Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/5, VN-Index giảm nhẹ 1,19 điểm (-0,11%) xuống 1.065,71 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 4/2023, đạt hơn 13.600 tỉ đồng.

VN-Index mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 15/5 tăng điểm và có thời điểm chạm ngưỡng 1.076 điểm trước khi lực bán được kích hoạt khiến chỉ số lùi về dưới mốc tham chiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trở lại trên HOSE, với giá trị bán ròng 376,5 tỉ đồng, tập trung ở nhóm mã cổ phiếu ngân hàng, thép. Họ cũng bán ròng trên HNX với giá trị 16,2 tỉ đồng.

Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), với phiên điều chỉnh nhẹ hôm nay trạng thái kỹ thuật của VN-Index không có nhiều thay đổi và vẫn trong khu vực sóng hồi.

“Sau tuần tăng điểm khá mạnh, việc thị trường điều chỉnh là cần thiết để củng cố đà tăng tiếp theo với mục tiêu hướng tới khu vực 1.100 - 1.150 điểm”, SHS đánh giá.

Thị trường chứng khoán ngày 16/5: VN-Index sẽ tiếp tục lùi để kiểm tra lại mốc 1.060 điểm

Trong ngắn hạn, SHS cho rằng thị trường chưa thể tăng mạnh ngay bởi sự trì kéo của nền tảng tích lũy. Giai đoạn này thị trường có thể tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung vẫn tiếp tục tích cực.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá việc các chỉ số đóng cửa với các mẫu hình kém khả quan cũng với sự gia tăng của thanh khoản cho thấy phe bán đang hoạt động mạnh mẽ trở lại tại vùng giá cao.

VDSC dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục lùi để kiểm tra lại mốc 1.060 điểm đã vượt qua trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, thị trường có thể được hỗ trợ từ vùng 1.060 - 1.065 điểm và sớm quay trở lại nhịp tăng sau đó.

Đồng quan điểm, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng VN-Index đang gặp thử thách tại vùng 1.077 - 1.080. Tuy nhiên, khả năng chỉ số vẫn duy trì đi ngang trong biên hẹp 1.061 - 1.066 trong phiên tiếp theo để kiểm tra sức mạnh của dòng tiền hỗ trợ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/5, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 47,98 điểm, tương đương 0,14%, lên 33.348,6. Đây là phiên tăng điểm đầu tiên của Dow Jones sau chuỗi 5 ngày giảm liên tiếp trong tuần trước. Chỉ số S&P 500 tăng 12,2 điểm, tương đương 0,30%, lên 4.136,28 và Nasdaq Composite tăng 80,47 điểm, tương đương 0,66%, lên 12.365,21.

Trong ngày, cổ phiếu Meta Platforms đã tăng 2,16%, trở thành động lực cho cả Nasdaq và S&P 500 sau khi Loop Capital nâng cấp cổ phiếu công ty lên hạng "mua".

Western Digital tăng 11,26% sau khi Reuters đưa tin hãng chip nhớ này và đối tác liên doanh Nhật Bản Kioxia Holdings Corp đang đẩy nhanh các cuộc đàm phán sáp nhập.

Trái lại, Oneok Inc đã giảm 9,06% sau khi đồng ý mua nhà điều hành đường ống Magellan Midstream Partners của Mỹ trong một thỏa thuận trị giá 18,8 tỷ USD. Cổ phiếu của Magellan tăng 12,99%.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 9,06 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 11,1 tỷ cho cả phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Thị trường chứng khoán có dấu hiệu trầm lắng hơn đáng kể do cuộc tranh cãi ở Washington giữa Nhà Trắng và Đảng Cộng hòa trong các cuộc đàm phán về trần nợ công. Sau khi một cuộc gặp mặt bị hoãn vào cuối tuần trước, một cuộc họp mới sẽ được tổ chức vào thứ Ba (16/5) giữa Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện và một số quan chức khác.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mới đây đã một lần nữa nhấn mạnh "X-Date" (thời điểm đặc biệt) của Mỹ là ngày 1/6 và nước Mỹ sẽ vỡ nợ nếu các nhà lập pháp không giải quyết được vấn đề trần nợ công.

Ngoài ra, những dữ liệu kinh tế mới cũng đang làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang chậm lại đáng kể do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Chỉ số "Empire State" của Cục Dự trữ Liên bang New York, thước đo hoạt động sản xuất ở Bang New York trong điều kiện kinh doanh hiện tại, đã giảm xuống mức -31,8 trong tháng 5.

Mùa thu nhập doanh nghiệp cũng đang dần tiến vào hồi kết, một số báo cáo từ các nhà bán lẻ lớn trong tuần này sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư cái nhìn sâu sắc hơn về tình trạng của người tiêu dùng. Home Depot dự kiến báo cáo vào ngày 16/5, Target và Walmart sẽ lần lượt báo cáo vào ngày 17-18/5.