Thị trường chứng khoán hôm nay 5/10: Cổ phiếu chứng khoán kịch trần
Đầu phiên sáng, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá, giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán phiên này hồi phục trở lại. Trong đó, VIB tăng 2,7%, VND tăng 3,3%, VCI tăng 3,2%, SSI tăng 2,7%, CTG tăng 2,3%, STB tăng 1,9%...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn giao dịch tích cực. GAS tăng 3%, PVD tăng 2%...
Các cổ phiếu liên quan "hệ sinh thái Louis" vẫn đồng loạt lao dốc. Trong đó, SMT, BII, VKC và TGG vẫn bị kéo xuống mức giá sàn. TDH giảm 5,7%, APG giảm 2,9%, DDV giảm 2,4%.
Ngay đầu phiên chiều, đà tăng của các chỉ số được củng cố. Nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau bứt phá, trong đó, BSI tăng trần, MBS tăng 7,2%, EVS tăng 6,7%, FTS tăng 6,4%, SHS tăng 6,4%, SSI tăng 4,9%, VND tăng 4,5%...
Các cổ phiếu lớn như NVL, CTG, GAS, SAB, TCB... cũng đồng loạt tăng giá, củng cố sắc xanh của các chỉ số.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/10, VN-Index tăng 15 điểm |
Với sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán, VN-Index đã bật tăng trở lại chinh phục ngưỡng 1.355 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày, lần đầu tiên đóng cửa trên đường MA20 kể từ ngày 27/9 và là phiên tăng điểm mạnh nhất kể từ ngày 9/8 theo giá trị tuyệt đối.
Nhóm bất động sản cũng giao dịch tích cực khi VHM tăng 1,79%, VIC tăng 0,91%, VRE tăng 0,71%, NVL tăng 2,35%, KBC tăng 3,4%... Nhìn chung, sắc xanh áp đảo sắc đỏ.
Nhóm sản xuất giao dịch cân bằng hơn, trong khi HPG và VNM giảm lần lượt 0,36% và 0,67% thì MSN đứng giá tham chiếu, còn GVR và SAB tăng lần lượt 1,08% và 3,55%. Tương tự ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn, sắc xanh và sắc đỏ khá cân bằng.
Sắc xanh lan tỏa trên thị trường chứng khoán. |
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, “Chúng tôi cho rằng các chỉ số có thể sẽ tiếp tục giằng co với biên độ hẹp ở phiên giao dịch kế tiếp”.
Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy và điểm tích cực là dòng tiền có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt chỉ số VNSmallcaps tiến sát điểm xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn cho thấy rủi ro trê chỉ số có chiều hướng giảm dần. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy rủi ro giảm dần và cơ hội ngắn hạn cũng gia tăng dần, nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn ở mức cao.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 40 – 45% danh mục và có thể xem xét mua mới với tỷ trọng thấp”, ông Thế Minh khuyến nghị.
Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại mức 366,50 điểm, tăng 5,60 điểm (+1,55%). Thanh khoản đạt tổng cộng có hơn 144,93 triệu CP được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 3.327,38 tỷ đồng. Toàn sàn có 138 mã tăng, 97 mã giảm và 55 mã đứng giá.
Chỉ số HNX30 đóng cửa tăng 13,25 điểm (+2,34%) và lên mức 580,46 điểm. Khối lượng giao dịch đạt khoảng hơn 87,80 triệu đơn vị, giá trị tương ứng là hơn 2.314,96 tỷ đồng.
Đóng của trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM Index tăng điểm, đóng cửa tại mức 96,90 điểm, tăng 0,72 điểm (+0,75%). Thanh khoản toàn thị trường, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 80,47 triệu CP, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 1.637,39 tỷ đồng.
Tại sàn TP Hồ Chí Minh, chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 15,09 điểm (+1,13%) và lên mức 1.354,63 điểm. Thanh khoản đạt hơn 636,26 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch đạt 19.305,88 tỷ đồng. Toàn sàn có 238 mã tăng, 63 mã đứng giá và 157 mã giảm giá.
Chỉ số VN30 tăng 12,60 điểm (+0,87%) và lên mức 1.456,21 điểm. Thanh khoản đạt hơn 186,90 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch 8.868,20 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu VN30 kết thúc ngày giao dịch có 22 mã tăng, 1 mã đi ngang và 7 mã giảm giá.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng trên dưới 9 điểm, với VN30F2110 tăng 8,7 điểm (+0,6%), lên 1.449 điểm, khớp lệnh gần 117.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 38.200 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa cao, với CVRE2109 và CTCB2109 phiên này khớp lệnh cao nhất, đều gần 1,4 triệu đơn vị và cả 2 cùng giảm nhẹ.