Doanh nghiệp Đức đầu tư 133 triệu USD làm nhà máy khí công nghiệp ở Quảng Ngãi

Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với Công ty Messer SE & Co. KgaA đến từ Đức để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất khí công nghiệp Messer - Quảng Ngãi tại KCN Phía Đông thuộc KTT Dung Quất (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Dự án có mục tiêu sản xuất khí công nghiệp, hóa chất cơ bản dạng lỏng và khí. Công suất thiết kế dự án này khoảng 240.000Nm3/giờ (khí Oxy và Ni tơ), 400 tấn/ngày (khí Argon lỏng, Oxy lỏng, Ni tơ lỏng) và 12,09Nm3/ngày (khí Kryton, Xenon, Hỗn hợp khí He/Neon).

Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất khí công nghiệp 3.157 tỷ.
Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất khí công nghiệp 3.157 tỷ. Ảnh minh họa: vietnamfinance

Tổng vốn đăng ký đầu tư cho dự án này khoảng 3.157 tỷ đồng, tương đương 133 triệu USD. Dự án có diện tích đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng khoảng 7,24 ha. Dự án sẽ triển khai đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động trong thời hạn 15 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

“Đây là dự án khí công nghiệp có quy mô tương đối lớn được đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, bên cạnh hiệu quả kinh tế, dự án cũng góp phần cung cấp kịp thời, thường xuyên lượng khí đảm bảo cho vấn đề chăm sóc y tế khi xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng”, Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi nhận định.

Nhiều kiến nghị liên quan đến dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) cao tốc đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 7/6, đã hoàn thành công tác bồi thường, chỉ trả tiền hỗ trợ GPMB được 24,54/32,53km cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ đia qua địa bàn. Đồng thời, hoàn thành GPMB tuyến nhánh tại thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh) dài hơn 0,8km.

Các địa phương đã bàn giao 21,18/ 32,53km mặt bằng sạch cho Ban quản lý dự án (BQLDA) đường Hồ Chí Minh, đạt 65,1%. Hiện vẫn còn 8km chưa bàn giao, trong đó có khoảng 6,5km liên quan đến các hộ dân vào khu tái định cư.

Để phục vụ việc triển khai dự án, khoảng 351 hộ dân ở 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ bị ảnh hưởng phải tái định cư (TĐC). Tính đến thời điểm hiện nay đã di dời được 15 hộ tại vị trí khởi công dự án.

Để xây dựng khu TĐC dự kiến có 10 vị trí với diện tích dự kiến khoảng 37,24ha. Tại huyện Vĩnh Linh (3 vị trí) đã được Sở Xây dựng thông báo thẩm định 3 khu TĐC, trình UBND tỉnh phê duyệt 2 dự án khu TĐC, 1 khu TĐC đang được hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ 3 khu TĐC.

Tại huyện Gio Linh cũng đã trình UBND tỉnh phê duyệt 3 khu TĐC, hiện đã được phê duyệt ku TĐC xã Hải Thái. Về GPMB để xây dựng các khu TĐC, trong đó khu TĐC Hải Thái đã kiểm đếm cơ bản xong, khu TĐC xã Linh Trường đang rà soát kiểm tra để trình huyện ban hành thông báo thu hồi đất, khu TĐC xã Gio An đang đo đạc địa chính và kiểm đếm cơ bản xong.

Huyện Cam Lộ cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt 3 khu TĐC. Hiện, UBND huyện đang chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thành phương án tái định cư cụ thể niêm yết công khai, phê duyệt theo quy định.

Đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật đã hoàn thành phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình hạng mục di dời hạ tầng kỹ thuật tiểu dự án GPMB. UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (đợt 2). Hiện Ban chỉ đạo GPMB cao tốc tỉnh Quảng Trị đang hoàn thiện các thủ tục để tổ chức lựa chọn các gói thầu xây lắp, triển khai công tác GPMB, cắm cọc GPMB đo đạc địa chính.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và chủ động điều chỉnh phù hợp với tổng mức đầu tư khi phê duyệt các dự án, hạng mục. Ban chỉ đạo GPMB đề nghị Bộ GTVT giao UBND tỉnh quyết định phân khai vốn cho các hạng mục công trình và chủ đầu tư; trường hợp vượt tổng mức vốn GPMB trên địa bàn tỉnh thì báo cáo Bộ GTVT để bổ sung trước khi thực hiện.

