Việc thông quan sang Trung Quốc đều đặn trở lại, cùng hoạt động thu mua, chế biến tại các nhà máy sôi động cũng là cơ hội để giá các loại nông sản bật tăng mạnh. Sự tăng giá ghi nhận ở hầu hết các loại nông, thủy sản, đặc biệt rõ rệt nhất là trái cây, có mặt hàng đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.

Ba tuần trở lại đây, giá sầu riêng bật tăng. Tại vùng trồng sầu riêng tỉnh Tiền Giang, giá đã tăng gần gấp đôi khi thông tin thị trường Trung Quốc nhập khẩu trở lại. "Giá sầu riêng lúc trước là 70.000 - 80.000 đồng/kg, hiện lên tới 130.000 - 150.000 đồng/kg. Trong Tết, giá tăng liên tục", anh Nguyễn Văn Thảo, huyện Cai Lậy, Tiền Giang, cho hay.

Trung Quốc là thị trường tiềm năng, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Chính vì vậy, khi thị trường này mở cửa, hầu hết các nông sản Việt đều tăng giá.

"Trước khi có thông tin Trung Quốc mở cửa trở lại, thanh long đã chớm lên rồi. Khi Trung Quốc mở cửa từ ngày 8/1, giá thanh long lên rất cao, tăng gấp ba lần trước đó. Hiện giá thanh long tại vườn là hơn 33.000 đồng/kg", ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, thông tin.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, lượng rau quả xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tăng mạnh. Chỉ trong tháng 1/2023, Chi cục đã làm thủ tục thông quan cho hơn 45.000 tấn rau quả xuất sang Trung Quốc. Tại Lạng Sơn, trong tháng đầu năm mới, trung bình mỗi ngày có khoảng 400 xe hàng thông quan, trong đó 80% là xe chở nông sản, hoa quả, xuất khẩu. Giá trị hàng hoá xuất sang Trung Quốc đạt khoảng 60 triệu USD.

Sầu riêng, thanh long Việt xuất Trung Quốc tăng giá gấp 3 lần. Ảnh: TTXVN
Sầu riêng, thanh long Việt xuất Trung Quốc tăng giá gấp 3 lần. Ảnh: TTXVN

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) - cho biết, năm 2022, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt hơn 1,5 tỷ USD, giảm gần 20% so với năm 2021.

Với nhu cầu rau quả dự báo bùng nổ trong năm 2023, dự báo, xuất khẩu rau quả sang thị trường này tăng ít nhất khoảng 20 - 30%. Đặc biệt, thanh long và sầu riêng có khả năng cán mốc 1 tỷ USD mỗi mặt hàng trong năm nay.

Dù vậy, ông Nguyên cũng khuyến cáo, Trung Quốc hiện đã là thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe nên bà con nông dân, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định thị trường để xuất khẩu suôn sẻ, tránh vi phạm.

Hiện Việt Nam có 5 sản phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức ký kết nghị định thư gồm: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang. Đồng thời, có 7 mặt hàng trái cây xuất khẩu dạng truyền thống được cho phép là: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm và mít.

Việt Nam cũng đang xuất khẩu tạm thời chanh leo và ớt tươi sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường như, bưởi, mãng cầu, dừa, mận, chanh...