Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã: VIC) vừa có văn bản gửi UBND TP HCM và Sở Giao thông công chánh TP. HCM về phương án đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ.
Theo đó, Tập đoàn Vingroup đề xuất, tuyến metro sẽ bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh, đoạn giữa nút giao với đường Nguyễn Thị Thập và đường Lý Thục Mạn, thuộc phường Tân Phú, Quận 7.
Tuyến metro sẽ kéo dài đến khu đất 39ha, tiếp giáp dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ.
Tuyến đường sắt sẽ đi qua Quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, với tổng chiều dài khoảng 48,5km, vận hành trên cao.
Đặc biệt, dự án sẽ xây dựng cầu vượt sông Soài Rạp, kết hợp cả đường sắt và đường bộ để tối ưu khả năng kết nối.
Tuyến metro này được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ 1.435mm, với tốc độ tối đa 250km/h. Tuyến metro sẽ có hai depot chính, một tại Quận 7 (khu đất 20ha) và một tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (khu đất 39ha).
Tuyến có khả năng vận chuyển từ 30.000 - 40.000 hành khách mỗi giờ mỗi hướng.
Tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính khoảng 102.370 tỷ đồng (4,09 tỷ USD), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 8.664,7 tỷ đồng, chi phí xây lắp 37.537 tỷ đồng, chi phí thiết bị 25.777 tỷ đồng, cùng các khoản chi khác như thuế, dự phòng, quản lý dự án và tư vấn.
Tập đoàn Vingroup đề xuất thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), với hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (BOO). Doanh nghiệp sẽ đầu tư bằng nguồn vốn của mình và vốn huy động theo quy định, sau đó sở hữu, khai thác và vận hành tuyến metro sau khi hoàn thành.
Dự án dự kiến khởi động từ năm 2025 với giai đoạn chuẩn bị, bao gồm lập và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cơ quan có thẩm quyền để đưa vào quy hoạch phát triển đường sắt đô thị, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, đồng thời hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng.
Từ năm 2026 đến 2027, dự án sẽ bước vào giai đoạn thi công xây dựng, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Đến năm 2028, tuyến metro sẽ được vận hành thử nghiệm trước khi chính thức bàn giao và đưa vào khai thác.
Tập đoàn Vingroup kiến nghị UBND TP HCM xem xét, chấp thuận và có ý kiến chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn triển khai các công việc liên quan để có thể sớm hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án.
Trước đó, theo thông báo kết luận tại phiên họp lần thứ 16 Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải ngày 19-3, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao TP.HCM khẩn trương tổ chức nghiên cứu triển khai các dự án đường sắt đô thị kết nối Cần Giờ, TP.HCM đi sân bay Long Thành, báo cáo kết quả trong tháng 4-2025.
Trước đó, tại hội nghị công bố quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 ngày 4-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc TP HCM hoàn thành và đưa vào khai thác metro số 1.
"Tôi có trao đổi với anh Vượng Vingroup (tỷ phú Phạm Nhật Vượng - PV) xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP HCM cho đến huyện Cần Giờ. Anh đồng tình và rất say sưa", Thủ tướng nói.
Từ việc này, Thủ tướng gợi ý: "Mình phải giao nhiều việc cho các doanh nghiệp lớn, tôi hiện cũng giao một số việc để người ta hình thành tư duy. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới. Chúng ta phải quán triệt tinh thần này khi triển khai thực hiện quy hoạch".
Huyện Cần Giờ cách trung tâm TPHCM khoảng 50km, là huyện duy nhất giáp biển với 70% diện tích là rừng ngập mặn và sông rạch.
TPHCM định hướng biến Cần Giờ thành khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ rộng 2.870ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh đang được quy hoạch với tổng vốn 282.800 tỉ đồng.
Dự án kỳ vọng đón 9 triệu khách du lịch/năm, tạo 36.000 việc làm và là nơi sinh sống của hơn 228.000 người - gấp 3 lần dân số hiện tại.
Tuy nhiên, giao thông kết nối Cần Giờ còn hạn chế. Hiện chỉ có tuyến đường Rừng Sác và phà Bình Khánh, trong khi dự án cầu Cần Giờ dù được đề xuất nhiều năm vẫn chưa triển khai xây dựng.
© thitruongbiz.vn