Chia sẻ với Một Thế Giới về tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2021, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận GDP của thế giới năm 2021 tương đối khả quan, tăng 5,4%. Nhưng năm 2022, nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng GDP của thế giới chỉ tăng khoảng 4%. Ở Mỹ, tăng trưởng GDP tốt nhưng lạm phát lại ở mức rất cao. Lãi suất ở Mỹ cũng sẽ tăng cao và ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ không chỉ của Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

ts-nguyen-tri-hieu.png

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu

GDP của Việt Nam năm 2021 tăng 2,58%. TS Hiếu cho rằng mặc dù GDP vẫn đạt mức tăng trưởng dương nhưng không thể phủ nhận nền kinh tế Việt Nam đã chịu tác động rất mạnh mẽ từ dịch COVID-19 trong quý 2, quý 3 và cả quý 4/2021. Hệ lụy của dịch bệnh khiến người nhiều doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc. Số doanh nghiệp phá sản, đóng cửa là khoảng 120.000 doanh nghiệp năm 2021, tức mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp đóng cửa, ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng bị đứt gãy cả nguồn cung và cầu, bội chi ngân sách cũng rất lớn cho an sinh xã hội, đầu tư công...

Nhìn chung, GDP của Việt Nam tính theo USD là 354 tỉ USD, đứng thứ 41/215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng tính trên đầu người thì GDP của Việt Nam tương đối thấp, chỉ cao hơn Lào và Campuchia.

Năm 2021, mặc dù chịu nước ta "giáng đòn" bởi dịch bệnh nhưng theo ông Hiếu nhận bức tranh kinh tế của Việt Nam vẫn có những điểm sáng như: tình hình lạm phát được kiểm soát, đạt mục tiêu lạm phát năm 2021 dưới 4%; CPI tăng chỉ tăng 1,84%; xuất siêu 4 tỉ USD, thị trường xuất khẩu mở rộng tăng trưởng khá, hàng Việt Nam đã xuất hiện nhiều trên thị trường tiêu dùng thế giới như Mỹ, EU...

Về triển vọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022, TS Nguyễn Trí Hiếu đã có phác họa chung và riêng cho từng lĩnh vực đáng lưu tâm. Cụ thể, vị chuyên gia nhận định, năm 2022 với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như thế này, hệ quả sẽ khiến nền kinh tế thế giới rất bất ổn. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh của Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, Chính phủ và các bộ ngành cần có kế hoạch để thích ứng tốt với dịch bệnh, đặc biệt là các doanh nghiệp cần có chiến lược để sống chung với dịch COVID-19 một cách tốt nhất.

"Với Việt Nam, 2022 sẽ là một năm biến động khó lường. Tôi cho rằng trong các lĩnh vực thì thị trường chứng khoán sẽ là kênh có sức bật mạnh nhất, thu hút vốn, là kênh đầu tư của nhiều người. Khi nền kinh tế khó khăn, người ta đổ tiền vào chứng khoán rất nhiều vì đây vẫn được xem là kênh đầu tư dễ dàng. Đặc biệt, giá chứng khoán cũng sẽ là yếu tố tạo sức bật tiếp tục cho thị trường năm 2022", TS Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS Hiếu cũng lưu ý với thị trường chứng khoán năm 2022, đó là việc Chính phủ Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong năm 2022, một khi Mỹ tăng lãi suất thì giá chứng khoán sẽ bị đẩy xuống, bởi vì giá chứng khoán luôn biến động tỷ lệ nghịch với lãi suất. "Trong năm 2022, tôi dự báo thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chịu tác động bởi động thái tăng lãi suất của Fed. Một khi thị trường lớn như Mỹ bị ảnh hưởng thì thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu tác động", TS Hiếu nói.

Về bất động sản, nhiều dự báo cho rằng thị trường sẽ phục hồi tốt năm 2022. Nhận định này có thể chính xác, nhưng thị trường hồi phục ra sao sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Nếu kiểm soát được dịch bệnh tốt thì thị trường bất động sản sẽ có sức bật tốt vào nửa cuối năm 2022. Ngược lại, nếu dịch bệnh chưa kiểm soát được thì tất cả các phân khúc sẽ bị ảnh hưởng, thị trường sẽ đóng băng và trầm lắng.

Về giá vàng, vị chuyên gia dự báo sẽ tăng trong năm 2022 do lạm phát sẽ tiếp tục tăng cao ở Mỹ. Về tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn duy trì chính sách hạ lãi suất trong năm 2022 để hỗ trợ doanh nghiệp...