Đánh giá về tác động của Nghị quyết 33 đối với thị trường bất động sản thời gian tới, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 33 cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc quyết tâm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy trở lại sự ổn định, phát triển bền vững cho thị trường bất động sản Việt Nam.

"Sự khác biệt trong quan điểm lần này của Chính phủ được thể hiện ở chỗ, tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm, chung tay cùng tháo gỡ khó khăn; nhà ở là phải có người ở, muốn có người ở phải phát triển sản xuất, dịch vụ, hạ tầng; tháo gỡ khó khăn phải đi đôi với kiểm soát rủi ro; không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, bảo vệ cán bộ làm đúng; hoàn thiện thể chế để thúc đẩy thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...", ông Đính chia sẻ.

Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng một điểm vượt trội nữa của Nghị quyết số 33 lần này là Chính phủ không những chỉ đạo hệ thống quản lý Nhà nước mà còn chỉ đạo các doanh nghiệp bất động sản phải ưu tiên việc thanh toán nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu.

"Với tinh thần rõ ràng, dứt khoát, chỉ đạo đúng, đủ những vấn đề đang gây khó khăn cho thị trường bất động sản của Nghị quyết 33, chúng tôi tin tưởng những vướng mắc, điểm nghẽn của thị trường sẽ sớm được khơi thông, thị trường sẽ sớm hồi phục, ổn định và phát triển trở lại", ông Đính nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu gỡ khó cho người mua nhà, doanh nghiệp bất động sản

Nghị quyết 33 chỉ rõ những bất cập của thị trường bất động sản hiện nay. Ảnh minh họa

Quan điểm và mục tiêu của Chính phủ đã bám sát thực trạng những vấn đề tạo ra khó khăn, vướng mắc, lệch lạc của thị trường hiện tại, từ đó giao nhiệm vụ đến từng bộ, ngành liên quan với những nhóm vấn đề sát thực tiễn, cụ thể:

Thứ nhất, phải hoàn thiện và ban hành các nhóm nghị định để kịp tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển đang chờ đợi được phê duyệt, xử lý.

Thứ hai, xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp để tháo gỡ những điểm nghẽn và tạo cơ sở thuận lợi cho việc phát triển nhà ở xã hội.

Thứ ba là vấn đề liên quan đến nguồn vốn, trong đó có hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tạo vốn, giảm áp lực cho hệ thống tín dụng ngân hàng.

Thứ tư là trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể cho chính quyền địa phương.

Cuối cùng, cũng là một sự khác biệt, là thông tin, truyền thông. Chính phủ chỉ đạo phải đẩy mạnh truyền thông, giám sát truyền thông, không để thông tin thiếu chính xác gây hiểu lầm và tác động tâm lý tiêu cực; công bố, công khai, minh bạch thông tin.