HSBC Group có trụ sở tại Anh, cũng được xem là ngân hàng lớn nhất châu Âu và lớn thứ 8 trên thế giới, nhưng đa phần lợi nhuận thu được là từ châu Á, đặc biệt là Hồng Kông.

Gần đây, ngân hàng này đang phải đối mặt với các đề xuất xem xét tái cơ cấu triệt để mang tính chiến lược, tăng cổ tức, và chia tách hoạt động tại châu Á đến từ nhà đầu tư cá nhân Ken Lui (Hồng Kông, Trung Quốc), được đồng thúc đẩy bởi cổ đông lớn nhất châu Á Ping An Group.

Số phận ngân hàng HSBC trước rủi ro chia tách hoạt động tại châu Á
HSBC thu phần lớn lợi nhuận tại thị trường châu Á. (Ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, trong cuộc họp thường niên của HSBC tại Birmingham (Anh) vào thứ Sáu (5/5) vừa qua, khoảng 80% tổng số cổ đông bỏ phiếu phản đối đề xuất của Ping An Group và một số cổ đông lẻ khác về việc chia tách hoạt động tại châu Á, trong khi 19,78% ủng hộ. Với khoảng 50% cử tri đi bầu, cổ phần của Ping An đại diện cho khoảng 18-19% phiếu bầu chống lại ngân hàng, HSBC cho biết trong một tuyên bố.

Chủ tịch HSBC, Mark Tucker, cho biết tổng số cổ đông tham gia bỏ phiếu chiếm khoảng 50% số cổ đông của HSBC. Trên 60% số cổ đông lẻ của HSBC là từ Hồng Kông (Trung Quốc).

Người phát ngôn của Ping An cho biết công ty tôn trọng sự lựa chọn của các cổ đông, nhưng khuyên các nhà quản lý cấp cao của HSBC nên lắng nghe các đề xuất của nhà đầu tư “với tinh thần cởi mở” và thực hiện các bước để tăng giá trị công ty.

John Cronin, nhà phân tích ngân hàng tại Goodbody, cho biết: “Đây là sự phản đối mạnh mẽ từ đa số cổ đông với Ping An là tiếng nói duy nhất thúc đẩy việc chia tách. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ đóng cánh cửa cơ hội với đề xuất này trong một thời gian, mặc dù, trong các điều kiện thị trường khác nhau, chúng ta có thể thấy những áp lực tương tự như vậy bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện trở lại.”

Cổ đông Ken Lui nói với các phóng viên Reuters thông qua một phiên dịch viên sau sự kiện rằng bất chấp thất bại, ông có kế hoạch tiếp tục gây áp lực lên ban quản lý của HSBC. Theo đó, ông sẽ cố gắng huy động cơ sở cổ đông bán lẻ rộng lớn ở Hồng Kông (Trung Quốc) của ngân hàng này để ủng hộ vị trí của ông.

Lui trước đó đã trực tiếp đặt câu hỏi gay gắt với hội đồng quản trị của HSBC tại cuộc họp vừa qua. Chủ tịch HSBC Mark Tucker trả lời rằng, những lời chỉ trích về hoạt động của ngân hàng cho thấy “sự hiểu lầm cơ bản về hoạt động kinh doanh của HSBC.”

Tucker cũng cho biết bất kỳ sự chia tách nào của ngân hàng sẽ làm suy yếu chiến lược toàn cầu và làm giảm doanh thu của ngân hàng, đồng thời lặp lại lập luận rằng quá trình này sẽ rất rủi ro và tốn kém. Trong khi đó, HSBC đã tăng gấp ba lần lợi nhuận trong quý đầu tiên khi lãi suất tăng giúp tăng thu nhập, trả cổ tức hàng quý đầu tiên kể từ năm 2019.

Những cổ đông như Ping An Group, Ken Lui và những người ủng hộ đề xuất chia tách sẽ phải đối mặt với một “trận chiến” khó khăn để giành được 75% số phiếu bầu cần thiết để hiện thực hoá đề xuất nói trên.

Theo Reuters, HSBC đã và đang phải đối mặt với một chiến dịch kéo dài nhiều tháng từ Ping An để thu hồi hoạt động kinh doanh ở châu Á, cũng là nguồn tạo ra phần lớn lợi nhuận của mình, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây.

Ping An đã hai lần yêu cầu chia tách HSBC vào hồi tháng 11/2022 và tháng 4/2023. Đồng thời, Ping An cũng tăng cường các động thái chống lại HSBC, đơn cử như bỏ phiếu chống lại một số nghị quyết khác, bao gồm cả việc bầu lại Chủ tịch Mark Tucker của HSBC, báo cáo lương cho các giám đốc điều hành hàng đầu của tập đoàn.

Đáng chú ý, Ping An Asset Management thuộc Ping An lên tiếng cho rằng HSBC có thái độ “thiếu tích cực” trước các đề xuất chia tách và cho biết ngân hàng này từ chối tham gia các cuộc thảo luận. Trong khi đó, HSBC cho biết đã tiến hành 20 cuộc họp với Ping An.

Mặt khác, các sự kiện của HSBC cũng đang đối mặt với “làn sóng” phản đối mạnh mẽ từ các nhà vận động về bảo vệ khí hậu, môi trường nhằm hạn chế tài trợ cho các công ty và ngành công nghiệp gây ô nhiễm.