Tuyến BRT số 1 có tổng mức đầu tư gần 3.300 tỉ đồng, trong đó, vốn vay ODA của ngân hàng Thế giới hơn 121,2 triệu USD (tương đương hơn 2.849 tỉ đồng) và vốn đối ứng từ ngân sách thành phố hơn gần 423 tỉ đồng.

Toàn tuyến dài 26 km, chạy dọc hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Điểm đầu tuyến tại vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) và điểm cuối tại ga Rạch Chiếc (Thành phố Thủ Đức). Theo kế hoạch, tuyến buýt nhanh đầu tiên ở TP HCM sẽ đưa vào khai thác năm 2024.

Theo phương án trước đây, tuyến BRT số 1 có 42 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) với sức chứa 60 – 72 hành khách.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu và tham vấn chuyên gia, Sở GTVT T PHCM đề xuất UBND TP HCM xem xét chọn xe buýt điện cho tuyến BRT số 1.

TP.HCM đề xuất sử dụng xe buýt điện cho tuyến BRT đầu tiên. Ảnh: Vinfast
TP HCM đề xuất sử dụng xe buýt điện cho tuyến BRT đầu tiên. Ảnh: Vinfast

Giải thích lý do lựa chọn xe buýt điện, Sở GTVT TP HCM cho rằng xe chạy bằng điện phù hợp với mục tiêu, lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng định hướng phát triển, sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe điện trong giai đoạn 2025-2030.

Sở GTVT đánh giá, buýt điện không phát thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường, không gây ồn; vận hành an toàn, ít nguy cơ cháy nổ. Đồng thời, chi phí vận hành, bảo dưỡng tiết kiệm hơn so với các loại xe sử dụng động cơ đốt trong...

Do đó, nếu tuyến BRT đầu tiên sử dụng điện sẽ tạo điểm nhấn khởi đầu cho sự phát triển hiện đại hóa và bền vững với hệ thống vận tải công cộng của TP, làm tiền đề phát triển mô hình này trong tương lai.

Tuy nhiên, Sở GTVT TP HCM cũng cho biết, xe điện có chi phí đầu tư cao hơn ôtô sử dụng dầu diesel, CNG, dẫn đến kinh phí trợ giá khi buýt nhanh vận hành cũng nhiều hơn. Việc xây dựng hệ thống trạm sạc, hạ tầng phục vụ cũng phải thực hiện song song với phát triển xe điện.

Ngoài ra, công tác đấu thầu chọn đơn vị cung cấp xe cùng dịch vụ vận tải cũng gặp khó do hiện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chi phí cho buýt điện.

Để khả thi trong triển khai, Sở GTVT kiến nghị TP HCM giao chủ đầu tư phối hợp các bên nghiên cứu thông số thiết kế xe điện phù hợp với buýt nhanh. Ngành giao thông sẽ xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ cung ứng vận tải hành khách công cộng bằng buýt nhanh để lập dự toán kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng.