Trong quá trình điều trị, nữ bệnh nhân cho biết, chị đã đến một spa để nâng ngực với lời quảng cáo áp dụng phương pháp sóng xung kích. Tại đây, các nhân viên tư vấn đây là phương pháp độc quyền, không đau, không xâm lấn, chỉ sau 60 phút sẽ cải thiện bộ ngực, chi phí 80 triệu đồng.

Những người này tư vấn cho bệnh nhân về nguyên lý, sóng xung kích từ trường sẽ kích thích các mô mỡ ngực phát triển, sau một lần có thể thay đổi kích thước ngực đến 60-70%; sau 15-18 ngày đạt 80-90%.

Tuy nhiên, trong khi thực hiện, bệnh nhân phát hiện nhân viên spa tiêm chất lạ vào ngực của chị, không đúng với quảng cáo "không xâm lấn". Sau 5 phút, ngực người phụ nữ nhô hẳn lên, biến dạng, đau đớn, bóp ra chất lỏng sệt, được nhân viên nói rằng "đó là thuốc tê pha nước muối". Nghi ngờ spa làm ăn khuất tất, chị đến viện khám lại.

Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân nói trên, bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện E cho biết, khi siêu âm cho người phụ nữ đã phát hiện hình ảnh tụ dịch dưới tổ chức vú trái, rải rác lan tỏa, sờ thấy các khối lổn nhổn mô vú. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến dạng ngực do tiêm chất lỏng (nghi là chất làm đầy), nguy cơ hỏng ngực nếu không điều trị kịp thời.

Ngay lập tức, ê kíp đã thực hiện hút dịch lỏng, kết hợp dùng kháng sinh, giảm viêm, nhưng tiên lượng các khối chất lỏng không thể lấy hết, phải theo dõi và điều trị lâu dài.

Theo bác sĩ Minh, hiện chưa có nghiên cứu khoa học khẳng định hiệu quả của phương pháp nâng ngực bằng sóng xung kích. Sóng xung kích là những sóng kích thích các dây dẫn thần kinh, thường dùng trong bệnh lý tim mạch có tắc nghẽn thần kinh.

"Đặc biệt, không một biện pháp nâng ngực nào có thể làm tăng thể tích được ngay trong lần đầu như quảng cáo tại spa trên. Điều này hoàn toàn vô lý", ông Minh nhấn mạnh.

Bác sĩ Minh khám cho người bệnh, sáng 7/4. Ảnh: VNE
Bác sĩ Minh khám cho người bệnh, sáng 7/4. Ảnh: Vnexpress

Đây không phải là lần đầu tiên có những trường hợp gặp nguy hiểm tới tính mạng do tiêm chất lạ vào các bộ phận trên cơ thể, đặc biệt là vùng ngực.

Mới đây nhất vào tháng 9/2022, Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM) cho biết, các bác sĩ nơi đây vừa phẫu thuật cho một bệnh nhân bị biến chứng nặng nề sau thời gian dài đi nâng ngực dạo.

Bệnh nhân là chị Quyên (44 tuổi, tên đã thay đổi). Khai thác bệnh sử, 22 năm trước bệnh nhân được người nhà dẫn đi tiêm chất làm đầy không rõ nguồn gốc để nâng ngực tại một địa điểm gần nhà ở Đồng Tháp.

Sau tiêm, suốt thời gian dài bệnh nhân không thấy đau nhức gì. Tuy nhiên gần đây, ngực có dấu hiệu căng nhiều và biến dạng. Đặc biệt, vùng ngực bên trái sưng nề lên đến nách, bằng mắt thường có thể nhìn rõ. Lo sợ có vấn đề về sức khỏe, bệnh nhân quyết định từ quê lên TP HCM cầu cứu.

Tại bệnh viện, qua khám kiểm tra toàn diện, chụp CT-scan dựng hình vùng ngực, các bác sĩ thấy ngực bệnh nhân đã bị biến dạng nặng, có chất lạ len lỏi bên trong. Ca phẫu thuật xử lý biến chứng nhanh chóng được tiến hành. Quá trình mở ngực, ê-kíp điều trị phát hiện bên trong có chất làm đầy không rõ loại, hình dạng như chè kê với nhiều hạt li ti, xâm lấn hết toàn bộ nhu mô tuyến vú và lan lên đến hõm nách trái.

Ca mổ kéo dài 6 tiếng đồng hồ, các bác sĩ phải cẩn thận lấy hết các khối chất làm đầy, cắt sạch bao xơ, cầm máu kỹ cho bệnh nhân. Sau khi "dị vật" được lấy ra hết, ngực chị Quyên lại xẹp xuống và chảy xệ nhiều. Lúc này, các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật thu gọn phần da và mô mềm còn lại để đảm bảo tính thẩm mỹ.

Hậu phẫu, tình trạng bệnh nhân ổn, vết thương diễn tiến lành tốt. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được theo dõi, chăm sóc khoảng 1 tuần.

Ngoài trường hợp nêu trên, Bệnh viện Trưng Vương từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp biến chứng nặng vì tiêm silicon lỏng nâng ngực. Đáng chú ý, dù silicon lỏng đã bị nghiêm cấm sử dụng để bơm vào người từ những năm 1990 của thế kỷ trước tại Mỹ cũng như trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, tình trạng bơm silicon lỏng vẫn tràn lan.

Theo các chuyên gia, silicon khi bơm vào có thể sẽ gây vón cục, hay tạo ra nhiều khối áp xe tại vùng bơm, có thể gây nhiễm trùng, hoại tử tại vùng tiêm. Đã có những trường hợp bệnh nhân tử vong do thuyên tắc mạch máu phổi, một trong những biến chứng nguy hiểm khi tiêm silicon lỏng.

Ngoài ra về lâu dài, tiêm silicon nâng ngực sẽ làm da bị chảy xệ, biến dạng, một số trường hợp thậm chí có thể gây nên hiện tượng "cao su hóa" da và tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Do đó, các bác sĩ khuyên mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ nên tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ trước khi tiến hành làm đẹp. Tránh đến các cơ sở thẩm mỹ không an toàn (không có kiểm định chất lượng, sử dụng vật liệu không an toàn, con người không đảm bảo) nếu không muốn tự hủy hoại cơ thể và sức khỏe.