Nhiều sai phạm về đất đai tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng vừa phát hiện nhiều sai phạm về quản lý đất đai tại huyện Lâm Hà.

Theo đó, việc UBND huyện Lâm Hà cho phép tách thửa để các ông Nguyễn Thanh Trúc, Lê Đình Thuận cho thuê lại khi chưa ký hợp đồng thuê đất là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 98 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai.

Việc Phòng Tài nguyên và Môi trường và hộ ông Nguyễn Thanh Trúc tiếp tục không lập Hợp đồng thuê đất khi tách thửa số 02 và thửa số 59 là thực hiện không đúng quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 1 Nghị định số 38/2011/NĐ-CP ngày 26/5/2011 của Chính phủ: “Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra các trường hợp đề nghị giao đất, thuê đất; xác minh thực địa khi cần thiết, trình UBND cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất; chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các công việc nêu tại điểm d khoản này và trình cấp Giấy chứng nhận; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp được thuê đất”.

Việc UBND huyện Lâm Hà cho phép tách thửa số 486, tờ bản đồ số 36, thị trấn Nam Ban thành thửa số 542, 543, sau đó tiếp tục tách thửa 543 thành các thửa số 600, 601 là không thực hiện đúng quy định tại khoản 3 Điều 2 Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND ngày 14/3/2008 của UBND tỉnh: “Thửa đất tách thửa là đất phi nông nghiệp nhưng không phải là đất ở: việc tách thửa đất căn cứ vào ranh giới thửa thể hiện trong dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc thỏa thuận”.

Việc UBND huyện chuyển mục đích sử dụng 200 m2 đất cho ông (bà) Nguyễn Hoài Văn - Đào Thị Kim Thoa thuê để sản xuất, kinh doanh (đang có quy hoạch là đất sản xuất kinh doanh) sang đất ở nhưng không căn cứ Quy hoạch sử dụng đất là vi phạm hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.

Nhiều sai phạm về đất đai tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa
Nhiều sai phạm về đất đai tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh minh họa

Việc thực hiện tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định đối với trường hợp trên đã làm Nhà nước mất đi quyền sử dụng đối với diện tích 200m2 đất có vị trí mặt tiền đường Tỉnh lộ 725 đoạn đi qua trung tâm thị trấn Nam Ban là vi phạm vào tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” được quy định tại Bộ luật hình sự.

Việc UBND huyện Lâm Hà ban hành Quyết định số 5664/QĐ-UBND ngày 14/11/2022 về việc thu hồi quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở đô thị (hình thức được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm, đã được cấp GCNQSD đất năm 2014) là thực hiện không đúng quy định tại khoản 5 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều, khoản của Luật Đất đai được được điều chỉnh, bổ sung tại điểm 5 khoản 26 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ quy định: “Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Việc xử lý thiệt hại do việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật gây ra thực hiện theo quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân. Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật bị xử lý theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai”.

Một số trường hợp thuê đất đã sử dụng đất không đúng mục đích nhưng UBND huyện, UBND cấp xã không kiểm tra, xử lý, gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai của địa phương.

Cụ thể trường hợp ông Võ Minh Trứ thuê đất để sản xuất nông, lâm kết hợp tại xã Phú Sơn, đã xây dựng nhiều công trình (nhà ở, nhà hàng kinh doanh ăn uống …).

Các trường hợp nhận chuyển nhượng tài sản của ông Nguyễn Thanh Trúc và thuê lại đất sản xuất nông nghiệp tại xã Hoài Đức đã xây dựng nhiều công trình nhà ở kiên cố.

Tại xã Mê Linh, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng phát hiện có một số trường hợp là đoàn viên Công đoàn Văn phòng Tỉnh ủy được UBND huyện cho thuê đất từ năm 2002 nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, đã chuyển nhượng tài sản trên đất và đã xây dựng nhiều công trình nhà ở kiên cố trên đất sản xuất nông nghiệp.

Tại thị trấn Nam Ban, ông Nguyễn Hoài Văn năm 2009 xây dựng không phép nhà ở cấp 4 (2 tầng) trên diện tích đất thuê thuộc thửa số 600, tờ bản đồ số 36, đã được UBND thị trấn Nam Ban và Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế - Hạ tầng phát hiện, lập biên bản ghi nhận nhưng đã không kiến nghị xử lý theo quy định.

Còn tại xã Gia Lâm, bà Lê Thị Như Hoa thuê diện tích 5.161 m2 thuộc thửa số 515, tờ bản đồ số 01 để sản xuất, kinh doanh từ năm 2014, nhưng đến nay, vẫn chưa đưa đất vào sử dụng là không thực hiện đúng nguyên tắc sử dụng đất được quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đất đai.

Thái Nguyên lập quy hoạch thêm 4 khu công nghiệp

Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên Hoàng Đức Khánh cho biết: Sở vừa kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đối với 4 khu công nghiệp mới trên địa bàn, gồm: Khu Công nghiệp Yên Bình 2 (diện tích 301ha), Khu công nghiệp Yên Bình 3 (diện tích 300ha), Khu công nghiệp Thượng Đình (diện tích 130ha) và Khu Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ tây Phổ Yên (diện tích 1.128ha). Trong đó, 3 khu công nghiệp đã được khảo sát thực tế.

Đây là các khu công nghiệp mới nằm trong Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, việc lập quy hoạch 4 khu công nghiệp này là nhằm triển khai, cụ thể hóa quy hoạch tỉnh.

Khu công nghiệp Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Internet
Khu công nghiệp Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Internet

Bốn khu công nghiệp này nằm bên cạnh đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và đường liên kết vùng Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc nên có thế mạnh thu hút đầu tư rất lớn đối với các ngành có công nghệ cao, công nghệ xanh, thân thiện môi trường và đây là những lĩnh vực mà tỉnh Thái Nguyên ưu tiên.

Bên cạnh việc lập quy hoạch 4 khu công nghiệp nêu trên, hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang đốc thúc chủ đầu tư và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công hai tuyến đường nêu trên để thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Trước đó, hai năm 2021 và 2022, tỉnh đã lập quy hoạch Khu công nghiệp Sông Công 2 (giai đoạn 2) và Khu Công nghiệp-Đô thị-Dịch vụ Phú Bình với tổng diện tích 1.200ha. Mặc dù hai năm 2021 và 2022 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn thu hút gần 2 tỷ USD và gần 4 nghìn tỷ đồng đầu tư vào các khu công nghiệp.

Khánh Hòa: Đề nghị di dời Nhà khách Bộ Công an để xây dựng Bảo tàng A.Yersin

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa giao Sở Xây dựng phối hợp với đơn vị thiết kế tiếp tục hoàn thiện Đồ án quy hoạch phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, thành phố Nha Trang. Theo đó, tỉnh này đề nghị di dời Nhà khách Bộ Công an để xây dựng bảo tàng A.Yersin.

Đồ án quy hoạch phía Đông đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được đơn vị tư vấn đề xuất xây dựng thành trung tâm du lịch sự kiện tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có điểm nhấn khác biệt với các khu lân cận. Khu vực này có đường bờ biển xanh, sạch, được quy hoạch thành trung tâm vui chơi, giải trí, công viên trị liệu sức khỏe. Công trình điểm nhấn là khu phức hợp giải trí, hội nghị, triển lãm và các hạng mục cần được cải tạo công trình kiến trúc, như: Nhà hàng Bốn Mùa, Sailing Club, dinh Bảo Đại; đề xuất xây dựng Bảo tàng Văn hóa lịch sử A. Yersin…

Khánh Hòa: Đề nghị di dời Nhà khách Bộ Công an để xây dựng Bảo tàng A.Yersin. Ảnh: Tiền Phong
Khánh Hòa đề nghị di dời Nhà khách Bộ Công an để xây dựng Bảo tàng A.Yersin. Ảnh: Tiền Phong

UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện thiết kế, lấy ý kiến nhân dân, với mục tiêu tạo thành dải công viên ven biển phục vụ người dân và du khách. Ông Nguyễn Tuấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, thời gian qua, nhiều công trình ven biển đường Trần Phú đã được di dời, thu hồi mặt bằng.

