eMagazine
Nhọc nhằn ngày trở lại Hà Nội của những lao động tự do

10:50 | 28/11/2021

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, những ngày qua nhiệt độ Hà Nội xuống thấp, ban đêm có lúc nhiệt độ thực tế ngoài trời xuống tới dưới 15 độ C nhưng H. và em trai chỉ có thể tìm ống cống nơi vắng vẻ để ngủ.
a

phía bên kia ánh đèn chung cư ấm áp

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, những ngày qua nhiệt độ Hà Nội xuống thấp, ban đêm có lúc nhiệt độ thực tế ngoài trời xuống tới dưới 15 độ C.

Trong đêm rét lạnh ấy, Nguyễn Hữu H. (SN 2003, quê Thanh Hoá) cùng em trai ruột sinh năm 2004 ngủ trong một ống cống trên bãi đất trống cạnh bến xe Mỹ Đình, cùng nhau đôt một đống lửa để xua đi cái sương giá.

Lên Hà Nội mưu sinh được 2 năm, Nguyễn Hữu H. làm đủ mọi nghề từ bảo vệ chung cư, phục vụ bồi bàn đến quán karaoke nhưng dịch bệnh ập đến, H. mất việc đành về quê.

“Khoảng 10 ngày trước em về thăm nhà, cãi nhau với bố nên em cùng em trai ra Hà Nội. Chỗ cũ người ta đủ người làm rồi, tiền thì hết nên đành ra ống cống sống tạm", H. cho biết.

Nguyễn Hữu H. sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc sống ở quê nhà chật vật nên mẹ H. đi xuất khẩu lao động kiếm tiền trang trải cuộc sống. H. học hết lớp 9 thì nghỉ học, cậu em trai thì hết lớp 7.

“Biết cái chữ thôi bọn em chẳng đi học. Nghỉ học là em đi làm luôn, thằng em cũng thế. Mẹ đi nước ngoài làm được đồng nào thì gửi tiền về cho bố xây nhà. Ở quê cái nhà cũng xây xong rồi nhưng nợ nần chồng chất, bọn em muốn đi làm kiếm tiền phụ giúp bố mẹ ở quê.

“Em chẳng hợp bố, bố hay uống rượu nên khi ở nhà mẹ cũng hay cãi vã với bố lắm. Chúng em đi kiếm tiền giúp gia đình, chỉ thương mẹ vì mẹ đi nước ngoài khổ ai ngờ lại rơi vào cảnh không có việc làm”, H. tâm sự.

"lạnh chịu được, chỉ mong trời đừng mưa"


Trở lại Hà Nội, Hữu H. với em trai vỏn vẹn có vài trăm nghìn và một chiếc điện thoại cũ mèm. Sau những ngày không có việc làm thì 2 tiền cũng tiêu gần hết.

“Trước đây em từng ra đây hóng mát nên biết mấy cái ống cống này, không có chỗ ngủ đành ra đây trú tạm chứ không biết đi đâu nữa.

Em ngủ ở đây mấy hôm thì dậy cũng mất luôn cái điện thoại, tiền trong đó còn vài trăm nghìn cũng không rút được ra nữa. Ai cho sắn ăn sắn, cho khoai ăn khoai sống qua ngày thôi”, Hữu H. nói.

Dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2021 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý III năm 2021 là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%). Điều này khác với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

Theo Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm Quý III và 9 tháng năm 2021 - Tổng cục Thống kê

a

Không còn tiền, chẳng còn điện thoại, Hữu H. cùng em trai trắng tay chẳng còn gì nơi đất khách quê người.

Ai cho gì ăn nấy. Mấy ngày không có chỗ tắm rửa, sinh hoạt, hai anh em rủ nhau ra một khu dân cư gần đó xin tắm nhờ.

Được mấy ngày thì có thêm anh bạn sinh năm 1999 cũng ra ở cùng vì chung cảnh không có việc làm. Một đêm, đang ngồi đốt lửa sưởi ấm thì lại có người đàn ông trung niên lạnh co ro cũng đến xin ở cùng, vậy là cái nắp cống nhỏ xíu có 4 người tá túc.

a

“Bọn em chẳng có gì để mất nên cũng ở cùng luôn, cũng không sợ. Em mới tắm hôm kia rồi, phải đi tắm nhờ chứ không có chỗ tắm rửa.

Mấy hôm trước thì bọn em có một cái chăn mỏng thôi, trải xuống dưới để nằm lên tránh lạnh rồi dùng áo đắp qua người. Giờ có người cho thêm một cái chăn để đắp. Hôm qua cũng có người đến bảo giới thiệu việc làm cho bọn em, cũng chưa rõ thế nào phải đến đó mới biết, nhưng nếu có việc làm thì mừng lắm”, H. nói.

