PNJ là gì và chân dung doanh nghiệp kim hoàn duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
PNJ là thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực chế tác và bán lẻ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý.

Tổng quan về PNJ

Thành lập vào năm 1988, trải qua nhiều thập kỷ phát triển, tính đến nay PNJ đã mở rộng 349 cửa hàng kinh doanh tại các tỉnh, thành khác nhau ở Việt Nam. Cùng với đó, PNJ đã mở ra nhiều trung tâm trang sức lớn cùng với các thương hiệu như: PNJSilver, PNJ Gold, CAO FINE Jewelry và Jemma.

Tháng 01/2004, PNJ đã được cổ phần hóa và trở thành Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Năm 2009, cổ phiếu PNJ chính thức niêm yết tại HOSE, PNJ là doanh nghiệp kim hoàn đầu tiên và duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán cho đến nay.

Trải qua 33 năm hình thành và phát triển, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã không ngừng phát triển, trở thành một trong những nhà sản xuất và bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam với những nhãn hiệu nổi tiếng như PNJ Silver, PNJ Gold, CAO FINE Jewelry và Jemma. Không những thế, PNJ còn là đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu trang sức Việt Nam ra thị trường quốc tế.

PNJ là thương hiệu hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực chế tác và bán lẻ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý. Sản phẩm PNJ ngày càng được các nước tại thị trường Châu Á và Châu Âu ưu chuộng.

Công ty PNJP có công suất sản xuất đạt trên 4 triệu sản phẩm/năm, với tổng số lượng nhân viên của công ty ghi nhận tại ngày 31/3/2022 là 6.548 người, PNJ được đánh giá là một trong những nhà máy chế tác nữ trang lớn nhất khu vực Châu Á.

Về cơ cấu tổ chức, công ty có 3 công ty con, trong đó bao gồm: Công ty TNHH Một Thành Viên Thời Trang CAO (CAF), Công ty TNHH Một Thành Viên Giám định PNJ (PNJL), Công ty TNHH Một Thành Viên Chế tác và kinh doanh trang sức PNJ (PNJP).

Ban lãnh đạo PNJ

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị

PNJ là gì và chân dung doanh nghiệp kim hoàn duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị

Bà Cao Thị Ngọc Dung tốt nghiệp Cử nhân Trường Đại học Kinh tế TP.HCM chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp năm 1982. Trong suốt sự nghiệp của mình, bà Dung đã trải qua nhiều vị trí quan trọng ở các công ty.

Từ 1983-1985, bà công tác tại Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Phú Nhuận. Từ 1985-1987, bà làm Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty Nông sản thực phẩm Quận Phú Nhuận.

Sau đó, kể từ năm 1990-2004, bà Dung đã giữ các vị trí lãnh đạo tại các công ty, bao gồm: Giám đốc Trung tâm Tín dụng Phú Gia, Giám đốc Công ty Thương mại Phú Nhuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á, Giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận.

Từ năm 2004 đến 21/04/2018, bà đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận. Sau đó, bà rút lui khỏi cương vị điều hành trực tiếp, chỉ giữ ghế chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận. Tính đến cuối năm 2019, bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn là cá nhân nắm giữa số lượng cổ phiếu lớn nhất, tương đương với 9,02%.

Năm 2016, bà là một trong ba ba phụ nữ Việt Nam trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Tạp chí Forbes.

Ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc

PNJ là gì và chân dung doanh nghiệp kim hoàn duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
Ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc

Ông Lê Trí Thông được xem là người kế nhiệm bà Dung với cương vị Tổng Giám Đốc CTCP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận kể từ năm 2018. Ông tốt nghiệp Cử nhânh ngành Kỹ sư công nghệ hóa học, ĐH Bách Khoa - ĐH quốc gia TP.HCM, sau đó lấy bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Oxford (Vương Quốc Anh).

Một số chức vụ quan trọng mà ông Thông đã đảm nhận trong sự nghiệp bao gồm: trở thành Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần TIE (2007), Chủ tịch Công ty Kiều hối Đông Á (2008 – 2013), Phó TGĐ Ngân hàng TMCP Đông Á (2008 – 2014), Phó TGĐ Tập đoàn The Boston Consulting Group (2014 – 2015), Phó Chủ tịch hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (2015 – nay)….

Đến năm 2017 ông mới bắt đầu sự nghiệp của mình tại CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận với cương vị Phó Chủ tịch HĐQT của công ty này.

Ông Lê Hữu Hạnh - Thành viên Hội đồng quản trị

Tốt nghiệp cử nhân Kỹ sư hóa học - Đại học bách khoa TP.HCM (1989), tiếp sau đó được công nhận là Chuyên gia Kiểm định Kim cương, Đá quý. Từ năm 1992, ông bắt đầu tham gia PNJ với vị trí Giám đốc Chi nhánh PNJ Hà Nội, và gắn bó với tập đoàn cho đến nay với nhiều vị trí khác nhau.

Bà Phạm Thị Mỹ Hạnh - Thành viên Hội đồng quản trị

Bà Hạnh tốt nghiệp Cử nhân Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế TPHCM, Cử nhân Ngữ văn Anh, ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn TP.HCM và sau này là Thạc sĩ quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Bà Hạnh bắt đầu sự nghiệp tại PNJ từ năm 1995 tại vị trí Phó Phòng Nghiên cứu - Tiếp thị. Bà trở thành Phó Tổng giám đốc CTCP Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận vào năm 2012 và chính thức tham gia vào Thành viên HĐQT từ năm 2016.

Các thành viên còn lại trong HĐQT gồm:

  • Bà Phạm Vũ Thanh Giang - Thành viên Hội đồng quản trị
  • Ông Lê Quang Phúc - Thành viên hội đồng quản trị độc lập
  • Bà Huỳnh Thị Xuân Liên - Thành viên hội đồng quản trị độc lập
  • Ông Robert Alan Willett - Thành viên hội đồng quản trị độc lập

Các sản phẩm chính của PNJ là gì?

Những ngành nghề kinh doanh chính của PNJ gồm:

  • Sản xuất kinh doanh trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, phụ kiện thời trang, quà lưu niệm. Kinh doanh đồng hồ và mua bán vàng miếng; và xuất khẩu nữ trang bằng vàng, bạc và đá quý.
  • Dịch vụ kiểm định kim cương, đá quý, kim loại quý
  • Kinh doanh bất động sản
PNJ là gì và chân dung doanh nghiệp kim hoàn duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
PNJ có những dòng sản phẩm trang sức nổi bật

Tầm nhìn kinh doanh của PNJ chính là “doanh nghiệp chế tác và bán lẻ trang sức đứng đầu châu Á, giữ vị trí số 1 trong phân khúc trung và cao cấp nhất tại Việt Nam”. Đi kèm với tầm nhìn kinh doanh chính là giá trị cốt lõi mà PNJ hướng đến là: Chất lượng – Chính trực – Trách nhiệm – Đổi mới – Gắn kết.

PNJ có những dòng sản phẩm nổi bật như bộ quà tặng cho các doanh nghiệp, phụ kiện thời trang, bông tai, dây chuyền, vàng, đá quý, kim cương,… Mỗi sản phẩm của PNJ đều mang đến những thông điệp, ý nghĩa sâu sắc.

Quá trình hình thành và phát triển của PNJ

1988 -1992: Hình thành và xác định chiến lược phát triển

Ngày 28/04/1988, cửa hàng Kinh doanh Vàng bạc Phú Nhuận ra đời, trực thuộc UBND Quận Phú Nhuận trong thời điểm ngành kim hoàn Việt Nam còn non trẻ, chưa phát triển, thị trường còn nhiều hạn chế chính là những thách thức lớn mà 20 con người đầu tiên sáng lập ra PNJ phải vượt qua.

Năm 1992, PNJ chính thức mang tên Công ty Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận sau hai lần đổi tên từ Cửa hàng Kinh doanh Vàng Bạc Phú Nhuận và Công ty Vàng Bạc Mỹ Nghệ Kiều Hối Phú Nhuận, đồng thời xác định chiến lược phát triển là nhà sản xuất kinh doanh trang sức chuyên nghiệp. Tại thời điểm này, PNJ còn mở rộng hoạt động bằng việc sáng lập Ngân hàng Đông Á với tỷ lệ vốn góp 40%.

1993 – 2000: Tăng tốc mở rộng mạng lưới và ngành nghề

Năm 1994, PNJ thành lập Chi nhánh Hà Nội, mở đầu cho chiến lược mở rộng hệ thống tại các tỉnh, thành phố lớn trên toàn quốc về sau như Chi nhánh Đà Nẵng được khai trương năm 1998, Chi nhánh Cần Thơ được khai trương năm 1999, hệ thống phân phối PNJ luôn được mở rộng không ngừng.

Giai đoạn này cũng mang đậm dấu ấn trong công tác xây dựng thương hiệu chuyên nghiệp của PNJ, nữ trang PNJ bắt đầu xuất khẩu. Chỉ sau vài năm từ lúc thành lập, trang sức thương hiệu PNJ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, được người tiêu dùng tin yêu và khẳng định uy tín của mình. Với các danh hiệu và giải thưởng đạt được: Chứng nhận danh hiệu “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, đón nhận Huân chương Lao động Hạng 3, Huân chương Lao động Hạng 2, PNJ còn được tổ chức DNV cấp chứng nhận Hệ thống Quản trị Chất lượng theo tiêu chuẩn ISO.

2001 – 2004: Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và thực hiện cổ phần hoá

Năm 2001, Nhãn hiệu PNJSilver chính thức ra đời đáp ứng nhu cầu làm đẹp cho các bạn trẻ yêu thích trang sức song song với việc tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhãn hàng trang sức vàng PNJ bằng nhiều chương trình tiếp thị gây tiếng vang với sự bảo trợ của Hội đồng vàng thế giới.

Ngày 2/1/2004: PNJ chính thức cổ phần hóa, chuyển đổi từ doanh nghiệp kinh tế Đảng thành Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá Quý Phú Nhuận. Cũng trong thời gian này, PNJ đạt danh hiệu Top 500 Doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương và đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất.

PNJ là gì và chân dung doanh nghiệp kim hoàn duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
Mỗi sản phẩm của PNJ đều mang đến những thông điệp, ý nghĩa sâu sắc.

2005 – 2008: Tái tung thương hiệu và phát triển nhãn hàng cao cấp

Đây là giai đoạn phát triển khá mạnh mẽ của PNJ trên mọi mặt. Đặc biệt là trong công tác phát triển thương hiệu và sản phẩm mới, được đánh dấu bằng các sự kiện PNJSilver tái tung hình ảnh mới. Nhãn hiệu trang sức CAO Fine Jewellery chính thức ra đời. PNJ là nhà tài trợ trang sức và vương miện cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tổ chức tại Việt Nam. Và ngày 3/4/2008, PNJ chính thức công bố thay đổi logo mới nhân kỷ niệm 20 năm thành lập và phát triển với hình ảnh chuyên nghiệp, hiện đại hơn, xứng tầm cho chặng đường mới.

PNJ trở thành một trong 200 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo công bố của UNDP và vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý do Chủ tịch nước trao tặng: Huân chương Độc lập Hạng ba.

Năm 2009: Cổ phiếu PNJ chính thức niêm yết tại HOSE

Tháng 3/2009, cổ phiếu PNJ chính thức niêm yết tại HOSE, tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng.

Tháng 8/2009 thành lập Công ty TNHH MTV Thời trang CAO cùng với việc bổ sung ngành kinh doanh đồng hồ của các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới tại hệ thống PNJ. PNJ cũng là nhà tài trợ trang sức cho cuộc thi Hoa hậu Trái đất năm 2010 được tổ chức tại Việt Nam. Với 142 cửa hàng, PNJ trở thành công ty có hệ thống bán lẻ trang sức lớn nhất Việt Nam.

Năm 2010, PNJ được Chính phủ công nhận là thương hiệu quốc gia, đón nhận giải vàng Chất lượng quốc gia, là 1 trong 3 doanh nghiệp Việt Nam nhận giải thưởng chất lượng châu Á – Thái Bình Dương và được Plimsoll công bố là công ty xếp thứ 16 trong top 500 công ty nữ trang lớn nhất thế giới. PNJ là công ty Việt Nam duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng này.

Tháng 3/2011, PNJ khởi công xây dựng Xí nghiệp Nữ trang PNJ hiện đại nhất Việt Nam, đồng thời không ngừng nâng cấp quy mô hệ thống phân phối, khánh thành các trụ sở và khai trương các trung tâm kim hoàn tại Kiên Giang, Bình Dương, Biên Hòa, Hà Nội….

2012 – 2017: Tái cấu trúc để phát triển trường tồn

Xác định cần phải tái cơ cấu lại chiến lược và bộ máy hoạt động để phát triển trường tồn, năm 2012, PNJ thuê tư vấn nước ngoài để chuẩn hóa hệ thống quản trị theo chuẩn quốc tế. Trước khi mời tư vấn vào, PNJ đã tổ chức những buổi hội thảo để mọi người thấy được sự cần thiết của sự thay đổi. PNJ đã nhận ra những điều chưa tốt đang cản trở phát triển và kết luận phải thay đổi để không tụt hậu.

