Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
Nghị quyết 68 vừa được Bộ Chính trị ban hành mang nhiều nội dung quan trọng, tạo động lực lớn cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của nghị quyết này là việc Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
Theo Nghị quyết 68, tiếp cận vốn hiện vẫn là trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp tư nhân. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa xây dựng được niềm tin vững chắc để tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng, trong khi năng lực quản trị, đổi mới công nghệ và sáng tạo vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại hiện tượng đầu tư ngắn hạn, chạy theo lợi nhuận trước mắt, thậm chí có vi phạm pháp luật.
Trước thực trạng đó, nghị quyết đưa ra loạt giải pháp nhằm tháo gỡ nút thắt về vốn. Trong đó, một phần nguồn tín dụng thương mại sẽ được ưu tiên cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhằm đầu tư vào máy móc, thiết bị, công nghệ mới, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tín dụng xuất khẩu và tín dụng chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, các tổ chức tài chính, tín dụng được khuyến khích cho vay dựa trên phương án sản xuất kinh doanh, kế hoạch mở rộng thị trường, dựa trên dữ liệu, dòng tiền, chuỗi giá trị, thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp hữu hình. Tài sản đảm bảo có thể bao gồm cả động sản, tài sản vô hình, tài sản hình thành trong tương lai, hoặc thậm chí cho vay tín chấp.
Đặc biệt, nghị quyết nhấn mạnh việc phát triển tín dụng xanh. Nhà nước sẽ có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp triển khai các dự án xanh, áp dụng tiêu chuẩn ESG, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và có trách nhiệm.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghị quyết cũng yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa, minh bạch hóa và số hóa các thủ tục. Ngoài ra, Bộ Chính trị yêu cầu bổ sung chức năng đầu tư của quỹ này vào các quỹ đầu tư địa phương, quỹ đầu tư tư nhân, nhằm tăng thêm nguồn cung vốn, tài trợ vốn mồi cho dự án khởi nghiệp, và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Một điểm đáng chú ý khác là việc xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình cho vay ngang hàng, sàn gọi vốn cộng đồng, giúp kết nối trực tiếp các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhà tài trợ vốn. Đồng thời, cần kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa ngân hàng, cơ quan thuế và các cơ quan liên quan, nhằm nâng cao khả năng đánh giá tín nhiệm và chấm điểm tín dụng của doanh nghiệp.
Để quản lý chặt chẽ hơn, nghị quyết yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cấp tín dụng, kiểm soát cho vay nội bộ, đồng thời hoàn thiện chính sách thuế, tạo thuận lợi cho các quỹ đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp.
Bên cạnh vấn đề vốn, nghị quyết cũng dành sự quan tâm lớn đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghị quyết xác định đây là chiến lược then chốt giúp khu vực tư nhân nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh và dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn. Theo đó, nghị quyết khuyến khích ban hành sandbox cho các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp sẽ được khuyến khích nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, công nghệ tài chính, y tế thông minh.
Đặc biệt, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) sẽ được tính vào chi phí chịu thuế của doanh nghiệp ở mức 200% so với chi phí thực tế. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hỗ trợ chi phí đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững và tuần hoàn, thông qua cơ chế khấu trừ thuế hoặc tài trợ từ các quỹ.
Doanh nghiệp có thể trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Quỹ này có thể được sử dụng để tự triển khai nghiên cứu hoặc đặt hàng nghiên cứu bên ngoài. Doanh nghiệp cũng được phép sử dụng phòng thí nghiệm, phòng thử nghiệm, trung tâm đo lường, kiểm định của Nhà nước với mức phí hợp lý để phát triển sản phẩm.
Một số ưu đãi khác được nghị quyết đề xuất bao gồm miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo, công ty quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cũng được miễn thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, các chuyên gia, nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp, trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo cũng sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập cá nhân.
Nhà nước sẽ ưu tiên nguồn lực để phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, chuyển giao công nghệ. Đây được xem là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mà Việt Nam đang hướng tới.
Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, khu vực kinh tế tư nhân được kỳ vọng sẽ trở thành một trụ cột quan trọng của tăng trưởng. Việc tháo gỡ nút thắt về vốn, kết hợp thúc đẩy khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, chính là bước đi mang tính nền tảng, giúp khu vực kinh tế tư nhân bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
© thitruongbiz.vn