H. cùng em trai đều chỉ mong ước có một việc làm để trang trải cuộc sống cho bản thân và phụ giúp lo cho gia đình ở quê nhà.

“Ở đây đêm ngủ say thì không biết gì, sáng dậy là thấy vết muỗi đốt kín người, gãi chân tay như khỉ ấy. Trời lạnh thì bọn em còn chịu được nhưng chỉ mong trời đừng mưa, cái nắp cống này sao mà che mưa được”, H. nghẹn lại.

Dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỷ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III năm 2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi[2] quý III năm 2021 là hơn 1,8 triệu người, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước và tăng 620,0 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý III năm 2021 là 4,46%, tăng 1,86 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,74 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%). Điều này khác với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

- Theo Tổng cục Thống kê

lao động di cư tự do khó nhận trợ cấp, vất vả tìm việc làm

Ngày 1/11/2021, Hà Nội chuyển từ cấp độ 1 (bình thường mới, đánh giá ngày 19/10) lên cấp độ 2 (nguy cơ trung bình).

Ngay lập tức, thành phố áp dụng thay đổi một số biện pháp phòng chống dịch. Cụ thể: nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ, không quá 50% công suất chỗ ngồi, đảm bảo giãn cách, chủ nhà hàng và nhân viên được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; đóng cửa nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trước 21h hằng ngày.

Hà Nội tiếp tục ngừng hoạt động vũ trường, karaoke, massage, quán bar, trò chơi điện tử.

Mới tiếp cận vùng an toàn bình thường mới một thời gian ngắn, tình hình dịch tại Hà Nội đã quay trở lại vùng nguy cơ trung bình khiến các ngành nghề dịch vụ trên địa bàn Thủ đô "nghe ngóng" và hoạt động "cầm chừng", không dám tuyển thêm lao động.

Trong khi mảng kinh doạch dịch vụ ăn uống, nhà hàng, vũ trường, karaoke, quán bar... lại "hấp thụ" phần lớn lao động phổ thông tự do ở quê ra.

Sau khi Hà Nội hết giãn cách, chị Loan (SN 1987, quê Hải Hậu, Nam Định) và hai bạn nữ cùng quê đã trở lại Hà Nội làm việc. Chị cùng hai người bạn đã tìm việc gần 1 tháng nay mà chưa có việc trong khi số tiền còn lại ngày càng ít đi. 1 tuần qua, ba người chỉ ăn mỳ tôm.

Nguyễn Hữu H. hay chị Loan là hai trường hợp trong hàng nghìn lao động tự do đang tìm việc làm tại Hà Nội.

a
Ông Nguyễn Quốc Bằng (SN 1972) mở một cửa hàng sửa chữa xe máy, xe đạp hơn 10 năm qua tại đường Trần Quý Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội. Trước khi dịch bùng phát, cửa hàng của ông có khoảng 3 - 4 nhân viên. Sau khi Hà Nội giãn cách xã hội, ông phải cho 2 nhân viên nghỉ việc và đóng cửa hàng.

Theo Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, lao động tự do được hỗ trợ là người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Luật Việc làm (người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc), làm việc trong các ngành nghề bị mất việc làm do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố.

Đến 26/10, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện chính sách của Trung ương, của TP. Hà Nội và huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí 3.029,795 tỷ đồng.

a

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Thành phố, tính đến nay, Hà Nội đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 8/8 nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết 15/NQ-HĐND; các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ 289.853 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là 298,808 tỷ đồng (đã tổ chức chi trả cho 289.111 đối tượng với kinh phí 297,636 tỷ đồng).

Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã trích kinh phí 89,274 tỷ đồng từ nguồn ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 quyết định hỗ trợ cho 175.117 người khó khăn (bao gồm cả một số người nước ngoài khó khăn đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội). Trong đó, đã thực hiện hỗ trợ được 105.977 người khó khăn với số tiền 54,7 tỷ đồng.

Thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021, các tổ chức chính trị, xã hội Thành phố và một số quận, huyện, thị xã cũng đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và của các nhà hảo tâm để cùng chung sức hỗ trợ cho 1,06 triệu lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống với số tiền 305,45 tỷ đồng.

Ngân hàng chính sách xã hội Thành phố đã thực hiện cho 9.604 lao động vay vốn với số tiền 463,06 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch. Đối tượng vay vốn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người mù và các người lao động gặp khó khăn do COVID-19 có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh....

Thực tế, dù sự hỗ trợ này thực sự quý giá trong thời điểm đại dịch Covid-19 nhưng có lẽ Hà Nội cần có những chính sách tốt hơn nữa để đảm bảo an sinh xã hội khi bước vào thời kỳ bình thường mới.

