếng thu hồi dự án, FLC nộp ngay 100 tỷ đồng vào ngân sách

UBND TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vừa có báo cáo về kết quả nộp bổ sung tiền sử dụng đất đối với dự án khu đô thị tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) của Tập đoàn FLC.

TP Hạ Long cho biết đến nay, Tập đoàn FLC đã nộp bổ sung toàn bộ tiền sử dụng đất của dự án khu đô thị tại phường Hà Khánh (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) với tổng số tiền là gần 95 tỷ đồng và đã nộp tiền chậm nộp là hơn 5,3 tỷ đồng.

Sau đề nghị thu hồi dự án, FLC nộp 100 tỷ đồng tiền nợ ngân sách Quảng Ninh
Sau đề nghị thu hồi dự án, FLC nộp 100 tỷ đồng tiền nợ ngân sách Quảng Ninh. Ảnh: vietnamfinance.vn

Liên quan đến dự án Khu đô thị tại phường Hà Khánh, hồi tháng 3 vừa qua, UBND thành phố Hạ Long đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi một phần diện tích đất tại dự án khu đô thị tại phường Hà Khánh do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư để giao lại về UBND thành phố Hạ Long quản lý, sử dụng đất đúng mục đích đất theo quy định.

Cụ thể, tại dự án Khu đô thị Hà Khánh (giai đoạn 1), tổng số tiền sử dụng đất còn nợ đến ngày 28/2/2023 về thu tiền sử dụng đất bổ sung do điều chỉnh tăng thời gian thực hiện đầu tư xây dựng dự án là gần 75 tỷ đồng (gồm tiền nợ thuế gần 73 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp gần 2 tỷ đồng); tương ứng với 26% quỹ đất ở là 26.350 m2 đất ở UBND tỉnh đã giao đất cho Tập đoàn FLC (giai đoạn 1).

Tại dự án Khu đô thị Hà Khánh (giai đoạn 2), tổng số tiền sử dụng đất còn nợ do thu bổ sung tiền sử dụng đất (giai đoạn 2) là hơn 22 tỷ đồng (gồm tiền nợ thuế hơn 21 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp hơn 574 triệu đồng), tương ứng 16,84% quỹ đất ở là 20.359,4 m2 UBND tỉnh đã giao đất cho Tập đoàn FLC (giai đoạn 2).

Hà Nội: Không cấp mới và điều chỉnh quy hoạch cho chủ đầu tư vi phạm xây dựng

Theo UBND TP Hà Nội, thời gian qua, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt được những kết quả nhất định, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô... Qua đó, giúp diện mạo đô thị và nông thôn Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại...

Theo đó, các trường hợp vi phạm cơ bản được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý theo quy định. Nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước được củng cố, nâng cao.

Theo UBND TP Hà Nội, có được kết quả này là do hệ thống quy phạm pháp luật trong công tác quản lý trật tự xây dựng đã cơ bản hoàn thiện, nhất quán, xuyên suốt, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, cấp chính quyền trong công tác quản lý quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị còn một số tồn tại, hạn chế: Tình trạng xây dựng sai phép, sai quy hoạch và vi phạm vẫn diễn biến phức tạp. Những khuyết điểm, hạn chế này có phần do sự lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp còn chưa kịp thời, sâu sát, thiếu sự quyết liệt; năng lực, nhận thức và trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa cao.

Bên cạnh đó, nhiều quy định quản lý chưa được đồng bộ, chồng chéo, kém hiệu quả, chậm được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung. Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành TP Hà Nội với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ. Việc kiểm tra, xử lý sai phạm ở một số nơi chưa thường xuyên, còn tình trạng nể nang, né tránh, chậm xử lý hoặc thiếu quyết liệt. Sự bất cập về cơ chế, chính sách, tổ chức mô hình thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng... ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thực thi công vụ của cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng. Lúng túng trong việc nhận diện hành vi vi phạm để phân định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm xử lý của các đơn vị.

Hà Nội: Không cấp mới và điều chỉnh quy hoạch cho chủ đầu tư vi phạm xây dựng. Ảnh: Quốc Nam.
Hà Nội không cấp mới và điều chỉnh quy hoạch cho chủ đầu tư vi phạm xây dựng. Ảnh: Quốc Nam.

