Tuổi thiếu niên vốn đã là giai đoạn đầy lo âu và thử thách. Theo một báo cáo toàn diện vừa công bố trên The Lancet – tạp chí y khoa hàng đầu thế giới, thanh thiếu niên ngày nay đang phải đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có, ở quy mô mà chưa thế hệ nào trước đó từng trải qua.
Báo cáo của Lancet cho biết: hơn 1 tỷ người từ 10 đến 24 tuổi có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vào năm 2030, tương đương ít nhất một nửa dân số thanh thiếu niên toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ béo phì và rối loạn sức khỏe tâm thần đang gia tăng, trong khi giới trẻ còn đối mặt với sự ảnh hưởng mạnh mẽ từ công nghệ số và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngay cả tôi cũng bất ngờ trước những con số và dự báo này. Chúng ta đã và đang bước vào một cuộc khủng hoảng sức khỏe thanh thiếu niên, và nó sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Thế hệ trẻ hiện nay sẽ là thế hệ đầu tiên sống trọn đời trong bối cảnh khí hậu toàn cầu bị biến đổi nghiêm trọng.
Đến năm 2100, dự báo có khoảng 1,8 tỷ thanh thiếu niên sẽ phải sống trong điều kiện nhiệt độ toàn cầu cao hơn khoảng 2,8°C so với thời kỳ tiền công nghiệp – khiến thời tiết cực đoan, mất an ninh lương thực, suy giảm đa dạng sinh học, bất ổn xã hội và các bệnh liên quan đến nhiệt gia tăng.
GS Baird cảnh báo: "Người trẻ sẽ còn sống lâu hơn thế hệ đi trước, và họ là những người chịu thiệt hại nhiều nhất nếu chúng ta không đầu tư cho tương lai. Đáng tiếc là họ lại thường không phải người có quyền quyết định."
Báo cáo nhấn mạnh: thanh thiếu niên hiện nay là “thế hệ đầu tiên sinh ra trong thế giới số hóa hoàn toàn.” Trên toàn cầu, 79% người từ 15–24 tuổi có kết nối internet, con số này lên tới 95% tại các quốc gia thu nhập cao và trung bình cao.
Công nghệ số mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng kéo theo rủi ro lớn như: thông tin sai lệch, bắt nạt trên mạng, nội dung gây sốc, gia tăng cô lập xã hội và giảm vận động thể chất.
Câu chuyện về mạng xã hội và công nghệ số rất phức tạp, không thể nhìn một chiều. Vai trò của phụ huynh, giáo viên và chính các bạn trẻ là vô cùng quan trọng. Khi công nghệ AI phát triển mạnh, chúng ta cần những con người thật sự hiểu biết và các chính sách nhanh nhạy để đảm bảo rằng thanh thiếu niên không bị tổn hại trong quá trình này.
Báo cáo của Lancet cảnh báo rằng sự trưởng thành nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo sẽ khuếch đại cả lợi ích và rủi ro của công nghệ đối với giới trẻ. Không có giải pháp chung cho mọi trường hợp, vì vậy cần những cách tiếp cận linh hoạt ở nhiều cấp độ: cá nhân, gia đình, nhà trường và chính sách quốc gia.
Tỷ lệ béo phì đang gia tăng trên toàn thế giới và đã tăng gấp 8 lần kể từ năm 1990 ở một số khu vực châu Phi và châu Á. Báo cáo dự báo rằng đến năm 2030, sẽ có khoảng 464 triệu thanh thiếu niên bị thừa cân hoặc béo phì trên toàn cầu, tăng thêm 143 triệu người so với năm 2015. Xu hướng này kéo theo nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì như tiểu đường tuýp 2 và bệnh tim mạch.
Tình trạng béo phì ở thanh thiếu niên liên quan trực tiếp đến việc gia tăng tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh, vốn rẻ và dễ tiếp cận hơn các lựa chọn dinh dưỡng. Đồ uống có đường như nước ngọt và nước tăng lực là một trong những nguyên nhân chính: tiêu thụ các loại nước này ở thanh thiếu niên đã tăng từ 24% đến 33% ở hầu hết các khu vực (trừ các nước thu nhập cao, Mỹ Latinh và Caribe). Hơn một nửa thanh thiếu niên trên thế giới hiện đang tiêu thụ đồ uống có đường ít nhất một lần mỗi ngày.
Ngoài ra, thanh thiếu niên ngày nay có xu hướng ít vận động hơn do dành nhiều thời gian trước màn hình hoặc do ô nhiễm không khí, thời tiết cực đoan và các yếu tố môi trường khác cản trở hoạt động thể chất ngoài trời.
Để đối phó với tình trạng béo phì, báo cáo khuyến nghị áp dụng thuế đường và mở rộng các chương trình thể thao, rèn luyện sức khỏe cho thanh thiếu niên, đặc biệt ở các cộng đồng khó tiếp cận.
Một trong những dự báo đau lòng nhất từ báo cáo là: đến năm 2030, thế giới sẽ mất 42 triệu năm sống khỏe mạnh do các rối loạn tâm thần và tự sát – tăng 2 triệu năm so với năm 2015. Sức khỏe tâm thần hiện là nguyên nhân lớn nhất gây gánh nặng bệnh tật ở thanh thiếu niên trên toàn cầu, theo báo cáo.
Con số này củng cố những gì đã được ghi nhận rộng rãi: một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng đang diễn ra, được thúc đẩy bởi các xu hướng dài hạn như công nghệ số và biến đổi khí hậu, cùng với các cú sốc gần đây như đại dịch COVID-19.
Hãy tưởng tượng những biến động khổng lồ này xảy ra đúng vào giai đoạn hình thành quan trọng. Các em bị gián đoạn học hành, mất đi khả năng tương tác xã hội, và phải sống trong một thế giới nghèo hơn, căng thẳng hơn do khủng hoảng kinh tế kéo dài.
Báo cáo kêu gọi mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên và trao quyền cho cộng đồng trong việc xử lý nguyên nhân gây căng thẳng, lo âu và trầm cảm.
TS. Aoife Doyle, chuyên gia dịch tễ học tại Trường Y Vệ sinh & Nhiệt đới London, cũng đồng tình rằng sức khỏe và hạnh phúc của thanh thiếu niên ở ngưỡng cảnh báo nghiêm trọng. Cụ thể, chúng ta đang đầu tư quá ít cho sức khỏe thanh thiếu niên. Những khoản đầu tư hiện tại không phù hợp với gánh nặng bệnh tật mà thanh thiếu niên đang gánh chịu.
Những dữ liệu thuyết phục này nên thúc đẩy các chính phủ và nhà tài trợ thực hiện cam kết về bao phủ y tế toàn dân, đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện và phù hợp hơn cho thanh thiếu niên.
Điều đáng lưu ý là các xu hướng này không tồn tại một cách riêng lẻ. Ví dụ, béo phì và khủng hoảng tâm thần đều bị ảnh hưởng sâu sắc bởi công nghệ số và căng thẳng khí hậu. Tuy vậy, GS. Baird vẫn lạc quan trước sự kiên cường và quyết tâm của thế hệ trẻ khi đối mặt với các thách thức này.
Bà khẳng định "người trẻ rất lạc quan và luôn nuôi hy vọng”. Theo đó, nhiều bạn trẻ vẫn rất tin tưởng vào tương lai và sẵn sàng hành động để khiến thế giới ngày mai tốt đẹp hơn.
© thitruongbiz.vn