9.000m2 đất bị xây dựng sai quy hoạch

Theo phản ánh của báo Lao Động, Công viên Hội An (ở TP Thanh Hóa) được triển khai xây dựng từ năm 2003, với diện tích 24 ha, có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 120 tỉ đồng. Đây là công viên lớn nhất Thanh Hóađến thời điểm này, công trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu không gian vui chơi, thể dục thể thao cho nhân dân TP Thanh Hóa mà còn là nơi tổ chức nhiều sự kiện quan trọng.

Đặc biệt, công viên là biểu tượng của tình kết nghĩa giữa TP Hội An với TP Thanh Hóa. Tại công viên này, chính quyền TP Hội An đã tài trợ cho TP Thanh Hóa hàng chục tỉ đồng để xây dựng các biểu trưng của Hội An như Chùa Cầu, dãy phố cổ Hội An, trụ gốm… nhân các sự kiện kỷ niệm giữa 2 TP.

Đến năm 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa cho Công ty TNHH Toàn Hà thuê 2.330m2 đất (ở khu A, thuộc Công viên Hội An), để sử dụng vào mục đích làm Trung tâm thể dục thể hình, thẩm mỹ. Một năm sau, công ty này sáp nhập với Công ty Cổ phần Dạ Lan (Công ty Dạ Lan) và được Sở TNMT Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ).

Cũng trong năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý cho Công ty Dạ Lan được bổ sung thêm mục đích sử dụng đất “Tổ chức sự kiện” tại nơi quy hoạch là Trung tâm thể dục thể hình, thẩm mỹ. Từ đó, nơi đây trở thành nơi kinh doanh, tổ chức sự kiện, tiệc cưới.

Công viên lớn nhất tỉnh Thanh Hóa bị “xẻ thịt” suốt gần 1 thập kỷ.
Công viên lớn nhất tỉnh Thanh Hóa bị “xẻ thịt” suốt gần 1 thập kỷ. Ảnh: Giáo dục Thời đại

Không dừng lại ở hơn 2.300 m2 đất được cấp Giấy CNQSDĐ, đến năm 2013, Công ty Dạ Lan tiếp tục có đề nghị đầu tư, khai thác sử dụng đất xung quanh phần đất được cấp, với diện tích hơn 9.000m2. Ngay sau đó, ngày 29/9/2014, UBND TP Thanh Hóa có văn bản trả lời rõ là không đồng ý với đề nghị của công ty này, do không đúng theo quy hoạch và việc này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, hơn nửa tháng sau (ngày 17/10/2014), UBND tỉnh Thanh Hóa lại có văn bản chỉ đạo, yêu cầu TP Thanh Hóa "phải thực hiện nghiêm theo chỉ đạo" của tỉnh trước đó. Vậy nên ngày 24/10/2014, TP Thanh Hóa “đành” chấp thuận theo đề nghị của Cty Dạ Lan.

Có được sự chấp thuận chủ trương, Công ty Dạ Lan đã cho xây dựng một số hạng mục, công trình trên phần đất công cộng của Công viên Hội An. Sau đó, Sở Xây dựng Thanh Hóa kiểm tra thì phát hiện, nhiều hạng mục đã xây dựng sai so với hồ sơ thiết kế, đến nay, việc này vẫn chưa khắc phục.

Sau đó, Công ty Dạ Lan tiếp tục có văn vản đề xuất UBND tỉnh giao phần đất giáp Nhà thi đấu. Dù chưa được cơ quan chức năng chấp thuận, Công ty Dạ Lan đã tự ý san lấn, xây một số hạng mục vui chơi và làm bãi đỗ xe.

Mặc dù chưa khắc phục các hạng mục xây dựng sai theo kết luận của Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, nhưng vừa qua (tháng 7.2022), Công ty Dạ Lan tiếp tục có văn bản đề nghị, xin được tiếp tục sử dụng, quản lý, bảo trì Khu A Công viên Hội An, có diện tích hơn 9.000m2.

Nhiều công trình, chòi được Công ty Cổ phần Dạ Lan xây dựng trong diện tích hơn 9.000m2 nằm ngoài GCNQSDĐ.
Nhiều công trình, chòi được Công ty Cổ phần Dạ Lan xây dựng trong diện tích hơn 9.000m2 nằm ngoài GCNQSDĐ. Ảnh: Giáo dục Thời đại

Phúc đáp vấn đề này (tháng 8/2022), UBND TP Thanh Hóa đã có văn bản nêu rõ, căn cứ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên Hội An, được UBND TP Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh tại mặt bằng số 261/UBND-QLĐT ngày 10/02/2010. Quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (Khu A thuộc Công viên Hội An) của Công ty Dạ Lan không phù hợp với quy hoạch đã được thành phố phê duyệt.