Các đơn vị triển khai thi công đồng loạt trên đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng. Ảnh: Kinh tế Đô thị
Các đơn vị triển khai thi công đồng loạt trên đoạn tuyến đã được bàn giao mặt bằng. Ảnh: Kinh tế Đô thị

Theo đó, tổng kinh phí thực hiện công tác GPMB trên địa bàn tỉnh Quảng Trị theo tổng mức đầu tư dự án được Bộ GTVT phê duyệt là 1.489,9 tỷ đồng. Tổng số vốn lũy kế đã bố trí cho công tác GPMB đoạn qua tỉnh Quảng Trị đến nay là 1.341 tỷ đồng (trong đósố vốn đã bố trí đến hết năm 2022 là 194 tỷ đồng; năm 2023 là 1.147 tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa được bố trí là 148.934 triệu đồng.

Đồng thời, nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp phép 5 mỏ đất làm vật liệu san lấp kịp thời phục vụ dự án cao tốc, Ban chỉ đạo GPMB đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị có ý kiến đến Bộ TN&MT sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ GTVT có văn bản khẳng định 5 mỏ đất trên thuộc hạng mục của dự án để địa phương có cơ sở hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác các mỏ đất làm vật liệu san lấp trên theo đúng quy định.

Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo GPMB cao tốc đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ cho biết: Liên quan đến cầu vượt nút giao Quốc lộ 9 và tuyến tránh Quốc lộ 9 phía Bắc với cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ theo phê duyệt thì hệ thống được gom xung quanh nút có nền rộng 5m, mặt đường 3,5m.

Trong khi đó, việc xây dựng cầu vượt cao tốc tại nút giao này đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ dân sống hai bên tuyến cầu vượt và người dân đã có kiến nghị đến các đơn vị, cơ quan chức năng.

Trước những kiến nghị cấp thiết của người dân, tỉnh Quảng Trị đã kiến nghị với Bộ GTVT, BQLDA đường Hồ Chí Minh về việc nghiên cứu các phương án hạn chế tối đa ảnh hưởng của các hộ dân hai bên cầu vượt. Trong đó đề xuất nghiên cứu phương án mở rộng đường gom 2 bên cầu vượt phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc GPMB và đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thi công trên các đoạn tuyến cao tốc đã được bàn giao mặt đường, người dân sinh sống tại địa phương đã có kiến nghị cần bổ sung thêm hầm chui, cống thoát nước, đường dân sinh để đảm bảo cho người dân đi lại được thuận lợi trong lưu thông và phục vụ sản xuất của vùng.

Bởi, dọc theo 2 bên tuyến cao tốc là diện tích rừng trồng canh tác của người dân ở 3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Vào thời điểm khai thác, một lượng lớn phương tiện, nhân công sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi lưu thông, vận tải hàng hóa đến các nhà máy, xưởng chế biến.

“Trước thực tế trên, Ban chỉ đạo GPMP đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo BQLDA đường Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan triển khai công tác rà soát, kiểm tra để có đề đề xuất điều chỉnh phương án thiết kế phù hợp, phục vụ lợi ích cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” ông Trần Ngọc Sơn chia sẻ.

Phú Thọ: 3 dự án xây dựng nhà ở xã hội được vay vốn gói 120.000 tỷ đồng

Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ vừa công bố 3 dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ, có nhu cầu vay vốn trên địa bàn theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Theo đó, dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp là khu nhà ở xã hội thấp tầng tại lô đất N02, thuộc khu nhà ở và dịch vụ thương mại Minh Phương, TP Việt Trì (Phú Thọ) là dự án có nhu cầu vay vốn trên 138 tỷ đồng. Dự án do chủ đầu tư Công ty TNHH Nhà ở xã hội Minh Phương xây dựng với tổng diện tích xây dựng 21.000m2, với 147 căn hộ/nhà ở, tổng mức đầu tư trên 173 tỷ đồng và được khởi công xây dựng từ năm 2022.