UBND TP Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội tại Văn bản số 158-CV/BCSĐ ngày 28/3/2023 (về việc xây dựng kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2022 của Ban cán sự Đảng và Tập thể lãnh đạo UBND TP), nhằm khắc phục các hạn chế, khuyết điểm về công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch khắc phục khuyết điểm, hạn chế được chỉ ra tại hội nghị kiểm điểm.

Theo đó, Kế hoạch được ban hành với mục đích chấn chỉnh và khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quản lý quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đã được chỉ ra, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, tổ chức trong hệ thống chính trị TP Hà Nội.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, ý thức chấp hành pháp luật và nhận thức của Nhân dân, góp phần hạn chế vi phạm về trật tự xây dựng; Tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng.

Đồng thời, khắc phục các hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch và quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý trật tự xây dựng; chấm dứt vi phạm về quy hoạch, từng bước xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng.

Để thực hiện kế hoạch, UBND TP Hà Nội giao các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện, thị xã cùng vào cuộc triển khai trên nguyên tắc "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả". Trong đó, Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan chủ trì.

Tại Kế hoạch 182/KH-UBND, ngoài phân công nhiệm vụ cụ thể còn quy định trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã như: Chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND TP Hà Nội về tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. UBND TP Hà Nội yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND cấp xã và cơ quan liên quan thực hiện trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định của pháp luật nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết, xử lý dứt điểm công trình vi phạm. Kịp thời ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế đối với chủ đầu tư cố tình không chấp hành xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm đúng trình tự, thời gian theo quy định…

UBND TP yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã không xem xét hoặc kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp mới, điều chỉnh quy hoạch xây dựng cho các chủ đầu tư chưa khắc phục xong vi phạm về TTXD hoặc chưa chấp hành xong các quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bao gồm cả biện pháp khắc phục hậu quả) của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Đề xuất đình chỉ cuộc thầu dự án 70 tỷ đồng ở Lâm Đồng vi phạm

Ngày 9/7, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng vừa có báo cáo rà soát, làm rõ quá trình tổ chức đấu thầu tại dự án xây cơ sở hạ tầng khu vực khóa mỏ khai thác sét tại Nhà máy gạch Tuynel Thạnh Mỹ, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đơn Dương (BQL dự án ĐTXD và CTCC) làm chủ đầu tư.

Trước đó, hồi tháng 12/2022, chủ đầu tư thông báo mời thầu gói 3 của dự án theo hình thức trực tiếp, tổng kinh phí dự án hơn 70 tỷ đồng. Hai nhà thầu vượt qua bước đánh giá kỹ thuật. Tuy nhiên, tháng 4/2023, khi chủ đầu tư mở hồ sơ đề xuất tài chính gói thầu trên, thì chỉ có một liên danh nhà thầu tham dự.

Đơn vị còn lại không có mặt, với lý do doanh nghiệp này không nhận được thông báo của chủ đầu tư. Cho rằng chủ đầu tư mở hồ sơ đề xuất tài chính không minh bạch, điều này ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của công ty, nên doanh nghiệp phản ánh, đề nghị làm rõ quy trình chấm thầu, lựa chọn nhà thầu.

Trụ sở BQL dự án Đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đơn Dương. Ảnh: Xuân Ngọc.
Trụ sở BQL dự án Đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đơn Dương. Ảnh: Xuân Ngọc.

Vào cuộc xác minh, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng, quá trình rà soát, kiểm tra đơn vị xác định chủ đầu tư đã vi phạm một số nội dung về đấu thầu, mâu thuẫn trong quá trình làm hồ sơ mời thầu, chấm thầu khiến nhà thầu kiến nghị.

Hiện, không thể chấm thầu theo hồ sơ mời thầu vì hồ sơ mời thầu vi phạm đấu thầu, gây hạn chế tham gia cả các nhà thầu dẫn tới cạnh tranh không công bằng. Kết quả chấm bước đánh giá kỹ thuật không được công nhận do hồ sơ mời thầu không đúng quy định của Luật đấu thầu.

Từ kết quả trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh “đình chỉ cuộc thầu”, “không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu bước đánh giá kỹ thuật”, “hủy quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu”.

Chủ đầu tư lập lại hồ sơ mời thầu và tổ chức chức đấu thầu theo đúng quy định, nhằm khắc phục vi phạm về đấu thầu. Ngoài ra, chủ đầu tư có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (nếu có) cho các bên có liên quan khi có yêu cầu và theo quy định của về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Trước đó, VietNamNet thông tin, BQL dự án ĐTXD và CTCC huyện Đơn Dương, bị phản ánh, khiếu nại thiếu minh bạch trong quá trình chấm thầu, lựa chọn nhà thầu dự án 70 tỷ đồng xây cơ sở hạ tầng mỏ khai thác sét tại Nhà máy gạch Tuynel Thạnh Mỹ.