Cơ hội việc làm sau dịch vẫn còn khó khăn

Số liệu công bố cho thấy, tính riêng quý III/2021 vừa qua, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 như mất việc làm, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi dịch COVID-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 24 - 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động bị ảnh hưởng.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là trong quý III, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động lên đến hơn 1,7 triệu người (tăng 532 nghìn người so với quý trước và tăng gần 445 nghìn người so với cùng kỳ năm trước). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III năm 2021 là 3,98%, tăng 1,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,25 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,60 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

a

Trong khi đó, quý II/2020 đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây thì thu nhập bình quân tháng của lao động quý III/2021 chỉ là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2021, hầu hết ngành kinh tế đều ghi nhận mức sụt giảm thu nhập bình quân của người lao động so với quý trước. Người lao động làm việc trong khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng thu nhập nặng nề với mức bình quân tháng là 6,2 triệu đồng (giảm 1 triệu đồng so với quý trước).

Lao động ngành vận tải, kho bãi có thu nhập bình quân giảm 20,3%, tương ứng giảm 1,6 triệu đồng, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống có thu nhập bình quân giảm 21,2%, tương ứng giảm 1,2 triệu đồng so với quý trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vốn là khu vực có nhiều yếu tố khởi sắc và ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định về thu nhập bình quân người lao động trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, đến quý III năm 2021, thu nhập bình quân của người lao động chỉ là 3,4 triệu đồng (giảm 340 nghìn đồng, tương ứng giảm 9,2% so với quý trước).

“Diễn biến phức tạp của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 đã làm số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây, đồng thời đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến, vượt xa con số 2% như thường thấy ở mức 3,98% là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây”, ông Nam cho biết.

Bình thường mới - hướng đi nào cho người lao động?

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho biết, khả năng phục hồi của thị trường lao động sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh, công tác tiêm vaccine cho người dân và hiệu quả của các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế. Với kịch bản thành phố nới lỏng một số hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh quan trọng trong trạng thái bình thường mới, thì tình trạng thiếu việc làm sẽ được cải thiện.

“Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, Trung tâm dịch vụ việc làm luôn chuẩn bị các biện pháp ứng phó với các tình huống dịch bệnh diễn ra để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp phục hồi vượt qua dịch bệnh. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp xây dựng phương án hỗ trợ người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, khai báo thông tin tìm kiếm việc làm dưới hình thức gián tiếp. Quan trọng nhất là dự báo kịp thời về tình hình lao động việc làm trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh, để có phương án kết nối cung cầu phù hợp với bối cảnh”, ông Thành cho biết.

a

Theo đánh giá của Cục Việc làm - Bộ LĐTB&XH, thị trường lao động tiềm ẩn nguy cơ có tính dài hạn cả về cung và cầu lao động. Để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, ổn định thị trường lao động, Cục đã xây dựng 2 nhóm giải pháp trọng yếu.

Thứ nhất là nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch.

Theo đó, cần đẩy nhanh tốc độ đàm phán, nhập và tổ chức tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Ưu tiên tiêm vaccine cho lao động ngoại tỉnh tại các thành phố lớn để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội.

Cục Việc làm cũng cho rằng, cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí… hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng…

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ đảm bảo đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch, cũng như sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

a

Cục Việc làm cũng đề nghị các địa phương có người lao động làm việc tại các tỉnh, thành phố phía Nam chủ động phối hợp với các tỉnh cùng chăm lo và có chính sách hỗ trợ cho người lao động của địa phương mình yên tâm ở lại làm việc, thay vì chỉ lên phương án đón người lao động về quê, dẫn đến đứt gãy nguồn nhân lực khi các tỉnh này kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thứ hai là các giải pháp để làm cơ sở phục hồi sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Theo đó, cần có các chương trình, chính sách khuyến khích thanh niên và lao động trẻ, đặc biệt là những người không có việc làm, tích cực học tập nâng cao trình độ để sẵn sàng chủ động gia nhập thị trường lao động với hành trang là các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong thời đại kỷ nguyên số 4.0, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, các đơn vị cần tổ chức nắm chắc nguồn lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở… để đưa lao động tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sản xuất; nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung-cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung cầu lao động cục bộ.

Nguyệt Đàm

Đồ họa: Phương Uyên

https://tieudung.thuonghieusanpham.vn/nhoc-nhan-ngay-tro-lai-ha-noi-cua-nhung-lao-dong-tu-do-26785.html

https://tieudung.thuonghieusanpham.vn/nhoc-nhan-ngay-tro-lai-ha-noi-cua-nhung-lao-dong-tu-do-26785.html