Ngày 9/8, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB - Mã chứng khoán OCB) vừa thông báo nhận được đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Đình Tùng, Thành viên Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2020-2025 theo nguyện vọng cá nhân.

Ông Nguyễn Đình Tùng xin từ nhiệm thành viên HĐQT OCB
Ông Nguyễn Đình Tùng xin từ nhiệm thành viên HĐQT OCB

Chia sẻ về quyết định này, ông Tùng cho biết: "Sau khi thôi nhiệm vị trí Tổng Giám đốc ngân hàng để tập trung vào chiến lược phát triển bền vững và mở rộng mạng lưới đối tác lớn của ngân hàng trong vai trò thành viên HĐQT thường trực OCB, tôi cũng đã có kế hoạch riêng, tập trung chuyên sâu vào các dự án số hóa tài chính – một trong những đam mê và tâm huyết mà tôi đã theo đuổi từ rất lâu".

Tuy nhiên nhằm đảm bảo tính minh bạch cũng như đáp ứng các quy định của luật TCTD mới có hiệu lực từ 1/7/2024, ông quyết định đưa đơn từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT, để chuyên tâm vào công việc sắp tới của cá nhân.

Theo thông báo, đơn từ nhiệm của ông Tùng sẽ được Hội đồng quản trị xem xét và trình xin ý kiến tại Đại hội đồng cổ đông gần nhất.

Ông Nguyễn Đình Tùng sinh năm 1971, có trình độ học vấn tốt nghiệp Đại học Thương Nghiệp Hà Nội, chương trình MBA tại Đại học Maastrict Hà Lan.

Ông gia nhập OCB từ tháng 4/2012 và chính thức đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc từ tháng 8/2012. Vào tháng 4/2023, ông Nguyễn Đình Tùng tiếp tục được bầu làm Thành viên Hội đồng Quản trị OCB.

Ông Tùng có trên 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành Tài chính Ngân hàng tại Việt Nam và nước ngoài

Bên cạnh đó, ông từng đảm nhiệm các chức vụ khác như Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam; Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Mekong; Giám đốc Quốc gia của ING Private Banking, Singapore;Giám đốc Vùng, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách khối Khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng TMCP Hàng Hải.

Trước đó, HĐQT OCB đã công bố thông tin về việc bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải giữ chức vụ Tổng Giám đốc OCB từ ngày 16/7/2024 sau hơn 2 tháng đảm nhiệm vai trò Quyền Tổng Giám đốc.

Tổng Giám đốc OCB cho biết sẽ thực hiện 3 mục tiêu trong thời gian tới. Đầu tiên, tiếp tục đưa OCB tăng trưởng và hoạt động hiệu quả trong Top đầu ngân hàng tư nhân tại Việt Nam bằng việc đẩy mạnh số hóa, tự động hóa và đơn giản các quy trình thủ tục nhằm đẩy nhanh tốc độ phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tập trung chiến lược ngân hàng “xanh” vừa giúp tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và cũng đóng góp cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.