Nhà ở xã hội cho công nhân: Cần có cơ chế để không phải qua "cò"
Công nhân lao động có mức thu nhập 8,5-12 triệu đồng/tháng, rất khó có thể mua nhà ở xã hội. Ảnh minh hoạ: M.Hương

Công nhân cần được mua nhà trực tiếp từ chủ đầu tư

Ông Nguyễn Thế Quyết cho hay, khi đầu tư nhà ở xã hội cho người lao động thì người lao động sẽ an cư tại Bắc Ninh. Khi đó, tỉ lệ nhà ở xã hội tương ứng với tỉ lệ trường học đáp ứng cho con công nhân lao động khi an cư ở Bắc Ninh.

Theo ông Quyết, một căn hộ nhà ở xã hội có giá từ 750 triệu đồng đến 1,2 tỉ đồng, trong khi đó, người lao động có mức thu nhập 8,5-12 triệu đồng/tháng, rất khó có thể mua nhà. Do vậy, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ giảm giá thành nhà ở xã hội.

Ông Quyết cũng cho rằng, khi xây dựng nhà ở xã hội, cần phải có cơ chế tạo điều kiện để công nhân lao động tiếp cận được với chủ đầu tư, không phải qua “cò”. Bởi, khi thông qua “cò” thì sẽ phát sinh về tiền, công nhân lao động phải bỏ thêm chi phí. Hơn nữa, khi không được tiếp cận trực tiếp chủ đầu tư thì người lao động rất khó tiếp cận được vốn vay với lãi suất ưu đãi.

“Những dự án nhà ở xã hội phải thực sự dành cho đối tượng là công nhân lao động. Cùng với việc xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, cần quy hoạch khu trung tâm thương mại, khu nhà trẻ mẫu giáo, công viên văn hoá phục vụ cho công nhân lao động" - ông Quyết nói.

Theo thống kê của Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, hiện trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh có 330.000 người lao động, trong đó 73-75% là lao động ngoại tỉnh. Trong số lao động ngoại tỉnh, khoảng 40% có nhu cầu về nhà ở.

Chưa dám mơ đến nhà ở xã hội

Công việc quá bận rộn, hơn nữa, điều kiện thu nhập chưa cho phép, nên chị Nguyễn Thị Lan (42 tuổi, công nhân tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) vẫn chưa có thời gian đi tìm hiểu các dự án nhà ở xã hội tại Bắc Ninh. Chị Lan muốn ở nhà chung cư vì cảm thấy sạch sẽ, an ninh an toàn.

Tuy nhiên, tổng thu nhập hiện tại của chị là 6-7 triệu đồng/tháng; tháng nào tăng ca cả thứ 7, chủ nhật thì được 8 triệu đồng/tháng, chỉ đủ để trang trải cho cuộc sống. Do đó, chị chưa dám mơ đến chung cư, dù chỉ là nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp.

Nữ công nhân và 3 con hiện ở cùng nhà với mẹ chồng tại xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ. Chồng chị mất cách đây 2 năm, nên gánh nặng cuộc sống ngày càng đè nặng lên chị. 10 năm gắn bó với công ty, lương cơ bản của chị mới chỉ dừng lại ở 4.920.000 đồng/tháng; các khoản phụ cấp cộng lại chỉ được khoảng 820.000 đồng/tháng.

Vì vậy, muốn tăng thu nhập, chị buộc phải làm thêm. Thu nhập thấp, nhưng chị không biết phải chuyển đi đâu, vì đã đứng tuổi, khó xin việc vào công ty khác.

Chị Lan dự định, khi các con lớn hơn, chị sẽ dành dụm để có thể mua nhà. “Khi đó, tôi mong được mua giá gốc của công ty, không phải mua qua trung gian, bởi khi đó, giá sẽ bị đẩy cao hơn. Tôi cũng mong được vay với lãi suất ưu đãi để có thể mua nhà. Nếu chỉ phải trả 3-4 triệu đồng/tháng cả gốc lẫn lãi, tôi có thể lo được” - chị Lan chia sẻ.

Hiện tại, chị Lan phải đi làm xa bằng xe máy, mỗi chiều 17km, rất vất vả, nên chị càng mong sớm có căn nhà chung cư ở gần công ty cho tiện đi lại.

Quê ở Lạng Sơn, chị Chung Thị Lan làm công nhân ở Khu công nghiệp Tiên Phong, Bắc Ninh gần 10 năm. Trước đây, cả 2 vợ chồng chị thuê trọ gần với nơi làm, nhưng nay chỉ còn mình chị ở lại. Chị Lan cho biết, nhiều năm làm công nhân, chị và chồng cũng tích cóp được một khoản tiền, 2 vợ chồng dự tính tìm mua nhà ở xã hội rồi đưa 2 con từ quê cùng sinh sống.

"Nhưng dự định đó đến nay vẫn chưa thực hiện được. Lý do chính vì giá nhà ở thấp nhất cũng 700 triệu đồng. Do vậy, tôi cố gắng làm thêm vài năm nữa rồi cũng về quê" - chị Lan chia sẻ.