Theo nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Medicine ngày 20/2, một người đàn ông đến từ thành phố Duesseldorf (Đức) là trường hợp thứ 3 trên thế giới âm tính trở lại với virus HIV gây bệnh AIDS, nhờ biện pháp cấy ghép tế bào gốc để điều trị bệnh bạch cầu.

Bệnh nhân 53 tuổi bị chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2008 và mắc bệnh bạch cầu tủy cấp tính vào năm 2011. Căn bệnh này là một dạng ung thư máu đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Vào năm 2013, người này đã được cấy ghép tủy xương bằng cách sử dụng tế bào gốc từ một người hiến tặng là nữ giới, có đột biến gene CCR5 hiếm gặp - được chứng minh có khả năng ngăn chặn HIV xâm nhập vào tế bào.

Bệnh nhân này sau đó đã ngừng điều trị bằng thuốc kháng HIV vào năm 2018. Các xét nghiệm được thực hiện 4 năm sau đó đều không tìm thấy dấu vết của HIV trong cơ thể của người đàn ông này.

Lý giải về ca chữa trị thành công trên, một trong các tác giả của nghiên cứu - ông Asier Saez-Cirion thuộc Viện Pasteur của Pháp, cho biết trong quá trình cấy ghép, "các tế bào miễn dịch của bệnh nhân được thay thế hoàn toàn bằng các tế bào của người hiến tặng, khiến cho phần lớn các tế bào bị nhiễm bệnh có thể biến mất."

Mặc dù giới khoa học đã tìm cách chữa trị cho người nhiễm HIV từ lâu, nhưng phương pháp cấy ghép tủy xương trong những trường hợp này khá khó khăn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên chỉ phù hợp với một số ít bệnh nhân. Bên cạnh đó, việc tìm được một người hiến tủy xương có đột biến CCR5 hiếm gặp cũng có thể là thách thức lớn.

Các tế bào bị nhiễm HIV. Nguồn: Science Source
Các tế bào bị nhiễm HIV. Nguồn: Science Source

Ông Saez-Cirion cho rằng đây là trường hợp đặc biệt khi hội đủ các yếu tố phù hợp để ca cấy ghép diễn ra hiệu quả, giúp chữa trị thành công cả bệnh bạch cầu và HIV.

Nghiên cứu cho biết qua "trường hợp chữa khỏi virus HIV-1" thứ 3 này, giới nghiên cứu đã có thêm "những hiểu biết sâu sắc có giá trị với tiềm năng xây dựng liệu pháp trị HIV".

Timothy Ray Brown, bệnh nhân đầu tiên được công bố khỏi HIV, cũng được cấy ghép tế bào giống như Bệnh nhân Düsseldorf vào năm 2007 để điều trị bệnh bạch cầu. Năm ngoái, các nhà khoa học cũng đã công bố về việc một phụ nữ được chữa khỏi HIV nhờ phương pháp kể trên.

Ngoài ra còn có hai trường hợp tự khỏi HIV khác, được cho là xảy ra khi hệ thống miễn dịch của hai bệnh nhân này tự loại trừ virus mà không cần điều trị. Đây là một hiện tượng hiếm gặp mà các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể giải thích đầy đủ.

Mặc dù những phát hiện của nghiên cứu này hứa hẹn cho việc điều trị HIV trong tương lai, nhưng các nhà nghiên cứu lưu ý rằng phương pháp cấy ghép tế bào gốc này là một quy trình rủi ro cao, đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp nên không khó ứng dụng rộng rãi. Trong quá trình điều trị như vậy, hệ thống miễn dịch của bệnh nhân về cơ bản đã bị phá hủy và được thay thế thông qua cấy ghép.

Và tế bào đột biến có khả năng chống HIV là rất hiếm, chỉ được phát hiện ở một tỷ lệ nhỏ người gốc Bắc Âu.

HIV được biết đến là một trong những loại virus truyền nhiễm "cứng đầu" nhất thế giới. Phần lớn các phương pháp chữa trị đều bị vô hiệu hóa trước loại virus này. Trước năm 1996, việc bị nhiễm HIV được xem là bản án tử hình đối với mỗi bệnh nhân.

Mặc dù nhiều loại thuốc mới đã được sản xuất nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm hoặc tiêu diệt virus ở ngưỡng mức thấp, cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp chữa trị thực sự hiệu quả nào giống như cấy ghép tế bào gốc.