Novaland: Nợ phải trả gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu

Vừa qua, Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland - MCK: NVL) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 với thông tin lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 1.045 tỷ đồng.

Cụ thể, trong quý 1/2022, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Novaland đạt hơn 1.956 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi giá vốn, doanh nghiệp còn hơn 719 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Cộng, trừ các khoản doanh thu tài chính, chi phí, Novaland chỉ còn lại hơn 123 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, trong khi cùng kỳ 2021 đạt gần 1.376 tỷ đồng.

Novaland: Nợ phải trả gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu
Lợi nhuận sau thuế của Novaland đạt hơn 1.045 tỷ đồng, tăng 49,1% so với quý 1/2021.

Tuy nhiên trong kỳ, Novaland ghi nhận khoản thu nhập khác lên tới hơn 1.285 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ vỏn vẹn 17 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn đạt hơn 1.045 tỷ đồng, tăng 49,1% so với quý 1/2021.

Theo thuyết minh, phần thu nhập khác chủ yếu là lãi từ giao dịch mua rẻ với ghi nhận 1.270 tỷ đồng. Đó là phần chênh lệch giữa sở hữu của tập đoàn trong giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được cao hơn giá phí khoản đầu tư vào Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley. Theo đó, vào ngày 30/3/2022, Novaland đã hoàn tất việc mua 72,62% lợi ích vốn chủ sở hữu Đà Lạt Valley với giá phí 2.000 tỷ đồng.

Novaland: Nợ phải trả gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu
Nợ phải trả của Novaland tại thời điểm cuối quý 1/2022 cũng tăng hơn 20.000 tỷ đồng (so với 31/12/2021) lên 180.681 tỷ đồng và gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu là hơn 43.451 tỷ đồng (tính đến 31/3/2022).

Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản của Novaland đạt 224.133 tỷ đồng, tăng 22.300 tỷ đồng so với đầu năm. Phần tăng chủ yếu đến từ các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Trong đó, hàng tồn kho ghi nhận gần 120.457 tỷ đồng, tăng 9,4% so với thời điểm 31/12/2021; chủ yếu đến từ việc đẩy mạnh đầu tư phát triển tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City và từ việc nhận chuyển nhượng các dự án mới.

Có tới 94,1% tổng hàng tồn kho (tương đương hơn 113.376 tỷ đồng) là giá trị quỹ đất và chi phí dự án đang xây dựng, phần còn lại là bất động sản đã xây dựng hoàn thành và hàng hóa bất động sản, bất động sản đã hoàn thiện chờ bàn giao cho khách hàng.

Nợ phải trả của Novaland tại thời điểm cuối quý 1/2022 cũng tăng hơn 20.000 tỷ đồng (so với 31/12/2021) lên 180.681 tỷ đồng và gấp hơn 4 lần vốn chủ sở hữu là hơn 43.451 tỷ đồng (tính đến 31/3/2022).

Theo Công ty CP chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội thì tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào doanh nghiệp có thể chi trả cho các hoạt động. Thông thường, nếu hệ số này lớn hơn 1, có nghĩa là tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại thì tài sản của doanh nghiệp được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu.

Về nguyên tắc, hệ số này càng nhỏ, có nghĩa là nợ phải trả chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn thì doanh nghiệp ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Tỷ lệ này càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn.

Tuy nhiên, việc sử dụng nợ cũng có một ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo một tỷ lệ hợp lý nhất.