Ngày 18/10/2012, PNJ đã khánh thành Xí nghiệp nữ trang PNJ sau thời gian gần 18 tháng thi công. Với tổng vốn đầu tư là 120 tỷ đồng, có công suất sản xuất đạt trên 4 triệu sản phẩm/năm, XN Nữ trang PNJ được đánh giá là một trong những xí nghiệp chế tác nữ trang lớn nhất khu vực Châu Á.

Năm 2013 là năm đánh dấu những sư kiện quan trọng trong chiến lược phát triển thương hiệu của PNJ. Ngày 12/1/2013, PNJ đã khánh thành Trung tâm trang sức, kim cương và đồng hồ lớn nhất trên toàn hệ thống tại 52A- 52B Nguyễn Văn Trỗi, Q. Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, được xem là một trong những trung tâm trang sức, kim cương lớn nhất tại thị trường Việt Nam.

Ngày 10/09/2013, PNJSilver đã chính thức tái định vị nhãn hàng, ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, mở ra một “Thế giới Nàng tỏa sáng” với sắc tím thời trang cùng những đột phá trong chiến lược phát triển sản phẩm và thương hiệu. Song song đó, thương hiệu trang sức vàng PNJ công bố thông điệp mới “Tôn vinh giá trị đích thực” với mục đích tôn vinh những giá trị “vàng”, những phẩm chất cao quý của người phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày nay trên nền tảng kế thừa hài hòa với các giá trị truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

Năm 2014, PNJ đã mở hàng loạt TTKH ở các tỉnh thành VN …nâng tổng số cửa hàng bán lẻ trang sức lên đến gần 200 cửa hàng trong toàn quốc.

Kết quả kinh doanh vượt trội của năm 2014 chính là kết quả tái cấu trúc công ty thành công, hướng đến mục tiêu phát triển trường tồn, đưa PNJ trở thành công ty chế tác và bán lẻ trang sức.

Từ năm 2017 – nay: PNJ bước vào thời kỳ mới

PNJ là gì và chân dung doanh nghiệp kim hoàn duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
Năm 2019, PNJ ra mắt cửa hàng flagship thứ hai với không gian mua sắm hiện đại trứ danh mang tên PNJ NEXT tại quận Gò Vấp, TP. HCM

PNJ tiếp tục hoàn thiện “thiết kế” một PNJ linh hoạt - kết nối - cộng tác - tốc độ - phát triển. Quá trình này đã thúc đẩy tối ưu hóa giá thành sản xuất, cơ cấu lại kho hàng hóa, tiến đến nâng tầm năng lực chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã triển khai dự án tăng hiệu quả hoạt động trên nền tảng công nghệ như RMS-mPOS, CDP và các hệ thống theo dõi, phân tích hiệu quả kinh doanh.

Đặc biệt, nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng, PNJ đã hoạch định và phát triển nhân lực thông qua các chương trình phát triển lâu dài, nổi bật như hoạt động xây dựng “Định vị giá trị nhân lực EVP” nhằm xây dựng thương hiệu tuyển dụng chuyên nghiệp, thu hút và giữ chân nhân tài, thúc đẩy các chương trình đào tạo online nhằm tận dụng cơ hội “nâng cấp năng lực” mùa dịch, khai phóng tư duy, sáng tạo từng cá nhân. Do đó, năng suất lao động năm 2021 bật tăng 19% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất kể từ 2017.

Ông Lê Trí Thông - CEO PNJ cho biết: “Trong năm 2021, PNJ không phát triển theo chiều rộng, mà phát triển theo chiều sâu, nhằm tối ưu hóa doanh thu trên từng cửa hàng. Khi thị trường đang co lại, PNJ vẫn tiếp tục tăng trưởng dương. Và khi ra khỏi “đường hầm COVID”, PNJ có được vị thế tốt hơn”.

Trong năm 2022, PNJ đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu thuần 32,2%, tương ứng hơn 25.834 tỷ đồng và lãi ròng tăng trưởng 28,2%, tương ứng hơn 1.319 tỷ đồng, đạt 20% cổ tức.