Hiện nay, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu tư xây dựng tại khu nhà ở xã hội thấp tầng tại lô đất N02, thuộc khu nhà ở và dịch vụ thương mại Minh Phương đã đạt khoảng 60%, các công trình nhà ở xây thô đạt khoảng 60% (90 căn). Dự kiến đến năm 2024 dự án sẽ hoàn thành.

Dự án thứ 2 được vay vốn là dự án khu nhà ở và dịch vụ KCN Thụy Vân (xã Thụy Vân, TP Việt Trì) với nhu cầu vay vốn 86 tỷ đồng. Dự án do Công ty CP Đầu tư sản xuất và thương mại Hà Thành làm chủ đầu tư khởi công xây dựng từ năm 2017 với tổng diện tích xây dựng 8.023m2, với 671 căn hộ/nhà ở; tổng mức đầu tư trên 284 tỷ đồng, dự án bao gồm 6 tòa 5 tầng và 2 tòa 11 tầng.

Tới thời điểm hiện tại, dự án đã thi công và bàn giao được 3 tòa 5 tầng và một tòa 11 tầng, một tòa 11 tầng thứ 2 dự kiến cuối tháng 6/2023 bàn giao. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ hoàn thành dự án và nhu cầu vay vốn là 86 tỷ đồng.

Ngoài hai dự án nói trên, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội cho công nhân KCN Phú Hà (xã Hà Lộc, TX.Phú Thọ) cũng có nhu cầu vay vốn 216 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích xây dựng trên 43.000m2, với 606 căn hộ/nhà ở và được khởi công từ năm 2018 do Tổng công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 360 tỷ đồng.

Dự án khu nhà ở và dịch vụ KCN Thụy Vân (xã Thụy Vân, TP Việt Trì) có nhu cầu vay vốn 86 tỷ đồng.
Dự án khu nhà ở và dịch vụ KCN Thụy Vân (xã Thụy Vân, TP Việt Trì) có nhu cầu vay vốn 86 tỷ đồng. Ảnh: Nhà báo và Công luận

Hiện nay, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành 48 căn nhà ở thương mại; thi công và bàn giao đưa vào sử dụng tòa OXH1-2; thi công xong phần thô tòa OXH1-1; hai tòa còn lại đang thi công phần sàn tầng 2. Dự kiến đến quý IV/2023 dự án sẽ hoàn thành.

Theo UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã có hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công bố, công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, thành phố danh mục các dự án và có văn bản gửi tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam danh mục các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ để các ngân hàng thương mại có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Long An tìm nhà đầu tư hai khu đô thị gần 1,5 tỷ USD

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An vừa có thông báo mời gọi nhà đầu tư quan tâm đăng ký thực hiện dự án khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa, huyện Đức Hòa.

Dự án có quy mô sử dụng đất khoảng 197,2 ha tại xã Đức Lập Thượng, xã Tân Mỹ và thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa. Quy mô dân số 40.000 người.

Trong đó, bao gồm biệt thự, nhà liền kề, chung cư, đất nền tái định cư, nhà ở xã hội; các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Dự án có sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 25.162 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 3.095 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện trong 6 năm.

Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đến 17 giờ ngày 10/7.

Cùng với dự án trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cũng tìm nhà đầu tư cho dự án khu đô thị tại phường 4 và phường 6, TP.Tân An.

Quy mô đầu tư của dự án trên diện tích đất sử dụng khoảng 1,372 triệu m2; quy mô dân số khoảng 17.225 người.

Dự án sẽ được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các công trình khác theo đồ án quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Theo đó, dự án có tổng số 2.482 lô đất ở thấp tầng. Trong đó, nhà ở biệt thự 195 lô; nhà ở phố thương mại 2.287 lô.

Theo ước tính, tổng chi phí thực hiện dự án trên 7.118 tỷ đồng; bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng, các chi phí khác.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.

Dự án dự kiến thực hiện trong 8 năm. Thời gian khởi công xây dựng dự kiến quý II/2025 – quý II/2030. Đến quý IV/2030 đưa vào khai thác sử dụng.

Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đến 17 giờ ngày 27/6.