Năm 2021 và thách thức chưa có tiền lệ

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022” ngày 25.4, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết năm 2021 Việt Nam chứng kiến những khó khăn và thách thức chưa có tiền lệ.

Cụ thể, về phía cầu, đại dịch bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng vừa qua khiến thu nhập cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm sút mạnh. Trong khi đó, một động lực quan trọng cho tăng trưởng là đầu tư công thì chưa tạo được đột phá.

Về phía cung, sản xuất của các ngành quan trọng bị ảnh hưởng lớn như vận tải, kho bãi; du lịch lưu trú ăn uống; giáo dục đào tạo; công nghiệp chế biến chế tạo... do nhu cầu suy giảm và chi phí sản xuất gia tăng.

“Những biện pháp phòng chống dịch bệnh thiếu nhất quán giữa các địa phương cũng ảnh hưởng lớn đến chi phí vận chuyển, logistics cũng như làm đứt gẫy chuỗi cung ứng cho các doanh nhiệp”, ông Hiển nói.

Trong khi đó, rủi ro bất ổn vĩ mô và bất ổn tài chính đang gia tăng. Sức ép lạm phát gia tăng do yếu tố chi phí đẩy và chính sách nới lỏng tiền tệ kéo dài. Dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp hơn, thu ngân sách có thể khó khăn khi kinh tế suy giảm và thị trường tài sản điều chỉnh mạnh, trong khi chi ngân sách cho các gói kích thích kinh tế gia tăng.

Ngoài ra, tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng không thấp hơn quá nhiều so với năm trước nhưng tăng trưởng kinh tế đạt mức thấp hơn năm 2020, thấp nhất trong vòng hai thập niên gần đây, đặt ra nghi vấn về đích đến cuối cùng và hiệu quả của dòng tiền/tín dụng trong nền kinh tế.

“Tín dụng có thể không trực tiếp đi vào sản xuất, mà trực tiếp hoặc gián tiếp, được đẩy vào thị trường tài sản (bất động sản, chứng khoán, vàng), nguy cơ bong bóng tài sản là hiện hữu. Thực tế cho thấy đã có nhiều rủi ro đáng lo ngại trên thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán trong năm 2021”, ông Hiển nêu.

gdp.jpg
Tăng trưởng năm 2022 có thể đạt 6,5% nhưng khó đạt mục tiêu lạm phát dưới 4%

Theo đại diện Ban Kinh tế Trung ương, dấu hiệu trở nên đáng lo ngại khi tỷ lệ M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang lần lượt đạt mức 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5.

Ngoài ra, sau một thời gian dài có xu hưởng giảm thì nợ xấu đã tăng trở lại và có nguy cơ gia tăng trong giai đoạn sắp tới, xuất phát từ những khó khăn của khu vực kinh tế thực. Trong khi đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu ở khu vực doanh nghiệp bất động sản, gia tăng nóng cũng những dấu hiệu báo hiệu rủi ro tăng cao.

“Như vậy, kinh tế vĩ mô cũng như hệ thống tài chính của Việt Nam đang đối diện với nhiều rủi ro bất ổn, khiến cho quá trình ứng phó với đại dịch và hồi phục kinh tế sẽ trở nên khó khăn hơn”, ông Hiển nhận định.

Tăng trưởng năm nay có thể đạt 6,5%

Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022, báo cáo của Trường đại học Kinh tế quốc dân nhận định, với tình hình dịch bệnh mới, và được thúc đẩy bởi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6,5% như kỳ vọng.

Động lực tăng trưởng kinh tế vẫn đến từ khu vực đầu tàu là kinh tế đối ngoại (đóng góp lớn đến sản xuất sản phẩm chế biến chế tạo và xuất khẩu). Ngoài ra, bù đắp cho đầu tư khu vực tư nhân còn khó khăn, chưa thể hồi phục nhanh do tác động của đại dịch, đầu tư công được tăng cường sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng của năm 2022.

Về phía sản xuất, ngành dịch vụ có cơ hội hồi phục mạnh mẽ trong năm 2022 với sự mở cửa trở lại của nền kinh tế. Đây là ngành có vai trò lớn trong đóng góp vào tăng trưởng trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế năm 2022 cũng đứng trước nhiều thách thức lớn. Cụ thể, đại dịch COVID-19 với chủng mới Delta có tốc độ lây nhiễm mạnh, bất ổn chính trị thế giới leo thang cùng giá dầu tăng mạnh có thể khiến con đường hồi phục toàn cầu và của các nước bạn hàng lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc bị đe dọa; theo đó ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư tại Việt Nam.

Đồng thời, việc chính phủ và ngân hàng trung ương của các quốc gia lớn, đặc biệt là Mỹ, có động thái thắt chặt tiền tệ do lo ngại lạm phát, đã tác động đến kinh tế, tài chính thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đối với Việt Nam, dư địa các chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ hồi phục kinh tế sẽ bị thu hẹp hơn.

Ngoài ra, những rủi ro bất ổn vẫn còn hiện hữu như tăng trưởng nóng trên thị trường bất động sản và chứng khoán; dòng vốn tín dụng chưa đi vào khu vực sản xuất và đổ vào thị trường tài sản gây rủi ro tài chính; hệ thống ngân hàng còn nhiều chỉ tiêu chưa lành mạnh như chất lượng tín dụng giảm và nợ xấu gia tăng; sức ép lạm phát gia tăng... Những rủi ro này có thể tác động ngược trở lại đến khu vực kinh tế thực, ảnh hưởng đến tốc độ và chất lượng tăng trưởng.

Trong khi tăng trưởng có khả năng cao đạt được mục tiêu 6,5% thì mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% của chính phủ khó có khả năng đạt được. Xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu..., cộng thêm chiến tranh Nga - Ukraine leo thang, đã khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, theo đó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát năm 2022.

Cũng theo báo cáo, lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Không những thế, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng, làm gia tăng rủi ro lạm phát; giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đặt ra thêm những thách thức rất lớn đến kinh tế.