Ngăn chặn thông tin bịa đặt, vu khống, xúc phạm trên mạng

Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng vừa được Chính phủ ban hành nêu rõ, từ 1/10 yêu cầu xóa bỏ thông tin khi có căn cứ pháp luật xác định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động kinh tế - xã hội đến mức phải yêu cầu xóa bỏ thông tin.

Thông tin bịa đặt, vu khống trên mạng sẽ bị xoá bỏ từ ngày 1/10
Thông tin bịa đặt, vu khống sẽ bị xoá bỏ và người tung tin cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Những năm gần đây khi Internet ngày càng phát triển, số lượng người dùng tăng cao, việc người dùng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo trên không gian mạng để phát tán thông tin bịa đặt, vu khống, xúc phạm đến người khác trở nên rất phổ biến. Một trong những biểu hiện phổ biến là trào lưu “bóc phốt” các thông tin về đời tư của người khác được đăng tải trên mạng xã hội một cách tràn lan, khiến dư luận bức xúc, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc đảm bảo an ninh không gian mạng.

Pháp luật hiện hành đã có quy định về hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác để làm căn cứ xử lý. Các thông tin được cho là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác bao gồm:

- Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm:

+ Thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác;

+ Thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán.

- Thông tin trên không gian mạng có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Quy trình, thủ tục xoá bỏ thông tin bịa đặt

Đáng nói, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP cũng quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Cụ thể, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định;

- Gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, dịch vụ trên mạng Internet, dịch vụ gia tăng trên không gian mạng, chủ quản hệ thống thông tin xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.

- Kiểm tra việc chấp hành thực hiện biện pháp của các chủ thể có liên quan được yêu cầu.

- Trao đổi, chia sẻ thông tin về việc thực hiện biện pháp này, trừ trường hợp nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước hoặc yêu cầu nghiệp vụ của Bộ Công an.

Còn lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Quốc phòng quyết định áp dụng biện pháp yêu cầu xóa bỏ thông tin trái pháp luật hoặc thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, an ninh quân đội đối với hệ thống thông tin quân sự.

Cũng tại Nghị định 53/2022/NĐ-CP quy định nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 Luật An ninh mạng 2018 được lưu trữ tối thiểu là 12 tháng. Như vậy, dữ liệu về xúc phạm người khác trên mạng sẽ được lưu trữ để xử lý.

Có thể thấy, Nghị định 53/2022/NĐ-CP cung cấp một công cụ pháp lý quan trọng nhằm xử lý, điều chỉnh những hành vi phát tán thông tin giả trên không gian mạng nhằm trục lợi hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, xã hội.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những vấn đề về an toàn thông tin, phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng đã có những thay đối lớn và trở thành một vấn đề mới trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống. Đây cũng chính là một trọng tâm trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự, tác động, ảnh hưởng toàn diện đến an ninh kinh tế, an ninh chính trị, an ninh văn hóa – tư tưởng, an ninh xã hội.