Người sử dụng đất không được phép tự ý san lấp mặt bằng đất nông nghiệp.
Người sử dụng đất không được phép tự ý san lấp mặt bằng đất nông nghiệp.

San lấp mặt bằng là gì?

Luật đất đai phân loại đất theo mục đích sử dụng trong đó có hai loại đất chủ yếu là đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp. Đất nông nghiệp được Nhà nước quản lý rất chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải có sự cho phép của Nhà nước.

San lấp mặt bằng là một trong các dạng của hành vi làm biến dạng địa hình. Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2019/NĐ-CP thì hành vi làm biến dạng địa hình là các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề. Đây cũng đồng thời là một trong những hành vi hủy hoại đất trái với pháp luật.

Việc hủy hoại đất là hành vi bị cấm trong quá trình sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đất đai 2013. Cụ thể là trường hợp tự ý san lấp đất ruộng dẫn tới bề mặt ruộng cao hơn hoặc thấp hơn các thửa đất liền kề được xác định là hành vi hủy hoại đất.

Người sử dụng đất không được phép tự ý san lấp mặt bằng đất nông nghiệp

Hành vi san lấp mặt bằng, mua bán hay xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích và bị nghiêm cấm theo Luật Đất đai. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 57 Luật Đất đai năm 2013.

Người dân không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp bằng cách san lấp mặt bằng, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp hay bất cứ hành vi nào khác chuyển mục đích sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước cho phép.

Hình thức xử lý đối với người có hành vi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trái phép

Khoản 25 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định: “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định”.

Hành vi san lấp đất nông nghiệp được là hành vi thay đổi cấu tạo của đất, thay đổi giá trị, công dụng của đất nên có thể bị coi là hành vi hủy hoại đất, sử dụng đất không đúng mục đích. Hành vi hủy hoại đất là hành vi cấm trong luật đất đai 2013, nên sẽ bị xử phạt.

Ngoài xử phạt hành chính, người có hành vi hủy hoại đất còn có thể bị xử lý hình sự theo Điều 228 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.

Người có hành vi chuyển mục đích sử dụng trái phép từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm. Về xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ Điều 9, 10, 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Ví dụ đối với chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp bị xử phạt như sau:

Đối với đất trồng lúa ở nông thôn:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,01 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,01 héc ta đến dưới 0,02 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

g) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

h) Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

Đối với đất trồng lúa ở đô thị thì mức xử phạt gấp đôi mức xử phạt ở nông thôn.

Người nào có hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” theo Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù cao nhất đến 07 năm.