Để mở rộng thị phần mặt hàng nông sản tại thị trường EU, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đề xuất Bộ NN&PTNT phối hợp chặt với các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp về quy định xuất khẩu của EU, đặc biệt chuẩn bị các lô nhãn, thanh long, vải, xoài, mít từ các vườn đạt chứng nhận chuẩn EU phục vụ xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia liên kết với hợp tác xã, nông dân để phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo an toàn và đạt chứng nhận theo quy định EU.

Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU sẽ tiếp tục xúc tiến kết nối và mở rộng xuất khẩu các loại nông sản khác. Phối hợp với Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) lập danh sách các doanh nghiệp tham gia sản xuất, chế biến, xuất khẩu trái cây, sản phẩm trái cây uy tín trên cả nước để kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu. Tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây và sản phẩm trái cây tại EU và kết nối với doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam.

Thị trường nông sản Việt Nam được người tiêu dùng Bỉ và Eu quan tâm
Thị trường nông sản Việt Nam được người tiêu dùng Bỉ và Eu quan tâm

Đây là những tín hiệu đáng mừng khi mặt hàng nông sản của Việt Nam đã dần tiếp cận thành công thị trường cao cấp, góp phần nâng vị thế của sản phẩm, mở ra nhiều cơ hội gia tăng thị phần tại thị trường khó tính này. Hiện, EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị khoảng 5,5 tỷ USD/năm.

Với tổng giá trị nhập khẩu nông sản của EU lên tới 160 tỷ USD/năm, tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang EU còn rất lớn, nhất là khi các quốc gia EU kiểm soát được dịch Covid-19. Chính phủ các thành viên EU đã thúc đẩy mở rộng việc tiêm vắc xin, áp dụng quy định giấy thông hành vắc xin, nới lỏng quy định đi lại, mở cửa một phần dịch vụ ăn uống, du lịch, do đó nhu cầu tiêu thụ thực phẩm đã tăng hơn so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, EU liên tục cập nhật và gia tăng việc đưa ra các biện pháp SPS mới đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu bao gồm cả sản phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật. Hay công tác bảo quản, công nghệ sau thu hoạch đối với bao bì đóng gói, thiết kế mẫu mã với sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam còn hạn chế, thời gian bảo quản ngắn, mau hỏng, tỷ lệ hao hụt cao, mẫu mã, vật liệu làm bao bì chưa phù hợp với thị hiếu và yêu cầu của EU…

Điều đặc biệt, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, hiện nay, người tiêu dùng Bỉ và EU đã bắt đầu quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam khi mà lợi thế từ Hiệp định EVFTA mang lại đang dần dần hiện rõ. Chính vì thế, hàng từ Việt Nam dễ dàng được xem xét hơn.