Từ đầu năm 2022 đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao ở mức kỷ lục. Giá mặt hàng này hiện đang ở mức hơn 16-18 triệu đồng/tấn (tùy loại). Ảnh hưởng từ giá thị trường thế giới, giá phân bón trong nước đã tăng thêm 1.000-1.900 đồng/kg. Đơn cử như giá URE Ninh Bình, Hà Bắc đang ở mức 17,5 triệu đồng/tấn; DAP Lào Cai, Đình Vũ khoảng 22 triệu đồng/tấn, DAP Nga vọt lên ngưỡng 27 triệu đồng/tấn; NPK (tùy theo chủng loại) dao động 16-18 triệu đồng/tấn, Kali các loại dao động 20-22 triệu đồng/tấn...

unnamed-1-1-.jpg

Giá phân bón tăng cao kỷ lục 50 năm qua - Ảnh: HNDNA

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá bán lẻ phân bón đã tăng mạnh trong suốt một tháng qua. Cụ thể, phân DAP tăng mạnh nhất là 8% lên 1.047 USD/tấn. Tiếp đó là phân urê tăng 7% lên 1.017 USD/tấn, phân MAP tăng 6% lên 1.071 USD/tấn...

Chị Nguyễn Thị Xoan ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng. Điều đáng nói là, mặc dù vừa được điều chỉnh tăng trong tuần qua, nhưng đã có thông tin giá phân bón còn tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới, khiến những người nông dân vô cùng lo lắng.

Gia đình chị Xoan có gần 2 mẫu ruộng cấy lúa, chi phí phân bón mỗi vụ vào khoảng 1,7 đến 1,8 triệu đồng. Nhưng hiện tại, giá phân bón đã tăng lên mức cao kỷ lục thì chi phí gia đình chị bỏ ra sẽ phải tăng gấp đôi, lên khoảng 2,7 triệu đồng đến gần 3 triệu đồng mỗi vụ.

Trong khi đó, nhiều cửa hàng, đại lý phân bón cho biết giá phân bón thời gian tới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nguyên nhân tăng cao là do nguồn cung khan hiếm, những ảnh hưởng từ thị trường kinh tế thế giới khiến các nguyên vật liệu đầu vào đều tăng chóng mặt.

"Phân bón tăng cao tiếp tục thời gian tới, chắc nhiều người dân ở khu của tôi phải bỏ ruộng đi làm việc khác để có thêm thu nhập, vì nếu giá biến động tăng cao như hiện nay thì họ làm không có lãi", chị Xoan buồn bã nói.

Giá phân bón tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hàng triệu hộ nông dân, bởi chi phí tăng nhưng giá bán thành phẩm nông nghiệp lại không thể tăng tương ứng.

Để hạ nhiệt giá phân bón thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Kiến nghị này nhằm tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm như hiện nay.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đề nghị áp thuế xuất khẩu phân bón với URE, DAP, MAP nhằm hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước, giảm khó khăn cho nông dân. Đồng thời, kiến nghị kiểm soát xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón để đảm bảo nguồn cung nội địa trong tình hình khan hiếm như hiện nay.

Theo đó, Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.02, 31.03, 31.04, 31.05 tại biểu thuế xuất khẩu, không phân biệt theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản trong sản phẩm phân bón.

Song để thích ứng với mọi hoàn cảnh, lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng các hộ nông dân cần đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ. Đồng thời, tự sản xuất phân bón hữu cơ từ các nguồn phụ phẩm sẵn có; ứng dụng công nghệ để giảm lượng phân bón sử dụng mỗi vụ. Điều này giúp giảm chi phí phân bón trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến tới sản xuất xanh và sạch hơn.