Trong đó, chủ đầu tư phê duyệt giá gói thầu tính chi phí dự phòng do phát sinh khối lượng là 5% chi phí không đúng so với kết quả thẩm định của Sở Xây dựng dẫn tới tăng giá gói thầu với số tiền 618 triệu đồng.

UBND tỉnh Lâm Đồng sau đó yêu cầu UBND huyện Đơn Dương cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát làm rõ rõ các dấu hiệu “bất thường” trong quá trình chấm thầu, lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư trong trên.

Đẩy nhanh tiến độ xây nhà ở xã hội

Thống kê của Bộ Xây dựng, tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 9 dự án nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã được khởi công xây dựng với tổng số khoảng gần 20.000 căn.

Trong số đó, NOXH có 6 dự án quy mô 7.730 căn, bao gồm Hải Phòng 4 dự án với 6.707 căn; Hà Nội 1 dự án có khoảng 720 căn và Lâm Đồng 1 dự án tương đương 303 căn. Cùng đó là 3 dự án nhà ở công nhân với quy mô 11.038 căn. Trong đó, Hải Phòng có 1 dự án với 2.538 căn, Bình Định 1 dự án khoảng 1.500 căn và Bắc Giang 1 dự án tương ứng 7.000 căn.

Số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho thấy, đến nay, trên cả nước đã giải ngân được trên 6.200 tỷ đồng cho khoảng 15.000 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua NOXH, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.

Được biết, để phục vụ việc giải ngân gói hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án NOXH, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ theo quy định tại Nghị định số 31/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Bộ Xây dựng đã 3 lần công bố danh mục các dự án đủ điều kiện được vay trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và gửi Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, có 21 dự án NOXH, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ đủ điều kiện với quy mô 19.897 căn hộ, tổng mức đầu tư 20.179 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 7.139 tỷ đồng.

Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Ảnh: Quang Vinh.
Nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn. Ảnh: Quang Vinh.

Tính từ đầu năm, đến ngày 18/6, cả nước đã xây dựng khoảng 19.516 căn NOXH đang tiếp tục triển khai 294 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn. Vẫn theo Bộ Xây dựng, tính đến nay cả nước đã hoàn thành 307 dự án NOXH khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7,950 triệu m2. Hiện đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, có tổng diện tích khoảng 22,565 triệu m2. Bộ xây dựng đang tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn tồn tại việc mua bán trái phép NOXH. Theo quy định pháp luật hiện hành, NOXH là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. Một trong những nguyên tắc cho thuê, cho thuê mua, bán NOXH được quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014 là bên thuê mua, bên mua NOXH không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở; trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý NOXH đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua NOXH nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán NOXH cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Nếu bên thuê, thuê mua hoặc mua NOXH, cho thuê lại, cho mượn nhà trong thời gian thuê, thuê mua hoặc bán lại nhà không đúng quy định thì đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, đối tượng mua NOXH đã được pháp luật quy định rõ ràng. Trong đó có người có công với cách mạng, người thu nhập thấp, hộ nghèo, hộ cận nghèo và khu vực đô thị, người lao động đang làm việc trong và ngoài khu công nghiệp, lực lượng vũ trang… Điều kiện mua NOXH phải đáp ứng như, chưa có nhà ở, có nhà ở nhưng diện tích bình quân nhỏ hơn 10m2/người; đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú và đóng bảo hiểm xã hội từ 1 năm trở lên nơi có dự án.

Về trình tự tiếp nhận hồ sơ NOXH, chủ đầu tư sẽ tiếp nhận, lập danh sách người dự kiến mua gửi Sở Xây dựng và phối hợp cơ quan liên quan, rà soát danh sách để cập nhật, đảm bảo công khai, minh bạch... Sau đó tiến hành tổ chức bốc thăm.

“Như vậy các quy định liên quan mua/bán NOXH công khai, minh bạch và chặt chẽ, đảm bảo tránh tình trạng trục lợi chính sách và đúng đối tượng được hưởng. Trường hợp phát hiện sai, bán không đúng đối tượng phải thu hồi” - ông Sinh nêu rõ.