Theo dõi thông tin Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xin nhập 37 toa tàu cũ có tuổi đời khoảng 40 năm của Nhật Bản, chuyên gia logistics - GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, đây là bài toán hiệu quả và an toàn mà ngành đường sắt phải tính.

Phân tích cụ thể, ông Đào cho rằng, việc VNR xin nhập các toa tàu cũ của Nhật không thuần túy phụ thuộc vào việc có phù hợp với quy định hiện hành hay không, mà vấn đề là 37 toa tàu tuổi đời 40 năm ấy thực tế sử dụng, khai thác thế nào. Có những thiết bị, phương tiện sản xuất ra được sử dụng rất ít, sau đó bị thải loại trong quá trình đổi mới, thay thế.

Từ đó dẫn tới việc "mua của người chán, bán cho người cần", nhưng trường hợp này phía Nhật Bản không bán mà tặng.

"Ngành đường sắt đương nhiên phải tính toán bài toán hiệu quả, an toàn. Nếu như 37 toa tàu đó vẫn bảo đảm an toàn, chất lượng tốt thì hoán cải cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam là rất tốt. Có cơ hội thì chúng ta nên cố gắng tận dụng", GS.TS Đặng Đình Đào nói, và lưu ý ở đây phía Nhật Bản "cho không, biếu không". Việc còn lại là xây dựng phương án hoán cải cho phù hợp.

"Nếu chi phí nhập khẩu, hoán cải quá lớn, gần xấp xỉ với mua mới thì đương nhiên là không thể chấp nhận được. Nhưng lãnh đạo ngành đường sắt cho biết họ đã tính toán tổng chi phí hết khoảng 140 tỷ đồng. Trong đó, hơn 40 tỷ là chi phí vận chuyển, 80 tỷ để thực hiện hoán cải toa xe, còn lại là các chi phí khác như: đăng kiểm, tư vấn, dự phòng... Sau hoán cải, các toa xe này có thể khai thác 15 năm nữa, còn thời gian hoàn vốn mất khoảng 7 năm.

Trong khi đó, nếu nhập toa xe mới cùng chủng loại sẽ mất khoảng 30 tỷ/toa, nghĩa là nếu nhập 37 toa sẽ mất khoảng 1.100 tỷ đồng.

Nhập toa tàu cũ Nhật: Ngẫm công nghiệp đường sắt Việt Nam
37 toa tàu DMU Kiha 40 và Kiha 48 của Nhật Bản được sản xuất từ những năm 1979-1982 nhưng vẫn khai thác chạy tàu tốt. Ảnh: Báo Giao thông

Như vậy, so sánh giữa chi phí nhập mới với chi phí hoán cải, rõ ràng việc nhập toa xe cũ về khai thác là có hiệu quả kinh tế. Ấy là chưa kể đóng mới chưa chắc đã tốt nếu không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tình trạng phổ biến ở Việt Nam là khi xây dựng, trình dự án đổi mới thiết bị, việc kiểm soát chi và định mức thường bị đẩy lên.

Cho nên, nếu việc nhập khẩu 37 toa tàu cũ được làm một cách đàng hoàng, khoa học, rõ ràng thì đó cũng là một phương án hợp lý. Ở thời điểm này, khi ngành đường sắt gặp khó khăn về nguồn vốn mà có cơ hội thì nên tận dụng, tất nhiên phải tính toán kỹ", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển phân tích.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, ngành đường sắt có 2 cơ sở sửa chữa, đóng toa xe lớn là Xe lửa Gia Lâm (miền Bắc) và Xe lửa Dĩ An (miền Nam). Tuy nhiên, để đóng toa xe mới thì trước hết cần vốn lớn, thứ hai nó có liên quan đến năng lực sản xuất và tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Công nghiệp đường sắt Việt Nam là cơ khí gia công, về mẫu mã, chất lượng sản phẩm không thể bằng các nước, nếu không muốn nói là tụt hậu.

Đơn cử như Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, vốn là niềm tự hào của ngành đường sắt, đã từng trải qua thời vàng son những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, đến nay nhà máy này chủ yếu chỉ đại tu các phương tiện cũ, hệ thống máy móc thiết bị lạc hậu, chậm đổi mới, nguồn vốn hạn hẹp...

"Tôi thường xuyên đi tàu hỏa. Vào buổi tối, khi ánh đèn chiếu vào các toa tàu mà Việt Nam đóng, nhìn nó không khác gì bức tường do thợ xây mới tập tô trát, nham nhở, lồi lõm. Tương tự, từ cửa đến giường trên tàu cũng vậy. Nhà máy của chúng ta gia công cơ khí đơn giản nhưng rõ ràng tay nghề còn thua kém các nước, chưa nói đến chất lượng cũng còn kém xa", GS.TS Đặng Đình Đào chia sẻ.

Cho nên, ủng hộ ngành đường sắt nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật, GS Đào cũng đề nghị cần có đơn vị thẩm định phương án nhập khẩu, hoán cải để xác định số tiền 140 tỷ đồng bỏ ra có xác đáng không, có thể thấp hơn nữa được không.

"Sợ nhất là chi phí một, nhưng lại bị đẩy lên hai, ba, rồi bị xà xẻo. Cho nên, phải xem xét, tính toán kỹ càng", vị chuyên gia lưu ý.

Liên quan đến việc nhập khẩu 37 toa tàu cũ của Nhật Bản, báo PLVN dẫn lời ông Lê Hoàng Tùng, Trưởng phòng Đường sắt, Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa nhận được hồ sơ. Tuy nhiên, nếu những toa xe ấy đã qua 40 năm sử dụng thì quy định hiện hành không cho phép nhập khẩu.

Đại diện Cục Đăng kiểm cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan vấn đề này vẫn còn hiệu lực, nhưng nếu VNR đề xuất với Chính phủ thì cần có những hướng dẫn cụ thể để Cục căn cứ vào đó làm việc.

Hiện nay, theo quy định pháp luật hiện hành, không thể nhập và cấp chứng nhận đăng kiểm cho những toa tàu chở khách nước ngoài đã qua sử dụng trên 10 năm. Còn việc các toa xe của Nhật Bản còn tốt hay không sau khoảng 40 năm sử dụng thì chưa thể vội đánh giá, cần có sự kiểm tra thì mới đánh giá được có còn tốt hay không.