Ý nghĩa bộ nhận diện thương hiệu

PNJ là gì và chân dung doanh nghiệp kim hoàn duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
Bộ nhận diện thương hiệu của PNJ

Ý nghĩa logo PNJ:

Hội Tụ và Tỏa Sáng

Biểu tượng:

  • Việc thiết kế logo được lấy ý tưởng từ viên kim cương, loại đá quý nhất trong các loại đá quý, là biểu tượng của sự trường tồn và minh bạch.
  • Biểu tượng thiết kế logo của PNJ thể hiện rõ nét rằng các lãnh vực hoạt động của công ty rất đa dạng nhưng đều dựa trên nền tảng là những giá trị cốt lõi đã được xây dựng và không ngừng được củng cố.
  • 5 tia sáng của biểu tượng rất đơn giản, mạnh mẽ nhưng không kém phần mềm mại, uyển chuyển, đặc trưng cho ngành chế tác kim hoàn vốn là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp. 5 tia sáng đó tượng trưng cho 5 nguyên tố ngũ hành, thể hiện sự vận động và phát triển không ngừng của PNJ.
  • PNJ là chữ viết tắt của tên doanh nghiệp, một tài sản vô giá được xây dựng và phát triển trong suốt 20 năm qua.

Màu sắc:

Hai màu chủ đạo là vàng nhũ và xanh dương.

  • Màu vàng nhũ: là màu của kim loại vàng, chất liệu chính trong lãnh vực chế tác trang sức quý. Đó cũng là biểu tượng của sự phồn thịnh, giàu có, mang lại cảm xúc vui tươi và may mắn.
  • Màu xanh dương: là màu của bầu trời, của đại dương và là biểu tượng của niềm tin. Màu xanh dương được xem như là màu của sự hợp tác, thành công và bền vững.

Sự phối hợp giữa vàng nhũ và xanh dương đậm thể hiện tính thời trang, phong cách và một niềm tin vững chắc

Slogan của PNJ:

Niềm Tin và Phong Cách

Vị trí trên trường quốc tế

PNJ là gì và chân dung doanh nghiệp kim hoàn duy nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam
PNJ được vinh danh Nhà sản xuất, chế tác trang sức xuất sắc nhất năm 2021 của JWA
  • Đạt Huân chương Lao động Hạng Nhất năm 2003.
  • Đạt Chứng nhận doanh nghiệp hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO.
  • Đạt Giải thưởng chất lượng châu Á – Thái Bình Dương năm 2010.
  • Đạt Top 500 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2011.
  • Đạt Danh hiệu “Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao” trong 5 năm: 2010, 2012, 2014, 2016, 2017.
  • Đạt thương hiệu quốc gia trong 4 năm: 2010, 2012, 2014, 2016.
  • Đạt Top 100 môi trường làm việc tốt nhất tại Việt Nam vào năm trong 3 năm liên tiếp: 2015, 2016, 2017.
  • Đạt top 10 trong 100 DN phát triển bền vững tại Việt Nam.
  • Đạt Giải thưởng doanh v nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất châu Á năm 2018.
  • Đạt Doanh nghiệp xuất sắc nhất Châu Á – Thái Bình Dương năm 2020.
  • Nhà sản xuất, chế tác trang sức xuất sắc nhất năm 2021 của Jewellery World Awards (JWA)

Tình hình kinh doanh của PNJ từ 2021 đến nay

Năm 2021, PNJ ghi nhận doanh thu thuần đạt 19.593 tỷ đồng, tăng 11,9% và hoàn thành 93,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.030 tỷ đồng, giảm 3,7% so với năm trước đó và mới đạt 84% mục tiêu năm 2021.

Riêng trong quý 4/2021, doanh thu thuần hợp nhất của PNJ đạt 7.099 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 457 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.

Tính riêng tháng 12/2021, doanh thu thuần của PNJ đạt 2.834 tỷ đồng, tăng 29% và lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng, tăng 43,4%.

Về tăng trưởng doanh thu theo từng kênh, trong bối cảnh tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước giảm 3,8% so với năm trước, doanh thu kênh lẻ của PNJ vẫn tăng trưởng 10,5% so với năm 2020.

Doanh thu sỉ cả năm 2021, giảm 5,5% so với cùng kỳ. Doanh thu vàng miếng tăng trưởng 25% năm 2021. Biên lợi nhuận gộp trong tháng 12/2021 đạt 16,6% so với mức 18,1% cùng kỳ 2020. Lũy kế cả năm 2021, biên lợi nhuận gộp đạt 18,2% so với mức 19,6% của năm 2020.

Quý 1 năm 2022, PNJ ghi nhận kết quả kinh doanh rất tích cực. Cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng hơn 40% từ mức nền thấp năm 2021. Hết quý 1/2022, PNJ đã hoàn thành 39% kế hoạch năm của doanh nghiệp.