Tỉnh bố trí khu đất tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh để di dời Nhà khách 378 của Bộ Công an, khu đất nhà khách hiện tại sẽ đầu tư xây dựng Bảo tàng Yersin kết nối với Công viên Yersin bên cạnh; Khu vực phía bắc cầu Trần Phú sẽ xây dựng công viên, xây cầu đáy kính ra đảo Hòn Đỏ. Các cảnh quan ven biển phải được thiết kế hài hòa, thông thoáng. Tỉnh sẽ nghiên cứu bổ sung thêm các bãi đậu xe, đường đi xe đạp dọc bờ biển.

Ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết: “Sở Xây dựng cùng với đơn vị tư vấn phải hoàn chỉnh đồ án thiết kế đô thị dải bờ biển, phía Đông đường Trần Phú. UBND tỉnh rất quyết tâm để làm đẹp bãi biển, đập chỗ nào, giữ chỗ nào. Sắp đến, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công an di dời nhà khách 378 vào trong bãi Dài. Chỗ đó, sẽ làm bảo tàng Yersin, công viên Yersin để phục vụ cho công cộng”.

Cần Thơ: Thông tin tiến độ đấu giá 8 khu đất công

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ vừa có báo cáo về công tác quản lý nhà nước về lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn TP gửi đoàn giám sát của Ban đô thị - HĐND TP Cần Thơ.

Một trong những nội dung mà Sở TN&MT báo cáo là về tình hình triển khai thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở này cho biết, theo kế hoạch đấu giá các khu đất công, trong năm 2022 Sở đã tham mưu UBND TP lập thủ tục đấu giá tám khu đất.

Kết quả mới đấu giá được một khu đất số 4, đường 30/4, phường An Phú, quận Ninh Kiều, với giá trúng đấu giá hơn 40,2 tỉ.

Có ba khu đất (gồm khu đất xây dựng công trình y tế thuộc Khu đô thị hai bên đường Nguyễn Văn Cừ (phường An Bình, quận Ninh Kiều); ba lô nền biệt thự thu hồi từ nguồn 5% quỹ đất do Công ty TNHH Long Thịnh đầu tư; một lô nền biệt thự thu hồi từ nguồn 5% quỹ đất do Công ty Xây dựng Cần Thơ đầu tư) đã tổ chức đấu giá ngày 26-12-2022 nhưng chưa có khách hàng tham dự.

Một trong tám khu đất công của Cần Thơ tại địa chỉ 286/26 Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa.
Một trong tám khu đất công của Cần Thơ tại địa chỉ 286/26 Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: PLO.vn

Trung tâm Phát triển quỹ đất TP đang thực hiện thủ tục xác định lại giá khởi điểm để tiếp tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với ba khu đất nêu trên theo chỉ đạo của UBND TP.

Có hai khu đất (gồm một lô nền biệt thự thu hồi từ nguồn 5% quỹ đất do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Diệu Hiền đầu tư; hai khu đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc dự án Khu dân cư lô số 6 (phần mở rộng) tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng) đã được UBND TP ban hành quyết định đấu giá quyền sử dụng đất, đang lập thủ tục thuê thẩm định giá và sẽ tổ chức đấu giá trong thời gian tới.

Hai khu đất còn lại (gồm Khu đất Nhà máy nước cũ, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn; Khu đất số 286/26 Cách Mạng Tháng Tám, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) đang hoàn thiện thủ tục, sẽ tổ chức đấu giá trong quý I/2023.

“Nhìn chung, trong năm 2022 công tác đấu giá các khu đất công chưa đạt yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Sở TN&MT sẽ lập kế hoạch khắc phục trong năm 2023 thực hiện hoàn thành kế hoạch đấu giá được UBND TP phê duyệt”, báo cáo nêu.