Quá trình quản lý, khai thác, sử dụng của công ty đã làm thay đổi chức năng sử dụng của Khu A Công viên Hội An như: Khu vực sân tập ngoài trời có diện tích 4.138,5 m2 được dùng làm nơi đỗ xe ôtô; khu vực sân đường nội bộ dùng để tổ chức sự kiện ngoài trời; khu vực các chòi nghỉ được sử dụng để kinh doanh. Trong khi, theo quy hoạch, các khu vực trên là đất cây xanh, thảm cỏ, giao thông, đường dạo.

"Việc cho phép Công ty Cổ phần Dạ Lan quản lý, sử dụng, thực hiện xã hội hóa xây dựng các công trình tại Khu A Công viên Hội An ngoài phạm vi Giấy CNQSDĐ là không phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng", văn bản trả lời của UBND TP Thanh Hóa khẳng định.

Tháng 7/2022, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng đã thống nhất các nội dung điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Công viên Hội An. Căn cứ nội dung điều chỉnh, UBND TP Thanh Hóa nhận thấy, cần thu hồi toàn bộ phần diện tích ngoài Giấy CNQSDĐ đã cấp cho Công ty Dạ Lan, và bàn giao lại cho thành phố quản lý, sử dụng theo quy định.

Cùng với đó, UBND TP Thanh Hóa đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, có chính sách hỗ trợ đối với phần tài sản, vật kiến trúc do Công ty Dạ Lan đã đầu tư trên phần đất chưa được giao đất, cho thuê đất khi UBND thành phố thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An.

Tiếp tục cho sử dụng đến khi quy hoạch

Mặc dù tình trạng 'băm nát' quy hoạch đã diễn ra gần 10 năm nay tại Công viên Hội An nhưng theo phản ánh của báo Lao Động, vào cuối tháng 9/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản số 14218/UBND-CB, gửi đến các sở ngành liên quan và UBND TP. Thanh Hóa về việc tăng cường quản lý, đầu tư cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An, TP Thanh Hóa.

Theo đó, nội dung văn bản nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An, TP Thanh Hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND TP Thanh Hóa khẩn trương tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết Công viên Hội An theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Trên cơ sở đó, hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ dự án cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các điều kiện khởi công dự án chậm nhất trong quý I năm 2023, hoàn thành dự án trong năm 2023. Tập trung xử lý dứt điểm các hạng mục xây dựng trái phép, không đúng quy hoạch để hoàn trả mặt bằng, phục vụ triển khai dự án.

Riêng đối với các hạng mục, công trình do Công ty cổ phần Dạ Lan xây dựng ngoài phạm vi được cấp phép, đồng ý để công ty tiếp tục quản lý, sử dụng đến thời điểm thành phố có nhu cầu sử dụng mặt bằng để đầu tư các hạng mục theo quy hoạch và dự án được duyệt.

Toàn bộ khu đất mà Công ty Dạ Lan đang sử dụng hiện nay, trong đó có hơn 9.000 m2 là đất công viên, theo quy hoạch phê duyệt đây là đất cây xanh, thảm cỏ, giao thông, đường dạo. Ảnh: Người Lao động
Toàn bộ khu đất mà Công ty Dạ Lan đang sử dụng hiện nay, trong đó có hơn 9.000 m2 là đất công viên, theo quy hoạch phê duyệt đây là đất cây xanh, thảm cỏ, giao thông, đường dạo. Ảnh: Người Lao động

Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND TP Thanh Hóa chủ động xem xét nội dung kiến nghị của Cty Dạ Lan về đề xuất phương án quản lý hạ tầng tại Khu A, Công viên Hội An đảm bảo theo quy định; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vấn đề vượt thẩm quyền.

Ngoài các nhiệm vụ nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao UBND TP Thanh Hóa khẩn trương rà soát, bố trí các vị trí đỗ xe công cộng phù hợp (bên trong hoặc bên ngoài Công viên Hội An) tạo điều kiện cho Công ty Dạ Lan duy trì hoạt động, khai thác công trình được cấp phép; đồng thời, đảm bảo thuận tiện cho nhân dân đến vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao trong công viên và báo cáo kết quả đến Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/11/2022.

Trao đổi với Lao Động, bà Nguyễn Thị Hồng Liên - Giám đốc Công ty CP Dạ Lan cho rằng, Công ty Dạ Lan không lấn chiếm đất công viên mà chỉ thực hiện xã hội hóa theo hướng mở rộng khuôn viên, trồng cây, làm đường nhưng với mục đích sử dụng chung; không cấm đoán, thu phí với người dân vào sử dụng. Tuy nhiên, thực tế, người dân rất ngại đi vào khuôn viên Công ty Dạ Lan đã đầu tư, trừ khi vào đó sử dụng dịch vụ.

Bà Liên cũng xác nhận, chưa cơ quan chức năng nào giao đất phần mở rộng, ngoài phần đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đó nên cũng không giám xây dựng lớn. "Nay nếu thành phố có chủ trương thu hồi, chúng tôi sẽ chấp hành", bà Liên nói.