Trước đó, phiên giao dịch ngày 10/8, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có biến động giằng co vào cuối phiên với thanh khoản giảm, đặc biệt là cổ phiếu dẫn dắt trong nhóm chứng khoán và ngân hàng. Chỉ số VN-Index kết phiên giảm 2.4 điểm (-0,2%) so với phiên ngày trước đó.

Theo đó, áp lực bán từ nhóm thép, ngân hàng, chứng khoán, sau đó lan tỏa sang các ngành khác. Tuy nhiên, dòng tiền đã có sự phân hóa khi tìm đến các cổ phiếu như xây dựng, bất động sản khu công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại về việc tăng giá của nhóm cổ phiếu bất động sản chủ yếu là mang yếu tố đầu cơ nhiều hơn.

Công ty chứng khoán Asean cho rằng sự khó khăn trong việc thiết lập đà tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy áp lực chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng mạnh. Dự báo trong phiên giao dịch ngày 11/8, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.260 – 1.265 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.250 – 1.255 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.240 – 1.245 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Đồng quan điểm trên, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định, áp lực điều chỉnh có thể tiếp diễn trong phiên tới khi ngày càng nhiều cổ phiếu đang theo chiều hướng này. Theo đó, đích tới của đợt hồi phục với kỳ vọng của chỉ số VN-Index tiến lên vùng 1.315 điểm nhưng số lượng cổ phiếu đã đạt tới điểm tới hạn đang tăng dần.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, phiên giao dịch ngày 10/8 thì chỉ số VN-Index diễn biến giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen về cuối phiên. Mặc dù khả năng mở rộng thêm nhịp điều chỉnh ngắn hạn vẫn đang để ngỏ, nhưng cơ hội hồi phục sau đó của chỉ số VN-Index tại vùng hỗ trợ gần 1240 vẫn được đánh giá cao. “Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các vị thế đã mở và có thể hạ dần tỷ trọng ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng cản”, KBSV nhận định.

Thị trường chứng khoán ngày 11/8: Nhà đầu tư cần thận trọng

Khối ngoại "góp sức" đỡ thị trường: Bên cạnh thanh khoản tiếp tục sụt giảm, khối ngoại cũng giảm mạnh giao dịch mua bán trong phiên 10/8. Tuy nhiên, khối này đã trở lại mua ròng gần 50 tỷ đồng với tâm điểm tập trung mua chứng chỉ quỹ. Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng 1,61 triệu đơn vị với tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 47,39 tỷ đồng; trong khi phiên hôm qua ngày 9/8 bán ròng 0,95 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng 67,29 tỷ đồng.

Cổ phiếu TKG rời UPCoM ngày 17/8: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu TKG của CTCP Sản xuất và Thương mại Tùng Khánh (Mã TKG - UpCOM). Theo đó, hơn 6,3 triệu cổ phiếu TKG sẽ chính thức hủy giao dịch trên UPCoM từ ngày 17/8/2022. Ngày giao dịch cuối cùng trên sàn này là 16/8. Trước đó ngày 20/7, HNX đã chấp thuận niêm yết cổ phiếu số cổ phiếu này TKG. Trên thị trường, cổ phiếu Thương mại Tùng Khánh đi ngang quanh mức 13.000 đồng trong 3 tháng trở lại đây; thanh khoản trung bình khoảng 55.000 cổ phiếu/phiên.

BCG Land chuẩn bị được niêm yết: Ngày 9/8, tại buổi hội thảo cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 và Định hướng chiến lược của Tập đoàn Bamboo Capital (Mã chứng khoán: BCG), đại diện công ty cho biết sẽ IPO BCG Land vào quý III/2022. Đại diện BCG chia sẻ hiện BCG Land đã hoàn tất các thủ tục nộp hồ sơ lên UBCKNN và kế hoạch niêm yết sẽ hoàn tất vào quý IV năm nay. BCG cho rằng đây sẽ là một cổ phiếu tiềm năng khi mà con số lợi nhuận tăng đột biến qua các năm, đạt hơn 800 tỷ đồng trong năm 2021 dù dịch bệnh khó khăn, đồng thời nâng tổng mức tài sản BCG Land sở hữu lên xấp xỉ 13.000 tỷ đồng.

GEG phát hành hơn 30 triệu cổ phiếu giá rẻ: Mới đây, CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG) thông qua Quyết định triển khai phương án chào bán hơn 30,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để góp vốn vào CTCP Năng lượng Điện Gió Tiền Giang nhằm triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Tân Phú Đông 1. Theo đó, GEG đăng ký chào bán hơn 30,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mệnh giá 14.000 đồng/cổ phiếu (thấp hơn 38,3% thị giá đóng cửa phiên 10/08 là 22.300 đồng/cp). Khối lượng vốn cần huy động là 425 tỷ đồng. Số tiền GEG dự kiến thu được từ đợt phát hành cổ phiếu này sẽ dùng để góp vốn vào CTCP Năng lượng Điện Gió Tiền Giang nhằm triển khai đầu tư dự án Nhà máy điện Tân Phú Đông 1. Thời gian góp vốn dự kiến trong quý 4/2022.

IDC chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 20%: Tổng công ty IDICO - CTCP (mã chứng khoán IDC - sàn HNX) mới công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai tạm ứng cổ tức năm 2022. Cụ thể, IDC sẽ trả cổ tức bằng tiền, tỷ lệ 20% (tương ứng 01 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Ngày 22/8 là ngày đăng ký cuối cùng, thời gian thanh toán cổ tức là ngày 6/9. Với 330 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến IDC sẽ phải chi tương ứng 660 tỷ đồng để thanh toán cổ tức năm 2022 cho cổ đông.

Cổ đông lớn Transimex tiếp tục đăng ký thoái vốn khỏi Cholimex (CLX): CTCP Transimex (TMS – sàn HOSE) tiếp tục đăng ký bán hơn 3,47 triệu cổ phiếu của CTCP Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex, mã CLX – UPCoM). Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 6/7 đến 4/8 theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Mục đích giao dịch nhằm hiện thực hóa lợi nhuận, bổ sung nguồn vốn cho danh mục các dự án đầu tư nhiều tiềm năng khác của Công ty. Từ đầu năm đến nay, Transimex liên tục đăng ký bán ra lượng lớn cổ phiếu CLX nhưng đều không hoàn tất giao dịch với lý do biến động giá thị trường chưa phù hợp.

Mặc dù xu hướng của thị trường vẫn ở mức tăng nhưng các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và hạn chế mua mới ở giai đoạn hiện tại, ưu tiên quan sát và chờ mua ở các nhịp điều chỉnh tới.